Rong chơi với một chữ Tình (XXII) - Bệnh viện ký sự 8/





Đây là lần đầu tiên y vào viện. Và đương nhiên, y sợ bệnh viện, sợ phải nằm viện đến mức nào. Nhớ là, hôm bác sĩ phòng khám bút phê y phải nhập viện điều trị nội trú, y đã nằng nặc đòi ngoại trú, với lý do bệnh nhẹ, nhưng thực lòng, y ngại, đúng ra là sợ bệnh viện.
Vậy mà, sau 12 ngày nội trú, bác sĩ điều trị thăm bệnh và phán rằng, y phải xuất viện, với lý do, bệnh của y, mười phần đã bớt bảy, đã có phác đồ điều trị rõ ràng, vả lại, theo nội quy, một đợt điều trị nội trú ở đây, nếu không có gì đặc biệt, chỉ đúng 12 ngày là phải xuất viện. Cứ theo vậy, có nghĩa là y phải xuất viện ngay, bệnh viện tuyến dưới sẽ chữa trị nốt phần còn lại. Thực lòng, y sợ nằm viện lắm rồi, nhưng ngực y vẫn còn đó cái ống dẫn lưu và mỗi ngày, dịch từ ổ ép-xe vẫn ra chút chút, giờ chuyển bệnh viện tuyến sau nào đó, y vẫn phải mang theo cái cục nợ ấy, rồi biết đâu, lại chiếu chụp lại từ đầu thì phiến toái, rầy ra lắm. Đơn giản, bởi ở cái xứ ta, chẳng hiểu sao, bệnh viện này, không thèm công nhận kết quả chiếu chụp, chẩn đoán bệnh và phác đồ điều trị của bệnh viện kia. Đâu đã hết, có thể lại nội trú, lại người nhà phục vụ, thôi thì cả tá thứ lôi thôi theo cùng... Nghĩ thế, y nằn nì, cô bác sĩ điều trị bảo, là bác sĩ trưởng khoa chỉ thị vậy, có gì cứ thử trình bày với trưởng khoa xem vị ấy quyết định thế nào. Chẳng hiểu, bộ dạng y ra sao, cải bản mặt y nhăn nhó, thực thà thế nào, mà vị trưởng khoa đồng ý cho y thêm 2 ngày nữa, đủ để truyền đủ phác đồ truyền thuốc 2 tuần (14 ngày). Thế rồi, qua 2 ngày thêm lại là nghỉ cuối tuần, vậy là y yên tâm đợi đến đầu tuần sau chờ phán xét, cứ như “ngày phán xử cuối cùng” ấy. May ra, lúc đó, có thể người ta sẽ rút cái vòi bạch tuộc từ ngực y ra cũng nên.


Có một chuyện, y thấy cũng không nên bỏ qua, ấy là bệnh nhân mới nhận phòng, thay vào giường bệnh 55, nơi bà mẹ bị tai biến của T nằm trước đó. Đấy cũng là một bà già ngoài bảy chục tuổi. Bà này đau khớp chân, nhưng cái miệng lại rất khỏe mạnh. Mỗi khi, người nhà đỡ bà ta ngồi dậy, hoặc xê dịch cái chân của bà thì bà oai oái kêu đau, rồi rền rĩ và lầu bầu mãi. Người bệnh đau và kêu thì rõ rồi, nhưng người lành đi chăm bệnh cũng sung sướng gì đâu, chẳng tới mức “giường cứt chiếu đái” thì cũng lăn lộn khuân bê, tất tưởi thuốc men, cơm cháo, lúc đêm hôm thì thức canh cho người bệnh ngủ, chỉ tranh thủ nằm ghé, hoặc trải chiếu xuống nền nhà chợp mắt được chăng hay chớ cho lại sức mà thôi. Nghĩ cũng cực cho họ lắm. Vậy nên, người bệnh cũng phải nghĩ cho họ, biết thương họ chứ. Đằng này, bà già cứ yêu sách này nọ, như hành tội người nhà đi theo, lúc ngủ im thì thôi, còn không, chốc chốc lại léo nhéo này nọ đủ kiểu. Tôi nghe, cũng thấy sốt ruột, thấy ái ngại cho những người nhà của bà ta. Thưởng là, chăm bệnh ban đêm cho bà này, có cô con gái, đứa cháu gái đang là sinh viên ngoại ngữ, và ông chồng già của bà. Đứa cháu gái thì thức khuya, chát chít cheo chéo cả đêm khiến mọi người khó ngủ, còn ông chồng già thì mồm sặc mùi rượu, nói năng lung tung theo kiểu nát rượu, đến nỗi bà vợ chốc chốc phải lên tiếng nhắc nhở, cảnh báo ông ta chớ nói nhăng nói cuội “kẻo công an họ gô cổ cho đấy”. Anh con trai của bà này, kiểu người nhanh nhẹn và hay chuyện, chỉ chăm bệnh ban ngày. Hỏi ra, họ dân Hưng Yên, cùng quê gốc với y.
Là người cùng quê, nên anh này càng hay chuyện. Có lần, ngồi hóng gió hành lang ban công lúc chiều muộn, chỉ có hai người với nhau, anh này bắt chuyện với y, rồi dần dà cụ tỉ bao nhiêu là chuyện. Nhà họ có dăm anh chị em, nhưng mỗi anh ta la trai, nên thành trưởng. Bố mẹ anh ta ở riêng, hai ông bà chăm nhau. Các con gom góp thêm để phụng dưỡng cha mẹ già. Hình như, họ không hợp với cô con dâu, nên anh chàng này cũng bị cha mẹ ghét lây. Cứ theo anh ta, tiếng thế, nhưng tất cả các việc lớn nhỏ, nhà anh ta phải cáng đáng là chính, trong khi các cụ thì,”cụ bà lắm điều, cụ ông nát rượu”, rồi động tý là rêu rao với hàng xóm láng giếng “chúng tôi không thèm nhờ vả gì vọ chồng chúng nó”. Chàng ta than thở với y “Ông ạ, các cụ nhà cháu vậy đấy. Thôi thì nhà cháu, vợ chồng khuyên bảo nhau, con cái đâu có quyền chọn cha mẹ, các cụ có thế nào đi chăng nữa thì vẫn là cha mẹ mình. Mình ăn ở, hiếu đễ thế nào, thì họ hàng, làng xóm người ta biết, ông giời cũng biết cả ... Bà cháu bệnh thế này, truyền đạm, truyền thuốc, toàn nhà cháu lo cả. Các chị em gái cháu, tiếng thế, cũng chỉ trông giúp dăm buổi vậy thôi... Chưa biết đến lúc xuất viện ra sao, hiện giờ, nhà cháu đóng tiền tạm ứng viện phí đã hơn ba chục triệu rồi đấy... Cả một đống tiền”...
Chàng ta thở dài. Y cũng chỉ biết vài câu an ủi, động viên mà thôi...

( còn nữa )

Nhận xét