Rong chơi với một chữ Tình (XXIII) - Bệnh viện ký sự 9/



9.
Y có một tuần trước khi xuất viện, trong yên lặng, là bởi vợ chồng Q-Th và bác H đều xuất viện cùng một ngày. Bác H, sau khi siêu âm và thử máu kiểm tra, căn bệnh ép-xe khớp vai trái của bác ấy cơ bản đã hết viêm, còn việc bác ấy có quyết định thay ở khớp đã từng được thay từ 20 năm trước sau một tai nạn xe máy ở cửa ga Hàng Cỏ, bằng một khớp mới với chất liệu tiên tiến hay không là quyền ở bác H. Song cứ như tâm sự của bác ấy với y thì “Thôi, tớ đã 76 tuổi rồi ... chỉ cần không bị viêm là ổn”. Còn Th, vợ của Q, còn mấy xét nghiệm chưa có kết quả, thì cũng không thể nằm đây mà chờ được, bởi mỗi ngày trôi qua là cả triệu bạc trôi theo, trong khi lợn gà, vườn tược ở nhà bề bộn ra đáy. Cứ xuất viện đã, kết quả xét nghiệm thế nào, bác sĩ của khoa sẽ thông báo qua điện thoại. Nếu may mắn, theo lịch hẹn tái khám, vào trung tuần tháng sau (tháng 4), họ sẽ lại nhập viện để truyền sinh học lần thứ 9. Bác H thì có bà vợ già và cậu con trai út từ quê lên, kịp bắt xe về Thái Bình trong ngày. Còn vợ chồng nhà Q thì đến điểm đón xe tuyết lên Điện Biên, chạy thông đêm, rạng sáng hôm sau về đến nhà. Buổi tối hôm ấy, y cẩn thận gọi điện biết bác H đã về đến nhà, còn vợ chồng nhà Q đã đón được xe, y mới yên tâm. Có gì đó buồn buồn thiêu thiếu, Chẳng gì, y cũng chuyện trò và khá thân quý họ trong nửa tháng qua. Nhìn hai cái giường 53B và 57 của họ, được lấp ngay bằng những bệnh nhân mới, y cứ bâng khuâng làm sao, phần vì nhớ họ, phần vì nghĩ đến mình, không biết hôm nào được ra. Y chỉ biết hết cắm mặt vào chiếc smartphone G.Note 3 cũ kỹ, lại ngếch mắt lên màn hình tivi, ơn trời, từ chiều ấy, bà con có cái mà xem, vì bỗng nhiên sau nửa táng đứng hình nó lên hình bình thường và léo nhéo suốt nếu quên tắt, mặc dù chẳng ai chữa ...
Vẫn còn nhiều chuyện, nhưng thôi, cứ xem đây là phần Vĩ thanh của thiên ký sự này, bởi nói dai thành nhạt trò... Những câu chuyện, những thân phận, tâm tư... y kể ra đây, mới chỉ là những điều mắt thấy tai nghe ở một phòng bệnh cụ thể của một khoa bệnh thôi, nhìn rộng ra, thì còn bao điều để bàn....



Trước hết, về sự quá tải ở bệnh viện, người ta đã tốn bao công sức, giấy mực để bàn rồi, y chỉ chiêm nghiệm rút ra vài điều như sau. Xưa nay, cái chợ vốn được xem như một thiết chế văn hóa của xã hội nói, giờ đây, có thể mở rộng khái niệm này, từ chợ cóc, chợ truyền thống, siêu thị đến thị trường nói chung. Tóm lại, đây là cái nơi để người ta mua bán hàng hóa, và bao giờ cũng đông đúc. Đông như đi chợ mà. Cùng với cái chợ, đông đúc không kém, ấy là lễ hội. Và lễ hội ngày nay, cũng xem như cái chợ, chợ mua bán tinh thần, “buôn thần bán thánh” mà. Tôn giáo, tín ngưỡng đều bị thương mại hóa tuốt. Giờ thêm nữa, đông đúc như đi bệnh viện. Cái này, hẳn chỉ có ở xứ ta thôi. Người ta cứ kêu ca, người dân, ngành y tế, cơ quan quản lý nói chung, rằng tại sao người bệnh không điều trị ở các cơ sở y tế tuyến dưới mà lại đổ về hết các bệnh viện trung ương, cứ như vậy, hởi làm sao không quá tải cơ chứ? Xin thưa, cơ sở y tế tuyến dưới, lấy đâu ra các trang thiết bị y tế hiện đại đắt tiền; kể cả khi có được các thiết bị y tế hiện đại, thì lấy đâu ra y bác sĩ giỏi; và khi không có đồng bộ 2 yếu tố này, thì càng không có yếu tố thứ 3, ấy là niềm tin của người bệnh; thôi thì, gặp ca nào khó một chút, cứ kính chuyển lên tuyến trên cho nó lành, kẻo không, ngộ nhỡ làm sao, người nhà bệnh nhân họ đập cho toi mạng; còn người bệnh thì mang tâm lý, đằng nào cũng mất tiền, có đắt hơn chăng nữa, nhưng cho nó chắc, cho yên tâm... Vậy đấy!
Từ sự quá tải, sẽ lập tức gây hiệu ứng sang tâm lý và chất lượng chữa trị của nhân viên ngành y. Không có gì nằm ngoài nguyên lý cung-cầu. Một khi, cầu lớn hơn cung (>), bên cung sẽ có điều kiện áp đặt ý muốn chủ quan của mình. Và đây, chính là những yếu tố của thị trường chứ đâu. Không phải ngẫu nhiên, mà những câu chuyện nảy sinh trong ngành y như, nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng, sự phiền nhiễu của nhân viên y tế, sự lợi dụng nhằm trục lợi trong bảo hiểm y tế, việc tăng giá trong khám chữa bệnh vè dịch vụ y tế; còn phía người bệnh là sự mất lòng tin vào ngành y dẫn đến tâm lý đưa tiền lót tay, hoặc căm tức mà trút giận vào nhân viên y tế khi xảy ra sự cố, tai biến y khoa v.v...
Như vậy, từ một thời, người dân và cả xã hội nói chung, coi nghề y như một nghề cao quý cứu người với sự tôn kính mặc định đạo đức, xuống thấp thành bình thường, thành thị trường, thậm chí là nơi kiếm ăn, trục lợi, làm giàu bất chính... Vâng, nói như vậy, có thể là quá, bởi số đông thầy thuốc, ngành y vẫn giữ được phẩm chất tốt, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, song than ôi, người xưa dạy rồi mà “con sâu bỏ dầu nồi canh” là thế. Đã nói là nghề, thì nghề gì cũng có nguyên lý nghề, đạo đức nghề của nó cơ mà. Xin ví dụ, mở rộng, như nghề mãi dâm (bán dâm, xin lỗi, chưa được công nhận là nghề ở xứ ta) cũng có đạo đức nghề cả đấy. Rồi nữa, nghề giáo, một nghề cao quý như nghề y xưa nay, cũng đã thành thị trường cả rồi, lại xin lỗi, giờ đây đang có nhiệu việc lộn xộn, nhưng không phải là mất đi hẳn sự cao quý, tôn kính, mất đi đạo đức nghề, mà chỉ là sự suy giảm... Thêm nữa, nghề văn chương, nghệ thuật, báo chí, xưa nay vốn được khoác lên mình xứ mệnh cao cả là thông tin sự thật, truyền bá văn hóa tư tưởng, truyền bá mỹ cảm về cái đẹp,... thì nay, cũng thị trường cả rồi; tiếp tục xin lỗi, và không thiếu gì tiêu cực, không thiếu kẻ bồi bút...
Viện dẫn vậy, là để chia sẻ với nghề y và ngành y tế mà thôi...
Xin kết thúc thiên phóng sự này, bằng một bài thơ có tên “Chợ đau”. Đây là một trong số mấy bài thơ mà y sáng tác trong thời gian ngót ba tuần nằm bệnh viện, là để tự xoa dịu mình, tự kỷ ám thị cho bớt nỗi đau nhức thân thể, bớt sự lo lắng trong lòng và nỗi sợ tinh thần:
Như là chợ, bày những đau
Nén trào nước mắt nhìn nhau gượng cười
Đau tâm nhức thể, người ơi
Cái đau thừa ứ, đầy vơi nỗi lòng...
Xin dành tặng bài thơ và những dòng viết này cho nhưng nhân vật được kể trong thiên phóng sự!

Ps: Tôi và vợ chồng Q-Th vẫn giữ liên lạc qua điện thoại với nhau. Theo hẹn của Bệnh viện, trung tuần tháng 4, hai vợ chồng họ sẽ lại về Hà Nội, khám lại để nhập viện truyền dịch sinh học chữa viêm khớp lần thứ 9. Hôm họ về, tôi điện thoại hỏi thăm, thì Q cho biết là đang gặp một vài trở ngại. Ấy là, còn một xét nghiệm nữa, nhưng họ quên không mang theo giấy hẹn, nên cũng không lấy được kết quả; thêm nũa, mấy cô bác sĩ quen mặt, quen bệnh với minh thì người đã chuyển sang làm việc ở khoa khác, người lại đi học chuyên khoa, thế là chẳng biết bấu víu vào đâu. Bác sĩ ở phòng khám trực, kê đơn uống thuốc và lại hẹn, khi nào hết lịch trình thuốc uống, về khám lại, lúc ấy mới quyết định có tiếp tục truyền dịch sinh học hay không. Thế là dự định mời vợ chồng Q-Th thăm nhà, dùng bữa của y không thành. Theo lời hứa, vợ chồng họ tự tay làm bột nghệ từ sản phẩm vườn nhà theo đơn đặt hàng của vợ y. Hàn huyên chốc lát, họ lại ngược xe đêm về Điện Biên.
Lại chờ một cái hẹn sau...
Trong khi vợ chồng Q-Th vẫn chờ một cái hẹn, thì mới đây, y có chuyến đi Táy bắc, và như vậy, y có cơ hội thực hiện lời hứa thăm gia đình họ ở Tuần Giáo. Sau khi thăm địa danh Mường Phăng nổi tiếng, y cùng mấy bạn đồng nghiệp ghé thăm và ăn bữa cơm gia đình ấm cúng với vợ chồng họ. Nhìn nhà cửa khang trang, vườn tược và chuồng nuôi gia cầm đầy đủ, y mừng cho họ. Hàn huyên nhiều chuyện, dù mới chia tay nhau ở bệnh viện chưa đầy hai tháng mà đã như ngày xưa. Quan trọng là Th có vẻ khỏe hơn, dáng vẻ nhanh nhẹ, đi lại và làm việc nhà bình thường... 

Xem như đây là câu chuyện có hậu cho thiên ký sự này...
                                            

Nhận xét