Thăm Hòn Đất, nhớ chị Sứ,


         


         Địa danh này, tôi đã biết từ hồi còn đi học. Là biết trên giấy tờ qua văn học thôi.  Ngày ấy, chiến tranh phân miền Bắc-Nam đang ở thời kỳ ác liệt. Phần lớn thế hệ thanh niên, học sinh chúng tôi, ai cũng biết đến tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức, tức Bùi Đức Ái. Tác phẩm nổi tiếng bởi mang chủ đề về đấu tranh giải phóng đất nước và được đưa vào sách giáo khoa văn học giảng dạy trong nhà trường.
          Những nhân vật chính là chị Sứ, anh Hai Thép, thằng Xăm, mẹ con Cà Sợi, Cà Mị thì ai cũng nhớ. Để viết tiểu thuyết này, nhà văn Anh Đức đã lấy cảm hứng và nguyên mẫu từ thực tế cuộc đấu tranh chống Mỹ Ngụy của người dân vùng Hòn Đất, Kiên Giang, vùng đất An Giang, quê hương của nhà văn, và rộng ra là cả miền Tây Nam Bộ ở vào thời kỳ chiến tranh đặc biệt, đầu những năm sáu mươi của thế kỷ 20.
          Cách đây gần ba chục năm, khi vào công tác tại huyện Tri Tôn, An Giang, tôi đã có đôi lần sang Hà Tiên theo đường thủy, từ kinh Tám Ngàn, thông sang Kiên Lương, đi ngang qua Hòn Đất, song vẫn chưa một lần ghé thăm khu Ba Hòn. Sống và làm việc ở Tri Tôn khá lâu, tôi nhiều lần đi công tác đến xã Lương Phi, vốn là quê hương anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng, nguyên mẫu để nhà văn Anh Đức xây dựng nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết Hòn Đất của mình. Rồi tôi cũng nghe mọi người nói rằng, ông Sáu Mì, tên đầy đủ là Phan Văn Mì, khi ấy đương chức Phó bí thư huyện ủy Tri Tôn là em trai  ruột chị Phan Thị Ràng. Và cùng với đó, còn có nhiều những câu chuyện truyền miệng trong dân gian về cuộc đời hoạt động cách mạng của chị Sứ, tức Phan Thị Ràng.
          Vào dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ năm 2013, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Hòn Đất. Khu mộ và nhà tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Phan Thị Ràng nằm ngay dưới chân Hòn Me. Tôi và những đồng nghiệp của mình vào thắp hương thăm viếng.
          Trên mộ chí chị Phan Thị Ràng có bia ghi :
          "Phan Thị Ràng sinh năm 1937, quê quán xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Năm 1950, chị bắt đầu tham gia cách mạng. Năm 1958, chị được giao công tác trinh sát tại xã Xà Tón (thuộc An Giang), sau chuyển về xã Trí Đạo thuộc chi khu Kiên Giang, phụ trách thanh vận, giao liên. Năm 1960, chị bị bắt trên đường làm nhiệm vụ. Dù bị tra tấn, chị vẫn một lòng trung kiên với cách mạng và đã hy sinh khi vừa bước sang tuổi 25 (1962).
Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Phan Thị Ràng được nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu” Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”...


          Không gian của khu tưởng niệm này thật lý tưởng, ngay dưới chân Hòn Me, tựa lưng vào núi, hóng gió biển. Cùng với khu mộ, nhà bia anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng, còn có khóm tượng đá lớn, biểu tượng cho khí thế vùng lên đấu tranh và đức hy sinh lớn lao vì sự nghiệp thống nhất đất nước của quân và dân Hòn Đất, Kiên Giang ...
          Tôi cùng với các đồng nghiệp, thắp hương tưởng nhớ trước mộ chị Sứ. Giây phút ngắn ngủi thôi, mà biết bao hình ảnh, chi tiết về chị Sứ và cuộc đấu tranh của nhân dân Hòn Đất được diễn tả trong cuốn tiểu thuyết của Anh Đức ngày nào, sống dậy từ ký ức... Ai đó, nhắc nhỏ với nhau về một vài chi tiết trong cuốn tiểu thuyết Hòn Đất...
Những năm tháng đó, những nhân vật văn học có nguyên mẫu từ cuộc đời thật như anh Núp, anh Trỗi, chị Sứ, chị Út Tịch... đã tiếp lửa cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có sức mạnh tinh thần lớn lao, cổ vũ ý chí cho toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Ấy là sức mạnh của con người, kết hợp với sức mạnh của văn học...
Trên đỉnh Hòn Me, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Kiên Giang đã dày công dựng một không gian trưng bày các vũ khí và chứng tích về hai cuộc chiến tranh trên vùng đất Ba Hòn. Những gì thô sơ từ vũ khí của ta và hiện đại trong vũ khí của Mỹ Ngụy, cho thấy sự không cân sức về sức mạnh vũ khí. Song cuối cùng, sức mạnh về tinh thần và ý chí đấu tranh mới là yếu tố quyết định làm nên chiến thắng.
Và chính những gì mà giờ đây ta thấy về sự không cân đối trong sức mạnh vũ khí, lại càng minh chứng cho sự gian khổ, hiểm nguy mà chị Phan Thị Ràng và các đồng đội của mình phải đối mặt hàng ngày trong những tháng năm đó...
Với đất nước phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc như Việt Nam mình, đức hy sinh vì sự nghiệp của người dân thật chẳng có gì đo được cả !...

2014

Nhận xét