Tiểu thuyết Vô đề ( XIX )




19.
Bố tôi là một người cương trực, khá nóng tính, không nhiều lời, nhưng khi nói hay kể chuyện thì hóm hỉnh. Những năm về lại quê, phải lao động nặng nhọc để kiếm sống và nuôi con khi tuổi đã cao, lại đúng vào thời kỳ khó khăn của đất nước, nên ông phát huy vốn kiến thức sẵn có, sự vững vàng và hài hước của mình, qua sách vở và thực tế tuwngf trải, đặng răn dạy con cái, động viên bản thân mình và cả gia đình vượt qua bao khó khăn cực nhọc. Ông kể chuyện về ông bà và bản thân, không ngại giấu giếm những chuyện tế nhị, nhạy cảm, thậm chí cả thói xấu, hay thất bại của mình, một cách hóm hỉnh. Chính vì thế, mẹ và mấy chị em chúng tôi biết rõ nhiều chuyện buồn vui của cuộc đời ông. Riêng tôi, còn để ý và ghi nhớ nhiều chuyện làng xã, quê hương, bản quán, lịch sử vùng đất, lịch sử quốc gia, dân tộc, không chỉ qua sử sách đọc được sau này, mà qua những câu chuyện của bố tôi từ tấm bé...
Bố tôi có buồn phiền vì ông nội tôi mất sớm, lại thêm cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, nhưng sau một thời gian, mọi chuyện nguôi ngoai dần. Ông yên tâm vào việc học nghề, ở nhà có bà nội tôi khỏe mạnh, siêng năng ruộng vườn, và cũng không phải chu cấp gì cho việc ăn học, bời khi đã biết nghề, lấy tiền công kẻ vẽ bù tiền học nghề cho chủ.
Sau mấy năm chuyên cần theo học nghề kiến trúc kèm luôn thực hành, bố tôi đã thạo nghề, lại thêm vốn tiếng Pháp cũng kha khá, nên ông có vài sự lựa chọn, ấy là hợp đồng làm thuê với chính ông thày của mình, cụ Nguyễn Trọng, hoặc ra làm tự do. Để thỏa chí tang bồng, bố tôi đã chọn cách thứ hai, xuống Hải Phòng làm thuê cho một nhà thầu xây dựng thuộc loại hàng đầu của thành phố cảng sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ. Vì sáng dạ, có chí lại đầy quyết tâm, nên bố tôi được ông chủ tin dùng, quý mến lắm. Ông chủ này, con cái trai gái đủ cả, nhưng người con trai lại kém chí thú, nên ông có ý vun đắp cho người con gái và nuôi ý đồ chọn con rể hòng tính kế lâu dài kế nghiệp. Và không có gì lạ, khi ông chủ có ý chọn bố tôi làm con rể kế nghiệp ông ta. Cô con gái ông chủ, là người thực tế, khéo léo cũng ưng thuận sự sắp đặt này. Với bố tôi, sau cuộc hôn nhân ở quê chẳng nên cơm cháo gì, khi được thịnh tình của ông chủ như vậy, đương nhiên là chấp thuận ngay.


Nhưng cuộc đời, ai học được chữ ngờ. Bà nội tôi biết chuyện, lập tức phái ngay một người cháu họ của mình xuống Hải Phòng, triệu bố tôi về quê bàn công việc. Bố tôi cũng phần nào đoán được nguyên nhân, song không thể không về. Ở quê, bà nội tôi bày tỏ sự phản đối việc bố tôi lấy vợ ở thành phố, lại càng không muốn bố tôi ở làm rể và hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình bên vợ. Với bà nội tôi, ảnh hưởng quan niệm Nho giáo từ ông nội tôi, nhưng tính cách bà quyết liệt hơn nhiều, là đàn ông phải lập nghiệp, cũng không có chuyện con dâu ở nhà mình và muốn làm gì thì làm. Biết tính khí mẹ mình, bố tôi tìm kế hoãn binh, cứ vờ đồng ý với bà nội tôi đã, rồi tính sau. Thế nhưng, trở ra Hải Phòng, ông đã phần nào phân tâm, không còn thiết tha với dự tính của ông chủ. Một thời gian ngắn, bà nội tôi kiến quyết hơn, lại phái người đáp hỏa xa xuống Hải Phòng, áp tải bố tôi về quê. Và lần này, bà nội tôi đã định liệu. Ấy là ép bố tôi ăn hỏi cô Linh, con một gia đình khá giả bậc nhất xóm Tự. Thấy bố tôi lưỡng lự thì bà nội tôi thể hiện sự cương quyết của mình bằng cách đe bố tôi rằng, nếu cứ nhất quyết làm rể con ông chủ thầu xây dựng ở Hải Phòng thì bà cụ sẽ từ bỏ bố tôi, xem không là con nữa. Người ta bảo, ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên, nhưng bà nội tôi đã ép như vậy đấy. Bố tôi chỉ còn biết nghe theo ý chỉ của mẹ mình, là để tỏ lòng hiếu thuận. Có còn lý do gì nữa không, khi bố tôi từ bỏ thịnh tình chọn rể kế nghiệp của ông chủ thầu này? Bố tôi không nói gì về việc đó, nhưng mãi sau này, khi bố tôi đã khuất bóng, có lần, tôi đã nghe ông lang Chuyên, người bạn tâm giao với bố tôi, lại là cháu họ xa với bà nội tôi, đồng anh họ gần với cô Linh, người đã hai lần được bà nội tôi tín nhiệm phái xuống Hải Phòng gọi bố tôi về quê, bảo rằng, sở dĩ bố tôi ngày ấy từ bỏ ý định làm rể ông chủ, nghe lời bà nội tôi, chấp thuận cưới cô Linh làm vợ kế, là vì bố tôi biết được sự dèm pha, phá đám của cậu con trai ông chủ thầu, ghen tức và không muốn để bố tôi làm rể kế nghiệp nhà đó. Đúng sai thế nào chẳng rõ, song nghe ra có vẻ có lý.
Vậy là cô Linh, người xóm Tự đã trở thành vợ kế, người vợ thứ hai của bố tôi, và sau này, là mẹ già của tôi. Và để làm đám cưới với cô Linh, bố tôi đã phải làm thủ tục cắt bỏ hôn thú với vợ đầu, đó là cô Nhu, người làng Trâu, sau gần bảy năm trời bỏ bẵng, để mình lấy vợ mới và cô Nhu cũng có thể tái giá...

Nhận xét