Tiểu thuyết Vô đề (XVII)




17.
        Những năm học thời chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, phải lựa chọn địa điểm đơn lẻ, không tập trung, lại vì kinh tế khó khăn, nên cũng không thể xây dựng trường lớp cho ra hồn được. Năm lớp 1 và 2, lớp tôi học ở đình làng, sang lớp 3 thì đúng vào thời điểm máy bay Mỹ oanh tạc thủ đô và vùng lân cận ác liệt nhất, nên các lớp học phải dựng tạm theo kiểu dã chiến, nửa chìm nửa nổi. Người ta chọn một mảnh đất nằm ở rìa làng, nơi khô ráo và liền kề với lũy tre um tùm, rồi đào sâu xuống chừng hơn mét, lấy đất đào lên ấy, đem nhào nước rồi đắp thành tường nổi phía trên, dựng cột, xà mái tre, lợp rạ che mưa nắng, sao cho độ cao tính từ nền đáy cốt âm lên đến nóc chừng hơn ba mét, kiểu na ná như hình lều bạt của dân du mục Mông Cổ vậy. Mỗi lớp học như vậy, có hai cửa ra vào, bàn ghế và bảng đen đầy đủ. Lớp học thế, khá bí hơi, nên mỗi giờ nghỉ là cả lũ học trò lục tục chui hết ra bên ngoài hưởng khí trời. Vào ngày hè, tuy nóng bức nhưng được cái ánh nắng đủ chiếu sáng cho lớp, đến mùa đông, những ngày trời âm u, lớp tối om, nhìn bảng chẳng rõ chữ. Trời nắng ráo, dẫu có nóng bức, cố mà chịu, còn hơn khi trời mưa, kiểu gì thì nước mưa cũng tạt mái và theo lối cửa ra vào chảy xuống nền lớp học, ướt lép nhép, thậm chí ngập đến mắt cá chân, thật khổ sở.



          May mà, sang năm lớp 4, học trò chúng tôi thoát cảnh lớp học tù túng kiểu nửa âm nửa dương, được xếp học ở mấy gian hậu điện của chùa Thái Linh thuộc xóm Tự. Nghe nói, chùa Thái Linh là một ngôi chùa cổ có lịch sử hình thành hàng ngàn năm, là một trong số bảy mươi hai ngôi chùa được xây dựng theo lệnh của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, sự hối lỗi muộn màng của bà này,  sau vụ án giết Hoàng Thái hậu Thượng Dương và 72 cung nữ. Trải bao thăng trầm của lịch sử, qua nhiều lần bị tàn phá và tôn tạo, lúc ấy, chùa Thái Linh chỉ còn trơ ba gian hậu điện với bệ Phật trơ trỏng vài ba pho tượng đất nung. Phía trước là một khoảnh sân gạch rồi chiếc ao không rộng lắm, và ngoài cùng là một gò đất cao trội hẳn lên, trên đỉnh gò đất ấy có tượng một sư tử đá rất to ngồi trên bệ sen. Cả sư tử đá và bệ sen đều được chạm hoa văn rất tinh xảo. Bọn học trò chúng tôi, giờ ra chơi, hay la cà leo lên bệ sen, lần sờ những nét hoa văn chạm khắc quanh thân bệ sen, và phần mông con sư tử đá. Lúc ấy, đang có một đoàn cán bộ, nghe đâu của Viện Khảo cổ học, từ Hà Nội về đào bới và khảo sát những hoa văn trên bê sen, sư tử đá và cả đôi sấu đá nơi tiền sảnh của chùa cổ, cùng chân nền chùa bị vùi sâu dưới đất. Mãi về sau, khi lớn lên, đọc sách, tôi tình cờ thấy được hình ảnh chụp những hoa văn ấy, và mới được biết, đó là điêu khắc thời Lý Trần, thuộc diện đẹp nhất trong nghệ thuật điêu khắc đá ở xứ ta từ cổ xưa đến ngày nay.
          Cái ao ở trước sân chùa, khi ấy vẫn còn nồi lềnh phềnh vài pho tượng Phật bằng gỗ sơn son thiếp vàng, dạo nào, bị dân chúng hạ bệ rồi quẳng xuống ao, vì chẳng ai dám lấy đi hoặc đốt bỏ. Nghe nói, việc đó từ thời phong trào lên hợp tác xã nông nghiệp, xóa bỏ tàn tích văn hóa phong kiến, bài trừ mê tín dị đoan để xây dựng văn hóa mới. Cũng lại nghe, đã có người, từng hăng hái bê tượng Phật ở chùa, vứt trôi sông, sau chết bất đắc kỳ tử, nhãn tiền, nên mọi người sợ hãi. Lệnh trên, phá bỏ chùa thì cứ phải làm, nhưng tượng Phật thì ngại không dám đụng đến nữa. Thế nên, bệ Phật nơi hậu điện, chỗ lớp tôi học, mới may mắn còn sót lại dăm pho tượng đất nung, dẫu chẳng ai hương khói. Lớp học, làm chùa bớt hoang vắng, thế nhưng, hôm nào, đến phiên trực nhật, phải đến sớm trước nửa tiếng, quét lớp, lau bảng và bàn ghế, khi trời còn chưa sáng rõ, tôi sợ ớn người vì sự tĩnh lặng của cả khu chùa Hương Linh phế tích với những dãy nhãn cổ thụ rợp bóng, nhất là nhìn bóng các pho tượng mờ ảo sáng tối, chập chờn như bóng người hay bóng ma ấy. 
Có lần, tôi sợ nên không dám đi trực nhật sóm, đến muộn hơn chút lại lo không trực nhật kịp, cuống quýt quét tước, tay làm, miệng hát khe khẽ để trấn át nỗi sợ. Chợt có bóng áo trắng ngay sau lưng, tôi giật bắn người và nhẩy dựng lên bởi tiếng ú òa. Thì ra cái Duyên đi học sớm, thấy tôi vậy, bèn lén đến sau lưng tôi, dọa tôi một trận hú vía. Tôi vừa sợ, vừa tức, nổi cáu định mắng Duyên, thì nó toét miệng cười bảo: “Tớ xin lỗi... làm ấy sợ. Đưa chổi đây, tớ quét giúp cho. Ấy đi lau bảng đi cho kịp giỡ, kẻo các bạn đến đông bây giờ”. Không đợi tôi đồng ý, Duyên dằng ngay lấy chiếc chổi từ tay tôi, xăng xái quét nhà, miệng liên thuyên chuyện này nọ. Tôi gắng trấn tĩnh, nén tức, nghe loàng thoáng cái Duyên chê “Con trai gì mà nhát như cáy ấy... Không biết... có sợ vãi ra quần không đây?”. Còn tôi, nghe mà tức thêm, nhưng cũng xuýt phì cười, đành lẳng lặng lau bảng, nghĩ bụng, cái con bé này, nghịch ngợm như con trai ấy, sau này có ma nó lấy làm chồng ...
( còn nữa )

Nhận xét