Tiểu thuyết Vô đề (XVIII)




18
Tôi được bố mẹ chiều hơn các chị, không phải làm việc gì nặng nhọc cả, đơn giản vì là con trai út, lại duy nhất, và thể chất vốn gày yếu. Đấy là về công việc thôi, chứ còn về dạy dỗ, thì bố mẹ tôi nghiêm khắc lắm, nên tôi chịu sự rèn rũa hơn so với các chị mình. Tôi đã từng bị vài trận phạt đòn nên thân, nhớ đời, cho đến giờ vẫn không hề quên ...
Tôi nhớ, khi đó tôi chừng chín tuổi thì phải. Nguyên trong xóm, cách nhà tôi chừng dăm chục thước, có thằng bé con trai của một người anh họ xa với tôi, bị chứng sài đẹn gì đó. Thằng cu ấy kém tôi vài tuổi nhưng người nó còi cọc chỉ như đứa lên ba. Bị bệnh lâu ngày, người nó như cái tã rách, nhem nhuốc. Lũ trẻ chúng tôi đã từng nhìn thấy nó lê la trên nền sân đất, đưa tay lên gãi đầu, rồi bứt cả đám tóc ra khỏi da đầu, dễ như người ta nhổ mầm mạ, và đút cá nắm tóc vào mồm nhai nhai. Hôm nó chết, cả xóm xôn xao. Chị Hạnh rủ tôi đi xem. Hai chị em đúng lẫn cùng đám trẻ con trong xóm lố nhố hàng chục đứa, ngoài bờ rào râm bụt, tò mò ngó vào xem bố nó bó chiếu xác nó để mang ra khu nghĩa địa trẻ con của làng ở gò cụ Thiêm sự xưa. Ở nhà, bố tôi gọi nhưng không thấy tôi và chị Hạnh đâu, bèn loanh quanh tìm trong xóm thì thấy hai chị em đang ngó nghiêng ở đó. Bố tôi mắng mấy câu rồi áp giải hai chị em về nhà. Đến cồng nhà, thấy bố tôi vẫn còn bực tức, sợ bị đánh đòn, tôi không vào nhà như chị Hạnh, mà linh lỉnh, tìm cách lảng ra xa. Thấy vậy, bố tôi giận lắm, bèn gọi giật giọng, thế là tôi sợ quá nên bỏ chạy. Ông đuổi theo, dọc đường làng, một quãng dài mới nắm được vai tôi. Ông lôi tôi xềnh xệnh về nhà, bắt tôi nằm sấp xuống giường, quất hàng chục roi vào mông. Tôi đau quá, khóc gào lên đầy sự ấm ức. Mẹ tôi thương tôi, nhưng vì thấy bố tôi giận, cũng không dám gàn gì, nhịn cho chồng dạy con. Chị Hạnh vì cái tội rủ tôi đi xem, cũng bị quất vài roi vào chân, song chị ấy gan lắm, chỉ rân rấn nước mắt, chứ không khóc to như tôi. Sau này, tôi mới biết, sở dĩ bố mẹ tôi không muốn chúng tôi đến chỗ ấy, là vì lo sợ thằng bé đó, ngộ nhỡ mắc chứng bệnh gì, mà lây truyền thì nguy hiểm lắm. Là thế đấy, cha mẹ lo cho con cái, nhưng con cái có hiểu được lòng cha mẹ ngay đâu... 

Trận đòn thứ hai, còn nặng nề và nhớ đời hơn.
Nguyên do, làng quê tôi, vốn có thói quen ẩm thực, ấy là ăn thịt chuột đồng. Kể ra đây, mọi người chớ kinh sợ, le lưỡi, khi tôi nhắc đến tập tục này, là bởi người ta chỉ nghĩ đến những con chuột cống to sụ, bẩn tười, bởi chúng chuyên chui lủi dưới cỗng rãnh hôi hám của thành phố. Chuột đồng, dù là chuột nhắt bé nhỏ hay chuột đàn lớn hơn, sống ở đồng ruộng, chuyên ăn thóc lúa, củ quả, hay đọt cỏ non, mỗi mùa gặt, nhất là vụ tháng mười, trời se lạnh, hết lúa là đến vụ hoa màu, đồng sẵn thức ăn, nên chuột béo lắm. Người ta bắt chuột đồng về, đập chết, đun nước sôi làm lông sạch sẽ, mổ bỏ nội tạng, chặt vứt đầu, đuôi và bốn chân, đem thui qua rơm lửa cho thơm. Chế biến thì có vài ba món phổ biến, như luộc cách thủy ròi chấm với muối tiêu, lá chanh thái tăm; hoặc có thể ướp giềng mẻ rang mặn, hoặc ướp ngũ vị hương rồi chiên ròn... Nghe nói, có vùng, đám cưới cỗ ăn có món thịt chuột đồng, mà nhà nào đãi món này thì mới coi là cỗ to và sang. Còn miền Tây Nam bộ, món thịt chuột đồng, hay còn gọi chệch đi là sóc tràm và mùa sa mưa nước nổi, là món phổ biến nhưng lại được xem là đặc sản địa phương...
Trở lại câu chuyện của tôi. Người săn chuột có nghề, luôn có đủ bộ đồ nghề, bao gồm một vài chú chó nhà được huấn luyện săn chuột từ nhỏ, chiếc thuổng sắc bén, vài chiếc rọ tre và một thùng nhỏ múc nước, thểm chiếc bật lửa. Vậy có thể coi là đủ bộ đồ nghề. Khi đi săn, nhờ chó đánh hơi, hoặc người có kinh nghiệm thường nhanh chóng phát hiện ra hang ổ của loài chuột. Loài này, thường ở những nơi gò đống, bờ cao khô ráo và không quá xa chỗ có nguồn thức ăn. Kinh nghiệm cho thấy, hang chuột không bao giờ có một cửa, mà ít nhất phải có vài ba cửa ra vào, và để đề phòng thoát thân khi bị săn đuổi. Chiếc thuổng đào hang, rọ đơm bịt cửa, với việc hun khói vào cửa hang chính, hoặc múc nước đổ vào hang, kiểu gì thì chuột cũng không chịu nổi buộc phải phọt ra ngoài, và như vậy, không chui vào rọ thì cũng bị chó rình vồ ngay. Tôi thích xem cái trò này, nên mỗi khi ở ngoài đồng, đi chăn trâu hay làm công việc gì đó, thấy có ai đang săn chuột, có cơ hội là tôi bám theo xem ngay. Một lần, tôi bám theo xem một anh chàng người làng nổi tiếng săn chuột, ham quá, đi mãi sang đồng xã bên, lúc nhớ ra phải về đi học chiều thì đã muộn. Ở nhà, bố mẹ tôi chờ đến quá trưa, vẫn không thấy tôi về ăn cơm để đi học chiều, bèn nháo nhác đi tìm. Có đứa mách là thấy tôi đi xem săn chuột ngoài đồng, thì bố tôi bực lắm. Tôi về đến nhà thì đã muộn giờ học. Bố tôi nổi trận lôi đình, dùng dây trói cả chân tay tôi vào, rồi đánh cho một trận nên thân nên đời. Biết mình có lỗi, chẳng oan ức gì, nhưng đau và giận hờn trẻ con nên tôi khóc dữ lắm. Khóc chán, tôi đói lả vì mệt. Lúc áy, mẹ tôi mới cởi trói, múc cho bát cháo, tôi ăn ngấu nghiến, vừa ăn vừa nức nở. Rồi tôi ngủ thiếp đi cho đến chiều muộn.
Mất một buổi học chữ, tôi có được một bài học về cuộc đời...

(còn nữa)

Nhận xét