Nguyễn Chu Nhạc, chỉ lửa là rất thật...




Nguyễn Trọng Văn



“Chỉ lửa là rất thật
Bừng lên cháy hết lòng
Em một thời má đỏ
Ta một thời long đong”
Chẳng hiểu, Nguyễn Chu Nhạc có ngụ ý cho đấy là “tuyên ngôn” hay không nhưng việc anh chọn khổ thơ đó để in ở bìa 4 tập thơ mới của mình và anh cũng lấy luôn tên của bài thơ đó để làm tên chung cho cả tập thơ thứ 6 của mình, cũng khiến tôi phải đoán già đoán non “người báo, người văn, người thơ” này có “ứng” vậy không? Mà ứng hay không thì chưa biết nhưng có điều chắc chắn rằng với “lửa”, với “long đong” thì chừng như thấy đúng.
Lần đầu tiên, chúng tôi gặp lại nhau sau mười sáu năm xa mái trường phổ thông. Mà lần gặp lại ấy cũng đã gần ba mươi năm rồi.
Nguyên là, sau tết năm 1975 thì tôi đi bộ đội liền tù tì hơn mười năm. Cùng đó, Nguyễn Chu Nhạc đỗ vào trường đại học nông nghiệp, và tốt nghiệp, anh đi một mạch vào An Giang công tác. Lần gặp lại nhau khá bất ngờ và bất ngờ đến nỗi tôi chẳng kịp nhận ra người bạn học cũ nữa. Số là, buổi ấy, mấy chúng tôi trong nhóm văn chương “Bông hồng vàng”  rủ nhau đến Nhà Thái Học trong Văn Miếu ngồi đàm đạo thơ văn cho nó sang (như cách nói vui của cánh viết văn trẻ hồi đó). Nguyễn Chu Nhạc được mời đến và người chủ trì cuộc vui đã giới thiệu ngắn gọn “Nhà văn Nguyễn Chu Nhạc nói thấy nhóm anh em bọn mình tụ họp nên đến chơi cùng”. Tôi tròn mắt nhìn cái “ông” vóc người nho nhỏ nhưng đã là “nhà văn” ấy rất ngưỡng vọng. Tiếp đó, người chủ trì cuộc vui chỉ tay lần lượt giới thiệu từng người, người ấy chỉ tay vào tôi định nói thì Nguyễn Chu Nhạc cười thân thiện “Khỏi phải giới thiệu. Tôi với ông này học cùng nhau”. Kinh ngạc. Tôi cố vắt óc nhớ lại xem mình có “vinh hạnh” được học cùng với ông “nhà văn” này ở đâu. Chịu. Nguyễn Chu Nhạc không nhận ra điều đó. Anh vẫn nói cười vui vẻ trước những câu hỏi đầy thán phục của “bọn tập viết”.
Mãi mấy năm sau, khi về trường cấp 3 Bần Yên Nhân (Mỹ Hào, Hưng Yên) họp khóa phổ thông tôi mới “giật mình”. Thì ra cái thằng Nhạc bé con con nhưng là học sinh giỏi văn cấp tỉnh, học sinh giỏi văn toàn quốc năm nào đúng là học cùng lớp với tôi thật. Đâu như lứa học sinh giỏi văn toàn quốc ấy có Trần Đăng Khoa, có Trịnh Bá Ninh, có Trương Nhuận và có mấy người nữa tôi đều quen biết. Tôi bắt tay Nguyễn Chu Nhạc và ngượng nghịu nói câu “đánh lảng” về “sự quên bạn”  hôm nào.

Mà cũng tại tôi, thường xuyên đọc báo hồi cuối những năm tám mươi đầu những năm chín mươi thấy dường như tuần nào cũng có bài tản văn của tác giả Nguyễn Chu Nhạc. Khi thì ở báo Hà Nội mới, khi thì trên báo Nhân dân chủ nhật, lúc lại báo Người Hà Nội... thấy hay hay mà tại sao tôi lại không quan tâm đến tác giả ấy là người như thế nào. Những bài tản văn ngăn ngắn, xinh xinh, có giọng điệu dễ tiếp nhận, diễn đạt chân thật, nội dung lại nhẹ nhàng, gần gũi cứ như thấy làng thấy xóm vậy, tôi rất thích thú. Thích thú quá đến nỗi tôi tự cho rằng người viết những bài tản văn thế này chắc chắn phải “xa xôi” lắm nên mình đâu có vinh hạnh được quen biết. Người ta “giỏi” thế kia mà.

Hồi học phổ thông tôi vốn nghịch ngợm nên nói đến học là “lảng”, vậy thế, dù rất biết Nguyễn Chu Nhạc học văn giỏi, nhưng tôi cũng chẳng  mấy “mặn mà”, hì, bọn lười học là như vậy đó. Cứ nghĩ, kết thân nó, có khi lại cho là mình “nhăm nhăm” liếc sang chép bài; Kết thân với nó hóa ra là mình hết được nghịch được chơi ư? Nghĩ thế, nên tôi với Nguyễn Chu Nhạc cũng sơ sơ, là học cùng lớp mà thôi. Kể cũng lạ nhỉ, Nguyễn Chu Nhạc học văn rất giỏi, sinh ra ở Hà Nội, về quê học sơ tán vậy mà chẳng hiểu sao cậu ta lại thi vào học ngành nông nghiệp? Không lẽ, cái chữ “nghiệp” trong nông nghiệp lại ứng với “lửa” và với “long đong” như Nguyễn Chu Nhạc “tuyên bố”. Ồ, vậy mà chuẩn không cần chỉnh. Này nhé: “Ngô đang mùa vào hạt/ mặc đá trơ dưới chân/ nắng lửa trên đầu/ đêm đêm/ đá toát mồ hôi/ cùng người rạo rực...”.
Ở An Giang đâu như dăm bảy năm gì đó thì Nguyễn Chu Nhạc bất ngờ “rẽ ngoặt” cuộc đời. Chàng “kỹ sư canh nông” người bé nhỏ, những tưởng an phận với ruộng với đồng thuần nhất chợt thành “ông nhà báo”. Mà lại bước một bước dài từ xa tắp tận vùng Tứ giác Long Xuyên ra Thủ đô Hà Nội mới tài. Nguyễn Chu Nhạc về đầu quân cho Đài Tiếng nói Việt Nam và cuộc đời nhà báo đã ứng với “long đong” thật. Làm báo nên anh được đi nhiều nơi, được đến nhiều vùng. Cũng có thời kỳ, Nguyễn Chu Nhạc đi thường trú mấy năm ở Đà Nẵng nữa kia.
Đó là những tháng năm “cây bút” Nguyễn Chu Nhạc tỏ ra sung sức. Tôi đã “trách nhầm”, khi cho rằng, anh quyết định thi vào đại học nông nghiệp là “sai lầm”. Thì ra, tôi đã thiển cận trước những bước đi của cuộc đời. Gắn bó với ruộng đồng, mê mải với những lần đi cơ sở tìm hiểu và viết báo, đó là những thời gian “vàng” để anh thu thập thông tin, lưu trữ tư liệu, để viết văn. Tôi không muốn đề cập nghề báo của Nguyễn Chu Nhạc bởi đơn giản đã là nhà báo thì dĩ nhiên phải làm báo, đấy là trách nhiệm, là việc “làm công ăn lương”, mà tôi muốn nói về văn chương của anh. Cái gốc năng khiếu học văn của cậu học sinh giỏi văn năm nào, chỉ “tạm lánh” đâu đó, để rồi gặp đất là bùng lên mạnh mẽ, bùng lên dữ dội, và cuối cùng là Nguyễn Chu Nhạc dấn thân sâu sắc vào con đường văn chương đầy long đong và cũng đầy lửa nóng.
Thì ra, “Giữa những ngày giá rét/thèm chút lửa bếp quê/thèm bát canh dưa nóng/cá niêu đất kho khê/ Thèm ngắm em áo ấm/khăn choàng đỏ bờ vai/khẽ nghiêng đầu tư lự/ta mơ về trẻ trai” lại là câu nói tự đáy lòng. Thoạt đầu, tưởng chỉ là sự “tiếc nuối”, ấy vậy mà nó lại trở thành “mục tiêu” phấn đấu của anh. Nguyễn Chu Nhạc viết báo để nuôi mộng viết văn và viết văn để khẳng định việc viết báo. Còn nhớ, có lần, Nguyễn Chu Nhạc nói vui nhưng rất thật rằng “Ông ạ, viết văn sống làm sao được. Viết báo lấy tiền để làm vốn cho viết văn”.
Từ năm 1993, Nguyễn Chu Nhạc bắt đầu tập hợp những bài tản văn, những truyện ngắn đã viết và đã in để in sách. Lại nữa, chẳng hiểu “tính” thế nào mà anh chọn một cái tên cũng rất “quê mùa” nghĩa là cũng rất “long đong” cũng rất “lửa cháy” để đặt tên cho cuốn sách đầu tay. Tập truyện ngắn “Đêm nguyệt thực” ra đời với những câu chuyện cứ như lấy từ gan ruột mình, lấy từ quê mình, lấy từ trường mình ra vậy. Văn xuôi, in mấy tập, song phải mãi cho tới năm 2011, Nguyễn Chu Nhạc mới cho in tập thơ đầu tiên. Tập thơ “Chút thu” này lại cũng cho ta cái cảm giác hình như cái ý nghĩ “long đong và lửa” vẫn lẩn khuất đâu đó. Kể từ đó, anh làm thơ nhiều hơn, xuất bản thơ đều đều. Thơ của Nguyễn Chu Nhạc giản dị và chân thật và dường như, anh gắn liền thơ với mùa thu. Phải chăng mùa thu, mùa chim làm tổ lại chính là “cái mùa” cho thơ nẩy nở. Một loạt các tập thơ được in sau đó đều có “thu” mới biết Nguyễn Chu Nhạc dù có long đong hay lửa nóng thì vẫn “chung tình”. Chuyện chung tình ở một thi nhân quả là “xưa nay hiếm”? Những tên sách, đại loại như “Cho thu dung dằng thêm chút nữa” hay “Một chiếc lá vàng động cả thu”, rồi “Ừ nhỉ, thu thật rồi đấy” ta đều thấy đâu đó bóng dáng của hoài niệm và thương nhớ.
Phải đến năm 2017, năm mà lứa chúng tôi đều đến tuổi nghỉ hưu thì Nguyễn Chu Nhạc cho in tập thơ “Chỉ lửa là rất thật”. Tôi đã thật thà đồ rằng, hình như anh muốn cho ta thấy ở cõi đời này mọi thứ đều “phù phiếm” mọi thứ đều thành “hư vô”; chỉ có lửa mới là thật. Đúng quá rồi, bạn thơ của tôi ơi: “Rồi thì người cũng đến/mang theo cả mùa đông/mặc ai ngoài kia lạnh/ riêng ta ấm trong lòng”. Đúng quá rồi, Nhạc ạ: “Ta hiểu rồi như lửa/ nóng mấy cũng tàn phai/ nhưng giờ chưa phải lúc/ kệ mùa đông bên ngoài”.
Tập “Chỉ lửa là rất thật” khá dầy dặn cả về số trang và cả về số bài, đã cho thấy, dường như có sự “tổng kết” ở đây? Cũng cho ta thấy sự “long dong” bởi những chuyến đi..., cho ta thấy “lửa” bởi những đau đáu trong hồn thi nhân. Dường như, ở đây, Nguyễn Chu Nhạc muốn đưa ra những ghi chép thực tế của mình, muốn “thơ hóa” mọi ngóc ngách của nghề báo, bởi bóng dáng cuộc sống với từng hơi thở đậm nét trong nhiều câu thơ?
Chỉ lửa là rất thật” cho ta thấy một Tây Bắc mờ sương, một Tây Nguyên nắng gió, một xứ Huế mộng mơ, thấy hình bóng quê nhà ở “Cuối năm ta lại về quê”, những hồi ức tuổi thơ chưa khi nào nguôi ngoai trong tâm tưởng, để rồi, thấy nhuốm vẻ long đong. Ta còn thấy những hoa sen, hoa đại, hoa đào rừng, thấy hoa lộc vừng đỏ, hoa gạo đầu làng... những màu hoa nhường ấy cũng toàn là màu của lửa...
Thế mới biết “tuyên ngôn” của Nguyễn Chu Nhạc là thật. Lời nói của anh thật như là lửa vậy. Ngọn lửa tâm hồn đang bốc lên, những mong được cháy mãi...
Giờ đây, ngọn lửa thật ấy, lại bập bùng đâu đó, nơi cuốn văn xuôi mới mà Nguyễn Chu Nhạc đang cho xuất bản, tập “Rong chơi với một chữ Tình”. Hãy chờ xem, ngọn lửa chân tình ấy bừng cháy... ./.


Nhận xét