Nghề đào tạo chính quy của tôi là kỹ sư canh nông,
chẳng dính dáng gì đến báo chí, văn chương cả. Hồi đi học phổ thông, mặc dù đôi
ba lần được nhà trường chọn đi thi học sinh giỏi môn văn các cấp, song vẫn chỉ
là thứ văn học trò. Năm cuối cấp 3 ( nay
là Trung học phổ thông ), tôi may mắn được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi
môn văn của tỉnh Hài Hưng cũ tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc ( khi ấy chưa giải phóng miền Nam thống nhất
đất nước ). Kiến thức thu lượm chẳng được bao nhiêu, song bù lại là bầu
không khí văn chương chữ nghĩa. Đội tuyển có 20 người, đặc biệt, có hai người
mà sau này ảnh hưởng đến thiên hướng và nghề nghiệp báo chi văn chương nơi tôi,
ấy là nhà thơ Trần Đăng Khoa ( khi ấy
được xem là thần đồng thi ca đất Việt ) và
nhà báo Trịnh Bá Ninh.
Tốt nghiệp đại học, năm 1981, cầm
quyết định vào tỉnh An Giang công tác, tôi đinh ninh sẽ gắn cuộc đời mình với
nghề kỹ sư canh nông, chuyên ngành mình được đào tạo chính quy. Khi ấy, đất
nước thống nhất đã 5 năm, các nhà quản lý ngành nông nghiệp đưa mô hình HTX
nông nghiệp và kỹ thuật canh tác của miền Bắc vào áp dụng đại trà ở miền Nam,
nhưng không thành công. Vì vậy, công việc kỹ thuật ở một Ban Nông nghiệp cấp
huyện nơi tôi công tác hầu như chẳng có gì để làm. Thời gian rảnh, tôi tìm hiểu
thực tế tập viết báo. Làm báo nghiệp dư, thôi thì “ vơ bèo vạt tép”, có gì viết nấy. Huyện Tri Tôn ( được tách ra từ Bảy Núi ) là huyện miền
núi biên giới không những của tỉnh An Giang mà cả miền Tây Nam Bộ, địa hình địa
lợi có núi rừng, có vùng ngập nước, kênh rạch chằng chịt, chạy ngút ngàn về
phía huyện Hòn Đất, Hà Tiên ( Kiên Giang ), cặp kênh Vĩnh Tế, bên kia là đồng
đất nước bạn Campuchia. Dân số huyện, hai phần ba là người Khmer sinh sống, còn
lại là Kinh và Hoa. Điều kiện địa lý, kinh tế xã hội phức tạp và khá phong phú
ấy, được coi là có “ đất “ cho người viết báo nghiệp dư như tôi. Tôi viết câu
chuyện truyền thanh, chuyện “ buôn, sóc,
bản, mường “, giới thiệu văn hóa dân
tộc Khmer cho các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Về đề tài nông nghiệp, tôi viết bài cho báo
Nông nghiệp, mà người bạn thân từ
thưở học trò của tôi là nhà báo Trịnh Bá Ninh đang làm phóng viên tại đấy. Để
đăng được, Trịnh Bá Ninh phải cắt gọt, biên tập lại nhiều. Không những thế, anh
còn viết thư động viên, chỉ dẫn tôi việc chọn đề tài... Qua đấy, tôi học học
được từ anh khá nhiều, từ cách chọn đề tài, chọn thể loại, góc tiếp cận vấn
đề v.v... Có thể nói, nhà báo Trịnh Bá
Ninh ( nguyên là Phó Tổng biên tập Báo Nông
nghiệp Việt Nam, dã nghỉ hưu và hiện làm việc tại VTC16 ) là người thầy dạy nghề báo chí đầu tiên của tôi.
Rồi mạnh bạo hơn, tôi viết bài gửi
Trịnh Bá Ninh nhờ anh chuyển sang báo Nhân
Dân. Lúc bấy giờ, nhà báo Tô Vương là phóng viên chuyên mảng nông nghiệp,
nông thôn của báo Nhân Dân. Sống ở
địa phương lại viết báo nghiệp dư, nên những bài viết của tôi chỉ mang tính
phản ánh, chẳng có gì to tát, và chắc hẳn còn nhiều khiếm khuyết. Nếu ngại, có
thể quẳng chúng vào sọt rác. Điều đáng nói ở đây, là nhà báo Tô Vương đã biết
trân trọng những bài viết từ cơ sở của những người viết báo nghiệp dư như tôi.
Qua sự biên tập của anh, bài viết nuột hơn và được nâng tầm. Cứ thế, dần dà,
tôi có gần chục bài viết được đăng trên Báo Nhân Dân. Ở vào thời ấy, quả là có
nằm mơ tôi cũng chẳng dám nghĩ mình làm
được như vậy, nếu không có sự nhiệt tình nâng đỡ, chắp cánh của nhà báo Tô
Vương.
Và cơ hội trở thành người làm báo
chuyên nghiệp đã tới. Sau vài năm cộng tác, Báo Nông nghiệp đồng ý tiếp nhận
tôi với điều kiện làm phóng viên thường trú của bản báo tại các tỉnh phía Nam.
Lúc bấy giờ, tờ báo này chưa có văn phòng đại diện tại phía Nam mà chỉ có một
phóng viên duy nhất ở nhờ Văn phòng Bộ Nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng rồi, việc ấy không thành, tôi không về được Báo Nông nghiệp, song một cơ hội mới lại mở ra,
ấy là việc về đầu quân làm phóng viên Đài
Tiếng nói Việt Nam. Thời gian cộng tác với chương trình phát thanh Đại gia đình các dân tộc Việt Nam của
Đài, tôi được biết, bài vở của mình được phóng viên Hoàng Đồng biên tập rồi dàn
dựng thành tác phẩm báo phát thanh. Thật không ngờ, tháng 10 năm 1987, tôi cầm
tờ quyết định do Tổng biên tập Trần Lâm ký, về nhận công tác tại Phòng Tiếp dân & xử lý đơn thư thuộc
Ban biên tập Thính giả,Đài Tiếng nói
Việt Nam, thì người phụ trách phòng
chính là nhà báo Hoàng Đồng. Từ cộng tác, nay trở thành nhân viên thuộc cấp,
anh quý tôi và coi nhau như anh em. Làm báo viết, có thể nói là tôi biết chút
ít, song báo phát thanh có đặc trưng riêng của nó, và việc sử dụng máy ghi âm
thì tôi mù tịt. Nhà báo Hoàng Đồng chính là người thầy đầu tiên dạy tôi làm báo
phát thanh. Hàng ngày, anh chỉ bảo và hướng dẫn tận tình, chi tiết, cả những bí
quyết, mẹo mực của nghề.. Vì thế, khá nhanh chóng tôi trở thành người giúp việc
và đồng tác giả với anh một số bài điều tra vụ việc, hiện tượng tiêu cực trong xã hội lúc bấy giờ. Khi ấy, vợ
anh đi xuất khẩu lao động nước ngoài, kinh tế eo hẹp, mình anh gà trống nuôi
con. Tôi không có nơi ăn ở, nằm bàn tại cơ quan, nên nhiều hôm anh rủ tôi về
nhà anh ăn cơm và ngủ luôn ở đấy. Thực lòng, tôi kính anh như người thầy dạy
nghề, người anh thân thiết. Cùng với nhà báo Hoàng Đồng, còn có hai người mà
tôi xem như thầy dạy nghề báo chí văn chương, ấy nhà văn Vũ Đình Minh ( Ban Văn học nghệ thật Đài Phát thanh tuyền
hình Hà Nội ) và nhà thơ Trần Phương Trà ( tức Trần Nguyên Vấn, Ban Văn học nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt
Nam )...
Sau này, khi trưởng thành, tôi được
đào tạo thêm về nghề báo chí qua những khóa học ngắn hạn trong và ngoài nước,
song những bài học đầu tiên về báo chí do các anh chỉ bảo vẫn ảnh hưởng sâu đậm
trong tôi và chẳng bao giờ cũ. Ngay cả khi,
được phân công đảm nhiệm một số công việc quản lý báo chí nghề nghiệp ở
một cơ quan báo chí lớn, bản thân, đã xuất bản được hơn chục đầu sách văn xuôi,
thơ, phê bình văn học, báo chí, tôi vẫn luôn trân trọng và biết ơn những người
bạn, người anh đồng nghiệp với tư cách là những người thầy dạy nghề cho tôi.
Và hơn thế, họ còn là người thầy trong cuộc sống của
tôi...
Cảm nhận từ: [Blogger] Email 21.06.18@10:45
Trả lờiXóaMỪNG NGÀY BÁO CHÍ VN.
MỪNG NGÀY NHÀ BÁO VN 21-06
TÂM trí vững vàng không gợn sóng
YÊN hàn minh mẫn mạnh vô song
MẮT như sao sáng vươn về trước.
SÁNG rực lửa hồng những ước mong.
LÒNG luôn kiên định không lùi bước.
TRONG trắng ngoan cường quyết chẳng lui.
BÚT mài bén nhọn đâm người xấu.
SẮC sảo tinh anh chém kẻ thù.
VH
Cảm nhận từ: vomtroirieng [Blogger] Email 21.06.18@14:42
Trả lờiXóaAnh Nhạc mến, anh vào nghề báo như gặp duyên, rồi trở thành nghiệp, ngay việc anh nhớ những người ngày xưa dìu dằt cũng nói lên chữ tâm trong anh rồi đó ạ
Nhân ngày 21/6, em chúc anh luôn toại nguyện vềq mọi mặt, anh nhé
Cảm nhận từ: trantam51 [Blogger] Email 21.06.18@16:51
Trả lờiXóaCái duyên may đã đưa chú trở thành nhà báo. Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam, chúc chú cùng toàn thể các nhà báo luôn vui khỏe, trung thực, thẳng thắn, yêu thương và ngập tràn hạnh phúc!