Oi nước lên,



          Mùa hè Hà Nội, trời oi nồng. Mỗi khi nghe ai đó ta thán rằng trời oi bức khó chịu quá, tôi lại buột miệng giải thích " Oi nước lên ấy mà ". Thực ra, tôi chỉ lặp lại câu nói mà cha mẹ tôi hay nói ngày trước. Ngày ấy, còn ở độ tuổi đi học, tôi đã từng được nghe cha mẹ tôi nói về oi nước lên. Khi đó, làng quê chưa có điện, để giải nhiệt những cơn nắng nóng oi nồng, người dân quê chỉ biết trông chờ vào những chiếc quạt nan, quạt mo, những cơn gió đồng tươi nguyên lúc chiều hôm, rồi những gàu nước giếng trong mát, những phút giây đắm mình bơi lội dưới dòng sông quê, và cả bằng những món ăn dân dã như canh cua mồng tơi mướp hương, canh rau tập tàng, rau dền luộc...
          Cứ nghe người lớn ta thán những ngày oi nước lên, có lần tôi đã hỏi cha mẹ, oi nước lên là oi như thế nào. Mẹ tôi bảo, là do mưa nhiều ở thượng nguồn nhưng đồng bằng mình lại không mưa nên nồng oi khó chịu. Còn cha tôi thì giải thích cặn kẽ hơn, rằng những ngày ấy trời mưa nhiều ở thượng nguồn, mãi từ vùng cao nguyên Tây tạng, nơi khởi nguồn của những con sống chảy trên đất Việt mình, thêm nữa cùng lúc đó, ngoài khơi biển Đông thường hay có các cơn bão lớn nhỏ, thế là hai vùng không khí ấy chèn ép gây nên sự oi bức ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Còn nước lên ư ? Là do mưa nhiều nơi đầu nguồn nên nước đổ về hạ lưu rất lớn, mực nước các con sông ở Bắc và Trung Bộ lên nhanh và cao ở mức báo động, đe doạ vỡ đê, trong khi ở đồng bằng vẫn không có hoặc ít mưa. Ấy là oi nước lên đấy. Cha tôi còn chỉ tay ra con sông quê nước dâng ngầu đỏ bảo, quê mình ở xa sông Cái và các con sông lớn khác mà nước đổ về còn thế nữa là... Rồi cha tôi hồi tưởng và kể rằng, ngày xưa nữa, những ngày oi nước lên thế này, những làng xóm dọc triền các đê lớn trống từ điếm canh đê giục thì thùm suốt ngày đêm, chùm sự lo âu phấp phỏng lên đầu người dân, nhất là đám dân nghèo nỗi sợ vỡ đê mất mùa mà sinh đói kém bệnh dịch.
          Nghe người lớn nói thì biết vậy, chứ tuổi học trò có nghĩ xa xôi gì đâu. Đám trẻ chúng tôi chỉ thấy toàn những vui thú, vui vì nước sông về to đem lại bao nhiều là trò vè. Nào là chiều hè tắm sông, lũ trẻ tha hồ leo lên cành đa, cành vối ven bờ xòa trên mặt nước thi nhau bông nhông từ trên cao xuống sông bơi lội thoả sức. Rồi là nước to tràn vào các cừ nước nhỏ, mương máng, rạch ao đầy ăm ắp và cá mú từ sông Cài cũng theo nước mà về . Lũ trẻ chúng tôi chỉ cần buông câu nơi rạch nước là có thể câu được những chú cá ngão kếch xù , những chú cá trôi, hoặc chép nhỡ. Thêm nữa, cá vào đồng sinh sôi nảy nở, khi nước còn xăm xắp thì đánh rọ rô, đến cuối thu đầu đông, gặp vụ mùa xong rồi, tha hồ tìm vũng nước, ổ nước trong đồng cỏ rối lẫn gốc rạ mà bắt cá. Còn thú nữa là săn tìm nấm. Thường là sau mỗi đợt oi nồng trời mưa dấm dẳng, thế rồi nơi góc vườn, vùng đất ẩm chân đống rơm đống rạ, nấm rơm đội đất nhú lên trắng mởm từng vạt. Tha hồ hái về nấu canh hoặc xào tái rất ngon. Rồi dọc các triền mương, bờ sông, nấm cỏ lác đác lên từng ổ lổn nhổn như quả trứng, nắm tay, nhặt về bóc đi lớp vỏ mỏng xắt ra kho mỡ ăn khá ngon, thêm vào bữa ăn hằng ngày đỡ phần đơn điệu mà lại bổ dưỡng.
          Dịp oi nước lên năm nay, tôi có chuyến đi Tây Bắc. Mới đến Kỳ Sơn men bờ sông Đà cuồn cuộn đỏ đã hình dung ra sức nước nơi thượng nguồn sẽ đến cỡ nào. Rồi ngược dốc Cun sang Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, lên tiếp Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn đến Sơn La. Suốt chặng đường núi, trời chợt nắng chợt mưa, những cơn mưa bất ngờ mù trời sầm sập nước. Mưa tạnh song những thác nước vẫn không ngừng từ trên cao dội xuống vách núi đá trắng xóa. Thác xuống khe, nhiều khe nhỏ thành ngòi, rồi trăm ngàn ngòi dồn hết vào sông vào hồ thì làm gì mà nước chẳng cả. Nhiều ruộng vườn nơi thung sâu ngập trắng. May mà còn nương rẫy cao, nhà ở của bà con người Thái, người Mường, người Dao toàn nhà sàn, và nhà bà con người Mông thì chênh vênh trên vách núi nên cũng không mấy phương hại. Bà con cũng nương theo đó mà tìm kế sinh nhai, xuống suối săn bắt cá, lên rừng kiếm măng tươi, hái rau bò khai đem bán, thôi thì tùng tiệm thêm thắt ít đồng... Song vẫn còn đấy nỗi lo sạt đất, lở núi và lũ ống, lũ bùn khi mà rừng đã bị tàn phá nhiều. Dọc đường đi, lại liên tục nghe cập nhật tin bão ngoài biển Đông. Bão cứ rình rập trườn dọc bờ biển từ Nam ngược ra Bắc như trêu ngươi, và mới có vậy mà mưa lũ đã vượt đỉnh lũ lịch sử ở các sông vùng Trung Bộ, gây bao lo âu phiền toái và cả thiệt hại nữa.
          Người xưa bảo, trời nào cảnh ấy, mùa nào thức ấy. Cuộc sống nơi thôn dã, chốn sơn lâm thời điểm oi nước lên có khó chịu đấy song cũng đầy thú vị riêng .
         

Nhận xét