Quang Dũng & bản hùng ca Tây Tiến.



 Quang Dũng, là một nhà thơ xuất sắc của nền thi ca Việt Nam hiện đại, tôi nghĩ vậy. Có thể, ai đó không đồng tình, đương nhiên, mỗi người có cái quyền đánh giá của riêng mình, song tôi tin, với phần lớn người yêu văn thơ ở xứ sở này, thì Quang Dũng, chỉ với bài thơ Tây Tiên, ông đã xứng đáng là nhà thơ xuất sắc của nền thi ca Việt Nam hiện đại rồi…
Song Quang Dũng không phải là nhà thơ dạng “một bài” mà thành danh như vài ba nhà thơ khác cùng thế hệ với ông. Cùng với Tây Tiến, ông còn có Đôi mắt người Sơn Tây, Mây đầu ô, Đường trăng, Bố Hạ, Đêm Bạch hạc …
Cho dù, Quang Dũng còn sống đến mài sau này (ông mất năm 1988), nhưng tôi không có duyên gặp gỡ, mặc dù khi đó, tôi đã trưởng thành và là người yêu văn chương. Rất đơn giản, ngày ấy, các nhà thơ nhà văn, là của hiếm, là những cao nhân, được cã xã hội coi trọng, nên không phải cứ muốn là gặp được. Vậy nên, những người như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận. Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài và Quang Dũng… đều được kể lại qua người này kẻ nọ, được thêu dệt, “giai thoại hóa” như những huyền thoại sống vậy…
Phải  đến khi, tôi đã thành một cây bút trẻ, đã có vài ba tập sách được xuất bản, và khi ấy, bầu không khí báo chí văn chương khá cởi mở, thì mọi người mới được biết những câu chuyện đằng sau, những chuyện bếp búc, thậm chí những chuyện mà trước đây được xem là cấm kỵ, là “thâm cung bí sử” của Làng Văn Việt được công bố trên báo chí, thì người ta mới “à ra thế”, mới vỡ lẽ, rằng…Và Quang Dũng, là một người như vậy…

Chuyện kể rằng, hồi tham gia Đoàn quân Tây Tiến và làm cán bộ tuyên huấn, Quang Dũng hào hoa lắm. Trai ven đô, được học hành tử tế, có trình độ học vấn, giỏi chữ Hán (có thông tin là học trường sĩ quan Hoàng Phố, chẳng rõ thực hư) và biết tiếng Pháp, thêm tài thơ phú là oách lắm, cùng đó, dáng người to cao, nên phong độ hào hoa là phải thôi. Không những được thuộc cấp nể phục, đi đến đâu cũng được bà con, nhất là phái nữ địa phương quý mến, ngưỡng mộ…
Cũng lại chuyện kể, giai thoại rằng, dạo ông công tác ở địa bàn Thanh Hoa (có lẽ thời gian ông làm cán bộ tuyên huấn, và văn nghệ Liên khu III), mỗi khi đi công tác đâu, Quang Dũng diện quân phục chỉn chu, cưỡi trên lung ngựa, trông oai hùng lắm. Thế nhưng, dáng vè hào hoa phong nhã đó, là một lợi thế, song cũng đem lại cho ông không ít phiền toái, ấy là sự ghen ghét đố kỵ của một số người, ngay cả những chiến hữu, đồng đội của mình. Gì chứ, tai tiếng phong cách tiểu tư sản là cái chắc, nhất là với ông, vốn chân thực, không quen thói quanh co biện hộ. .
Còn về đời sống, nhất là quãng thời gian dài, Quang Dũng chịu án Nhân Văn Giai Phẩm, và làm biên tập viên của Báo Văn nghệ, rồi Nhà xuất bản Văn học, cả thời gian ông nghỉ hưu của thời chiến tranh và bao cấp, có rất nhiều câu chuyện và giai thoại về ông. Tôi đọc được đâu đó khá nhiều câu chuyện, nhưng nhớ và ám ảnh hơn cả là chuyện ông thường xuyên quét lá khô trong công viên Thống Nhất về đun nấu;  là chuyện ăn cơm nhai kỹ vừa thấy ngon và đỡ tốn gạo; và câu chuyện ứa nước mắt, ấy là khi được một ai đó mời ăn quà xôi ở một hàng xôi ngon nổi tiếng Hà thành, ông giữ lễ ăn cầm chừng mặc dù vốn ăn khỏe và vẫn thèm ăn nữa… Ôi, thật chẳng biết nói gì nữa, chỉ thấy thương cảm và ái ngại cho một người như tài năng và hào hoa như ông…
Đọc tác phẩm của Quang Dũng, chưa từng gặp mặt, và nghe kể, cùng xem nhiều giai thoại về ông. nhưng giờ đây, tất cả những gì tôi biết về ông, bỗng sống dậy, hiển hiện mồn một trong tôi, khi tôi đến thăm Khu di tích về Trung đoàn Tây Tiến được khánh thành vài năm nay tại Thị trấn Mộc Châu (Sơn La),… Ở đó, trưng bày khá nhiều hiện vật, tài liệu, hình ảnh về Binh đoàn Tây Tiến, song đậm nét hơn cả là những gì liên quan đến Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến của ông. Bức tượng bán thân nhà thơ  Quang Dũng trong phục quân đội, áo trấn thủ, đầu mũ ca-nô đội lệch, nên dáng vẻ người chiến sĩ oai hùng pha chút hào hoa lãng tử. Ngắm nhìn bức tượng, ngẫm thấy đúng chất con người nhà thơ-chiến sĩ Quang Dũng- cái cá thể-lại đúng chất người chiến sĩ của Binh đoàn Tây Tiến thực tế ngày đó,- cái nét chung,- ấy là những chiến sĩ vốn là các chàng trai Hà Nội hào hoa, kiến thức, sẵn sàng lên đường bất chấp hiểm nguy…



Chất Quang Dũng-Tây Tiến còn thể hiện ở kết cấu của Khu di tích Tây Tiến, đó chính là bài thơ,vốn mang tính chất và hơi thở của Tây Tiến, vừa thể hiện quá trình hoạt động của Binh đoàn, thế nên, người thiết kế đã có ý tưởng lấy thơ ra để mô hình hóa công trình này… Thật tài tình thay, là sự hòa quyện tuyệt vời giữa các yếu tố: Người-Thơ-Ý tưởng-Công trình, là một. Vậy nên, từ phòng trưng bày, bước ra không gian tưởng niệm, mỗi bước, mỗi ngẫm nghĩ, thấy hiện lên mồn một từng câu thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Càng thấy được ý tưởng và sự hợp lý, khi nước chân vào Khu di tích, thoạt đầu nghe hướng dẫn viên đọc bài thơ Tây Tiến, tiếp đó là phong trưng bày với điểm nhấn là tượng nhà thơ Quang Dũng với văn bản bài thơ của ông, ấy là cái cách làm cho khách tham quan thức dậy cảm xúc về Tây Tiến trong lòng trước khi hòa mình vào không gian trải ra của bài thơ Tây Tiến được mô hình hóa thành cảm quan chung của khu tưởng niệm, và rồi để lắng lại vào tâm khảm về một quá khứ hào hùng…
Tôi đã cảm nhận về Binh đoàn Tây Tiến và nhà thơ Quang Dũng, cùng những đồng đội của ông ngày ấy, được hình tượng hóa trong bài thơ xưa và không gian di tích, tưởng niệm hôm nay…
Chắc chắn, bài thơ Tây Tiến về Binh đoàn Tây Tiến bi hùng,” đoàn quân không mọc tóc” ngày ấy, sẽ còn sống mãi, và như vậy, tác giả bài thơ đó, một trong số những bài thơ hay nhất của nền thi ca hiện đại Việt Nam, nhà thơ Quang Dũng, cùng những bài thơ khác của ông, cũng sẽ sống trong lòng nhân gian…

Và như vậy, người đời sẽ kể tiếp thành huyền thoại về nhà thơ Quang Dũng và thơ ca của ông!... 
                                                                                                              

Nhận xét