Rong chơi với một chữ Tình (XXVI) - Nơi tận cùng xứ sở.


                                   

      Sau 33 năm, tôi mới trở lại nơi này, mảnh đất Hà Tiên, tận cùng xứ sở. Lần đầu tôi đến đây là vào năm 1985, khi ấy, tôi đang là Phó Giám đốc một Nông trường của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, đến Ngân hảng Hà Tiên để thực hiện việc thanh toán khoản tiền mua lại một số lượng con bò lớn của một đơn vị trung gian chuyên buôn gia súc từ bên đất bạn Campuchia. Từ Tri Tôn đến thị trấn Hà Tiên, phương tiện duy nhất là tàu đò, nên chúng tôi phải thuê riêng một chiếc tàu đò nhỏ, theo đường kinh rạch, chạy máy hơn một ngày đường, tự nấu ăn trên tàu, mới đến được Hà Tiên. Đường đi, ngang qua Hòn Đất, nơi xảy ra chuyện có thật, được nhà văn Anh Đức tả trong tiểu thuyết Hòn Đất, lại nhớ đến các nhân vật chính, như chị Sứ, chiến sĩ cách mạng, và đồng đội là Hai Thép, Ba Rèn, Quyên, là tên thiếu tá ác ôn Săm, bà Cà Xợi và cô Cà Mị, mẹ và em gái y…; rồi  ngang qua Kiên Lương, nhìn ống khói nhà máy xi măng vươn cao trên vùng đồng ngập nước mà tự hào về biểu tượng của công nghiệp hóa miền đất cực Tây Nam của đất nước. Khi tàu đò nhập ra vùng cửa biển Đông Hồ mênh mông trời nước, nơi hội nhập của ba dòng là kênh Vình Tế, kênh Rạch Giá và sông Giang Thành, tôi thực sự choáng ngợp trước vẻ diễm lệ của vùng sông nước tận cùng xứ sở này. Trong đầu tôi âm âm những câu thơ ngâm vịnh trong “Hà Tiên thập vịnh” của Tao đàn Chiêu Anh Các mà mình từng biết. Xong công việc chính, tôi tranh thủ dạo chơi chợ Hà Tiên, rồi chạy loanh quanh thăm các thắng cảnh chính của mảnh đất này theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa thôi…




             Kể từ đấy, cho mãi đến năm 2013, tôi mới có dịp trở lại Kiên Giang, nhưng mục đích của chuyến công tác là Hòn Đất, nơi có mộ phần của anh hùng Phan Thị Ràng, nguyên mẫu của nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết Hòn Đất, nơi có hang Hòn, để thực hiện một buổi giao lưu giữa một đơn vị thuộc Đài TNVN với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Kiên Giang. Trước khi lên núi Hòn, đoàn công tác của Đài TNVN (VOV) thăm và viếng mộ Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Thị Ràng, nguyên mẫu của nhân vật chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất. Ngày còn công tác ở ngành Nông nghiệp huyện Tri Tôn, An Giangn (1981-1987), tôi được biết, anh hùng Phan Thị Ràng là người quê xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, và khi ấy, em trai ruột của Phan Thi Ràng là anh Phan Văn Mỳ (tức Sáu Mỳ) là Phó Bí thư huyện ủy Tri Tôn. Khu mộ phần được xây dựng ngay dưới chân núi, khá khang trang và hàng ngày, luôn có người đến thăm viếng, hương hoa. Trên núi, không ngờ còn có một khu vực dành riêng làm bảo tàng vũ khí, trưng bày các vũ khí quân dụng của cả ta và địch trong hai cuộc chiến trang chống thực dân Pháp và Mỹ Ngụy ở vùng đất này. Anh Nguyễn Thanh Hà, lúc đó là Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Kiên Giang, nguyên là chiến sĩ chiến sĩ cách mạng từng chiến đấu ở vùng đất này đã giới thiệu kỹ càng từng loại vũ khí. Tại đây, tôi đã trả phỏng vấn của Đài PTTH Kiên Giang về cảm xúc sau khi thăm mảnh đất trung dũng kiên cường nơi tận cùng đất nước này…


             May mắn thay, trong chuyến du lịch miền Tây Nam bộ cùng gia đình lần này, tôi đã bám chân đoàn công tác của VOV về vùng đất tận cùng xứ sở. Xe ngang Vị Thanh (Hậu Giang), chúng tôi đi trên con đường mới mở, để đến Hà Tiên. Nghe nói, cùng con đường này, còn có một tuyến đường mới mở từ Rạch Giá xuyên qua U Minh Thượng-Hạ đến đến Cà Mau. Những tuyến đường như thế này, thực sự là nẻo đường xứ sở, đánh thức tiềm năng cả một vùng đồng bằng sông nước miền Tây Nam bộ bừng thức dậy, để giờ đây, cùng với hệ thống giao thông thủy xưa cũ, tạo sự thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, dân sinh, phát triển kinh tế xã hội cho cả vùng. Thuận lợi đấy, song đi kèm với nó, có thể sẽ là các nguy cơ về lạm dụng trong khai thác tài nguyên và sự tàn phá môi trường sinh thái ngập nước, vốn là một nguồn tài nguyên quý mà thiên nhiên ưu đãi, nếu như, không quy hoạch và quản lý khoa học, hợp lý ngay từ bây giờ…
             Một cảm xúc buồn vui lẫn lộn khi thăm Khu du lịch di tích Chùa Hang-Hòn Phụ Tử thuộc xã Bình An. Sau khi thăm động Kim Cương luồn sâu trong chân núi An Hải Sơn, chúng tôi dành thời gian chiêm ngưỡng Hòn Phụ Tử và cảnh quan chung vịnh biển xinh đẹp này. Chạnh buồn là bởi, nhìn cảnh hòn Phụ bị sụp đổ từ hơn chục năm trước (ngày 09.8.2006), chỉ còn lại hòn Tử, lại nhớ về câu chuyện Nàng Tô Thị (Vọng Phu) đã từng bị sập đổ, hậu quả của  nạn khai thác đá núi quá mức để nung vôi  ở Lạng Sơn ngày nào… Quả là. hiệu ứng xã hội ồn lên, người ta đàm tiếu, than thở sau những sự kiện ấy, rằng, trong xã hội kim tiền hiện đại, thì còn đâu sự trinh thuận, thủy chung vợ chồng và sự hiếu đễ, phụng thờ của con cái với các bậc cha mẹ, bề trên, khi mà các biểu tượng ấy đã không còn nguyên vẹn vẻ ban đầu ?... Đương nhiên, nói vậy là hơi quá, là suy diễn, song sự thực, lo ngại ấy quả không thừa, khi mà, thời nay, kinh tế xã hội phát triển nóng, người ta làm giàu bằng mọi giá, chẳng mấy khác với sự tích lũy tư bản, thì các giá trị truyền thống từng tồn tại hàng ngàn năm nay, bỗng  mai một, băng hoại và bị phá vỡ nhanh chóng, khi mà các giá trị văn hóa mới còn chưa kịp hình thành hoặc giả đã dần hình thành nhưng còn chưa khẳng định giá trị ?...
           Nỗi chạnh lòng ấy nhanh chóng qua đi khi chúng tôi ghé thăm Nũi Nai. Cảnh đẹp biển trời vùng đất cuối này thật nên thơ, đất sẫm màu còn biển thì xanh thẳm, những cụm mây nhởn nhơ rong chơi chờn vờn trên các hòn núi nhỏ nổi rập rờn trên sóng nước… Trách gì, ngày xưa, Mạc Thiên Tứ trong Hà Tiên thập vịnh ca ngợi Hà Tiên thập cảnh đã tô vẽ phong cảnh nơi đây trong bài thơ Lộc Trĩ thôn cư được thi sĩ Đồng Hồ chuyển dịch “Lều tre giấc tỉnh gió lay mình,/Tiếng quạ ồn chi trước mái tranh./Ráng xế treo ngang khung cửa tím,/Cây vườn che lợp luống rau xanh./Tánh gần mộc mạc hươu nai dại,/Lòng thích thơm tho nếp tẻ thanh./Ai đó hỏi thăm nơi chốn ở,/Lưng trâu tiếng sáo lặng làm thinh.”.
           Trời dần về chiều, chúng tôi tiếp tục đi về nơi cuối đất, nơi có cột mốc biên cương số 313 và 314. Được sự cho phép của Trạm biên phòng cửa khẩu quốc tế Xà Xia, chúng tôi đến điểm Cột 313, mốc biên giới. Cột mốc này nằm ngay trước Cửa khẩu quốc tế Xà Xía - Prek Chack, ( thị xã Hà Tiên, Kiên Giang-huyên Kongpong Trach, Kampot ). Vì có của khẩu nên dân chúng hai bên Việt Nam và Campuchia ở đây qua lại thông thương khá sầm uất và đông đúc. Trái ngược lại, cột mốc 314, cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới hai nước cách đó chừng cây số lại vắng vẻ lạ thường. Cột mốc này thuộc địa phận ranh giới giữa hai xã Mỹ Đức (Hà Tiên, Kiên Giang) và xã  Rus Xây Sroc Khang Lếch, (huyện Kom Pong Trach, tỉnh Kampot, Campuchia). Nghe nói, xây dựng được cột mốc này, đã phải mất gần 6 năm thương thảo giữa hai bên và sau đó để xây dựng, người ta đã phải tiến hành san lấp một khu vực rừng đước sình lầy mép biển bằng một khối lượng đất cát, đá và xi măng khổng lồ, để đến ngày 24.6.2012, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai Nhà nước, chính phủ hai nước đã tổ chức lễ khánh thành Cột mốc 314. Một cảm giác tự hào về sự toàn vẹn lãnh thổ dâng lên trong tôi. Bản thân, cũng đã từng đến nhiều cột mốc phía Bắc, nên tôi hiểu thế nào là sự vô giá và sự gian nan trong việc bảo vệ mỗi tấc đất do tiền nhân để lại…


            Khai mở xứ sở này, phải ghi nhận công lao của các đời chúa, vua nhà Nguyễn, của cha con Mạc Cửu-Mạc Thiên Tứ (tức Mạc Thiên Tích), và công sức biết bao người lao động cần lao suốt mấy thế kỷ qua. Người đời sau ở  xứ sở này, đã có sự đánh giá đúng công trạng của cha con Mạc Cửu, nên đã cho dựng tượng vị quan này. Lịch sử Trung Hoa cho thấy, khi triều đại nhà Minh bị mất bởi phong trào khởi nghĩa do Lý Tự Thành lãnh đạo, nhà Đại Thuận được lập ra nhưng cũng nhanh chóng sụp đổ bởi bộ tộc Nữ Chân phương Bắc, từ quan ngoại đánh chiếm Trung nguyên, lập triều đại Thanh thay thế, thì toàn Trùng Hoa đã dấy lên phong trào “Phản Thanh phục Minh”, nhưng rồi cũng bị Nhà Thanh đàn áp. Mạc Cửu là một người như vậy. Vốn là một tướng lĩnh Nhà Minh quê ở Lôi Châu, Quảng Đông, không cam chịu sự cai trị của Nhà Thanh, vào năm 1671 đã rời bỏ quê hương lênh đênh trên biển rồi cặp bến vào xứ sở này. Tại đây, Mạc Cửu đã nhanh chóng gây dựng được cơ đồ riêng bằng cách khai mở vùng đất này. Song bị kẹp giữa sự cai trị của chúa Nguyễn và Chân Lạp, dẫu có tạm thời cai quản một vùng đất rộng lớn, thì cơ đồ của Mạc Cửu cũng không thể tồn tại nếu không biết dựa vào một điểm vững chắc, bởi suy cho cùng, nơi đây đâu có phải là xứ sở của ông ta.  Vậy nên, đến năm 1708, Mạc Cửu đã tìm cách liên lạc được với chúa Nguyễn, cụ thể là Nguyễn  Phúc Chu để thăm dò, và kể từ đó, dựa hẳn vào chúa Nguyễn, cho đến năm 1714 thì được chúa Nguyễn thụ phong chức Tổng binh cai trị đất Căn Khẩu (sau đổi thành Long Hồ dinh). Sau khi Mạc Cửu mất, con trai nối dõi là Mạc Thiên Tứ đã tiếp nhận chức của cha mình và không ngừng bồi đắp, gây dựng vùng đất này thành trù phú…
            Câu chuyện ở đây, là một bài học về cách nhìn nhận, đánh giá và đúng người của các đời chúa Nguyễn, nhất là chúa Nguyễn Phúc Chu. Trong tình thế cần phải mở mang bở cõi về phía Tây Nam, một mặt lo chống giữ với Nhà Trịnh ở ngoài Bắc, chúa Nguyễn đã biết cách đặt niền tin vào một người, tuy mang tiếng là ngoại bang, song có tài kinh bang tế thế, lại đang cần nương tựa vào triều đình của mình, để giúp mình mở mang và trấn giữ cả một vùng biên ải xa xôi, vốn không dễ cai quản. Với cái nhìn xa rộng, mang tính chiến lược và cách ứng xử khôn khéo, chúa Nguyễn đã khai mở được cả một vùng lãnh thổ rộng lớn phía cực Tây Nam bờ cõi. Giờ đây, trước tượng đài Mạc Cửu ở Công viên Mũi Tàu, thị xã Hà Tiên, ngẫm nghĩ về bước chân phương Nam của bao thế hệ đi mở đất, càng thấm thía câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ “Từ thuở mang gương đi mở nước/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long …”.
             Triết lý khai mở, còn được thể hiện ở vùng lấn biển thành phố Rạch Giá ngày nay, khi mà cả một khu vực mới được xây dựng lên trên nền đất biển, với hệ thống trung tâm văn hóa, nhà hang, khách sạn, về đêm lung linh trên biển Tây Nam như một Hongkong mới, nơi cuối đất trời Nam…
                                                                              
                                                                                                                            

Nhận xét