Tiểu thuyết Vô đề (XX)





Vậy là cô Lĩnh chính thức về làm dâu và trở thành ngươi vợ kế của bố tôi. Bố tôi kể, cô Lĩnh, mà sau này tôi phải gọi là mẹ già, theo cách gọi thông dụng ở vùng quê tôi, kém bố tôi vài tuổi, không xinh đẹp nhưng ưa nhìn, dáng người đậm đà khỏe mạnh, kiểu đàn bà dáng dấp dễ sinh nở. Mẹ già tôi, về làm vợ kế của bố tôi, mang theo của hồi môn, vài mẫu ruộng tốt, cộng với hơn mẫu ruộng cũ của ông bà nội tôi, thành ra số ruộng đất kha khá đủ để đưa gia đình nhà tôi lên hàng phú nông. Ruộng đất làm không xuể, bà nội và mẹ già tôi, ngoài việc phải thuê mướn lao động mùa vụ, còn phát canh thu tô một số diện tích. Gặp thời tiết thuận lợi được mùa mấy năm liền, nên thóc gạo nhà tôi nhiều lắm, tha hồ sửa sang nhà cửa khang trang, sắm sanh đồ gia dụng.

Bố tôi, vì lấy vợ quê, không trở thành con rể ông chủ thầu xây dựng lớn ở Hải Phòng, nên chỉ một thời gian sau, giữ ý, đã thôi không làm việc ở đấy nữa, mà về lại Hà Nội. Ông làm thiết kế tư nhân, có nhận việc từ nhà cụ Nguyễn Trọng, mà vẫn thoải mái nhận đặt hàng của những người khác. Đông khách, nhiều việc, ông phải thuê thêm người giúp việc mới xuể, vậy nên, thu nhập khá khẩm. Về Hà Nội, được cái gần nhà, nên hầu như tháng nào bố tôi cũng về về vái lần. Ông chỉ việc ra ga Hàng Cỏ, mua vé hạng sang, hơn hai chục cây số đường sắt, qua vài ga là đến ga Lạc Đạo, xuống ga, cuốc bộ chừng vài cây số là về đến nhà rồi. Sau này, khi giàu có hơn nữa, bố tôi không đi bộ nữa, mỗi khi về quê như vậy, nhà thuê sẵn xe tay chờ đón ở sân ga đưa ông về nhà, rồi hôm đi, cũng xe tay chở ông lên ga về lại Hà Nội. Mẹ già tôi sơm có thai, rồi sinh chị Nguyên. Tuy là con gái, chưa phải là đích tôn nối dõi tông đường, nhưng bà nội tôi cũng rất mừng, bởi lẽ, bố tôi lận đận đường thê thiếp, phải gần chục năm kể từ ngày kết hôn lần đầu mới có con, thêm nữa, nhà nhiều ruộng đất, con gái hợp với câu cửa miệng nhà nông “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”; và còn một lý do nữa, ấy là việc chính bà nội tôi lựa chọn cô Lĩnh về làm dâu trong nhà, nay đơm hoa kết quả, hỏi sao không mừng được.
          Việc nhà nông do bà nội và mẹ già tôi cai quản, lẫn công việc làm ăn của bố tôi ở phố đều hanh thông nên tài sản, tiền bạc tăng lên nhanh chóng. Nhà bố tôi từ diện phú nông không mấy chốc thành bậc giàu có nhất nhì trong vùng. Không những thế, khi chị Nguyên vài ba tuổi thì mẹ già tôi lại có mang rồi sinh hạ con trai. Anh Hoan, tên người anh trai tôi, ra đời là một niềm vui lớn của gia đình, bởi từ đây, nhà chính thức có đích tôn nối dõi tông đường cho cả gia tộc, dòng họ, vì gia đình tôi vốn là trưởng chi họ. Bố tôi đặt con trai tên Hoan, là muốn biểu thị niềm hân hoan vô cùng của ông. Gia tài phát triển, con cái nếp tẻ đều đã có, và với ông, còn một niềm vui ẩn chứa, ấy là việc ông gửi gắm vào người con trai đầu của mình sự nghiệp thi thư, học hành thành đạt của gia tộc. Lòng mong mỏi và niềm tin ấy của bố tôi là hoàn toàn đúng với gia cảnh nhà tôi thời đó.
          Sau đó, mẹ già tôi còn đôi lần mang thai nhưng khi sinh thì đều không nuôi được. Với bố tôi, dẫu sao con cái như vậy cũng là tạm ổn. Chị Nguyên khỏe mạnh, lớn mau, tính tình có vẻ đoảng ngay từ nhỏ, còn anh Hoan thì dáng dấp mảnh khảnh trắng trẻo, ngoan hiền, chăm học. Yên tâm phần nào đường thê thiếp, con cái, bao nhiêu tiền kiếm được từ nghề thiết kế kiến trúc, phần lớn ông đưa cho bà nội và mẹ già tôi ở quê, dành mua thêm ruộng đất trong làng và quanh vùng. Có nhiều tiền, bố tôi, giống như nhiều trí thức và các nghệ sĩ thời đó, bước vào con đường ăn chơi, tiêu xài. Ông thử hút thuốc phiện rồi đâm nghiện bàn đèn, rồi đó, cô đầu nhà hát với ông là chuyện hàng ngày. Ở một mình ngoài Hà Nội, bố tôi không mua đất làm nhà làm gì cho tốn, ông chỉ ở nhà thuê, mà có khi cả tuần ông không về đến nhà một lần, bởi cứ cái vòng quay, sáng ăn quà, đi làm, tối cơm tiệm rồi đến phố Khâm Thiên, bàn đèn thuốc phiện, gối đầu đùi non cô đào, lim dim nghe tom tom chát chát “hồng hồng tuyết tuyết...”, sáng hôm sau lại bắt đầu một vòng quay mới. Sau này, bố tôi rất thành thật và khá hài hước khi kể lại cho con cái chúng tôi nghe chuyện thời ông sa đà chuyện ăn chơi ở phố ngày trước thê nào. Ông vẫn thuộc và có thể đọc lại lời nhiều bài hát ả đào; rồi nữa, chuyện ông đã từng vài lần bị lây bệnh hoa nguyệt, nhưng vì có mấy người bạn chơi là bác sĩ nên ông chữa trị cẩn thận, mà không bị vô sinh. Thời ấy, chẳng như bây giờ, những chuyện chơi bời hút xách như vậy là chuyện thường tình với dân trí thức, nghệ sĩ và những người có tiền. Thậm chí, chơi bời vậy còn là để dán cái nhãn của tầng lớp trên tiền, chính quyền không cấm đoán mà gia đình, người thân cũng chẳng can ngăn.
          Thực ra, bà nội tôi không ưa gì việc bố tôi tiêu xài vào thú ăn chơi phố thị, nhưng cũng không thể ngăn cản. Còn mẹ già tôi, bà hiểu biết chuyện đó và thức thời hơn, chỉ nhắc nhở bố tôi làm sao đừng để tổn hại đến sức khỏe, đừng rước bệnh về nhà đổ cho vợ con. Thâm tâm, mẹ già tôi ngấm ngầm ngăn cản chuyện này bằng cách riêng của bà. Mẹ già tôi để tâm, thăm dò trong vùng, xem mặt vài ba cô gái khỏe mạnh, con nhà tử tế, nghèo cũng được, rắp tâm cưới thêm vợ lẽ cho bố tôi. Làm vậy, bà hi vọng, bố tôi sẽ bớt chuyện cô đầu con hát đi, đặng nhà lại thêm người, có thể thêm con, thêm của. Nhưng mẹ già tôi gặng thế nào, bố tôi cũng không chịu nghe, chiều lòng vợ, ông có theo bà đi xem mặt vài đám, thấy cũng đường được, nhưng rồi chẳng ưng ai. Thấy không ép được, mẹ già tôi cũng thôi, bỏ hẳn ý định tìm vợ bé cho chồng.  Sau này, kể lại chuyện đó, bố tôi bảo, ngày ấy ông nghĩ, cưới thêm vợ bé là nhà dễ nảy sinh chuyện nọ chuyện kia ngay, xưa nay “chồng chung ai dễ ai chiều cho ai”  là thường tình...
          Tiếng là vậy, tiêu xài vào chuyện ăn chơi khá tốn kém đấy, song bố tôi cũng không phải là diện “phá gia chi tử”. Ông là người phải trực tiếp làm nụng để kiếm tiền, hiểu giá trị của đồng tiền, lại xuất thân từ nhà Nho nghèo ở thôn quê, nên ông hiểu đến mức nào là chừng mực. Ngoài việc chi tiền cho mẹ và vợ mua thêm ruộng đất ở quê để giữ đúng nếp Nho gia truyền thống là “dĩ nông vi bản”, ông bắt đầu ý thức và tích cóc cho việc xây dựng một cơ ngơi ở quê nhà cho xứng tầm. Mọi chuyện bắt đầu từ việc phải có được một khoảnh đất thổ cư đủ rộng để xây dựng cơ ngơi theo ý tưởng nhà-vườn. Đất ở cũ do các cụ để lại, nơi ông nội tôi từng mở lớp dạy chữ Nho, nơi có chiếu miếu Cô Yêu ngày nào, tuy không chật, nhưng không đủ rộng để làm. Bố tôi đã thương lượng với hàng xóm liền kề, đánh đổi miếng đất cũ lấy miếng đất kế bên, tuy hẹp hơn một chút, ấy là sự chấp nhận thiệt thòi, lấy cơ hội mở rộng. Đổi xong mảnh đất chính, dần dà vài ba năm, bà và mẹ già tôi, thăm dò, và mua trương được mấy miếng đất nữa của các nhà hàng xóm, từ việc cắt bớt đất ở của họ bán cho. Vậy là, thổ cư của nhà tôi tăng lên thành sáu sào Bắc bộ, bốn góc đất vuông vức, mặt tiền bám trục chính đường làng dài hàng trăm thước.
          Kể từ đây, bố tôi có đủ điều kiện để xây dựng một cơ ngơi to tát theo dạng kiến trúc biệt thự Tây ở giữa với vườn tược bao bọc xung quanh. Chuyện về biệt thự nhà vườn này, tôi nghe và đã kể , nên không nhắc nữa. Vì chung thành với làng quê, gìn giữ nếp hiếu đễ Nho giáo, bố tôi đã từng khước từ cơ hội trở thành một chủ thấu xây dựng giàu có nhất mực trên đất cảng Hải Phòng ngày nào, nên việc ông chỉ ở nhà thuê tại Hà Nội, dành dụm tiền để xây cơ ngơi lớn ở quê là thế. Chấp nhận việc một thân, ngày ngày “cơm niêu nước lọ” kiểu quà vặt, cơm tiệm là cái thú riêng của ông. Nhờ đó, bố tôi có cơ duyên làm quen với một cô gái quê ra phố giúp việc tiệm cơm cho bà trẻ, mà nên vợ nên chồng, chính là mẹ đẻ ra tôi. Nhưng đấy là chuyện sau...
         

Nhận xét