Nợ hoa,



Nợ hoa
“Nợ nào hơn mắc nợ hoa
Trả chưa xong nợ tóc đà gội sương…”
( Phùng Cung )
          Chừng mươi ngày nữa là anh phải dọn hết đồ đạc, trả lại căn phòng rộng hơn chục mét vuông trên tầng hai ở khu nhà khách Ủy ban này. Đúng ra, anh đã nghỉ hưu từ gần tháng nay theo quyết định, và về nguyên tắc, thì đúng ngày nghỉ hưu, anh phải trao trả chìa khóa cửa căn phòng này cho Ban quản trị, để họ trưng dụng cấp lại cho người khác, hoặc dùng vào việc chung. Thế nhưng, lấy cớ là chưa xong thủ tục giấy tờ chuyển về quê nhà, anh cấn cá chưa dọn hết đồ đạc nên vẫn giữ chìa khóa căn phòng. Thực lòng, sau mấy chục năm sống ở đây, anh thân thuộc với nó còn hơn cả người thân của mình, ấy là người cha già sống ở quê và cậu con trai độc nhất học đại học rồi ở miết Hà Nội xin việc làm.

          Cuối tuần, khu nhà khách Ủy ban vắng lặng, khác hẳn ngày làm việc, khách khứa ra vào, ăn nhậu tấp nập. Anh định bụng, tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần, dọn dẹp bớt đồ đạc, đóng thùng các-tông, đợi chuyển về quê, để dành cả tuần tới làm cho xong thủ tục giấy tờ. Bình thường, chuyện giấy tờ nghỉ hưu thì đâu có gì phức tạp, nhưng với trường hợp của anh lại không bình thường chút nào. Rắc rồi là ở cái tên, cả mớ giấy tờ trong bộ hồ sơ công chức của anh, mỗi loại viết một kiểu, mặc dù khi phát âm thì vẫn như nhau. Số là, lúc cha sinh mẹ đẻ ở quê, nhà anh có hai anh em trai, bố anh là người có chút chữ nghĩa, đặt tên con sao cho vừa kêu, lại ý nghĩa, anh là Vĩ, em là Đại. Khổ nỗi, đến năm học cấp hai, có người thày giáo dạy môn Văn, nói năng văn hoa, thích chiết tự, bắt bẻ này nọ. Thấy anh học văn khá, chữ viết sạch đẹp, nên thày giáo này hay trò chuyện văn vè với anh, và còn nhở anh chép những bài văn hay của học trò do thày sưu tầm được, đặng sử dụng làm ăn mẫu cho việc giảng dạy. Có lần, thày bảo: “Tên em là Vĩ, hiểu là vĩ đại, thế nhưng, mẫu tự trong danh sách lại viết là Vỹ, với đuôi y dài. Nếu vậy, thì chữ này không thể hiểu là vĩ đại, tức là sự to lớn được, mà phải hiểu chữ Vỹ là cái đuôi. Ghép tên hai anh em lại là Vỹ Đại, nghĩa là Đuôi to”.  Những người có mặt cười ồ lên khoái trá lắm. Kể từ đấy, đám trẻ học trò trong làng đều trêu anh, gọi hai anh em là Đuôi to. Anh tức lắm, cũng không trách thày vì thực lòng thầy trò rất quý nhau, chỉ bực nỗi là thày nói chuyện đó ở chỗ đông, nhiều người biết nên thành ra chuyện trêu chọc thôi. Mãi sau này, khi học đại học, bắt đầu đi làm, có cơ hội, anh đổi tên mình, từ y dài thành i ngắn. Vậy, tên chính thức là Vĩ, tức vĩ đại, chứ không bao giờ là cái đuôi to nữa. Dân gian có câu “nhất thủ nhì vỹ”, nhất đầu nhì đuôi, thì tên anh đã thành , tương đương với cái đầu rồi. Anh đắc ý lắm, song không ngờ, suốt ngần ấy năm, anh chuyển công tác qua nhiều nơi, không hiểu sao, khi làm giấy tờ này nọ cho anh, người ta vẫn viết tên anh với chữ y dài. Giờ thì lôi thôi to, nên khổ thế.
          Hôm trước, đúng ngày bắt đầu nghỉ hưu, anh thu xếp một chút tư trang quan trọng, cùng dăm bộ quần áo, nhét đại vào chiếc túi du lịch to, khóa của phòng từ sớm, đón ô tô về quê. Anh sĩ diện, không muốn ai thấy mình, ngày đầu nghỉ hưu, còn có mặt ở khu nhà khách Ủy ban này. Chẳng muốn chạm mặt đồng nghiệp hay người quen, để rồi phải trả lời câu hỏi kháy “Thế ông vẫn ở đây à?”. Đầu óc cứ lởn vởn những chuyện như thế, anh cứ lẩn thẩn hết nâng lên lại đặt xuống những đồ vật bày biện trong phòng, chẳng muồn xếp chúng lại. Tập album dày cộp nơi góc tủ sách đập vào mắt anh. Anh cầm lên, khẽ phủi bụi bên ngoài, rồi lật giở từng trang. Khi anh còn đi làm, hết giờ công sở, về đến nhà, ngoài bữa ăn không thể bỏ, bao nhiêu thời gian còn lại, anh cúi đầu vào máy tính, mầy mò lập thư viện điện tử, dựng các clip âm nhạc dân gian… có mấy khi sở mó đến các kỷ vật đâu. Thực lòng, anh ngại đụng chạm đến những kỷ vật một thời, không muốn bị ám ảnh mãi câu chuyện đau buồn của mấy chục năm trước. Anh bần thần ngắm bức ảnh chụp chung giữa Quy, một giáo viên cùng trường và là bạn thân với vợ chồng anh. Ảnh chụp bốn người, anh và Quy, cùng vợ anh bế trên tay cậu con trai bụ bẫm mới vài ba tháng tuổi. Nhìn bức ảnh này, ai mà nghĩ chỉ nửa năm sau, vợ chồng anh đã tử biệt sinh ly cơ chứ… Chuông điện thoại đổ hồi, kéo anh dứt khỏi dòng ký ức. Thì ra, Quy gọi và rủ anh đi chơi dã ngoại. Anh ngần ngừ rồi đồng ý. Dọn đồ để sau vậy.
          Trên xe, ngoài Quy, còn có một nhà thơ, là bạn của Quy từ Hà Nội lên. Anh đã quen nhà thơ này, cũng từng nhậu nhẹt bù khú vài lần. Xe chuyển bánh, hướng đến một khu di tích kháng chiến xưa xa hơn trăm cây số. Chuyện nổ như pháo rang, đủ các thứ trên trời dưới biển, cười nôn ruột. Chán chuyện gẫu, anh và Quy bắt sang chuyện xưa, Quy hỏi anh: “ Nghỉ hưu, ông vẫn nhất quyết về lại quê đấy à”. Anh lỡ đãng nhìn cảnh núi non bên đường: ” Ờ, tôi về quê, cụ thân sinh tôi gần chin mươi rồi,… cụ sống một mình ngần ấy năm tôi xa nhà. Giờ cũng muốn được chăm sóc cụ một chút, chẳng phải để báo hiếu, cũng chẳng phải vì sợ mang tiếng với láng giềng, là để cho lòng mình thấy yên ổn thôi…”. Quy nhìn anh chăm chú: “ Nghĩ thế cũng phải… nhưng mà, nói dại thì ông bỏ quá, tôi sợ ông về quê, ông buồn chán, rồi sinh bệnh, không khéo… có khi chẳng chôn nổi bố đâu, mà ngược lai đó…”. Anh cười: “ Cảm ơn ông đã lo xa, bố tôi chôn tôi chứ gì ?... Khỏi lo, ông ơi.”. Cả xe cùng cười. Quy nhân vậy, hùa chuyện: “ Tôi hỏi khí không phải, thế nhưng, ông về quê, bỏ lại bạn gái ở đấy sao? Cô ấy còn công việc và con riêng nữa, chắc chắn là khó theo ông về quê. Vậy ông bỏ lửng cô ấy, hay thôi luôn? “. Anh ầm ờ “Tôi không biết… phải về quê… muốn ra sao thì sao…”.  Quy cười to, rồi đưa ra một đề nghị với anh, rằng Quy cũng sắp nghỉ hưu, vì yêu mến vùng đất Tây Bắc này, hiện tại và quá khứ, nên muốn mua một miếng đất đâu đó xây dựng nhà vườn, hoặc cơ sở sản xuất chi đó. Quy rủ anh ở lại đây, giúp Quy thực hiện việc này, nhằm tốt mọi bề cho anh. Rằng nếu anh chấp thuận phương án ấy, Quy  sẽ giúp anh đưa bố anh từ quê lên cùng sống cho yên tâm. Thoạt đầu, anh chối phăng, nhưng nghĩ lại một chút, thấy cũng có lý. Anh bảo bạn là để anh suy nghĩ thêm. Xe quanh quanh leo dốc, chênh vênh đường núi, sương khói đâu đó đùn lên mù mịt...

#



Vĩ loanh quanh đường làng, hai bên toàn tre trúc, rồi lại ao chuôm ken đặc loại bèo Nhật bản hoa tím, kế tiếp là những khoảnh vườn hàng rào cúc tần có dây tơ hồng quấn quýt. Vĩ nhẩm bụng, dây tơ hồng nhiều thế này không gỡ bớt đi, khéo cúc tần lụi hết mất. Lại những bức tường rào đất dây mướp bò leo, xen kẽ hoa vàng và quả lúc lỉu... Vĩ sốt ruột, sao đi mãi không thấy ngôi chùa đâu nhỉ. Vừa khi đó, dưới bóng mấy cây nhãn cổ thụ, hé lộ chút mái tam quan chùa ngói cũ rêu phong. Đây rồi, Vĩ mừng, reo thầm trong bụng. Cổng chùa, đôi cánh cổng gỗ không cài then trong, mở buông he hé. Vĩ dừng trước cổng, ngó nghiêng quanh quất, định hình xem mình có nhầm không. Anh khẽ đảy, một bên cánh mở ra từ tử, Vĩ lách nhẹ người vào bên trong, anh cẩn thận khép hờ  cánh cổng, rồi thủng thẳng theo lối gạch lát đi vào sân chùa. Anh nhìn quanh một lượt, quang cảnh vẫn như ngày nào, chỉ có cây cối là rậm rạp hơn. Có lẽ, cũng ngót hai chục năm rồi ấy, kể từ lần cuối, anh đến đây thắp nén hương cho Nhân, người vợ đầu và duy nhất của anh đến giờ. Vĩ đánh tiếng, nhưng không thấy ai lên tiếng, anh tần ngần đứng giữa sân chùa đưa mắt tìm quanh quất. Lưỡng lự chút, Vĩ nhẩm bụng, thôi kệ, mình về đây là để thắp cho cô ấy nén nhang, cứ vào chính điện thắp hương khấn Phật trước đã, rồi khấn cô ấy sau.Thắp hương lễ Phật xong, anh trở ra sân, định tìm nơi thờ vong linh những người đã khuất nương nhờ cửa Phật, thì chợt nghe tiếng dặng hắng ngay phia sau mình, anh giật bắn, nhảy né người sang bên, quay lại nhìn, há miệng không thành tiếng. “Cô…cô…à… ni cô…là… Nhân?”, anh lắp bắp hỏi. Định thần, Vĩ thấy người ni cô vừa xuất hiện này giống hệt Nhân, vợ cũ của anh, có điều nét mặt lộ ra trong khăn choàng đầu thì già hơn. Hình như khóe miệng ni sư còn giữ nét cười khẽ, chắc là vì thấy anh hoảng hốt “Mô PhậtBần ni là Thích Diệu Nhân… Thí chủ chẳng hay đến nhà chùa lễ Phật, hay còn việc gì khác? Bần ni giúp được gì thí chủ đây?”. Ni sư lùi lại sau một bước, im lặng khẽ cúi người chờ đợi. Vĩ nghẹn lời, anh đã phần nào định thần, nhưng chưa hết ngạc nhiên vì sự giống nhau như bóc giữa ni sư này với người vợ cũ của anh. Muốn khẳng định lại một lần nữa, Vĩ hỏi: “Ni sư là… Nhân… Cô giáo Nhân xưa dạy Hóa Sinh ở Trường vừa học vừa làm trên cao nguyên…?”. Ni sư nhìn anh chăm chú: “Mô PhậtThì bần ni vừa nói với thí chủ rồi mà… Bần ni là Thích Diệu Nhân, sư trụ trì chùa này”. Vĩ ngẩn ngơ, không biết nên vui hay buồn: “Vậy ra,… ni sư không phải là cô ấy. Tôi cứ tưởng… cho tôi xin lỗi vì đã nhầm lẫn”. Ni sư vẫn giữ nét mặt nghiêm nghị, giọng nói nhẹ nhàng, thoảng như hơi gió: “Mô Phật. Không sao mà, thí chủ… nhầm lẫn là chuyện bình thường… Ở đời, có những nhầm lẫn hệ trọng, mà nhà Phật còn buông bỏ hết, nữa là…Mô Phật.”. Vĩ chăm chú nhìn ni sư, lòng đầy băn khoăn, không lẽ, cô ấy còn có một người chị em nữa mà mình không biết. Hay chăng, bố cô ấy có người con rơi mà chính cô ấy cũng không rõ? Những hoài nghi chợt xuất hiện ào ạt trong ý nghĩ của anh, Vĩ tự nói với chính mình mà buột miệng thành tiếng: ”Hay là… kiếp sau… “- Vĩ dừng bặt- chuyển hường: “Xin nhà chùa cho biết, nơi thờ các vong gửi cửa Phật … ở đâu ạ? Tôi nhớ không nhầm, trước đây, ngay trong chùa, phía bên trái, còn có một ban dành thờ các linh …?”. Ni sư vừa nói, vừa chỉ tay ra hiệu: “ Mô Phật… trước là thế, nhưng dăm năm gần đây, nhà chùa cho cất riêng một am nhỏ phía vườn sau để thờ các vị ấy… Thí chủ làm ơn vòng qua đầu hồi trái chính điện là thấy ngay”. Vĩ cảm tạ, rồi đi theo chỉ dẫn, anh chợt ngoành lại thì bắt gặp, ni sư như vừa kịp giấu một nụ cười mỉa, khiến lòng anh không yên, cảm giác là ni sư đang giấu giếm một cái gì đó?
Ngôi am thờ các vong linh nương nhờ cửa Phật, nép dưới một vòm cây ngọc lan, nên cùng mùi nhang khói, Vĩ cảm nhận được cả hương ngọc lan. Đâu đây góc vườn, anh còn thấy phảng phất mùi thị chin. Vĩ thắp nhang, cúi đầu, nhắm mắt khấn khứa. Anh khấn dài lắm, như thầm kể lể, cầu xin, vì cũng lâu lắm rồi anh mới về lại chốn này…Trong không gian mê hoặc, Vĩ nghe rõ tiếng người, thì thào trong gió nhẹ, lắng tai thì đúng là tiếng cô ấy: “Anh đấy à, anh Vĩ… Lâu rồi ta lại gặp nhau nhỉ. Những tưởng anh ở mãi trên ấy, giờ lại có bạn gái mới, anh quên chốn này rồi?”. Vĩ rầu rĩ: “Mình đấy à. Nhân ơi… Tôi biết ngày ấy tôi có lỗi, nhưng thực lòng tôi tự thấy mình đâu có làm gì sai. Chẳng qua, ngày ấy còn trẻ, chưa đủ sự hiểu biết để đồng cảm và chia sẻ với mình, ứng xử với mình mềm mỏng hơn. Tôi biết tôi đã lỡ mồm… làm mình hiểu lầm. Chết tại cái mồm…”. Vừa nói, anh vừa lấy tay vả nhẹ vào miệng mình. Nhân cười nhẹ trước thái độ cử anh: “Anh nhận là anh có lỗi, nhưng một hồi, anh lại bảo là chẳng có lỗi gì cả… Vậy thì, chỉ còn lỗi thuộc về tôi thôi, đúng thế không?”. Vĩ đây đẩy: “Không, không… Lỗi là ở tôi… Ý tôi là, trong thâm tâm tôi không coi thường mình, tôi cũng không phản bội mình đi say mê người đàn bà khác… Chẳng qua, tôi không hiểu tâm lý mình, không biết cách nói năng và chăm sóc mình lúc mình đang nuôi con thơ dại… Nếu biết, tôi đã luôn ở bên cạnh mình, động viên, an ủi mình… Mình đâu đến nỗi trầm cảm, suy diễn này nọ… mà dại dột thế…”.  Nhân nhìn anh, cười độ lượng: “Là tôi thử lòng anh thôi… xem sau ngần ấy năm anh thay đổi ra sao… Còn tôi, từ ngày ấy, tôi bỏ cha con anh nơi trần thế, đi theo hầu Đức Phật, tôi chẳng còn đau đáu chuyện đúng sai nữa… giờ bận bịu với việc phổ độ chúng sinh… Những chuyện vụn vặt xưa, tôi đâu bận tâm… Tôi ra đi, không oán trách gì anh, chỉ còn chút băn khoăn về cậu con chung của chúng ta… Giờ thấy nó khôn lớn, tự lập được rồi, tôi chẳng còn vướng bận gì chuyện đời nữa. Chỉ toàn tâm toàn ý công việc nơi nước Phật mà thôi… Anh không cần phải tự vấn, oán trách bản thân nữa.”.  Bóng hình Nhân chập chờn lúc bên phải, khi bên trái, lại lơ lửng trên am thờ, cô cười nhẹ, bảo: “Thấy anh đến đây, kể lể cầu xin, tôi xin Đức Phật tạp niệm, chuyện đời với anh đôi câu. Giờ tôi đi đây. Đức Phật cho gọi tôi rồi”. Bóng Nhân mờ đi lẫn vào khói hương, Vĩ gọi với: “Cô đi đâu? Chuyện thêm với tôi chút nữa… Hay là, cho tôi theo với, tôi thấy việc đời cũng mệt mỏi lắm rồi?...”. Trong màn sương khói hư ảo, tiếng cô lảnh lót: “Chưa đâu. Anh còn nặng gánh căn quả. Còn phải báo hiếu cha già, còn làm chỗ dựa cho con anh, nó có lớn đấy, nhưng chưa có khôn…Cứ ở lại đi. Hẹn gặp lại anh ở nới nước Phật nhé… Đời thì lâu, Phật lại nhanh…”. Anh cố gặng: ”Cô không cho tôi đi theo, thì xin nán lại chuyện trò thêm chút nữa…Là để hiểu nhau?...”. Cô cười độ lượng: “Thì nãy, khi vào chùa thắp hương lễ Phật, tôi đã gặp anh rồi đấy… Anh cũng đã nhận ra tôi mà…Anh có nói gì đâu…Vậy là đủ..”. Anh sửng sốt: “Gặp nhau khi nào?... Cô chính là… là ni sư… vừa nãy ở sân chùa?...”. Cô cười thành tiếng: “Ni sư Thích Diệu Nhân đấy…là… hiện thân của tôi… Thôi, tôi đi đây!...”.
          Vĩ rướn người gọi với, anh giật mình choảng tỉnh. Vừa ý thức, anh kịp nhận ra, chiếc xe đang loạng quạng rồi xoay 180 độ, đầu xe quay ngược hẳn lại phía sau, kề sát taluy dương thì dừng đứng, không sa bánh trước xuống rãnh. Cả xe lặng đi, chưa kịp nhận ra biến cố, rồi ồ lên mừng rỡ. Cậu lái xe, trút tiếng thở hắt ra, thốt lên “Ôi, may quá!”, rồi lặng bặt không nói lên lời. Mở cửa, tất cả ra khỏi xe, thì ra, khi lên dốc vào cua, bánh trước xe băng qua một vệt dầu nhớt rơi rớt trên mặt đường, trời mưa nhỏ ướt đường, mất ma-xát trượt đi. May mà đang lên dốc ôm cua, tốc độ xe chậm, cậu tài xử lý tức thì đúng cách, xe không lao xuống vực bên taluy âm, tuy quay ngược lại, nhưng cũng không bị sập bánh trước và húc đầu vào thành taluy dương. Xe không sao, người không ai xây xát gì. Quả là may mắn làm sao. Riêng Vĩ, anh vừa sợ, vừa bàng hoàng, hiểu là mình vừa ngủ thiếp trên xe, mơ gặp lại vợ cũ… Vĩ nhẩm bụng, cô ấy vừa phù hộ, cứu anh và mọi người trên xe thoát qua một tai nạn. Vậy là cô ấy vẫn theo anh, và vừa phù hộ cho anh và mọi người đấy thôi!...
Mọi người lên xe, đi tiếp. Dường như để quên đi nỗi sợ vừa thoát nạn, Quy kể vài câu chuyện tiếu lâm, còn anh bạn nhà thơ thì đọc vài bài thơ, bình này nọ. Riêng Vĩ, giờ anh mới nhớ lại giấc mơ vừa nãy, và không thoát ra khỏi nó, anh lẩm bẩm, lại bâng quơ: “Ông Quy này, ngày trước ông ở trên này cũng dăm ba năm đấy nhỉ... Khi về Hà Nội, ông có nhớ nơi này không? ... À, mà ngày ấy đang còn trẻ trung, ông quên ngay, được về nhà Hà Nội, còn gì bằng. Có chăng, nhớ em Huệ... Công nhận, ngày ấy, em Huệ xinh thật, có khi xinh nhất cả vùng này ấy nhỉ.”. Quy cười cười bảo: “Nhớ chứ. Chí ít là nhớ em Huệ, nhớ ông... và nhớ những lần hai thằng mình đi chọc sàn, bị chó đuổi cắn, chạy thục mạng muốn đứt hơi hút chết...”. Vĩ đùa lại Quy nhắc chuyện cũ: ”Ngày ấy, tôi nhát, theo ông đi thử một lần, bị chó đuổi, tôi sợ mất vía, thôi luôn. Còn ông bạo, tôi biết ông còn đi nhiều lần, có lần còn bị chủ nhà đe, vác dao chém gỗ cầu thang dọa... Với lại, ngày ấy, sở dĩ tôi không đi nữa, là tôi sợ Nhân hiểu nhầm... Tôi biết tính cô ấy hay nghen, cũng cố chấp... Vậy mà, sau này lấy nhau, nên vợ chồng, sinh con...cô ấy có bỏ dược cái tính đó đâu...”. Quy an ủi, chia sẻ: “Ừ, thế mới nên chuyện... cô ấy thiệt thân, còn ông thì dở dang cho đến tận già bạc tóc...”.  Câu nói của Quy khiến anh ái ngại. đưa tay lén vuốt mái tóc đã thưa nhưng vừa được “đảo ngói” thành đen nhánh, chải chuốt, lật ngược từ trán ra sau gáy, là để có dáng vẻ trẻ trung phong độ, chiều lòng người bạn gái mới, tuổi ngoài ba mươi... Câu chuyện cứ thế, anh và Quy thay nhau, chắp nối những mẩu ký ức vụn, như cuốn phim quay chậm, từ ba hơn ba mươi năm trước...

          Ngày ấy, vùng cao nguyên thời tiết dịu mát quanh năm này, có đến dăm nông trường, cái của Bộ, cái của cơ quan đoàn thể, cái của địa phương quản lý, nên việc thành lập một trường cấp ba vừa học vừa làm là hợp lý. Vì là vùng định cư của các dân tộc thiểu số, nên học sinh đa phần là người các dân tộc trong vùng, và phần đông học sinh cũng khá lớn tuổi, chỉ kém chút ít so với các thầy cô giáo mới ra trường như Vĩ. Cả trường có gần chục giáo viên trẻ, thì nhóm ba người bọn Vĩ, thêm Quy và Nhân, chơi thân nhau, cùng từ dưới xuôi được điều lên đây, dù người trước, kẻ sau. Riêng Vĩ ở tổ xã hội, còn Quy và Nhân ở tổ tự nhiên, Vĩ và Quy còn tham gia công tác Đoàn trường. Vì đều người miền xuôi lên miền núi, xa nhà, tình cảm thiếu thốn, nên tình cảm đôi lứa dễ này sinh. Nhân vốn mồ côi cả cha lẫn mẹ, tính tình khép nép, ít nói, cô kết thân và chọn Vĩ là bạn trai. Tự thân, Vĩ cùng quý mến và rất thương Nhân, muốn gần gũi, chia sẻ hoàn cảnh cô đơn và làm chỗ dựa cho cô. Ngày ấy, Vĩ hiểu là Nhân chọn anh làm chỗ dựa cho cuộc đời cô, bởi anh có vẻ ngoài chỉn chu, nói năng nhẹ nhàng, ân cần, nói chung là ở anh toát lên sự tin cậy. Còn Quy, trai Thủ đô, bộc lộ rõ tính cách của người mang hướng ngoại, bảnh trai, hát hay, đá bóng giỏi, biết chút võ vẽ, tính yêng hùng, ra đường “thấy sự bất bình chẳng tha”, hay bênh vực người yếu, nhất là phụ nữ, nên được phái nữ của trường, đám nữ học sinh lớn tuổi thích lắm, trong đó có cô học sinh tên Huệ. Ở tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng bò”, Huệ đẹp nổi tiếng cả thị trấn và vùng dân cư ở đây. Cô học trò lớn đầu, xinh đẹp nổi tiếng này mê tít thày giáo Quy, đến mức mỗi tiết học của thầy cô chỉ ngắm thày hơn là nghe giảng, học hành. Và thày Quy cũng dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho cô học trò này. Cũng chính vì thày trò quấn quýt nhau, mà Huệ bị cha mẹ mình để ý, theo dõi, còn Quy thì bị cánh con trai quanh vùng tức tối, tìm cách gây sự, hăm dọa, đe đánh. Cặp đôi thày trò này cũng gây ra một vài phiền toái cho chính họ và nhà trường. Vĩ và Quy thân nhau vì tính khí và nếp sinh hoạt khác hẳn, nhưng lại xem như sự bù trừ cho nhau, hai người ở chung một phòng trong khu nhà dành cho giáo viên. Hồi còn yêu nhau, mỗi khi Nhân đến phòng thăm Vĩ thì Quy ý tứ, vài câu xã giao rồi kiếm cớ ra ngoài, đi chơi với Huệ, nhường phòng để Vĩ tiếp bạn gái. Nhân hơi ngại sự mạnh mẽ, sắc sảo của Quy, nên cô thưởng mất tự nhiên trước mặt Quy. Tự thân, Vĩ  biết ơn bạn mình vì Quy rất ủng hộ và ra sức vun vào cho hai người sớm thành đôi.
          Đám cưới của hai người được tổ chức gọn nhẹ, ấm cúng ngay tại phòng họp chính của nhà trường. Tiệc ngọt, bánh kẹo, trà lá. Đại diện hai bên gia đình từ xuôi lên, các thày cô giáo nhà trường, bạn bè của cô dâu chú rể, đại diện các lớp và một số học sinh cưng của hai người tham dự. Phông đám cưới đơn giản nhưng ấn tượng, bởi Quy khéo tay, cắt lồng hai chữ V&N màu đỏ cách điệu thành hình hai ngọn núi, ngọn cao tượng trưng cho chồng, ngọn thấp là vợ, nép vào ngọn cao. Thầy Hiệu trưởng chủ hôn, phát biểu căn dặn này nọ, chú rể dạy văn, cao hứng ứng tác mấy câu thơ tặng cô dâu, lấy ý từ hình cách điệu hai ngọn núi bên nhau mãi mãi. Quà tặng, gồm xoong nồi, chậu thau, bát đĩa, ấm chén, toàn đồ gia dụng, nên cặp vợ chồng trẻ đủ dùng, không cần mua sắm gì thêm. Quy dọn sang ở phòng khác, nhường phòng ấy cho đôi vợ chồng trẻ Vĩ Nhân.
Cặp vợ chồng trẻ quấn quýt, dính nhau như sam. Ngoài giờ làm việc, đi đâu cũng có nhau. Đất rộng, tha hồ trồng rau và nuôi gà, nên thức ăn rủng rỉnh. Cuối tuần, chiều thứ bảy, sẵn thức ăn tươi, vợ chồng Vĩ hay mời Quy ăn cơm, có buổi, còn thêm cả cô trò cưng Huệ ăn cùng. Những hôm như thế vui lắm, Quy hoạt náo làm không khí rộn hẳn lên. Huệ thì không giấu được cảm xúc trong bầu không khí gia đình ấm áp, bộc lộ: “Sang năm tốt nghiệp, em không học thêm nữa đâu. Ở đây phụ giúp bố mẹ em mở thêm của hàng,… rồi  em và thày Quy cưới nhau, gia đình chúng em cũng sẽ sum vầy, vui vẻ như thế này”.  Niềm vui của gia đình Vĩ nhanh chóng tăng lên, khi Nhân có thai. Cô nghén lắm, không ăn được gì, nên ai cũng đồ đoán là sẽ sinh con trai. Hai người sống trong niềm hân hoan, chờ đợi, cứ như đang bay trên mây, chao liệng giữa bầu trời thảo nguyên mướt mát đồng cỏ, đồi chè.
Niềm vui như vỡ òa. Khi Nhân sinh con trai vào một đêm trăng non thượng tuần. Cậu bé bụ bẫm, thu nạp được các nét đẹp của cha mẹ, mắt to tròn với cái nhìn hơi ngơ ngác của mẹ, xống mũi cao và nét miệng thanh nhỏ của bố. Thật chẳng có gì bằng. Trong khi vợ chồng Vĩ tràn trề hạnh phúc, thì cặp đôi Quy Huệ lại có chút trục trặc. Số là, một lần, Huệ muốn ra mắt gia đỉnh Quy, nên theo Quy về Hà Nội. Cô bé cùng ý tứ lắm, ở nhờ nhà người họ hàng, chỉ đến nhà Quy theo kiểu trình diện thôi. Về hình thức bên ngoài, Huệ xinh xắn, khỏe mạnh, nên không có vấn đề gì, thế nhưng, cô bé lại có điểm yếu là học hành còn dang dở, nghề ngỗng chưa có gì. Sau một hồi chuyện trò, căn vặn, mẹ Quy mát mẻ rằng, gia đinh không muốn Quy ở lâu trên ấy, và sẽ xin cho Quy về Hà Nội công tác, còn Huệ, khi nghề nghiệp chưa gì, cũng khó mà theo Quy về Hà Nội được, bởi thời buổi kinh tế khó khăn, cả nhà sống trông chờ vào sổ gạo và đồng lương hết, thêm người không việc sẽ càng khó khăn thêm. Chuyến xe khách ngược lên, Quy an ủi thế nào cũng không được, Huệ sụt sùi cạn nước mắt. Vợ chồng Vĩ nghĩ cách làm bữa cơm, mời hai người đến ăn nhằm giàn hòa, động viên, rồi suy tính xem có cách nào để gia đình Quy chấp thuận.
Rồi chuyện của họ cũng nguôi ngoan, nhưng nhà Vĩ  lại sinh chuyện. Sau niềm vui sinh nở ít lâu, Nhân trầm lặng ít nói hẳn đi, thêm chứng mất sữa, em bé thiếu sữa mẹ quấy khóc, phải tìm cách cho ăn thêm bằng sữa bò pha loãng đun cách thủy, rồi nước cơm… Nhân tất bật con cái, vốn ít lời. nay trầm lặng, cáu bẳn không ra đâu vào đâu. Kỳ nghỉ hè, rỗi rãi, thấy ở nhà tù túng, nên khi có người quen rủ Vĩ tranh thủ làm thêm, anh theo ngay, mặt hàng là sắt phế liệu, bán được giá, tiền lãi khá lắm. Vĩ hào hứng, công việc mới này hút hết thời gian của anh, nên hầu như chẳng nhúng tay giúp vợ làm việc nhà như trước nữa. Thực lòng, Vĩ nhân cơ hội, muốn kiếm ít tiền, tính kế lâu dài, có thể mua một miếng đất mặt phố thị trấn, còn khá khẩm hơn thì tìm mua hẳn miếng đất hoặc căn nhà cấp bốn dưới Hà Nội. Ý tưởng ấy của Vĩ quả không tồi, anh cũng đã tham khảo qua Quy và được Quy khuyến khích. Anh hăng hái, làm liền mấy chuyến, đều ổn cả, tiền lãi thu về kha khá và anh rất mừng, rủ Quy, đợt nào rảnh, cùng về Hà Nội, ngó nghiêng đây đó tìm mua nhà, đất. Nhưng rồi, chuyện lớn đã xảy ra, làm giấc mộng hoa của anh tan thành mây khỏi…
Thực tình, Nhân mắc chứng trầm cảm sau sinh. Khốn nỗi, ngày ấy, Vĩ không hiểu gì và xã hội cũng chưa mấy người hiểu và bàn về hội chứng tâm lý này. Cả xã hội thiếu thốn nhiều năm, lo miếng cơm manh áo, nơi ăn chốn ở đã bạc mặt rồi, lòng dạ đâu mà quan tâm tìm hiểu những hội chứng tâm sinh lý kiểu như vậy chứ. Chỉ biết là, Nhân tính tình ít nói, thêm cả cha lẫn mẹ đều mất sớm, cô không nơi nương tựa, chỉ bảo, nên sống theo cảm tính, khi yêu và lấy Vĩ, cô đặt cả niềm tin cuộc đời vào nơi anh. Công bằng, Vĩ là người tử tế, duy có điều, anh thiếu sự từng trải, hiểu biết cũng chưa nhiều, tính tình vốn thật thà, cả nể, khi bập vào chuyện làm ăn, buôn bán, là say mê thái quá, nên dù rất yêu quý vợ con, nhưng không biết cách ứng xử sao cho phải đạo. Cả một kỳ nghỉ hè, Vĩ cắm đầu vào làm ăn, đi từ sang đến tối, thậm chí theo hàng giao dịch đến vài ba ngày mới vãng qua nhà. Nhân trầm cảm nặng, mà Vĩ không biết, cũng chẳng trách anh, dến cô, tự thân cũng không biết mình ra sao nữa. Chắc là, Nhân nhìn đâu cũng chỉ thấy một gam màu u ám bao phủ. Đã vài ba lần, cô ý kiến này nọ với chồng, thì Vĩ gạt phắt đi, bảo: “Anh lo kinh tế cho gia đình mình, mấy khi có cơ hội kiếm tiền thế này,… chứ đâu phải cho riêng cái thân anh”. Quả là có lý, song lý chung là thế, trong hoàn cảnh cụ thể, nó lại không hợp lý, và như một sự ngụy biện… Sự việc ngày một nặng nề, xa cách, cho đến cuối kỳ nghỉ hè, nhà trường giao cho công đoàn và đoàn thanh niên đứng ra tổ chức cho cán bộ nhân viên nhà trường đi nghỉ mát ở Sầm Sơn, và đương nhiên, cả Quy và Vĩ đều nằm trong ban tổ chức chuyến đi này. Vĩ thông báo với vợ thì Nhân tỏ thái độ không đồng ý. Vĩ giải thích và thuyết phục chán chê, Nhân vẫn không chịu, cô lấy lý do cảm thấy mệt mỏi, con thì gần đầy năm tuổi vẫn còi cọc chậm lớn, rằng anh chẳng quan tâm, chỉ thích tiền và thích vui vẻ, nhất là với đám nữ sinh hát hò... Thâm tâm, Vĩ nghĩ mình không như vậy, điều ấy đồng nghĩa là mình chẳng có lỗi gì. Lời qua tiếng lại hồi lâu, anh bực mình xưng cô tôi: “Cô cứ suy diễn này nọ như vậy, đau đầu lắm… Nếu cô không nhanh chóng thay đổi, thì sống với nhau thế này mệt mỏi lắm… Thử hỏi, cô thiếu tin tưởng, căn vặn tôi hàng ngày như vậy… thì làm sao tôi và cô có thể ăn đời ở kiếp với nhau được…?”. Chẳng những thế, quá nóng, Vĩ không kiểm soát được mình, nặng lời: “Cô cứ suy nghĩ thật kỹ đi… rồi trả lời cho tôi, xem tôi nói thế có đúng không?...”. Nghe vậy, Nhân im bặt, ngồi thừ như một bức tượng…
Và mấy ai học được chữ ngờ, không cần phải suy nghĩ lâu, Nhân nhanh chóng có câu trả lời cho anh. Một buổi, trước kỳ đi nghỉ mát, Vĩ cùng một nhóm đoàn viên, tìm đến nhà một học sinh người Mông xinh đẹp nhưng học lực yếu, tự nhiên bỏ học, nghe nói sắp lấy chồng, để vận động nữ sinh này không tảo hôn, quay trở lại trường học. Đường xa, lại khó đi, phải trèo đèo lội suối mới có thể đến bản nhà nữ sinh đó, nên đoàn công tác phải đi từ rất sớm cho kịp trong ngày. Chiều muộn, khi cả đoàn ra đến đường to, thì gặp một cán bộ nhà trường hốt hoảng đạp xe đến tìm Vĩ, thông báo về tình trạng nguy kịch của Nhân. Khi về đến trường, cũng vừa lúc mấy người đưa Nhân đi cấp cứu bệnh viện tuyến trên quay trở về, vì cô đã tử vong trên đường đi. Vĩ đau đớn, chết lặng đi không vỡ thành nước mắt, lâu lâu lẩm bẩm như người mất trí “Anh có lỗi với em rồi”… Mọi người kể rằng, hôm ấy, quá trưa sang chiều, nghe thấy tiếng trẻ con khóc trong nhà, chỉ nghĩ trẻ quấy khóc đã mẹ nó dỗ thôi. Nhưng rồi, càng ngày em bé càng gào khóc, lúc ấy, họ sinh nghi là có chuyện chẳng lành, chạy sang phòng, gõ cửa nhưng không thấy ai mở cửa, bèn phá cửa vào. Cậu bé con chưa đầy một tuổi, khản đặc, mũi dãi ngồi cạnh người mẹ nằm mê nam trên giường. Nhân mặt sạm đi, môi trắng bệch, nhưng còn thở. Mọi người hoảng hốt, bảo nhau đưa cấp cứu ở bệnh viện gần nhất. Người ta chẩn đoán có dấu hiệu ngộ độc, sơ cứu rồi chuyển lên tuyến trên, nhưng ngộ độc quá nặng, xuất huyết đường tiêu hóa, cô đã không qua nổi…
Trước khi quyết định quyên sinh, Nhân đã viết thư tuyệt mệnh để lại. Thư ngắn gọn, nói rõ lý do vì sao mình lại tự vẫn, cũng không mấy chê trách chồng, chỉ nói là mình không còn niềm vui trong hạnh phúc gia đình, mất niềm tin vào cuộc sống, dặn chồng gắng nuôi con nên người. Cô tự vẫn bằng cách uống quá liều loại hoạt chất Nitrat Bạc, do cô tự chế từ phòng thí nghiệm. Bình thường hoạt chất này, ở tỉ lệ cho phép, là thuốc sát trùng được dùng chữa một vài bệnh ngoài da, nhưng chỉ cần già nửa gam uống qua đường tiêu hóa là đủ làm tử vong rồi. Là giáo viên dạy hóa, Nhân hiểu điều đó và cô gần như đã âm thầm chuẩn bị cho mình cuộc ra đi vĩnh viễn, chứ không phải là hành động bột phát tức thì, bởi cô còn tự điều chế hoạt chất gây độc. Cuộc cãi vã với chồng và câu nặng lời của Vĩ được cô hiểu như một sự trách cứ đầy tính thách thức, nó là giọt nước làm trà ly, khiến cô đi đến quyết định cuối cùng. Vì Nhân để lại thư tuyệt mệnh, nên người ta hiểu rõ nguyên do cái chết của cô là sự tự lựa chọn, xuất phát từ căn bệnh trầm cảm sau sinh, cộng thêm những mâu thuẫn gia đình, không có yếu tố hình sự, nên Vĩ không mắc mớ gì về mặt pháp lý. Song anh thực sự sốc vì quá đột ngột, rồi cũng không hiểu nghe lời khuyên của ai, rằng cuộc sống sẽ nay đây mai đó, khó chăm sóc phần mộ, anh chọn cách hỏa táng cho cô, như phong tục của một số đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng. Sau đám tang của Nhân, cuộc sống của Vĩ nặng nề với cảnh gà trống nuôi con, và lòng anh chất chứa nỗi ưu tư với mặc cảm là người có nỗi với vợ con !...
#
Mọi người trên xe lặng đi, khi câu chuyện của Quy và Vĩ dẫn dắt trở lại chuyện ngày xưa của họ đến kết cục buồn. Chẳng ai lên tiếng nữa, chàng nhà thơ phã vỡ không khí trầm lắng, đọc một câu thơ tình của Onga Becgon: “Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn/ Anh mới hiểu bấy giờ em có lý/ Dù chuyện cũ xa rồi em đã xa cách thế/ Anh hát khác xưa rồi và khóc cũng khác xưa…”.  Không hiểu vô tình hay hữu ý, chàng nhà thơ thay đổi chủ thể anh-em khác với mấy câu thơ gốc, làm Vĩ đắng lòng. Thâm tâm, anh chưa từng nhẹ lòng với chuyện cũ, chỉ là sự cố tình quên đi và gắng gỏi để mà sống, nên anh không trách gì, mà thầm cảm ơn chàng nhà thơ đã khơi gợi vết thương cũ của lòng anh. Cho đến giờ, đã gần ba chục năm trôi qua, anh chưa một lần tục huyền, vẫn sống cảnh gà trống nuôi con, mặc dù ngần ấy năm, có nhiều cuộc tìm hiểu, mối lái, và anh cũng có đôi lần sống kiểu già nhân ngãi non vợ chồng với người đàn bà này nọ, nhưng không thể kết hôn lại. Ngày ấy, sau khi vợ anh mất một thời gian, cặp tình nhân Quy Huệ cũng tan vỡ khi Quy chuyển về Hà Nội công tác, và Huệ cũng nhanh chóng lấy chồng, một anh chàng người bản địa theo đuổi cô từ lâu. Để thay đổi môi trường sống, cho bớt nặng nề, Vĩ xin chuyển công tác về Phòng Giáo dục địa phương. Dẫu vậy, vật đổi sao dời, thì vẫn quẩn quanh vùng đất cao nguyên này. Ngày trước, cao nguyên thơ mộng này thật đẹp trong suy nghĩ và con mắt nhìn của anh thì sau này đầy sương khói u uẩn. Lại thêm một lần nữa, Vĩ thay đổi công tác. Một người đàn anh cùng quê, trước làm cán bộ ngành giáo dục, sau lên chức cán bộ lãnh đạo cỡ đầu tỉnh, thương và coi Vĩ như em kết nghĩa, giúp anh về tỉnh lỵ công tác. Vậy là anh đi khỏi vùng đất cao nguyên này. Trước khi về tỉnh, nghe lời khuyên của nhiều người, Vĩ mang tro cốt, phần di hài còn lại của vợ, mà hàng chục năm sau cái chết của cô, anh mang theo thờ cúng, thì nay anh quyết định mang gửi vào chùa. Anh đã chọn một ngôi chùa nhỏ, chùa làng gần quê của Nhân ở ngoại ô Hà Nội để gửi tro cốt và vong linh cô, với ý nghĩ là cô được về gần nơi quê hương cha sinh mẹ để của mình. Thực ra, sau khi vợ mất, đã vài lần mai mối, Vĩ tục huyền không thành. Người thân và bạn hữu đồ đoán rằng, việc luôn mang theo những gì còn lại của Nhân, vong cô đã theo ám, khiến anh không thể tái hôn với người đàn bà nào khác. Vĩ bán tín bán nghi, nhưng việc anh chuyển về tỉnh lỵ, cũng là cái cớ để anh dứt hẳn ra, trả vong linh cô siêu thoát, theo hầu Đức Phật. Tiếng là vậy, song các di vật khác của vợ, anh vẫn mang theo cho đến tận giờ. Quả là, sau đó, anh sống nhẹ nhàng hơn, chỉ mỗi sự chuyên tâm vào công tác và nuôi dạy con khôn lớn …
Vĩ và Quy, vẫn giữ tình bạn bè, giữ mối liên lạc, nhưng cũng ít khi gặp nhau, là bởi xa xôi cách trở, môi trường công tác khác biệt, anh bỏ nghề giáo làm hành chính, Quy thì bỏ dạy học theo nghiệp báo chí. Vĩ nuôi con khá vất vả, cậu con trai độc nhất lớn lên thiếu bàn tay chăm chút thường xuyên của mẹ, đến tuổi chớm lớn cùng sinh nghịch ngợm chệch choạc chút ít rồi mới vào quỹ đạo. Còn Quy, lập gia đình, cũng mất dăm năm chẳng đi đến đâu, rồi họ chia tay nhau, cho đến khi tục huyền, Quy mới được hưởng không khí gia đình hòa hợp, ấm cúng...
Cũng chẳng ai thật thà như Vĩ, sau ngần ấy năm công tác, vẫn ở căn phòng được Ủy ban cho mượn trong khu nhà khách tỉnh, kể từ ngày anh về nhận công tác ở tỉnh lỵ. Người ta xin xỏ này nọ, nếu không thì cũng cách này khác gom góp, quan hệ, kiếm được căn hộ tập thể hoặc miếng đất theo dạng mua ưu đãi. Có thời gian, Vĩ làm trợ lý cho ông Chủ tịch, hoàn toàn lo được việc này, và anh có lo được thì cũng chẳng ai trách anh lợi dụng vị trí và mối quan hệ thân tình để kiếm chác. Tính khí Vĩ là vậy, anh ngại việc nhờ cậy, vả lại, thâm tâm, anh định hướng, khi con trai học hành trưởng thành đi làm, sẽ phải tự lo lập thân lập nghiệp, còn anh, khi nghỉ hưu thì sẽ về xuôi, sống với bố anh ở quê. Hiện ông cụ đã ngoại chín mươi tuổi, vẫn sống một mình trong căn nhà gạch kiên cố với vườn tược khá rộng rãi. Quê anh, miền ven biển, không khí trong lành thoáng đãng, em  trai Vĩ ở quê, nhà riêng cách đấy không xa, mấy an hem quay quần, chẳng hơn là cảnh tranh giành chật chội nơi đô thị, dù là đô thị miên núi. Anh nhẹ đầu với suy nghĩ vậy, nên nhiều năm qua, anh vô tư với chuyện đất cát nhà cửa. Nay bắt đầu nghỉ hưu, mới lại nảy sinh sự tính toán thiệt hơn. Số là, vài năm nay, anh quen với một người đàn bà, cũng phận công chức quèn, đã từng lỡ dở một đời chồng, có con riêng. Hai người giữ mối quan hệ thân tình, vẫn trạng thái ai cơm nhà nấy. Cũng có nghĩ đến chuyện hôn nhân, nhưng mọi chuyện sẽ bình thường, nếu như anh có nhà riêng, nếu như anh không về quê sinh sống. Ôi, sao cuộc đời chẳng ưu ái anh chút nào, Vĩ thầm tự ty với đường thê thiếp của mình. Không hiểu theo Tử vi tướng số, cung Thế thiếp của anh có sao gì xấu mà đời anh lại long đong lận đận, vất vả với người má đào? Nợ hoa chồng chất. Chưa trả xong cái nợ hoa này, lại bập vào kiếp hồng nhan của người ta, sinh mắc nợ hoa nữa. Tóc bạc, giờ chẳng lo, tháng dăm chục nghìn tiền thuốc là nhuộm đen nhánh, song sức lực và tiền bạc thì chẳng có thuốc nào nhuộm cho tươi hồng được...
Vĩ dằng dai, về nghỉ hưu vẫn không yên, đâu chỉ bởi tên anh dích dắc cái đuôi nguyên âm ngắn dài, mà bởi mắc nợ hoa, nợ người tri kỷ. May mà, mấy năm gần đây, Quy trở lại vùng đất miền núi non này vì công việc, Vĩ lại có chỗ dựa tinh thần, và thực tế là Quy đã giúp, gỡ rối cho anh nhiều chuyện. Cho đến tận lúc này, Quy vẫn sát cánh bên anh, nâng đỡ anh, thậm chí, tính kế lâu dài cho anh. Tự đáy lòng mình, Vĩ biết ơn người bạn chí cốt của mình lắm lắm. Thôi thì, đến ngày đến giờ, anh cứ khăn gói quả mướp về quê cái đã. Mọi chuyện, hậu xét. Nói theo dân gian, chó chưa chết thì còn chưa hết chuyện, rồi ra, sẽ có cách giải quyết. Thâm tâm, Vĩ cũng muốn lưu lại vùng đất này, nơi anh đã hy vọng rồi thất vọng, nơi anh đã từng sung sướng hạnh phúc rồi khổ đau tột độ, rồi lại thắp lên một niềm hy vọng mới... Rồi ra, ôn ổn chút, anh cũng phải tìm về chùa làng, nơi anh đã gửi vong linh Nhân, thắp cho cô nén hương. Cô ấy vừa báo mộng đấy thôi. Biết đâu, sớm thắp, cô ấy lại phù hộ cho anh may mắn, suôi sẻ mọi việc cũng nên ?...
Quy và anh, cả hai cùng lặng im, dường như mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, song chắc không khác nhau mấy... Chàng nhà thơ thì hình như ngủ, có tiếng ngáy khe khẽ…
Chợt cậu lái xe reo lên: “Đến nơi rồi, các sếp ơi… Kính mời các sếp xuống xe!...” ./.








                                              

Nhận xét