Tiểu thuyết Vô đề (XXI)






        Năm cuối cấp I, lớp tôi đóng tại hậu cung của Chùa Hương Linh. Đây là phần kiến trúc còn lại duy nhất của ngôi chùa cổ. Cùng kiến trúc này, phần còn lại bao quát cảnh quan chung của ngôi chùa, là mảnh sân khá rộng trước hậu cung được lát bằng gạch Bát Tràng to, rồi kế ngoài là một cái ao nhỏ, tiếp ngoài ao là phần gò đất cao mà chính giữa gò là một tượng sư tử đá lớn đội tòa sen trên lưng; rồi đó là vài cột đá sót lại chơ vơ, đồ rằng là cột cũ của ngôi chính điện chùa; kế tiếp ngoài cùng là ba hàng tay vịn đá được chạm chổ theo hình sấu đá và hoa văn.

Ngày ấy, có một đoàn cán bộ về, đào bới tìm kiếm các hiện vật, nghe nói họ là các nhà nghiên cứu kháo cổ học. Giờ ra chơi, tôi và chúng bạn hay la cà ra xem họ làm việc. Mấy tháng miệt mài đào bới tìm kiếm, họ ra đi. Mãi hàng chục năm sau, thấy bảo di tích chùa Hương Linh được xếp hạng là Di tích văn hóa nghệ thuật kiến trúc chi đó từ thời Lý. Người ta còn đồn, bệ đá hình sư tử đội tòa sen ấy là to nhất và chạm khắc đẹp nhất trong toàn cõi Đông Dương. Quý là thế, mà dân làng chẳng ý thức gì việc gìn giữ, bảo vệ. Đám trẻ làng và học sinh chúng tôi hay leo trèo ngồi lên bệ tượng đá, thậm chí có đứa nghịch ngợm, còn lấy gạch ghè vào thân tượng làm trầy sứt các nét hoa văn. Ngày ấy, văn hóa mới đang cổ vũ cho việc bài trử mê tín dị đoan, đâu chỉ bọn trẻ con, mà người lớn còn đập phá, chẳng sợ gì thần phật quở trách cả, chùa chiền tan hoang, vắng tanh, chẳng ai hương khói.

Ngày nhỏ, tôi đã nhiều lần nghe bố tôi kể về lịch sử, cùng những huyền thoại về ngôi của cổ Hương Linh này trong các câu chuyện hàng ngày của ông, nhất là khi có đoàn khảo cổ học về tìm dấu vết trên nền móng phế tích ngôi chùa. Tôi nhớ nhất, chuyện ông kể, rằng ngày xưa, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đã cho sát hại bảy mươi hai cung nữ trong một vụ án cung đình, nên sau này, bà đã hối hận, sám hối bằng cách lệnh cho xây bảy mươi hai ngôi chùa trong toàn cõi, vừa đúng bằng số cung nữ oan khuất, để bày tỏ lòng kính Phật, hướng thiện của mình. Và ngôi chùa Hương Linh chính là một trong số đó. Ngôi chùa cổ Hương Linh này còn là một minh chứng xác định lịch sử vùng đất, thời gian hình thành nơi định cư của cư dân nơi đây, đồng thời cho thấy chiều sâu văn hóa của cộng đồng dân cư và làng mạc. Bố tôi còn kể, quê của bà Nguyên phi Ỷ Lan quanh vùng đất này, chuyện xưa vua Lý Thánh Tôn tuyển hiền, đi chơi quanh vùng có ý tìm thê thiếp, đặng sinh con nối dõi tông đường, ngôi vị ra sao; chuyện nhà vua gặp một cô gái hái dâu xinh tươi có tài ăn nói, đối đáp, đưa về triều làm thiếp, ấy là Nguyên phi Ỷ Lan-Linh Nhân Hoàng Thái hậu sau này…
Tất cả những câu chuyện ngày xưa nghe bố kể, sau này, trưởng thành, với lòng yêu văn chương, lịch sử, tôi đã để ý tìm hiểu, được biết và vỡ lẽ ra bao nhiêu bí mật của trầm tích lịch sử văn hóa từng phủ bụi thời gian trên phế tích ngôi chùa cổ Hương Linh, nơi ngày bé đi học, mình vẫn vui chơi vô tư mà chẳng hề biết gì.
Trước hết là câu chuyện oan khuất của bảy mươi hai cung nữ trong vụ hàm oan của Hoàng Thái hậu Thượng Dương dưới triều vua Lý Nhân Tông vào năm Quý Sửu 1073. Sự việc này, sách Đại Việt Sử ký toàn thư và một số sách sử khác có chép, tôi chỉ tóm tắt lại, xem như một việc quét bụi thời gian phủ dày trên phế tích chùa cổ ở vùng quê tôi mà thôi. Chuyện rằng, Nguyên phi Ỷ Lan được vua Lê Thánh Tông trong một lần tuần du qua hương Thổ Lỗi, sau đổi là Siêu Loại, Thuận Thành, Bắc Ninh, một vùng đất trù phú ven bờ sông Đuống, đưa về hậu cung làm phi tần, có long thai sinh con trai, là Thái tử Càn Đức. Vây nên địa vị trong triều của bà được nâng lên nhanh chóng. Vốn tư chất thông minh, lại có tài ăn nói, khéo ứng xử, bà Ỷ Lan được vua Lý Thánh Tông sủng ái, tin cậy, giao việc triều chính khi vị vua này xuất kinh đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành. Tử đấy, Hoàng hậu Thượng Dương và Nguyên phi Ỷ Lan nảy sinh mâu thuẫn, ganh ghét nhau vì cùng tranh giành sự ảnh hưởng của mình đến nhà vua. Khi vua Lý Thánh Tông băng hà, thái tử Càn Đức, là con đẻ của Nguyên phi Ỷ Lan lên nối ngôi, tức vua Lý Nhân Tông, thì đương nhiên, thần thế của bà Ỷ Lan, khi đó được phong là Linh Nhân Hoàng Thái hậu đương nhiên phải hơn Hoàng Thái hậu Thượng Dương. Tuy nhiên, khi ấy, triều chính chia thành hai phe, Thái sư Lý Đạo Thành ủng hộ bà Thượng Dương, còn Thái úy Lý Thưởng Kiệt lại đứng về phía bà Ỷ Lan. Sự việc này, nếu cứ dằng dai, sẽ sinh mâu thuẫn lớn, nguy hại đến ngôi vua của vị vua trẻ mới lên 7 tuổi, và cả triều nhà Lý vốn cần sự ổn định lâu dài, trước nguy cơ xâm chiếm từ triều Nhà Tống Trung Hoa. Cơ sự vậy, bà Ỷ Lan vốn cơ mưu, lại quen việc triều chính từ thời vua Lê Thánh Tông tại vị, đã biết cách ra tay, đi trước một bước như thế nào. Kết cục là bà Thượng Dương cùng bảy mươi hai cung nữ bị tống ngục, rồi bị bức tử, để rồi lịch sử ghi danh mang tiếng xấu cho bà Ỷ Lan, người chủ mưu gây nên vụ án “Thượng Dương cung” năm Quý Sửu 1073 cho đến tận bây giờ.
Triều nhà Lý, xuất phát từ cửa Phật, Thái tổ Lý Công Uẩn vốn được nuôi đưỡng trong chùa từ nhỏ dưới sự nuôi dưỡng, dìu dắt của các nhà sư Lý Khánh Văn và Lý Vạn Hạnh. Chính vì vậy, Nhà Lý rất sùng đạo Phật và Phật giáo trờ thành quốc đạo. Với căn cơ đó, bà Ỷ Lan khi  đã vững vàng địa vị với tư cách là Linh Nhân Hoàng Thái hậu, không còn mối nguy cơ triều chính nào nữa, đã hối hận việc làm trái đạo lý trước đây của mình, sám hối bằng việc lệnh  cho xây dựng bảy mươi hai ngôi chùa, nhằm rửa oan cho các nạn nhân của bà. Sở dĩ, Linh Nhân Hoàng Thái hậu lại sám hối vậy, ngoài tinh thần Phật giáo là phổ độ chúng sinh, thì khi đó, tuổi ngoại bảy mươi, sức khỏe yếu dần, mà vua Lý Nhân Tông vẫn chưa có con trai nối ngôi, khiến bà càng hối hận về tội lỗi của mình trong quá khứ. Nhằm tăng sức mạnh tinh thần, vào năm Ất Mùi 1115, cùng việc lập ba hoàng hậu cho nhà vua với hy vọng lập tự, bà ăn chay, lập đàn cầu tự cho nhà vua, dường như Linh Nhân Hoàng Thái hậu còn ám ảnh việc chủ mưu loại đối thủ chính trị.gây ra cái chết oan khuất không những của Hoàng Thái hậu Thượng Dương mà cả bảy hai cung nữ vào năm Quý Sửu 1073, đã lệnh cho xây nhiều đền chùa giải oan. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại sự kiện này rất vắn tắt. Song cùng sự việc này, còn có ý cho là, việc bắt bảy mươi hai cung nữ của vua Lý Thánh Tống phải chết vì ngày đó, nhà Lý có tục tuẫn táng, nên khi vua chết thì theo luật tục, nghiễm nhiên các cung tần của vị vua đó phải chôn theo để ở cõi âm tiếp tục phục vụ nhà vua. Có lẽ, người đời đã có ý bênh vực bà Ỷ Lan, nên có chuyện nói vậy, chứ thực ra thời đó, nếu có tục tuẫn táng, thì sử sách phải ghi chép chứ, đấy chưa kể việc đối chiếu với các vị vua nhà Lý trước và sau đều không thấy có tục này.
Dân gian còn lưu truyền chuyện, rằng bà Thượng Dương ghen tức bà Ỷ Lan sinh được con trai, đã lén đánh cắp thái tử Càn Đức từ lúc sơ sinh, nói là con mình đẻ ra, vu bà Ỷ Lan mang quái thai sinh ra mèo chết, kiểu như câu chuyện “ly miêu hoán thái tử” như triều Tống bên Trung Hoa trước đó. Chính vì bị đối đãi như vậy, nên bà Ỷ Lan khi có địa vị đã hại chết bà Thượng Dương là để rửa hận mà thôi. Dân gian lưu truyền vậy, đương nhiên là khó tin, bởi sử sách đều chép cả, bà Ỷ Lan vốn được Lý Thánh Tông yêu chiều, thậm chí còn giao quyền nhiếp chính cho bà khi nhà vua xuất cung mang quân đi đánh dẹp Chiêm Thành, nên càng không thể có chuyện “ly miêu hoán thái tử” dưới triều Lý Thánh Tông được. Nhưng tại sao, dân gian lại có chuyện vậy, có ý bênh vực cho đức hạnh của bà Ỷ Lan, chắc phải có lỳ do nào đó?
Việc dân gian lưu truyền vậy, bố tôi, ngày ấy, trong câu chuyện của mình, cũng đã đưa ra kiến giải, mà sau này, khi tra cứu sử sách, tôi thấy sự hợp lý. Thật sự, sử sách ghi chép, cho thấy, bản thân bà Ỷ Lan, khi còn là Nguyên phi, đã có nhiều đóng góp giúp vua Lý Thánh Tông giữ nước và ban hành quốc kế dân sinh tích cực. Sau này, khi nhiếp chính, và cả khi vua Lý Nhân Tông, con đẻ của bà trưởng thành tự mình giữ quyền cai trị, thì bà vẫn tiếp tục giúp con ban hành quốc sách mang lại lợi ích dân sinh. Vì lẽ đó, người dân biết ơn bà mà quên đi, hoặc cố tình xóa đi cái lỗi của bà từ thời tranh quyền đoạt vị. Ấy là công to lấn tội. Chẳng những thế, những câu chuyện về bà Ỷ Lan còn trở thành huyền thoại, và không rõ tự bao giờ, người đời đồng hóa bà với nhân vật Cô Tấm thảo hiền trong truyện cổ tích Tấm Cám. Vì kính trọng bà, dân gian sinh tục kỵ húy ở nhiều vùng quê có thờ cúng bà, chẳng hạn như quê tôi, gọi tấm gạo là đớn, và kỵ luôn cả cám gọi là bổi, bởi có ngôi chùa cổ được làm từ năm 1115 theo lệnh Linh Nhân Hoàng Thái hậu, tức bà Ỷ Lan.
Gần một nghìn năm trước, chuyện tranh quyền đoạt vị chốn cung đình là vậy. Sử sách ghi chép, chỉ là một chuyện, vì có thể ít người hiểu biết, và lâu ngày phủ bụi thời gian mà phai mờ đi. Nhưng hệ thống đền chùa miếu mạo thì vẫn còn đó, chí ít là dấu tích hay thần phả, nhất là những nơi có đền chùa được xây dựng theo lệnh của bà Ỷ Lan, thì cùng với việc thờ Phật, các chùa chiền đó đều thở bà Ỷ Lan, theo kiểu “tiền Phật, hậu Thần” thường thấy xứ ta. Và các đền, chùa đó còn gọi nôm na là đền, chùa Bà Tấm. Đã lần, cùng các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa, tham gia khảo cứu một số công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật- tôn giáo, tôi tình cở được biết, đồng thời vỡ lẽ ra sự hiểu lầm dẫn điến việc tranh đoạt các nơi thờ tự. Dường như, mối hiềm khích giữa hai bà Thượng Dương và Ỷ Lan từ xa xưa vẫn âm thầm, chưa dứt, để ngày nay, đám hậu thế lại tranh giành nhau việc thờ cúng, xin kể lại đây... 
Số là, sử sách ghi, bà Ỷ Lan quê hương Thổ Lỗi, Bắc Ninh, sau đổi thành Siêu Loại, Thuận Thành. Trải qua gần ngàn năm, các địa danh đổi tên, rồi việc quy thuộc đơn vị hành chính nào cũng thay đổi, nên việc định quê gốc của bà Ỷ Lan và nhiều nhân vật lịch sử không hề đơn giản. Người ta cho rằng, hương Thỗ Lỗi, Bắc Ninh xưa, nay là Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội. Khi xưa, khi lệnh cho xây chùa, đương nhiên, bà Ỷ Lan không thể không chọn quê mình và các vùng lân cận. Vậy nên, chỉ loanh quanh vùng đất quê bà, đã có đến ba ngôi chùa được cho là xây dựng vào năm Ất Mùi 1115, và dân gian quen gọi là chùa Bà Tấm, ấy là Tư Phúc tự-chùa làng Dương Xá, Gia Lâm, Tư Kính tự-chùa làng Ngọc Quỳnh, Văn Lâm và Viên Giác tự-chùa cổ ở quê tôi. Trong ba ngôi chùa cổ này, thì ngôi chùa ở quê tôi xa lảnh hơn chút, nên không có việc hiểu lầm và tranh cãi gì, nhưng hai ngôi chùa kia thì giờ đây vẫn đang có sự tranh giành đâu là ngôi đích thờ bà Ỷ Lan? Các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa tôn giáo, cũng đã vào cuộc tranh luận, kiến giải này nọ, dài dòng và rắc rối lắm, không nhắc lại. Có một cách phân định, khá đơn giản, được các bậc cao niên kiến giải, ấy là căn cứ vào các bài vị thờ thần hiện đang tại vị ở hai cụm đền-chùa này mà suy ra, là rõ. Theo đó, thì ở Dương Xá, cả đền và chùa, tức Tư Phúc tự, thờ Lý triều đệ tam hoàng hậu (tức Hoàng hậu Thượng Dương, vì bà là hoàng hậu của vua Lý Thánh Tông);  còn ở Ngọc Quỳnh thì cả đền và chùa, tức Tư Kính tự và đền Ghênh, thờ Lý triều đệ tứ hoàng thái hậu (tức bà Ỷ Lan, vì dưới triều Lý Thánh Tông bà chỉ là Nguyên phi, song đến triều Lý Nhân Tông, là mẹ đẻ của vua nên được tôn hoàng thái hậu). Theo súy luận này, thì quần thể đền Ghênh và Tư Kính tự là nơi chính thờ bà Ỷ Lan. Truy nguyên, có ý kiến cho rằng, bà Ỷ Lan trước cho xây đền Ghênh và chùa làng Ngọc Quỳnh, tức Tư Kính tự vào năm 1115, sau đó, chính bà lại cho xây thêm đền và chùa ở làng Dương Xá, tức Tư Phúc tự để thờ bà Cả, tức là Hoàng hậu Thượng Dương, cùng đám cung nữ chết trong vụ bức tử vào năm Quý Sửu, Thái Ninh thứ 2, 1073. Vì sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi quá vắn tắt, nên mới có chuyện các bên truy nguyên theo cách có lợi cho mình. Còn có một nguyên nhân nữa dẫn đến sự tranh nhận sau này giữa hai cụm di tích, ấy là vì vào năm 1953, đền Ghênh bị giặc Pháp tàn phá, dân làng này đã phải mang tượng Đức bà Ỷ Lan sang gửi bên đền Dương Xá, và mãi đến năm 1989 mới đưa rước tượng này về lại đền Ghênh, khi đền này được tu tạo trên nền cũ. Như vậy, đã có một thời gian dài tới hơn ba chục năm, đền Dương Xá thờ giúp tượng bà Ỷ Lan cho đền Ghênh, nên nhân dân trong vùng thấy vậy, gọi đền Dương Xá là đền Ỷ Lan, thay vì đích là đền Ghênh, là có lý do của nó.
Chẳng rõ, rồi ra chuyện tranh nhận đâu là đích này sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ?...

Nhận xét