Tiểu thuyết Vô đề (XXII)


          

         22.

Lại tiếp chuyện học hành của ba chị em chúng tôi.
Giữa năm học cuối cấp I, có một sự kiện, khiến tôi bắt đầu có ý thức học hành hơn. Ấy là, học gì thì học, cũng phải phấn đấu sao cho luôn xếp thứ nhất, không những vậy, còn học để đi thi học sinh giỏi, giành thành tích này nọ về cho nhà trường. Tôi được tham dự kỳ thi học sinh giỏi môn Văn, và tiếp tục được chọn vào lớp bồi dưỡng của huyện để đi thi học sinh giỏi môn Văn lớp 4 cấp tỉnh. Những năm học trước, năm nào tôi cũng được chọn dự thi học sinh giỏi môn Toán cấp huyện. Như tôi đã kể chuyện đi thi học sinh giỏi lớp 1 và bị thày giáo bỏ quên không đón về. Ba năm liền thi Toán chằng đạt kết quả gì, lên lớp 4, may mắn lại đạt chút kết quả. Sau này, lớn hơn, ý thức được, tôi mới hiểu sở dĩ mình đả chút kết quả học sinh giỏi môn Văn ngày ấy, là do thày giáo chủ nhiệm lớp có con mắt tinh đời. Nguyên là, thày giáo dạy lớp tôi là thày Danh, người cùng làng và xét về họ hàng, tôi phải gọi thày là bậc chú. Về ngoại hình, thày Danh dáng vóc tầm thước, đẹp trai, tình tình hòa nhã và cẩn trọng. Thày dạy cả Toán và Văn đều giỏi. Dù thấy tôi học Toán vẫn tốt, nhưng quan trọng, thày Danh lại phát hiện ra năng khiếu học Văn tiềm tàng nơi tôi, nên kỳ thi năm đó, thày Danh đã đề nghị trường xếp tôi vào diện thi học sinh giỏi môn Văn. Kết quả nhãn tiền, tôi trúng  ngay vào đội tuyển cấp huyện để tiếp tục tham gia kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh.  Có nửa tháng tập trung đội tuyển để luyện gà nòi, tôi lại đùm bọc khăn gói xa nhà đến nơi tập trung đội, cách xa chục cây số. Thày Danh lúc ấy cho chiếc xe đạp fa-vô-rít, xe cũ thôi nhưng luôn được lau chùi sáng bóng, oách nhất làng, đã đèo tôi đến nơi tập trung. Lớp gà nòi có gần chục đứa. trai gái đủ cả, được lựa chọn từ các trường cấp I trong huyện qua kỳ thi. Thày giáo An, một giáo viên dạy Văn cấp I giỏi có tiếng trong huyện, lại có nhà của khang trang rộng rãi, vườn tược thoáng mát, nhận đăng cai lớp bồi dưỡng ngay tại nhà mình. Hàng ngày, lũ nhóc chúng tôi dành cả buổi sáng để học Văn, còn mỗi chiều thì có giáo viên đến dạy chương trình học bình thường, để khi kết thúc khóa bồi dưỡng, chúng tôi trở lại trường mình, không bị chậm chương trình học chung. Thời gian ngắn, thày An chịu trách nhiệm truyền kinh nghiệm thi cử, giảng các bài văn mẫu, ra một số bài tập làm văn theo chương trình học có chút nâng cao, lại cho đội tập làm quen với đề văn mở rộng, kiểu như các đề mở sau này. Tôi nhớ nhà lắm, nên khi ngồi học, có lúc chểnh mảng, nhìn ngó ra bên ngoài. Vườn nhà thày An có nhiều cây ăn quả, nhưng hấp dẫn và ấn tượng nhất với tôi, ấy là giàn nhót chín đỏ mỏng, ngắm và nghĩ thôi, đã thấy chua tứa cả nước miếng...

Cả lớp rất hào hứng mỗi khi được làm bài tập theo kiểu đề mở. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ, có lần, thày An ra đề, là hãy viết một kỷ niệm làng quê khi mình đi đâu xa, trở về. Có một bạn nữ làm bài văn rất hay, được thày An khen ngợi, mang ra đọc cho cả lớp cùng nghe, rồi cùng phân tích. Bạn gái ấy, khi làm văn, đã biết cách giả tưởng, là khi xa nhà đi dự lớp bồi dưỡng văn tập trung này, trở về, nhìn thấy cây gạo già đầu làng, xúc động như gặp người thân và rồi những ký ức về tuổi thơ với cây gạo già ùa sống dậy... Đại khái là vậy. Còn tôi, đã viết ấn tượng lần đầu về quê nội. khi gia đình tôi rời phố phường Hà Nội về sống ở quê những năm đầu chiến tranh chống máy bay Mỹ. Tự nhận thấy, mình viết cũng tạm, nhưng công bằng mà nói, không hay, không ấn tượng bằng bài văn của bạn gái kia. Bài văn học trò của bạn gái ngày ấy, ấn tượng mạnh đến tôi, mà sau này, mỗi khi nghĩ và viết gì về làng quê mình, lại phảng phất hình bóng cây gạo già trong tưởng tượng. Hình như, người ta gọi nó là điển hình hóa thì phải? Mọi người hay nói này nọ về văn hay, tôi nghĩ, ám ảnh mình đến thế, là văn hay chứ sao, cần gì phải lý sự dài dòng cơ chứ ...
Kết thúc khóa bồi dưỡng, đội tuyển tham gia kỳ thi môn Văn cấp tỉnh, cả nhóm chúng tôi chẳng một ai được giải cả. Bấy giờ, nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa bắt đầu nổi, và nghe đâu kỳ thi ấy đã đoạt giải cao nhất, rồi tiếp lại giật giải cao cấp trung ương. Trái đất bao la nhưng cũng thật chật hẹp làm sao, ai ngờ, mấy năm sau đó, tôi gặp lại người bạn gái, tác giả của bài văn về cây gạo già, ở bậc học cấp 3, và hơn nữa, tôi còn được đứng chung đội tuyển học sinh giỏi môn Văn của tỉnh nhà với nhà thần thần đồng nọ...

Theo đúng ý định của bố mẹ, chị Hạnh tạm nghỉ học để chị Ngoan học nốt cấp II. Học xong cấp II, tức là hết lớp 7 hệ học 10/10, chị Ngoãn thôi hẳn, nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình, để chị Hạnh tiếp tục học. Chị Hạnh học không chăm và học lực cũng không bằng chị Ngoan, được cái chắc chắn, cứ kha khá thôi, nhưng lên lớp đều đều, ngay như thi vào cấp III, tương đương bậc Trung học phổ thông bây giờ, rất khó, chị cũng đỗ ngay. Ngày ấy, cả huyện có duy nhất trường cấp ba ở huyện lỵ, gần giáp đường 5 Hà Nội nối Hải Phòng, là trọng điểm bắn phá của không quân Mỹ, lại xa nhà đến ngót chục cây số. Để theo học, chị Hạnh phải khăn gói quả mướp đi trọ học, hàng tuần, hoặc nửa tháng mới về nhà một lần, vừa cho đỡ nhớ nhà, còn để lấy thêm tiền gạo, rau dưa tiếp tế từ nhà cho cuộc sống vất vả nơi trọ học.
          Tôi vào bậc học cấp II, cả xã có chung một trường, với 6 thôn nằm rải rác thành mấy cụm, nên trường học phải chọn xây dựng ở vị trí khá trung tâm, nhằm cho học sinh ở tất cả các làng đi học không quá xa. Trường mới, cách học mới, và đây cũng là lần đầu tiên mang dáng dấp mô hình trường lớp tập trung. Những năm cấp I, toàn tận dụng chốn đình chùa làm lớp học, học sinh đều là người cùng làng, họ hàng với nhau, trong lớp phân vai chú cháu, đánh nhau chí chóe suốt. Trường lớp mới, tôi có chút lo lắng, nhưng chỉ sau một học kỳ, tôi đã nhanh chóng vượt lên thành người đứng đầu lớp, không những thế, đứng đầu khối. Và như vậy, tôi trở thành học sinh cưng của nhà trường, luôn được quan tâm, đào tạo theo kiểu gà chọi.
          Được nhà trường và các thày cô giáo quan tâm, lợi thế nhiều đấy, nhưng không phải không có ức chế. Tự nhiên, mình cứ phải giữ ý này nọ, từ việc đi đứng, nói năng cẩn thận, sao cho ra dáng học sinh giỏi chăm ngoan, để xứng đáng danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ chứ. Hồi đầu về quê, sinh hoạt ghé đội thiếu niên ở làng, tôi còn không chấp nhận kết nạp đội  viên vì bị cho là thành phần gia đình không trong sạch, nên tôi chẳng thể được bình bầu là cháu ngoan Bác Hồ, nay trở thành học sinh gà nòi của cả trường, mặc nhiên, việc chăm ngoan học giỏi với thành tích học tập tốt mang lại cho tôi danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ. Sướng quá còn gì. Khổ nỗi, mình cứ phải lên gân lên cốt, sao cho xứng với danh hiệu. Song đấy chỉ là hình thức bên ngoài, khi đi học hoặc ở những hoạt động đoàn thể, cố giữ dáng vậy không mấy khó. Cái khó nhất, là học hành làm sao để giỏi đều tất cả các môn, xứng đáng danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Mà ngày ấy, ngoài giờ đi học chính, tôi vẫn phải giúp bố mẹ trong việc làm mì gạo, nguồn sống chính của gia đình, rồi ra, cách nhỡ vài ngày lại có một phiên nuôi trâu cày của Hợp tác xã nông nghiệp. Vậy nên, mỗi khi đi chăn trâu, tôi đều phải mang sách giáo khoa theo. Tranh thủ học các môn học thuộc lòng, như lịch sử, địa lý, sinh vật và các bài văn vần. Được cái, tôi vốn có năng khiếu về lĩnh vực này, nên các sự kiên lịch sử, các địa danh địa lý, tôi chỉ đọc vài lần là nhớ như in. Năng khiếu và trí nhớ tốt bộc lộ từ ngày ấy, sau này, giúp ích tôi rất nhiều trong các bậc học cao hơn, cả khi ra đời làm việc và hoạt động xã hội...

Nhận xét