23.
Những tháng năm đầy gian khó ấy, sống bình
thường đã vất vả lắm rồi, lại thêm các cơn bão cuộc đời, thay nhau lần lượt,
hoặc cùng lúc ập đến, thử hỏi, con người ta sẽ chống chọi và sống sao đây? Gia
đình tôi đã trải qua những trận bão cuộc đời như thế. Đương nhiên, bố tôi,
người thủ lĩnh tối cao của gia đình, người có kiến thức uyên thâm, đã biết tự
lập thân lập nghiệp, có kinh nghiệp sống và sự từng trải, phải đứng ra, chèo
lái con thuyền gia đình qua giông bão cuộc đời
này...
Khi kể lại những biến cố cuộc đời cho con cái
nghe, ông thể hiện sự thâm trầm xen lẫn hài hước, rồi thản nhiên như một sự
định vị, ngầm động viên mình, mặc cho thực tại cuộc sống của gia đình đang
tròng trành trong xã hội đầy biến động bởi chiến tranh và các định kiến chính trị...
Song khoan đã, trước khi kể lại những chuyến
vượt giông bão ấy, hãy nghe bố tôi kể chuyện về trầm tích văn hóa tâm linh làng
xã quê tôi, mà theo ông, những câu chuyện đầy yếu tố hoang đường, tưởng chừng
vô bổ ấy, thực ra, đã hun đúc trong ông bản lĩnh vượt khó... Bố tôi bảo, ông
luôn có nhãn quan lịch sử, mỗi khi phải nhìn nhận, đánh giá về con người, sự
kiện này nọ, và cả những vấn đề thuộc về thời đại nữa…
Chuyện rằng, ông thủy tổ phát sinh chi phái nhà
tôi, theo gia phả để lại, ghi là từ thời Lý. Cứ thế mà suy, lấy căn cứ sử sách
chép về việc Hoàng Thái hậu Linh Nhân, tức bà Ỷ Lan, lệnh cho dựng 72 ngôi chùa
nhằm rửa oan cho 72 cung nữ buộc phải chết theo Hoàng hậu Thượng Dương, trong
vụ án Thượng Dương cung vào năm 1073 Quý Sửu đưới triều vua Lý Nhân Tông, trong
số đó có chùa Hương Linh ở xóm Tự kế bên làng tôi. Điều đó, đồng nghĩa với cư
dân ở đây ở vào thời ấy đã khá đông đúc. Dựng chùa là để truyền bá tư tưởng đạo
Phật, là để người dân trước hành lễ, sau giác ngộ mà noi theo tư tưởng phổ độ chúng
sinh của nhà Phật. nên người ta thường chọn nơi cư dân đông đúc. Với một lịch
sử dài lâu ngót ngàn năm, lại cách kinh thành Thăng Long không xa, và cũng gần
quê quán bà Ỷ Lan, đến tận triều Nguyễn, vẫn thuộc phiên chế hành chính Kinh
Bắc, thì hẳn, trầm tích văn hóa tâm linh vùng đất này phải nhiều tiềm tàng.
Không kể những trầm tích lịch sử gắn vào các cuộc đổi ngôi triều chính, các
cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, các cuộc tranh giành quyền lực, và chuyện
thần thánh ma quỷ, thì những câu chuyện ân oán, trả nghĩa hay báo thù truyền
kiếp, mang màu sắc tâm linh hoang đường cũng đầy rẫy...
Chuyện tâm linh, cô Yêu thì có miếu thờ ở làng
tôi, do ông nội tôi cho xây, sau một lân Cô hiện hình cho ông tôi thấy. Làng
tôi, đình làng thờ Thành hoàng là Lý Đạo Thành, vị Thái sư triều Lý, người xưa
kia theo phò bà Hoàng Thái hậu Thượng Dương, đối đầu với bà Ỷ Lan và Thái úy Lý
Thường Kiệt trong việc nhiếp chính giúp ông vua bé Lý Nhân Tông kế nghiệp, triều
chính. Rồi nữa, chuyện về cụ Thủy tổ lập làng là Phúc Trạch xưa, có một người ở
đợ cho cụ, chuyên việc chăn lợn, sau này người ấy chết thiêng, cũng có miếu
thờ, húy gọi Trúc Tiêu, vì ngày xưa vị này thổi sáo trúc rất hay. Một làng có
ngần ấy vị, trần sao âm vậy, nên các vị cũng tranh giành việc hưởng quyền được
thờ cúng, mà lục đục với nhau. Làng Tự kế bên, thêm vị thần Sấm Đá, và dưới cõi
âm, các vị này cũng sinh hiềm khích nhau. Cùng việc tranh được thờ cúng, còn cả
chuyện tình ái nữa. Dân làng đồn lại, linh vị Trúc Tiêu, người ở đợ chuyên chăn
lợn của cụ thủy tổ Phúc Trạch xưa, rất mê cô Yêu, nhưng chô Yêu lại chê vị này
ẻo lả, đi thích Thần Sấm Đá oai phong, thế là, ba vị này cứ vòng vo, lúc đục
nhau mà sinh đủ chuyện. Và mỗi khi các vị lục đục là trên dương gian, làng xã
lại có chuyện chẳng lành. Tuy nhiên, tự thân, mỗi vị riêng, cũng có cái đáng
được của mình. Cô Yêu thì hay trợ giúp những người đàn bà xấu xí muộn chồng,
hoặc đàn bà góa cô đơn. Thần Sấm Đá thì mỗi khi thấy dương gian có chuyện bất
bình, ngài lại nổi giận gầm lên, người thường không nghe thấy tiếng ngài, nhưng
kẻ gây chuyện thì nghe sấm dậy bên tai, kinh sợ mà thôi. Còn vị Trúc Tiêu lại
có cách của riêng mình. Tương truyền, ở cõi âm, vị này cai quản một đàn lợn con
vàng ròng đông nhung nhúc không rõ bao nhiêu con. Vỉ vậy, thần Trúc Tiêu chuyên
việc ban của cải, hoặc thử lòng người trần gian. Người nào khó khăn mà ngài ta
muốn giúp, thì thường, ban đêm người đem đàn lợn vàng đến thả ở sân vườn nhà
người đó. Ngài ngồi ung dung thổi sáo trúc, đàn lợn tản ra liếm sương đêm,
trong đàn luôn có một con lợn què còi cọc, chạy rất chậm, người được ban của,
hiểu ra, không tham chỉ rình theo bắt con lợn còi què chân ấy là đủ, còn ai
tham quáng mắt đuổi những con to hơn thì chẳng thể bắt nổi một con nào. Đã có
chuyện, chủ nhân nhà ở trên nền đất xưa là chuộng lợn của Trúc Tiêu xưa, được thần
ban của, nhưng rồi xôi hỏng bỏng không. Chuyện là, một đêm, nhà nọ được Trúc
Tiêu báo mộng cho của, bừng tỉnh dậy, mở cửa nhà, thấy ngoài sân vườn, đàn lợn
vàng tha thẩn cả bầy, ánh vàng sáng lóa trong màn đêm sương mờ trăng lu, người
đó vừa hô gọi người nhà dậy, vừa nhảy ra định bắt lợn. Thấy con lợn còi què
chân đang rạch ngay trước mặt, người này chê bé, bỏ, cứ đuổi theo một con lợn
vàng to hơn nhiều, có vẻ như con đầu đàn, Bầy lợn vàng tản ra, chạy rất nhanh,
người này nhăm nhăm bắt con đầu đàn, đuổi một hồi nó chạy mất, ngơ ngác định
tìm con khác thì chúng đã chạy tán loạn cả, lúc ấy chợt nhớ ra con lợi còi què,
quay lại thì dù có chậm chân nó cũng lủi mất tiêu. Chủ nhà tiếc ngẩn ngơ về tay
không. Hiểu là mình tham nên chẳng được gì. Tham thì thâm là vậy. Cũng có ý cho
rằng, thần Trúc Tiêu định giúp, nhưng thần phạt không cho nữa, mà chỉ thả lợn
vàng thử lòng người mà thôi, bởi trước đấy, người này đã nhiếc mắng, hắt hủi
một kẻ ăn mày… Chưa hết, thời nay, chuyện đàn lợn vàng nhạt đi, thì chuyện cho
của vẫn ám ảnh người làng. Đồn là, con cháu nhà người hụt lợn vàng, cũng một
lần hụt mất ngọc quý. Người đó, đêm trở dậy, thấy viên ngọc to lấp lánh sáng
rực, vội nhặt lên xem, mừng lắm, bỏ vào túi giấu đi. Sáng ra, mở túi xem, chẳng
thấy ngọc đâu, mà chỉ còn vết cháy sém thủng lỗ to bằng kích thước viên ngọc.
Thần không cho, ngọc hóa lân tinh cháy túi, bốc hơi…
Chuyện cô Yêu, thần giữ của, cũng ám ảnh nhiều
thế hệ người làng. Vốn nơi trú ngụ của Cô ngay bên cổng ra vào đất nhà ông nội
tôi. Khi cho xây miếu thờ Cô, ông nội tôi chỉ mong muốn Cô để yên, không quấy
đảo làm dân làng đau ốm, chứ tuyệt nhiên không cầu lợi lộc, của cải, nên không
hề động chạm gì đến tương truyền về kho báu của người Tàu, mà đào bới, tìm tòi.
Sau này, bà nội và bố tôi đổi đất ấy cho nhà khác, không biết ngôi miếu ấy có
được hương khói hay không? Chỉ nghe nói, gia chủ mới, đã bí mật đào bới sâu khu
vực xây miếu để tìm của. Thấy bảo là, khi đào bới, họ có phát hiện một ít chum
vại, vò sành, nhưng bên trong, hoặc chứa đầy bùn đất, vỏ ốc, hoặc có mấy lưỡi
liềm, lưỡi cuốc han gỉ. Người làng dèm pha rằng, xưa nay, ai đời lại mang liềm
cuốc đi cất giấu kỹ thế, người Tàu nhiều vàng đem đúc ra như vậy khi cất giấu,
chẳng qua, số không giàu nên lưỡi liềm cuốc vàng bị cô Yêu biến hóa thành sắt
gỉ mà thôi. Của nả chẳng thấy đâu, họa thấy nhãn tiền, gia chủ trực tiếp đào
bới ấy, chỉ cảm mạo xì xắng, lại thổ huyết mà chết, đồ là, cô Yêu phạt tội phá
hủy nơi trú ngụ của Cô nên vật chết tươi… Không những thế, người con trai của
gia chủ, sau này làm cán bộ ngành y, nghe đâu, cũng mắc chứng bệnh gì đó, và bệnh
mỗi nặng thêm, thổ huyết như cha mình mà mất… Nghĩ mà ghê người, nhưng dân làng
vẫn bán tín bán nghi…
Riêng thần Sấm Đá, xưa thiêng là thế, nhưng
đến thời mới cũng mất thiêng. Bố tôi kể, thần Sấm Đá có gầm thêm một nữa, ấy là
khi người Pháp khởi công, cho làm con đường sắt nối thủ đô Hà Nội với cảng Hải
Phòng vào hồi đầu thế kỷ 20, chạy ngang qua gần quê tôi. Đồn rằng, lần gầm này
nào lúc nửa đêm, cuối tháng mùa đông trời tối đen như mực, tiếng gầm hòa lẫn
với tiếng gió bấc tràn về, gào rít vang dội, cả vùng đều nghe thấy. Nghe vậy,
tôi nghi ngờ hỏi lại, có đúng thế không, bố tôi chỉ cười ý nhị… Nhưng sau này, đời
cũng nhiều ngang trái, làng xóm cũng xảy ra nhiều chuyện thương thiên bại lý, sao
các vị thần ấy, đi đâu hết cả, hay mất thiêng, mà không trừng phạt? Người ta
đùa, mỉa mai rằng, các vị ấy cứ mê mải theo đuổi chuyện yêu đương, ghen tuông
lẫn nhau, quyên cả việc đời, mà sinh mất thiêng thôi?...
Nhận xét
Đăng nhận xét