Tiểu thuyết Vô đề ( XXIV )




          24.
          Chị Ngoan nghi học, ở nhà đi làm đồng ruộng và giúp gia đình túc tắc nghề làm mì gạo. Nhà tôi, tạm yên tâm về nguồn thu nhập để sống. Chị Ngoan chăm chỉ, cần mẫn, thêm nữa nhà tôi được nhận nuôi nửa trâu, nghĩa là hai nhà chung nuôi một con trâu được Hợp tác xã giao cho nên đủ định mức công điểm để được chia thóc ăn từ Đội sản xuất. Nghề làm mì gạo cũng thêm thu nhập, đồng ra đồng vào để mua sắm thức ăn, quấn áo và lo ăn học cho chị Hạnh và tôi.

          Cái ăn tạm ổn, thì nỗi lo khác lại đến từ chuyện yêu đương, lấy chồng của chị Ngoan. Trong mấy người chị gái, thì chị Ngoan xinh nhất. Chị lấy được cả nét trội, nét đẹp của cả cha và mẹ. Da trắng, tóc mây dày đen nhánh, khuôn mặt trái xoan, xống mũi cao, mắt hiền, hàm răng khá đều, chiều cao tầm thước. Trong khu vực làng xã quanh đó, ở vào thời điểm ấy, khó ai xinh hơn chị Ngoan. Tuổi mười bảy, lại chịu khó chịu thương, nên chị là tâm điểm chú ý của cánh trai làng, đàn ông biết đến chị. Khổ nỗi, đang chiến tranh, trai làng khỏe mạnh vào bộ đội, đi chiến trường hết cả, số ở nhà thì đui què mẻ sứt, đàn ông góa vợ. Nói chung là vậy, nhưng không phải là không có người xứng tầm để lựa chọn. Vẫn có những sinh viên của các trường đại học sơ tán về, còn có những cán bộ viên chức gia đình ở quê, và cả những chàng bộ đội là thương bệnh binh loại nhẹ phục viên, xuất ngũ về quê nữa.
          Ở quê, những thanh nữ ở lứa tuổi chị Ngoan cũng không nhiều. Vì thế, nữ giới cùng trang lứa bạn với chị hầu như không có. Chị Ngoan có duy nhất một người bạn thân, ấy là chị Đoan. Chị Đoan sống chung cùng nhà bố mẹ chồng, hàng xóm cách một con ngõ với nhà tôi. Chị Đoan hơn chị Ngoan dăm tuổi, chồng là anh Toán, đi bộ đội. Họ có một con gái nhỏ, hai mẹ con chị ở chung, nhưng ăn riêng trong một chái nhà của gia đình nhà chồng. Chị Đoan, tính trầm, ít nói, được tiếng ngoan hiền, chăm chỉ. Hình thức không xinh nhưng khuôn mặt ưa nhìn, dáng dấp tầm thước, săn chắc. Mẹ tôi bảo, chị Đoan là người đa đoan, bởi con mắt nhìn đắm đuối và cái hông nở nang hút đàn ông, cùng đó là dáng đi hơi chúi người về phía trước, nên cuộc sống tình cảm khó bề tên ổn. Chị Đoan ngoài công việc ra, hầu như ít giao lưu xóm láng, vậy nên, chị hầu như không sang nhà tôi. Chị Ngoan thi thoảng lúc rảnh rỗi ban tối, qua nhà bên thăm mẹ con chị Đoan. Thường là, hai chị em rúi trong căn buồng chái nhà chị Đoan, vừa đan lát, khâu vá, vừa chuyện trò đàn bà con gái với nhau. Bố mẹ tôi không thích mối thân tình này của hai chị em, nhưng cũng không cấm đoán, bởi thời buổi chiến tranh, có ai đâu mà chơi, nên cũng cần phải cho chị Ngoan giao tiếp xã hội chứ, xa đã chẳng thể đi, thì gần gặn cũng phải ít nhiều. Sở dĩ không thích, là bởi bố mẹ tôi lo cái sự đa đoan từ chị Đoan lây sang chị Ngoan.
          Quả là cách nhìn người của người xưa để lại khá đúng, sự lo ngại về cái sự đa đoan tiềm ẩn trong con người chị Đoan đã thành sự thật. Một ngày nọ, người ta rì rầm với nhau là chị Đoan có chửa. Rồi cái sự giấu kín bằng cách dùng khăn thắt bụng của chị Đoan cũng không ổn, khi cái bụng chị mỗi ngày một phình to. Chị Đoan mang thai, khi anh Toán chồng chị không về phép, mà chị thì cũng không hề lên đơn vị thăm chồng vì anh Toán đang ở mặt trận phía nam, vậy thì chị Đoan có chửa với ai? Phiền toái hơn, chị Đoan là đảng viên và còn làm thứ ký đội sản xuất. Không lâu sau khi vỡ lở chuyện chị Đoan chửa hoang, người ta đã tìm ra chủ nhân của cái thai hoang chị Đoan mang trong bụng, ấy là tay Đội trưởng đội sản xuất mà chị Đoan là thư ký đội. Thì ra, ông đội trưởng và cô thư ký, việc chung việc riêng lẫn lộn, ngày đêm hậm hụi rồi thậm thụt ăn nằm với nhau mà sinh chuyện. Tay đội trưởng, có họ hàng xa và ngang vai với bố tôi, tính tình võ biển, hơi hách chút, nhưng nhìn chung thì được việc. Chuyện anh chị tằng tựu với nhau, có chút vi phạm chính sách hậu phương, bởi quan hệ tình ái với vợ bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường. Tay đội trưởng không là đảng viên, nên kỷ luật chỉ là việc cho thôi giữ chức đội trưởng mà thôi, còn chị Đoan thì ngoài việc thôi làm thư ký đội, còn phải chịu kỷ luật đảng, tôi nhớ là, chị Đoan bị khai trừ đảng thì phải.
          Chị Đoan sinh hạ con gái, dù không đến mức dị tật, nhưng do có một thời gian thắt bụng giấu giếm, nên thai nhi bị ảnh hưởng, sau này sức khỏe không tốt, hay ốm yếu. Vì mang tội chửa hoang, nên chị Đoan cũng chẳng còn mặt mũi nào ở chung nhà với bố mẹ chồng nữa. May là, người ta cám cảnh, có phần thương tình, cấp tạm cho miếng đất hẹp rìa làng bỏ hoang lâu nay, để dựng căn nhà tạm, mẹ con mang nhau ra đấy ở. Cháu gái con với chồng thì được ông bà nội giữ lại. Nhưng một thời gian, nó xin ra ở với mẹ, đỡ đần chị Đoan việc trông em và cơm nước. Chuyện chị Đoan vậy, nên chị Ngoan tôi, tuy vẫn quý thương chị Đoan nhưng cũng ngại gặp gỡ. Bản thân, chị Đoan cũng chủ động tránh gặp gỡ nhiều với chị Ngoan, bởi chị hiểu, gia đình tôi vốn nổi tiếng làng xã về nền nếp, gia phong. Tôi biết, giấu bố mẹ, thi thoảng, chị Ngoan vẫn đáo qua căn nhà rìa làng của mẹ con chị Đoan, thăm nom, an ủi...
          Hơn năm sau chuyện ấy, anh Toán, chồng chị Đoan từ chiến trường đột ngột về thăm nhà. Anh bị thương nhẹ, được ra Bắc ăn dưỡng, rồi làm thủ tục phục viên. Là đảng viên, lại sĩ quan cấp úy, nên về địa phương, anh là đối tượng được quan tâm để sung vào đội ngũ cán bộ thôn xã, giữ một chúc trách nào đó. Không thể cảm thông, chia sẻ và tha thứ cho lỗi lầm của vợ, họ nhanh chóng làm thủ tục ly hôn. Cháu gái con chung của họ, vẫn xin được sống cùng với mẹ nó. Đấy là niềm an ủi của chị Đoan...
          Rảnh rang, anh Toán bắt đầu nghĩ đến việc lập gia đình mới. Oái ăm thay, đối tượng anh Toán nhắm đến lại là chị Ngoan. Kể cũng khôn, chị Ngoan vừa trẻ đẹp nhất làng, tính nết ngoan hiền, con nhà nền nếp gia giáo, lại hàng xóm làng giềng. Tôi nghĩ, ai ở vào hoàn cảnh anh Toán, cũng vậy cả thôi. Chắc anh Toán khá tự tin vào bản thân, nên anh vừa tìm cách gặp gỡ chuyện trò với chị Ngoan, vừa sang nhà tôi chơi, trước là hỏi thăm hàng xóm láng giềng khi phục viên về nhà, sau là kể chuyện chiến sự gian khổ, ác liệt ra sao, sau nữa, là đánh tiếng, xin phép được tìm hiểu chị Ngoan. Mỗi lần anh Toán sang nhà, mẹ tôi chỉ xã giao đôi câu rồi tránh mặt, còn bố tôi, vốn từng trải lịch thiệp, trà nước tiếp khách vui vẻ. Anh Toán là người khéo miệng, nên hai bên có chuyện để nói, không đến nỗi tẻ nhạt nói cho qua chuyện. Về việc này, tuy giấu con cái, nhưng tôi biết, giữa bố và mẹ tôi có cách nhìn nhận khác nhau. Đã có lần, tôi giả vờ ngủ để nghe lén chuyện bố mẹ bàn nhau trong việc ứng xử với anh Toán khi anh này đặt vấn đề được tìm hiểu, tiến tới chuyện xin cưới chị Ngoan làm vợ anh. Mẹ tôi thì nhất mực không đồng ý, bởi bà không ưng tính cách con người anh Toán, thêm nữa, mối quan hệ bạn bè thân tình giữa chị Ngoan và chị Đoan khiến bà băn khoăn, và còn một linh cảm trực giác riêng của nữ giới, là cảm nhận sự không hạnh phúc yên ấm gia đình nếu hai người lấy nhau. Bản thân cuộc đời mẹ tôi, xinh xắn, chịu thương chịu khó là thế, từng hy sinh cả chuyện riêng tư, đặng giúp cha mẹ bươn chải nuôi nấng các em, mà sinh quá lứa nhỡ thì, để rồi làm lẽ thứ ba của cha tôi, nên bà thấm hiểu cuộc sống ấy như thế nào. Nhưng tại sao, ngày xưa ấy, mẹ tôi vẫn đống ý làm lẽ cha tôi, là bởi, bà nhìn thấy bản lĩnh đàn ông và sự vững vàng ở cha tôi, cùng đó là sự linh cảm đem lại cho bà lòng tin, là dù có gian truân đến mấy, cùng sẽ vượt qua. Giờ thì mẹ tôi không thấy sự linh cảm ấy ở hoàn cảnh chị Ngoan và anh Toán. Bà thương con gái, xinh hiền nhất mực lại phải gánh chịu sự đa đoan không đáng có, mà có thể tránh được nếu mình kiên quyết, dứt khoát. Trong khi đó, bố tôi lại nghĩ hơi khác. Ông hiểu được suy nghĩ của mẹ tôi, và cũng chia sẻ được sự lo lắng ấy, song ông lại có cái lý của đàn ông. Ấy là, về con người, anh Toán tuy đã một đời vợ, nhưng chuyện ly hôn là chính đáng, tuổi còn trẻ, có chút thương tật chiến tranh song sức khỏe tốt, không ảnh hưởng gì đến đường con cái. Quan trọng nữa là, anh Toán đã xong nghĩa vụ quân sự, không phải ra trận nữa, có thể yên tâm chăm chút gia đình, chứ nếu để chị Ngoan lấy một thanh niên mới lớn, hoặc một ai đó đang quân ngũ, thì không chừng một ngày kia, tạch nơi chiến trường thì chị Ngoan thành góa bụa à? Cái lý này, thì mẹ tôi chịu cứng. Bố tôi đồng tình với mẹ tôi, tuy anh Toán hơi dẻo mỏ, cảm giác thiếu chân thành, nhưng đàn ông vậy cũng không phải là khuyết tật gì ghê gớm, thậm chí, nếu hoạt động xã hội, làm việc tiến thân, thì tính cách ấy lại là một ưu điểm cũng nên. Còn có một nỗi lo chung nữa, cả bố và mẹ tôi cùng hiểu, nhưng không một ai nỡ nói ra, sợ gở miệng, ấy là, chị Ngoan xinh  xắn ngoan hiền, mơn mởn như thế, tính cách lại thật thà, ít va chạm ngoài đời, như mỡ treo miệng mèo, trước mắt cánh đàn ông, biết đâu đấy, ngày nào đó, lại trúng bẫy ngon ngọt của một gã Sở Khanh, bụng mang dạ chửa, thì thôi rồi, có mà đào lỗ chui xuống đất?... Chính vì thế, bố tôi có chút phân vân trong việc này, sở dĩ vậy, còn bởi, bố tôi lấy chuyện đời mình ra mà suy, cuộc đời ông long đong lận đận, việc riêng thì mấy lần lở dở, nhưng cuối cùng vẫn lấy được mẹ tôi, đúng kiểu người thục nữ, đức  hạnh, mà con cái cũng không đến nỗi nào... Cuối cùng, hai ông bà quyết định, không can thiệp nữa, chuyện thành hay không, hoàn toàn là ý chị Ngoan. Và chị Ngoan đã có câu trả lới dứt khoát về chuyện này. Không!
          `Chuyện chồng con của chị Ngoan sau đó, còn rắc rối hơn, mà nguyên nhân không phải từ chị, toàn do phía đối phương gây ra. Những chuyện này, tôi sẽ kể sau...    
           

Nhận xét