Tiểu thuyết Vô đề ( XXV )




25.
          Sau khi anh Toán cố gắng để lấy chị Ngoan không thành, anh ta cũng chẳng lấy đó làm buồn, nhanh chóng nhờ mai mối làm đám khác. Với người như anh ta, coi như là đã bước qua cuộc chiến tranh, hầu như không sứt mẻ gì, còn trẻ khỏe, lại có tí quân hàm, dù đã qua một đời vợ, nhưng vẫn ra vẻ oai lắm. Ở quê, người dạng như anh ta không nhiều, và vẫn được xem là niềm mơ ước của đám gái làng, nhất là khi ấy, làng xóm hầu như vắng bóng đàn ông. Làng xã bấy giờ, người ta còn phát động phong trào, lấy thương bệnh binh làm chồng, và coi việc ấy như một biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước, bằng sự đền đáp cho công lao mà họ đã cống hiến cho nền độc lập của tổ quốc. Anh Toán lấy một người đàn bà xã bên, hình thức hơi kém và cũng quá lứa nhỡ thì một chút, những khi thành vợ chồng, họ sớm có con ngay và đẻ liền vài đứa, đủ nếp tẻ. Thấy họ vậy, nhà tôi cũng mừng, bởi nếu anh ta cưới một người vợ chẳng ra gì, thì mình cũng thấy như là có lỗi vậy.

          Thế nhưng, chuyện hôn nhân không thành của chị Ngoan với anh Toán, sự việc qua đi, nhưng mẹ tôi lại giận mát bố tôi. Bà khỗng nghĩ, bố tôi xuề xòa, dễ tính trong chuyện này đến vậy. Sở dĩ, cách nghĩ của bố mẹ tôi khác nhau, vẫn nguồn gốc từ chuyện nên duyên vợ chồng của hai ông bà, được lấy ra làm tấm gương soi chiếu, song mỗi người một kiểu. Ngày ấy, mẹ tôi tuy đã ngót ba mươi tuổi, nhưng hình thức khá xinh đẹp, có duyên, lại đảm đang, hiếu thuận, mà dám chấp nhận làm lẽ bố tôi, làm người vợ thứ ba, lại chênh lệch kém chồng những mười lăm tuổi. Khi ấy, bố tôi đang nghiện thuốc phiện nặng, được cái tính tình tốt bụng, xởi lởi, có nghề nghiệp, tiếng tăm đàng hoàng và gia sản giàu có. Mẹ tôi không ham giàu, nhưng biết người biết mình, thêm nữa, bà ngoại tôi và người bà trẻ, chủ quán cơm của mẹ tôi, cả hai cùng kết bố tôi nên khuyên nhủ mẹ tôi nhiều lắm.
          Sau khi lấy nhau, mẹ tôi không về ở quê chung với bà nội tôi, mà sống ở một căn nhà do bố tôi thuê, nơi thị trấn huyện lỵ nằm trên trục đường 5 Hà Nội - Hải Phòng, và vẫn tiếp tục nghề buôn bán. Mẹ tôi, có kể rằng, ngầy ấy, quả là bà có chút ngần ngại, rằng bố tôi đã cao tuổi, từng qua hai đời vợ, và nhất là nghiện thuốc phiện nặng. Bà ngoại tôi đã kết đám này, nên lý lẽ, bảo mẹ tôi, rằng bố tôi là người tử tế, còn chuyện nghiện thuốc phiện thì cũng đâu có gì ghê gớm, chỉ là chuyện thường tình của đa số dân nhà giàu, trí thức bấy giờ. Bà ngoại tôi còn bảo mẹ tôi rằng “Ông ấy có thuốc phiện thì cũng đâu có lấy tiền của nhà cô để hút xách đâu mà lo. Nhà ông ấy nhiều ruộng đất, lại có nghề kiến trúc, hái ra tiền bạc, hút thế chứ có hút nữa cùng chẳng đáng là bao ...”, Đại khái là vậy. Xét về tuổi tác, bố tôi chỉ kém bà ngoại tôi chừng dăm tuổi, nên tuy là con rể, nhưng bà ngoại tôi tôn trọng bố tôi lắm, khi xưng hô, bà ngoại đều một điều “nhà ông... này nọ”. Còn bố tôi, nhất nhất một niềm kính trọng và hiếu đễ với bà ngoại tôi, chẳng kém gì so với bà nội tôi. Về chuyện hiếu đế với song thân, bố tôi thuộc diện hiếm có.
          Quê ngoại tôi cách Hà Nội chừng hai chục cây số, lại kề sát đường số 5 huyết mạch thủ đô với thành phố cáng Hải Phòng, nên trong họ ngoài làng bên ngoại ra Hà Nội sinh sống đông lắm. Ông ngoại tôi tậu được một căn nhà mặt phố Mã Mây, mở hiệu giặt là quần áo. Bác Cả, anh trai trưởng và mẹ tôi, được đưa ra Hà Nội để trông nom, phục vụ cho hiệu giặt là. Mẹ tôi thì chợ búa, cơm nước và phụ giúp khâu giặt đố hàng, còn bác Cả thì chuyên việc là quần áo. Được vài năm làm ăn như thế, chẳng đến nỗi nào, nhưng không hiểu sao, ai xui khôn xiu dại thế nào, ông ngoại tôi sang nhượng lại hiệu giặt là cho người khác, lầy tiền về quê tậu thêm ruộng đất và chạy chức lý trưởng. Nhà không còn cửa hiệu nữa, bác Cả đi làm thuê cho hiệu giặt là khác, còn mẹ tôi ở lại phục vụ hàng cơm với người bà trẻ cũng ở ngay con phố này. Có lẽ, đấy là số phận, là cái duyên gặp gỡ và nên vợ chồng với bố tôi...
          Khi lấy mẹ tôi, bố tôi rất có trách nhiệm với gia đình bên nhà vợ. Lúc ấy, để có người chia sẻ bớt công việc thiết kế kiến trúc, bố tôi thu nạp mấy người làm học trò dạy nghề trực tiếp. Trong số học trò ấy, có người cậu, em ruột mẹ tôi, còn mấy người kia cũng là họ hàng nhà nội ngoại của bố tôi cả. Được bố tôi trực tiếp dạy dỗ, truyền nghề và khi đã biết nghề, lại được bố tôi giao làm phụ trong công việc thiết kế kiến trúc hàng ngày, nên những học trò này nhanh chóng thành nghề cả. Người cậu tôi vốn sáng dạ, lại được anh rể chỉ bảo thêm, nên trội hẳn lên trong số các học trò. Việc này, khiến bà ngoại và mẹ tôi mừng lắm. Sau này, cả mấy người học trò của bố tôi, cùng người cậu tôi không ai bỏ dở, đều theo nghề kiến trúc, trong đó, câu tôi và một người nữa khá thành đạt, giữ các cượng vị quan trọng ở đơn vị mình làm việc thuộc nhà nước ta.
          Chuyện mẹ tôi, sống trong căn nhà thuê ở phố huyện lị, buôn bán hàng vải chạy Hà Nội-Hải Phòng. Giữ lễ nghĩa, hiếu kính mẹ chồng, tháng đôi lần, mẹ tôi về thăm bà nội tôi ở quê. Khi ấy, mẹ già tôi mất đã mấy năm, ở cùng với bà nội tôi ở quê có chị Nguyên, con mẹ già, và chị gái nuôi. Chị gái nuôi là con nuôi của bố và mẹ già tôi, quê gốc ở Thái Bình, nạn đói năm Ất Dậu 1945, lưu lạc đến vùng quê tôi, và được nhận làm con nuôi trong nhà. Chuyện về mẹ già tôi mất ra ao và chuyện nhận chị gái nuôi này, tôi sẽ kể ngay sau đây,...


Nhận xét