Tiểu thuyết Vô đề (XXVI)



        Cuối năm 1964, sau khi Mỹ gây hấn ở Vịnh Bắc Bộ bằng cách vu  vạ cho ta bắn trọng thương chiến hạm Ma-đốc, lấy cớ gây chiến để đưa không quân ra bắn phá miền Bắc, ta có một cuộc vận động lớn nhằm giảm dân số ở thủ đô. Bố tôi đi làm ở công sở, khi ấy là Bộ Kiến trúc, không thấy ai ở cớ quan nói gì, nhưng tối tối, cán bộ khu phố lại mò đến tận nhà, giảng giải này nọ, rằng cuộc chiến sẽ rất ác liệt, khó tránh khỏi bom đạn đổ nát, thương vong, nên để tránh những mất mát không cần thiết, nhà nước ta mở cuộc vận động sâu rộng, đề nghị các gia đình đang sinh sống ở thủ đô, nếu có quê hương bản quán ở đâu, thì hãy đăng ký trờ về quê nhà sinh sống... Họ đi lại, vận động nhiều lần như thế, kín đáo, rỉ rả, song quyết liệt. Biết là khó tránh, nhất là khi ấy, gia đình tôi thuộc diện bị xem là “thành phần không trong sạch”, tốt nhất là đăng ký trở về quê cho yên thân mọi bề. Hơn chục hộ sống trong ngôi nhà chung ... ở ngõ Trúc Lạc ngày ấy, quá nửa là từ quê ra, nên rốt cuộc đều đăng ký về quê cả. Sau này, nhìn nhận lại sự việc ấy, phần đông cho rằng đây là một cuộc vận động chiến lược, thực hiện chính sách thời chiến, giống như Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứi 2, nhằm đảm bảo an toàn cho dân chúng. Nhưng cũng có ý kiến sắc bén và nhạy cảm hơn, thì đánh giá, bên cạnh ý nghĩa tích cực đó, còn có một khía cạnh kín đáo, mà ngày đó, không ai nghĩ đến, hoặc giả có nghĩ đến thì cũng chẳng ai dám nói ra, ấy là, khi các gia đình chuyển về quê hương sinh sống, phần nhà cửa họ để lại thủ đô, được lấy phân cho các gia đình thuộc thành phần đi kháng chiến về hoặc những người có công với cách mạng, dọn đến ở. Chuyện tranh chấp nhà cửa giữa những gia đình phải về quê, không sống nổi, dăm ba năm sau quay trở lại thủ đô với những gia đình được chính quyền phân đến tiếp quản ở, trờ thành câu chuyện dài kỳ với âm hưởng buồn dai dẳng mãi về sau. Biết là vậy, chẳng rõ đúng sai, mà cũng đâu có ai phân giải chính sách này?... Ngay căn nhà cũ, gia đình tôi sống trước đây, được cấp ngay cho một gia đình khác, một ông thợ làm khuôn đúc đồng lành nghề đến độ được phong nghệ nhân đợt đầu tiên, và ngày ấy, ông này có hai con trai thì cả hai cùng nhập ngũ, và một anh chiến đấu dũng cảm, được phong dũng sĩ diệt Mỹ. Vậy là quá xứng đáng rồi còn gì. 



     Với gia đính tôi, về quê, đành rằng thế, nhưng về quê nào? Mẹ tôi, thì nhất nhất là về quê ngoại, bởi vì vườn nhà quê ngoại tôi rộng những 5 sào, săn đất cho việc dựng nhà ở, và bà ngoại tôi đang sống với người cậu và di út ở đó, có thể đỡ đần cho gia đình tôi, nơi ấy lại gần đường lớn nên mẹ tôi có thể kiếm sống bằng nghề buôn bán vặt... Còn bên quê nội, phần đất được Đội cải cách ruộng đất chia lại cho nhà tôi chỉ là 1 phần 8 diện tích đất vườn nhà tôi cũ, sau khi Đội đem chia làm 8 phần, lấy 7 phần cấp cho các hộ bần cố nông ở làng trong cải cách ruộng đất; phần đất này, bố tôi cho chị Nguyên, con mẹ già tôi, và khi chị Nguyên đi lấy chồng ở xã khác, đã bán đi cầm tiền về nhà chống coi như của hồi môn; giờ về quê nội, lâm vào cảnh không miếng đất cắm rùi, đã không chỗ ở, lại chỉ biết bám vào nghề nông, sẽ sống ra sao đây? Thêm nữa, với mẹ tôi, bà đã chịu  đựng cảnh khổ nhục lúc cải cách ruộng đất, từng chứng kiến cảnh người thân họ hàng nhà mình, những người mà gia đình mình trước đó từng cưu mang, giúp đỡ, lại nhày cẫng mà lên gào thét, chửi bới, rủa tả, chỉ thắng mặt bà nội tôi và chị Nguyên, tố cáo này nọ, bằng những lời điêu toa bậy bạ. Chính mẹ tôi đã bị Đội cải cách bắt giam ở chuồng trâu nhà khác hàng  chục ngày, cho đến khi bố tôi viết thư gửi Đội cải cách, hứa xin thoái tô thì mẹ tôi mới được họ thả cho về... Uất ức, nhục nhã vậy, chuyện qua đi chưa đầy chục năm, giờ lại trở về đây, hàng ngày phải giáp mặt với những khuôn mặt gớm giếc ngày nào, mẹ tôi làm sao chịu nổi?...  
     Lý do của mẹ tôi thật chí lý lắm thay, nhưng bố tôi kiên quyết hơn lý lẽ ấy, rằng người như ông, không thể sống lụy bên nhà vợ, rằng ông còn có họ hàng làng xóm bên nội đông đúc, rằng ông đã về quê thăm dò, bên nội tộc khuyên ông và hứa giúp đỡ nếu như chuyển về lại quê nội sinh sống, kể cả việc sẵn sàng nhường nhà của họ cho gia đình ông mượn ở tạm, trước khi mua đất ở riêng... Dùng dằng ít lâu, rồi mẹ tôi đành khuất phục. Lý do đơn giản, thuyền theo lái mà. Khi ấy, tôi còn nhỏ, không biết gì về câu chuyện ấy, còn bây giờ, tôi nghĩ, trong trường hợp này, bố tôi là người cổ hủ, đành rằng, ông có cái lý của mình, ấy là lòng tự trọng và sự sĩ diện cá nhân ... 
      Mẹ tôi miễn cường nghe theo, nhưng không trách gì bố tôi, bời bản tính bà như vậy và ngay từ nhỏ, được cha mẹ dạy dỗ kỹ lương, bà đã thấm nhuần đạo lý tòng phu và lòng hiếu thuận. Một khi đã chấp thuận, thì gian khó mấy cũng không từ nan, kể cả phải cắn răng đến chảy máu, phải dàn dụa nước mắt vì khổ ải thì cũng chùi đi, chẳng chút phàn nàn. Sự chịu đựng ấy ở mẹ tôi, sau này tôi đã chứng kiến và theo ngày tháng dần thấu hiểu tấm lòng mẹ thật nhân từ và bao la không giới hạn ... Khi bố tôi còn sống, gian khổ mấy, mẹ tôi còn có chỗ bấu vứu, ấy là bản lĩnh và sự cứng cỏi của bố tôi, coi  đó là chỗ dựa tinh thần, chứ sau này, khi bố tôi mất đi, gian khổ còn lắm lắm, bà biết dựa vào ai, khi mà tôi chưa trưởng thành, còn chị Ngoan đã đi lấy chổng, chị Hạnh học hành còn dang dở? Tôi đọc sách, hiểu được sự giữ lửa của bậc làm cha mẹ trong các gia đình Việt cổ truyền từ xa xưa như thế nào. Song đấy là đạo lý, khuôn phép, sách vở thế thôi, còn trong thực tế, nó muôn hình vạn trạng, chẳng nhà nào giống nhà nào... Sự giữ lửa ấy, tôi đã thấy ngày ngày trong căn nhà gianh vách đất của gia đình mình ở quê, qua lời ăn tiếng nói, qua cử chỉ, ứng xử của cha mẹ tôi với nhau, nên càng thấm thía...
    Hàng ngày, biết bao công việc lặt vặt, không đếm xuể mà cũng chẳng thể nhớ nổi, nhưng có hai thời điểm, để nhận biết “sự giữ lửa” trong mỗi ngôi nhà, mà cụ thể, là gia đình tôi những năm tháng ở quê. Ấy là, sau mỗi bữa cơm tối đạm bạc, có đủ các thành viên trong nhà, bố tôi thường là người ăn xong trước, ông ngồi xỉa răng uống nước, điểm lại vài ba công việc trong ngày và chuyện phiếm cho tiêu cơm, nhằm gây bầu không khí vui vẻ cho cả nhà sau một ngày vất vả, lao lực. Khi đám con cái bắt đầu học bài hoặc làm việc riêng của mình, ông ngồi suy ngẫm thêm chốc lát, trong im lặng, dường như nhẩm tính sắp đặt công việc cho ngày mai, rồi buông màn đi ngủ trước. Ông được cái tính cái nết, biết gạt bỏ đi những lo toan, nên hễ đặt lưng xuống chút sau là ngủ, ngáy nhẹ thanh thản, thi thoảng mệt người mới ngáy to. Bố tôi đi ngủ, là lúc mẹ tôi bắt đầu việc dọn dẹp và làm lặt vặt các công việc mà ban ngày bận rộn việc mưu sinh, chưa kịp làm, tỉ như khâu vá, lau chùi... Bà thường là người đi ngủ sau cùng trong nhà, khi đã thắp lên ngọn đèn dầu hỏa, hãm hạt đỗ để trên bàn thờ, đủ chút ánh sáng trong nhà... Sớm hôm sau, bố tôi bao giờ cũng là người dạy sớm nhất, chừng lúc 5 giờ sáng, ông lặng lẽ nhóm bếp, đun nước pha trà, rồi trầm ngâm độc ẩm, như nhẩm tính các công việc phải làm cho ngày mới, và việc gì phải làm trước, thì ông là người bắt tay làm, cho đến mẹ tôi là người thứ hai trong nhà thức dậy, tiếp quản công việc cho ông... Đã nhiều lần như thế, tôi chợt tỉnh giấc vào sớm mai, khi ngoài trời còn chưa rạng, trong sáng của ngọn đèn dầu hãm nhỏ, tình cở nhìn cái bóng bố tôi in hình trên vách đất gồ ghề như hình một người khổng lồ lặng phắc, nhuốm nỗi ưu tư  qua dáng ngồi với đôi vai gù gù và cái lưng còng xuống ... 
     Và như thế, một ngày mới bắt đầu, khi thấy mẹ tôi trờ dậy, bố tôi mới vặn bậc đèn cho sáng hơn... Sự giữ lửa cứ vậy trong nhà tôi ngần ấy năm tháng gian khó truân chuyên... 

Nhận xét