Chuyện cha con người đốt than ( III )




6.
            Quê gốc em ở miệt Rạch Giá. Xưa kia, gia đình cố nội em rất giàu, có nhiều ruộng đất, tài sản. Nhưng rồi, do sinh chuyện tranh chấp ruộng đất với gia đình vị Hội đồng giàu có và uy lực nhất vùng đó mà nảy sinh mâu thuẫn, kiện tụng nhau liên miên. Để có thể thắng kiện, cố nội em phải bán dần ruộng đất, tài sản. Song rồi, cứ vậy, đâm lao theo lao, thắng kiện chẳng thấy đâu mà ruộng đất tài sản tứ tán gần hết. Uất hận sinh bệnh tật, cố nọi em chết, mang theo mối hận. Trước khi chết, cố nội có trăng trối lại cho ông nội em, theo tiếp vụ kiện. Biết là khó thắng được, nhưng là người có hiếu với cha mẹ, muốn làm yên lòng cha dưới  suối vàng, ông nội em tiếp tục vụ kiện. Số ruộng đất, tài sản còn lại lần lượt theo chân vụ kiện đo nốt. Vụ kiện kết thúc bi thảm bằng cái chết của ông nội em. Người ta tìm thấy xác ông nội nổi lập lờ trong đồng nước. Có người cho rằng, ông nội phẫn chí bỏ nhà đi lang thang, nhậu say rồi cảm mà chết. Lại có tin đồn là, nhà Hội đồng lén thuê người đánh chết ông nội rồi mang xác quẳng ra đồng nước. Chẳng biết tin vào đâu, nhưng có lẽ bị đánh chết thì có lý hơn. Ông nội em chết đi, để lại bà nội em và cha em khi đó mới lên năm, sáu tuổi gì đó. Và còn một người em gái của cha, con của ông nội em với một người ở đợ, khi đó mới chừng đầy tuổi tôi. Trước đó, người gái ở đó có thai rồi sinh con, thì để lại đứa con gái mới sinh cho ông nội em, rồi bỏ đi biệt tích. Bà nội em nuôi đứa trẻ gái, nhà hiếm con nên thương yêu như con mình đẻ ra. Khi gia đình gặp chuyện chẳng lành, ông nội em chết, bà nội cũng buồn phiền mà sinh bệnh, nằm liệt giường. Biết khó sống được, nhân có một người buôn nước mắm quê mãi miệt U Minh Hạ, Cà Mau, hiếm hoi, nên bà nội em mang đứa con gái cùng cha khác mẹ với ba em cho người ấy nhận làm con nuôi. Trước khi cho đi, bà nội em lấy ra đôi vòng bạc cổ chân của ba em, trên mỗi chiếc có chạm hình một con cá sấu và tên ba em, một đeo vào cổ chân bé gái, chiếc còn lại mang cất kỹ bảo là giữ cho ba em, ý là sau này bà mệnh hệ gì, anh em thất tán thì còn có bằng chứng mà nhận nhau. Bà em cận thận, chú đáo thế đấy, và quả là không thừa cho chuyện về sau. Ba em vốn rất quý người em gái, nên khi buộc phải xa nhau, ba em cứ giữ chặt không cho đi, và hai đứa trẻ khóc dữ lắm. Bà nội cũng khóc nhưng biết làm sao đây. Và sau đấy chưa đầy năm, bà nội em mất. Ba em còn nhỏ dại lắm, nên được anh em họ hàng đùm dúm nhận nuôi…

          Ba em lớn lên, vì không có tài sản ruộng đất nên sinh sống bằng đủ các nghê lặt vặt mà ông có thể làm, theo bà con, anh em lang bạt khắp nơi. Trong một lần đi làm ăn ở miệt Bạc Liêu, ba em bị bệnh nặng, may được hai mẹ con một gia đình ở có chăm sóc, thuốc thang, mà qua khỏi. Thời gian chăm ba em bệnh, cô gái và ba em nhanh chóng này sinh mối thiện cảm, rồi thương nhau. Ba em biết cô gái là con nuôi của bà cụ. Người mẹ nuôi khi đó cũng đã cao tuổi, thấy ba em là người mạnh khỏe,có tư chất và tốt bụng nên đồng tình hùn vào cho hai người nên duyện vợ chồng. Em được sinh ra, và lên hai tuổi thì bà ngoại mất. Ba em thương má và bà ngoại em lắm, lại thêm cái ơn cứu mạng, nên ba em đã hứa với bà ngoại trước lúc bà nhắm mắt xuôi tay rằng suốt đời chăm sóc má con em, để bà yên tâm. Cuộc sống gia đình em sẽ yên ấm trong yêu thương đùm bọc lẫn nhau, nếu như không xảy ra một chuyện động trời, sập đất…
          Số là, gia đình người buôn bán nước mắm hiếm hoi không có con, khi xin được má em thì ông bà cũng đã nhiều tuổi. Lo có người nhà tìm kiếm xin lại má em, và sau này, khi lơn khôn má em tìm vê quê cũ, nên họ giấu biệt, để má em không biết gì về cha mẹ và quê gốc. Khi ông mất, bà sinh phiền não, và nhân một lần bà yếu lòng, chỉ hé lộ chút xíu đưa cho má em chiếc vòng bạc đeo chân hồi nhỏ, dặn giữ lấy sau này là kỷ vật. Má em cũng chỉ biết vậy, nâng niu, cất giữ chiếc vòng đó cận thận, coi như dấu ấn duy nhất về nguồn gốc của mình. Lúc lấy má em, thì ba cũng chỉ biết rằng má là con nuôi của bà cụ ở Bạc Liêu mà thôi. Ba em yêu thương má lắm, và ông coi má em là tất cả những gì yêu thương mà ông có được. Với ba em, má là vợ, là em gái, chị gái, thậm chí là mẹ, bởi ổng được tận hưởng tất cả các trạng thái tình cảm và sự săn sóc ấy từ má em… Chính vì vậy, ổng rất ghen. Không muốn cho má em trò chuyện với bất kỳ người đàn ông nào khác. Vì ghen nên tính ông lầm lỳ, cau có, khó tính đến thành vô lý. Có một lần, thấy ổng ghen vô lý, má em bực quá, nói lại vài câu, ổng nổi giận, mất khôn, tát má em một cái. Ổng hối hận ngay, nhưng má em bị bất ngở, thành uất ức, tính bỏ nhà, sang ở nhờ nhà hàng xóm mấy ngày cho bõ tức, với mong muốn ba em thay đổi tâm tính. Song không ngờ, trong lúc giận dỗi, lôi bọc quần áo tư trang, lục lấy chút đồ mang theo, má vô tình làm bung chiếc khăn nhỏ gói đồ tư trang, làm rơi ra chiếc vòng bạc đeo chân.Ba em nhìn thấy chiếc vòng bạc đeo cổ chân thì sững người, và khi ông cầm lên xem thì thẫy rõ chiếc vòng bạc đó được chạm khắc chữ cái tên mình và hình một con cá sấu, hệt như chiếc vòng bạc mà má ông trao cho ông và vài lời trăng trối trước lúc bà mất. Ông chết lặng, sụn người và đổ ập xuống. Má em sợ quá, vực ông lên giường, thấy hàm ông cứng lại, hai mắt mở trừng trừng. Lay gọi mãi ba em mới tỉnh, và từ đó, ông hấu như câm lặng. Má em sợ quá, không dám bỏ nhà đi nữa, nhưng cũng không hiểu vì sao ba em lại có phản ứng mãnh liệt đến như thế. Những ngày sau, ba em vật vờ như người mất hồn, má có hỏi gì thì chỉ ầm ừ cho qua chuyện, mà mắt ông luôn nhìn đi đâu, không dám nhìn thẳng vào mắt má em. Ba em bê trễ, chểnh mảng công việc, hay kiếm cở hoặc lẳng bỏ khỏi nhà, đến một nhà ai đó, nhậu say xỉn mới mò về, Và ông không bao giờ ngủ trong buồng chung mùng với má em nữa, mà trải tấm đệm bàng ngủ một mình ở gian ngoài.Má em đau khổ, buồn phiên lắm, nhưng gặng hỏi gì thì ba cũng chỉ qua quýt, nói thác rằng đang mang trọng bệnh trong người, sợ lây sang má em. Rồi một bữa, hai má con em đi chợ về, thì không thấy ba em ở nhà. Cũng chỉ nghĩ là ông bỏ đến nhà ai đó nhậu say xỉn như mấy lần trước. Nhưng đêm áy, không thấy ông về nhà, má em sinh nghi. Lại thêm một ngày đêm nữa, vẫn không thấy ba em trở về, má linh cảm xấu. Khi ấy em còn nhỏ dại, má em gửi em cho bà con trông giùm, khăn gói đi tìm ba em, đôn đáo khắp nơi má biết và đồ đoán, song càng tìm thì ba em vẫn biệt tăm. Má em trở về trong thất vọng nặng nề. Linh cảm mách bảo, má em chợt nhơ tới chiếc vòng bạc đeo cổ chân bữa bà định bỏ nhà đã vô tình làm rơi để ba em thấy, bèn lục rương, mở bọc tư trang, và má em cũng chết sững, không tin vào mắt mình. Hai chiếc vòng bạc giống nhau, má em cầm lên xem kỹ và không phân biệt được chiếc vòng nào là của mình. Vậy ai có thể bỏ thêm một chiếc vòng bạc nữa vào đây thành cặp vòng song sinh, nếu không phải là ba em?... Tại sao ba em lại có chiếc vòng bạc thứ hai giống hệt như chiếc của má em? Nghi ngờ nhanh chóng được giải đáp, khi má em tìm thấy trong bọc tư trang của má bức thư ba viết để lại, nói rõ vì sao ông lại như vậy và quyết bỏ nhà đi biệt xứ…

         Dù ngày ấy còn bé, nhưng đến tận giờ em vẫn còn nhớ nỗi đau lòng, thất vọng của má em. Thì r aba em, nhờ chiếc vòng bạc đeo chân, đã nhận ra, người vợ hiện giờ ngày ngày đầu gối tay ấp của mình lại chính là người em gái cùng cha khác mẹ với ông, đã được cho đi làn con nuôi từ lúc mới tuổi thôi nôi. Ba em quá đau khổ vì sự thật phũ phàng, them mặc cảm tội lỗi, đã quyết bỏ nhà ra đi. Ba em đi đâu, ở đâu, làm gì, má em không rõ. Má em cũng đau lòng lắm, nhưng bả vẫn hy vọng một ngày nào đó, ổng nghĩ lại mà trở về nhà. Rồi một năm, hai năm, ổng vẫn biệt tăm tích. Má em nghĩ ngợi mà sinh bệnh. Cũng thuốc thang chữa chạy đấy, nhưng dường như thuốc chẳng có tác dụng gì, là bệnh ở tâm thì thuốc nào chữa nổi. Và má em qua đời. Người ta bảo má em mất vì tuyệt vọng, mà người tuyệt vọng, không còn chút niềm tin nào vào cuộc sống thì có thuốc tiên cũng thành vô ích…
          Má mất, em thành bơ vơ, sống nhờ bà con xóm ấp. Nhưng rồi, ba em trở về. Ba nghe ai đó mách bảo, việc má em sinh bệnh nặng rồi chết, nên ổng vội vàng trở về ngay. Song đâu có yên, ở nhà, ba em lại chịu bao điểu tiếng. Dân xóm ấp đâu có hiểu nguồn cơn câu chuyện, lên tiếng chê trách ba em là kẻ bội bạc. nghí là ổng bỏ mặc vợ con để chạy theo một mụ đàn bà nào đó. Khi ấy, đến em cũng tin là thế. Dù không căm ghét, nhưng em cũng không yêu quý ba. Em nhớ, lúc má còn sống, có hai má con vứi nhau, em đã nhiều lần hỏi ba đi đâu, thì má đều nói là đi mắc công chuyện lâu ngày, xong việc thì ba về. Lúc má em sắp mất, có dặn em rằng, hãy yêu quý ba vì ổng là người tốt. ba không có lỗi gì, chẳng qua vì bắt buộc mà ổng phải xa nhà thôi. Nhớ lời má dặn, em muốn tin lời má em lắm, thế nhưng thâm tâm em không thể hiểu, không thê thương quý ba em được. Ngày nào, ba cũng dắt em ra mộ má em thắp hương, và ổng lầm rầm khấn vái gì đó. Rồi một ngày, ba em thu xếp đồ đạc, dắt em theo, rời bỏ miệt Bạc Liêu về vùng Thất Sơn này sinh sống từ đấy. Ở Thất Sơn, năm nào, cứ vào dịp cuối năm, ba gửi em nhờ người quen giữ giùm, đi vắng đâu đó mấy ngày. Sau nayf, em mới biết, ba sang lại miệt Bạc Liêu chăm mộ má em.
          Em lớn lên trong tình yêu thương của ba. Ổng chiều em lắm, em muốn gì ba em cũng cố làm cho kỳ được, miễn sao em vui. Tình cảm của em với ba có gần gũi hơn, nhưng em vẫn giữ một khoảng cách nhất định. Ba em cũng biết vậy, và ổng không hề trách moc, đòi hỏi gì. Và lạ một điều, khi má em mang bệnh rồi mất, bà con xóm ấp rủa là ba em vì mê gái nên mới bỏ vợ con, nhà cửa chạy theo gái, nhưng sau này, ngần ấy năm sống cùng ba, em chưa hề thấy ổng làm thân, gần gụi với bất kỳ người đàn bà nào? Em nghĩ, có lẽ vì ba em hối hận chuyện ngày trước, nên ngại và cố tình xa lánh đàn bà? Cho đến tuổi dậy thì, em vẫn chỉ hiểu lờ mờ là ba má em, giữa hai người có chuyện gì đấy rất hệ trọng, song cụ thể là gì và như thế nào thì không rõ. Và cho đến một lần…
          Ba em cùng những người làm than đi săn chơi. Ba em đụng phải một con heo rừng rất to và hung dữ. Ba em bắn mà sung không nổ. Con heo xông thẳng tới, ba em luống cuống ngã xuống, ổng dùng súng đánh lại, chống đỡ các cú tấn công của con heo rừng. nhung nó vẫn cắn ba em bầm rập cả người. May có chúng bạn ứng cứu, đuổi con lợn rừng đi. Ba em bị thương khá nặng, sung tấy khắp mình mẩy, viêm nhiễm vết thương nên sốt cao lắm. Bạn bè rửa ráy, sát trùng vết thương, đắp lá lẩu theo kinh nghiệm dân gian chữa thương cho ông. Em thương ba lắm, nghĩ ông không qua khỏi. Tự thân, ổng cũng nghĩ vậy. Và có lẽ vid thế, ba em đã kể cho em nghe chuyện bí mật giữa ba má. Em rụng rời chân tay, không muốn tin lời ba kể, đó lại là sự thật. Vì như thế, đối với ba má, em là nghiệp chướng. là nỗi đau không thể quên của gia đình em. Em đã khôn lớn để hiểu chuyện đời. Có lúc, em cũng đã từng nghĩ đến cái chết, coi cái chết như một sự giải thoát, và chỉ có như vậy, thì mới giúp cha em giải được nghiệp chướng vô tình mà có. Nhưng rồi, lý chí mách bảo, nếu em chết đi, thì ba em đâu có hết đau, thậm chí còn đau khổ hơn, và cũng sẽ chết theo.
          Từ đấy, em thương ba lắm. Ma em mất đi, má đâu có biết nỗi đau đớn của ba em đến mức nào. Em phải thương yêu ba cả phần của má nữa. Cuộc đời em thế nào, em không cần biết, đúng ra là không dám nghĩ, em chỉ biết là phải sống sao để bù đắp cho hết thảy những mất mát, đau lòng mà ba em phải chịu đựng bấy lâu nay, là đủ… 


Nhận xét