Tiểu thuyết Vô đề ( XXVII )




27.
 Về cái sự giữ lửa ấy, thực ra tôi đã chứng kiến bố mẹ tôi làm hàng ngày từ lâu lắm rồi, nhưng khi ấy tôi còn quá nhỏ, để không thấu hiểu ý nghĩa sâu xa và cũng rất đỗi giản dị. Với mỗi gia đình bé mọn, thì biểu tượng của việc giữ lửa là ngọn đèn sáng đêm đêm và bếp lửa cháy bập bùng ngày đôi ba bận. Song với mỗi làng quê, sự giữ lửa của cả cộng đồng, ấy là các thiết chế văn hóa như đình, đền, chùa, chợ,... đặc biệt hơn, yếu tố vừa mang tính tự nhiên, vùa chất chứa văn hóa làng xã, ấy là ao chuôm và dòng sông,...
          Với riêng tôi, dấu ấn tự nhiên và văn hóa làng tác động mạnh mẽ nhất là dòng sông quê. Về lịch sử cội nguồn của dòng sông này, tôi đã vài ba lần hỏi bố tôi và sau này có điều kiện đọc sách, tôi có ý tra cứu, tìm kiếm nhưng vẫn mở mịt. Dòng sông không có tên chung, chày qua vùng nào thì người dân ở đó gọi nó bằng cái tên của làng hay vùng đất nó chảy qua. Điều này thì không lạ, ngay như những dòng sông lớn ở xứ ta như sông Hồng, sông Lô, sông Chày cũng mang nhiều cái tên. Con sông quê tôi được lấy tên làng tôi để gọi. Sở dĩ vậy, bởi mấy thôn xóm ở quê tôi thì làng tôi bám theo cả một quãng bờ sông dài nhất so với các làng khác. Thậm chí, hình dáng làng và tính cách dân làng chịu ảnh hưởng từ con sông này...

          Bố tôi bảo, cũng chẳng ai biết con sông này có từ bao giờ, chỉ biết, vào thời Lê Trịnh, có một lần sông được khai thông mở rộng lòng... Căn cứ vào nguồn chày, sông lấy nước một chiều từ cửa sông nối với sông Cái-Hồng Hà, còn phần cuối nối vào đâu thì cho đến giờ tôi không rõ. Chiểu theo lịch sử định cư và phát triển của mấy dòng họ lớn ở làng tôi thì rõ ràng, con sông này đã là nguốn tưới tiêu đồng ruộng cho vùng đất này mấy trăm năm nay, và đó cũng là lý do để con người về đây quần tụ, lập thành làng mạc. Ngược dòng lịch sử, căn cứ vào ngôi chùa cổ Hương Linh được xây dựng vào đầu triều Lý, thì rất có thể, ngày ấy, con sông này đã là một chi lưu nhỏ của sông Cái, ăn sâu vào vùng đất cổ xưa thuộc xứ Kinh Bắc, quê hương của Nguyên phi Ỷ Lan, nên mới được bà chọn đất cho xây dựng những ngôi chùa đầu tiên nhằm sám hối và giải oan cho bảy mười hai cung nữ bị sát hại cùng Hoàng hậu Thượng Dương. Một vài căn cứ nữa để suy đoán, ngày xưa, khi xây dựng các công trình văn hóa, tôn giáo, người ta thường chọn đất thuận tiện cả về giao thông thủy bộ. Con sông quê tôi, cách sông Đuống quê bà Ỷ Lan đâu có xa. Bằng chứng, ngôi đền thờ đích bà Linh Nhân Hoàng thái hậu tức Ỷ Lan còn đến nay cũng nằm kề giữa hai con đường thủy bộ, thuận lợi giao thương. Vậy nên, rất có thể, ngày xưa, ở vùng này từng có sự kết nói giao thông để hoàng tộc có thể thăm viếng, hành lễ các chùa chiền lớn. Trải qua mấy thế kỷ với sự thay đổi các vương triều trị vì, các dòng sông có thể bị cạn dòng hay được mở mang là tùy vào sự nhìn nhận của kẻ trị vì hoặc quan lại cai trị từng vùng. Điều này được ghi nhận, ấy là sự mở mang con sông quê tôi dưới thời Hậu Lê và gần đây nhất là sự kết nối của công trình thủy nông Bắc-Hưng-Hải dưới thời chính phủ cộng hòa của Cụ Hồ...
          Con sông quê tôi, ghi dấu ấn cả tuổi thơ tôi. Bắt đầu từ chuyến xe cam-nhông chở cả gia tài nhà tôi từ căn nhà hơn ba chục thước vuông ở ngõ Trúc Lạc, Hà Nội về quê, thực hiện chính sách thủ đô thời chiến tranh. Đia điểm chiếc xe cam-nhông đỗ, để dỡ đồ đạc của nhà tôi xuống là bờ sông bên kia làng, nơi ngã ba con dường liên huyện, liên tình đi Bắc Ninh ngày ấy. Người nhà, họ hàng bên nội tôi lục tục khuân vác đồ dùng cho nhà tôi qua chiếc cấu bắc qua sông để vào làng. Mặc dù đoạn sông nơi có chiếc cầu được thu hẹp lại quá nửa, song với mấy chị em chúng tôi, vượt qua nó đã là một thử thách đầu tiên cho cuộc sống ở quê. Chị Hạnh bạo dạn theo chân mẹ tôi qua cầu trước. Còn chị Ngoan thì líu ríu nắm tay đẻ bố tôi dắt trong khi ông cõng tôi trên lưng. Cây cầu được bắc bằng mấy thanh tà-vẹt đường sắt cũ ghép liền nhau, nên khi đi dến giữa cầu, người đi cảm nhận được mặt cầu khẽ nhún nhẩy, ai nhát thì dễ sợ... Chiếc cầu ấy còn tồn tại đến vài chục năm sau. Chính chị Hạnh đã từng một lần phóng xe đạp qua, loạng quạng tay lái thế nào, ngã cả người và xe xuống sông. May vào mùa sông cạn gần đáy nên lóp ngọt bò lên được. Đấy là đận chị Hạnh hú vía. Mãi sau này, mỗi lên về quê, qua lại cây cầu này đã được đổ bê-tông, chị vẫn cười nhắc lại chuyện cũ...
          Những ngày sống ở quê, dòng sông mùa đục mùa trong, mùa nước đổ đầy ắp phù sa, mùa sông cạn gần đáy, sông đều gắn quện với đời sống mỗi người dân làng tôi. Trong số mấy chị em tôi, chị Ngoan nhát nước hơn cả. Chị đã suýt đuối nước nơi cầu sông ngay cửa đình làng. Ấy một lần, vào mùa cấy, chập tối đi làm đồng về. chị Ngoan xuống cầu sông, tháo xà-cạp, rửa chân tay, thì không may, bước hụp chân, ngã nhào ra ngoài xa. Không biết bơi, chị chới với ngụp xuống nhô lên, vừa may có một chị người làng bơi giỏi nhìn thấy, vội ào ra, nắm tóc chị Ngoan lôi lên bậc cao. Uống mấy ngụm nước sông nhưng chị Ngoan thoát chết. Tởn đến già.
          Với riêng tôi, cầu sông nơi của đình làng để lại nhiều kỷ niệm. Hai bên cầu gạch này, có mấy cây đa già cỗi, và một cây bàng. Cây bàng thì  lá xanh lá đỏ báo hiệu các mùa, còn mấy cội đa già, buông xuống mặt sông những chùm rễ dài, còn phần gốc thì các rễ nhánh quềnh quàng non nửa ăn ngầm bờ xuống đáy sông, cho thấy vẻ cổ xưa của làng quê. Tôi và những đứa trẻ con tập bơi, cứ bám chặt vào đám rễ ngầm đập chân quạt nước thì thõm. Trộm vía, tôi cũng có lần dại dột bắt chuồn chuồn cho cắn rốn để biết bơi, nhưng chỉ thấy đau điếng, chứ đâu biết bơi. Thế nhưng, sau vài ba lần bị mấy đứa trẻ con nghịch ngợm lặn xuống ngầm nắm chân tôi kéo mạnh ra xa, tôi tuột tay, bị kéo ra xa, uống mấy hớp nước, cuống cuồng đập chân quẫy tay nhoài vào bờ. Vậy là bơi được.
          Và một lần, khi tôi vào tuổi dậy thì, gặp nỗi buồn riêng tư của buổi đầu biết đến tình cảm luyến ái nam nữ, tôi đã bơi sang bờ sông bên kia, rồi lại bơi về. Vô tình, tôi đã cứu sống một người. Đúng ra, sự xuất hiện bất ngờ của tôi, khiến người ấy đang định quyên sinh, chợt tỉnh ngộ và từ bỏ ý định tiêu cực. Người tôi vô tình cứu sống ấy là một thiếu phụ, xét thứ bậc là vai trên trong họ hàng nhà tôi. Người thiếu phụ ấy sớm góa chồng, khi đó mới ngoài ba mươi tuổi, có vẻ đẹp mặn mà chín mọng. Phải nuôi con nhỏ, và sống chung với bà mẹ chồng khó tính lắm điều, quanh năm suốt tháng giữ gian con dâu cho hồn ma của con trai, thiếu phụ đó luôn biết nén mình, kín đáo để giữ gìn tiết hạnh. Song vẻ mặn mà và khát vọng yêu đương vẫn toát ra bên ngoài, gây sức hút cho đám đàn ông, trai làng từ bậc cao tuổi đến đám gà trống choai mới lớn. Đêm ấy, sân đình có chiếu chèo, diễn tích Quan âm Thị Kính. Thiếu phụ ấy, sợ mẹ chồng này nọ, nào dám ra xem, mặc dù nhà chỉ cách sân đình một quãng. Đang thì thụp giã gạo một mình, chợt có bóng người lẻn đến ôm chầm từ sau lưng. Thiếu phụ vùng ra, gỡ tay và kêu lên. Bà mẹ chống từ trong ra, thấy động ngó ra thì thấy bóng một người đàn ông chạy vụt ngang sân ra ngõ. Bà này bám theo nhưng bóng đen ấy chạy nhanh về phía sân đình và mất hút trong đám đông đang xem chèo. Bà ta tức giận, quay về nhà, trút giận lên đầu con dâu. Thiếu phụ ấy có giãi bày thế nào cũng không được, trong khí bà mẹ chồng nhiếc móc thậm tệ bằng những lời lẽ dân gian gớm ghiếc đầy tục tĩu... Uất hận mất khôn, thiếu phụ đã lẳng lặng ra cầu sông với ý định trầm mình tự vẫn. Vừa lúc ấy, tôi từ bờ sông bên kia lặng lẽ bơi về. Trong ánh sáng chập chờn từ chiếc đèn măng-xông nơi đám diễn chèo sân đình hắt ra, tôi nhận thấy có người đang xuống dần từng bậc cầu sông. Bơi vào gấn đến nơi, cũng là lúc người đó nước đã ngập đến cổ. Chỉ một cái nhoài ra, rất có thể, tôi chẳng thể cứu nổi. Thấy có người bơi vào, người đó sững lại. Tôi cũng chỉ nghĩ ai đó tắm đêm, vậy thôi, nên cất tiếng hỏi. Rồi hai bên nhận ra nhau, chào hỏi chiếu lệ vài câu. Thiếu phụ ấp úng nói chẳng thành câu, rồi bỏ mặc tôi, cứ thế quần áo sũng nước trở lên, về nhà. Vài ngày sau, chuyện vỡ lở, người làng cũng biết chuyện thiếu phụ bị quấy rối, và người ta thì thầm với nhau, đồn tên một cậu chàng mới lớn, chùng hơn tôi vài tuổi. Cho đến khi cậu chàng kia nhập ngũ, chuyện phai nhạt dần, bởi ai cũng nghĩ đến người ra trận, một đi nhưng khó trở về...
          Chuyện tôi tình cờ bắt gặp người thiếu phụ trong phút giây mệnh hệ đó, thì chỉ có hai người biết với nhau. Cuộc sống biết cách an ủi và xoa dịu tất cả. Giờ cậu chàng đó đã là một ông già, gia đình con cháu đề huề, khi từ quân ngũ trờ về lành lặn không sứt mẻ gì sau cuộc chiến, lấy vợ sinh con. Còn người thiếu phụ bề trên của tôi, đã giữ nguyên tiết hạnh, đến tuổi già và bệt giường mấy năm nay rồi...

 (còn nữa)

Nhận xét