Tiểu thuyết Vô đề (XXVIII)





28.
          Trở lại chuyện học hành của chị Hạnh và tôi.
          Chị Hạnh xét về học hành thì có vẻ không trội như chị Ngoan và tôi, khi chị chưa bao giờ đạt thành tích cao để được đưọc xếp đứng đầu lớp, đầu khối học, thậm chí đầu trường như chị Ngoan và tôi. Chị cũng chưa bao giờ được chọn vào đội tuyển dự các kỳ thi học sinh giói cấp huyện, tỉnh như tôi, nhưng thực học khá chắc chắn. Hầu như các môn học đều từ trung bình đến khá, lên lớp đều và đặc biệt là chị có khả năng lôi kéo người khác phải theo mình, trong các nhóm nhỏ nhóm to gì thì chị luôn là thủ lĩnh. Bời vậy, mặc dù phải nghỉ đứt đoạn mất một năm, nhưng khi đi học lại, chị học theo lớp bình thường y như người học liên tục, và tốt nghiệp cấp II, thi vào cấp III là đỗ luôn. Trường cấp III huyện duy nhất cách nhà tôi gần chục cây số, mà nhà lại không có phương tiện xe đạp để chị đi học hàng ngày nên chị phải đi trọ học, vì vậy, chị không giúp công việc đồng áng gì nữa, toàn bộ do chị Ngoan đảm nhiệm.

          Còn tôi, vào cấp II, trường học vẫn ở xã, nhưng quãng đường xa gấp đôi. Tôi nhớ, buổi đầu tiên đi tập trung tại trường cấp II, mấy đứa học sinh thì thầm bảo nhau, bố mẹ chúng vừa nghe Đài Tiếng nói Việt Nam loan tin Bác Hồ đã từ trần. Đứa nào đứa ấy rớm nước mắt. Thấy chúng khóc, mắt tôi cũng rân rấn. Nhà tôi không có Đài nên bán tin bán nghi. Có đứa lại bảo, Bác Hồ là lãnh tụ kính yêu, là Cha già dân tộc, có phép như thần thánh ấy nên không thể chết được. Rồi đám học sinh chí chóe cãi nhau, đứa bảo này, đứa bảo nọ. Chuyện Bác Hồ như thần thánh không chết thì tôi không tin, tôi hiểu rõ là Bác Hồ cũng là người bằng xương bằng thịt. Nhà tôi trước đây ở bên này hồ Trúc Bạch, còn nhà sàn Phủ Chủ tịch nơi Bác ở ngay bên kia, có đường Thanh Niên nối liền, như vậy gần nhà Bác lắm. Chị Ngoan tôi đã hai lần được xếp vào đội thiếu niên danh dự của Thủ đô lên Lễ đài chào mừng các vị nguyên thủ nước ngoài sang thăm nước ta, từng tận mắt thấy Bác Hồ chỉ cách vài mét, kể lại cụ thể việc thấy bác ra sao. Còn tôi, cũng đã suýt một lần thấy Bác. Ấy là một lần, nghe đồn khoảng giờ này ngày nọ, Bác Hồ sẽ rời Phủ Chủ tịch lên Quảng Bá dự hội nghị gì đấy, nên mấy đứa trẻ con ngõ nhà tôi đã bảo nhau chen chúc lách vào đám đông người dân đứng chờ sẵn hai bên đường đoạn đầu dốc Yên Phụ góc với phố Phó Đức Chính, chờ xe ô tô chở Bác Hồ đi qua mong được nhìn thấy Bác. Nhưng rồi chờ mãi vẫn không thấy đâu. Sau nghe nói, Bác vẫn dự hội nghị ở Quảng Bá nhưng đi bằng đường khác để bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối. Nếu không thì tôi đã có thể nhìn thấy Bác rồi. Giờ đây, vẫn chưa một lần được chiêm ngưỡng Bác thì Người đã ra đi vĩnh viến. Nhưng lại nghĩ, mính học hành chăm ngoan là thế mà không một lần được đội Thiếu niên bình bầu là cháu ngoan của Bác chì vì thành phần gia đình được cho là “không trong sạch” thì tôi lại cay xống mũi.  
          Lễ truy điệu Bác được chính quyền xã tổ chức, ông chủ tịch xã kêu gọi người dân “biến đau thương thành hành động cách mạng”, hăng hái xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc, xứng đáng là thành trì xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chi viện cho miền Nam tuyến đầu tổ quốc, đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào. Mọi người khóc nấc, thương tiếc Bác bao nhiêu thì căm thù giặc Mỹ và chính quyền Sài Gòn bấy nhiêu. Ở trường học,  lễ khai giảng năm học mới cũng vậy. Thầy hiệu trưởng hô hào học sinh hãy gắng học tập tốt, chăm ngoan xứng đáng là cháu ngoan của Bác, để lớn lên, tiếp bước cha anh, trở thành người có ích cho đất nước. Không những thế, thầy hiệu trưởng còn thuộc và nhắc lại một số đoạn trong lời phát biểu của Tổng bí thư Lê Duẩn tại lễ truy điệu Bác ở quảng trường Ba Đình. Phải nói, làng quê tôi ở vào thời điểm ấy, bầu không khí chộn rộn giữa niềm tiếc thương Bác vô hạn với sự hừng hực cách mạng lan tỏa từ lời hiệu triệu của vị Tống bí thư. Phần đông người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng, nhất là sau cuộc tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân 1968 thắng lợi. Song cũng có chút gì đó lo lắng, khi có người bày tỏ rằng, Bác mất đi như vậy, là mất người chèo lái vĩ đại, dẫn dắt con thuyền cách mạng trong giông tố chiến tranh, liệu rồi có sớm cặp bến? Có sự lo lắng vậy, là bởi, có thông tin rò rỉ, từ phía đài địch, rằng cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân không thực sự thắng lớn như đài báo ta loan tin, mà quân ta cũng thiệt hại khá lớn về lực lượng và mất nhiều cơ sở cách mạng bí mật trong lòng địch. Điều này, cũng cho thấy, Mỹ Ngụy vẫn khá mạnh và chúng đã cảnh giác. Sự lo ngạt ấy, it nhiều có cơ sở, khi lác đác có những trai làng nhập ngũ trở về địa phương thành thương binh, rồi số giấy báo tử cũng tăng lên, cùng đó là các cuộc gọi nam thanh niên khám nghĩa vụ quân sự... Người ta bảo, chiến trường đang thiếu quân lắm...
          Khi nghe mấy đứa bạn học cùng lớp là con cán bộ thôn xã rỉ tai nhau như vậy, có lần tôi hỏi bố tôi chuyện ấy, thì ông trầm ngâm không nói gì. Hồi lâu, ông dặn tôi, đại ý là tôi còn bé, chưa hiểu gì, cấm được chuyện trò bép xép về những chuyện chiến tranh, về việc của người lớn, mà chỉ nên tập tục học cho giỏi, tranh thủ giúp việc gia đình.
          Tôi nghe lời bố tôi, học hành chăm chỉ và nhanh chóng trờ thành người đứng đầu lớp, đầu khối học của mình. Cuối mỗi năm học, tôi đều được tặng giấy khen về thành tích học tập xuất sắc. Tôi cũng tranh thủ thời gian giúp bố mẹ một vài khâu trong việc làm mì gạo, hoặc chăn trâu mỗi khi nhà có phiên trâu. Tôi đặc biệt ham đọc sách, ngốn sách nhanh như trâu bò đói được ăn cỏ tươi. Sau khi mấy khoa của Trưởng đại học Tổng hợp chuyển về Hà Nội, thì đến lượt trường Chính trị gì đó sơ tán về. Thế là, hầu như kho tư liệu sách vở của nhà trường được chuyển về cho sinh viên đọc, những gì là tác phẩm văn học, hầu như đều qua tay tôi hết. Vậy làm sao tôi chỉ là một cậu học sinh cấp hai bé tẹo lại có thể mượn được các tác phẩm văm học chứ danh thuộc kho tàng văn học Nga, Liên Xô, Trung Quốc, Pháp và một số nước thuộc phe Xã hội chủ nghĩa khác như Đông Đức, Hungary, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bulgary... Đơn giản, tôi có thứ vũ khí lợi hại ngay trong nhà mình, ấy là hai người chị gái ở tuổi thanh niên và hình thức khá xinh xắn. Tôi chẳng phải cậy cục nhở vả ai để có sách đọc. bởi các chàng sinh viên, dù là trai tơ hay đã có vợ đều tia mắt, bén mảng đến nhà tôi chơi, lấy tiếng là thich nói chuyện với bố tôi, một người được coi là hiểu biết nhất làng xã, nhưng thực tỉnh là để làm quen, tán tỉnh các chị gái tôi. Các chàng thi nhau thể hiện mình, tự động khới ra chuyện sách vở, rồi mượn truyện của thư viện nhà trường, mang đến tận nơi cho các chị tôi đọc. Chẳng hiểu các chị tôi có ngó ngàng gì đến sách truyện hay không, hay chỉ béo bở cho cái thằng trẻ con là tôi, ngấu nghiến trước.
          Vậy là tôi đã sớm có được cơ hội tiếp cận các tác phẩm văn học, lịch sử từ nhỏ một cách may mắn vậy. Tuy nhiên, các chàng sinh viên lai vãng nhà tôi, sau đó, không hiểu vô tình hay hữu ý, đã mang phiền hà, rắc rối cho gia đình tôi... 

( còn nữa )
         

Nhận xét