Chuyên cha con người đốt than ( VI )



       9.
        Dễ chừng, cả tháng dài lê thê, nặng nề và u ám. Tôi sống vật vờ, vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn trực ca ở bệnh viện. Tôi thấy may mắn làm sao khi mình đã không gây ra sự cố đáng tiếc nào cho người bệnh. Tôi sống bằng tiềm thức, mà đã là tiềm thức thì hơn cơn vật là mấy. Buồn cười là, có những lúc khám bệnh cho bệnh nhân nữ nào đó, tôi ao ước người bệnh đó là em, để tôi được gần gũi, chăm sóc, nâng niu. Nhưng khi ý thức được điều đó là không thể, tự dưng tôi lại nảy sinh ý nghĩ nanh ác là tiêm cho người bệnh ấy vài mũi tiêm nước cất, vô hại thôi, song người bệnh sẽ đau đớn. Rồi tôi tự thấy hổ thẹn với ý nghĩ muốn hành hạ người khác của mình. Dường như, tôi cố nghĩ ra một thứ gì đó để trút giận, để xoa dịu nỗi đau của mình? Sự thất vọng, ê chề vô tình đã biến tôi thành một con người khác. May sao, mọi thứ đều ở trong ý nghĩ!...
        Tôi chủ động, cáo ốm, xin bệnh viện cho nghỉ vài ngày. Thực lòng, đi làm, tôi lo mình dễ sa sảy điều gi. Ở nhà, ngủ, ngồi, đi đứng, vẫn không yên. Tôi lang thang đến nhà mấy người quen, lân la kiếm chuyện trò này nọ cho quên đi, v à nếu được ai đó mời mọc, tôi sẵn sàng lao vào cuộc nhậu hết mình...

         Vừa mới đó, tôi bỗng thành một bợm nhậu. Một hôm nhậu say, tôi lảo đảo về nhà, cứ nhằm cây cột điện bên đường làm đích, dăm chục mét một, bốn lần như vậy cũng về đến nơi. Lăn ra giường lịm đi, tỉnh dậy nôn thốc nôn tháo, mệt tưởng chết đi được. Tôi mơ màng tỉnh thức thì chợt thấy nước. Nước mát trên mặt, trên cổ rồi chảy tràn xuống ngực. Ô hô, tôi đang đứng dưới thác nước đổ tử đỉnh núi Rồng, mát rượi, sung sướng thay. Tôi ngửa mặt nhìn lên, muôn vàn tia nước li ti tung tóe, khiến tôi phải nhắm nghiền mắt lại vì sợ… Bỗng tôi không nghe thấy tiếng thác nước dội nữa. Im lặng. Tôi nghe ngóng và từ từ hé mở mắt… Một khuôn mặt con gái chập chờn, ghé sát mặt tôi. Hai, ba khuôn mặt nhập nhòa, rồi từ từ chập lại. Ai đây? … Thôi đúng là em rồi… Tôi há miệng, gọi nhưng giọng khé lại không thành lời…
       Mấy cái tát nhẹ vào hai bên má. Rồi cũng bàn tay đó xoa xoa trán, và day day lồng ngực tôi…
       - Thư… Thư đấy à?... Em về từ bao giờ ?...
       - Anh Hai tỉnh chưa?...Nhậu quá trời!... Thư cau có, vẻ trách móc.
       Thì ra, tháy tôi trong trạng thái sống dở chết dở như vậy, Thư đã dùng khăn mặt ướt lau mặt, cổ và người cho tôi tỉnh. Tôi định ngồi dậy, nhưng đầu choáng váng, mệt rã rời. Thư đỡ tôi nằm xuống.
       - Anh Hai nằm nghỉ chút nữa đi. Để em mua cho anh Hai ly chanh đá uống cho tỉnh.
       Thư nói rồi đi luôn, lát sau trở về đưa tôi bịch đá chanh. Rồi cô xắn tay áo, bê chậu nôn đi đổ, lau dọn nhà cửa. Tôi đã tỉnh, nhưng vẫn nằm im, vở nhắm mắt. ngầm quan sát Thư. Cô vừa làm, vừa khe khẽ ca một điệu vọng cổ. Ừ, mà ở đây, có ai tốt hơn, quan tâm và chăm sóc mình hơn Thư đâu. Người trông cũng được, song phải cái tính đành hanh, hiếu thắng, miệng lưỡi thi sắc lẻm. Tính khí thế, đàn ông gần bên dễ cảm thấy lép về hơn, khó mà chịu nổi. Mà sao cô ta lại quan tâm, săn đón và tử tế với mình vậy, khi biết mình yêu thích người đàn bà khác?...
       Xong việc, Thư dựng tôi dậy, như người chị gái chăm chút cho người em trai mình, cô mắng yêu:
       - Ông mãnh, trông người ngợm ghê chết đi được… Mới sểnh tay tui có hơn tháng nay mà trông đã như người rừng… - Thư vờ nghiêm-Này, anh Hai… có nghe rõ không đấy?...- Là em còn tha cho cái tội, vừa nãy, nhìn em nhưng miệng lại kêu tên người khác… Rõ ghét!...
       Thư mắng mỏ bằng sự hờn giận đầy yêu thương. Tôi không thấy bực như mọi khi, lòng vui vui vì mình vẫn được quan tâm. Có chút hung phần, tôi nở một nụ cười ngô nghê. Thư hoành hành thêm chập nữa, rồi bỏ đi, khi quay trở lại, cô bưng trên tay tô cháo gà nóng nghi ngút. Thư ép tôi ăn, thiếu như bón từng thìa. Dù còn mệt, ăn chưa ngon miệng, nhưng chiều lòng Thư nên tôi cố nuốt.
       Chủ nhật ngay sau đó, Thư về thăm nhà, cách thị trấn gần chục cây số. Cô năn nỉ rủ tôi về cùng. Tôi kiếm cớ từ chối, bảo để lần sau. Thư bực mình đây đảy một hồi rồi mới chịu đi một mình. Thực tình, tôi cũng quý Thư, nhưng chỉ xem là sự quý mến với tư cách là đồng nghiệp với nhau, hơn nữa thì cũng chỉ như một cô em gái. Thế nên, tôi chưa muốn xuất hiện ở nhà cô, vì lo ngại ba má cô hiểu lầm tôi là bạn trai, người yêu của cô. Khi Thư đi rồi, ngồi buồn, tôi lôi một cuốn sách viết về lịch sử, địa láy vùng đất Nam Bộ ra đọc, nhưng chữ nghĩa bay đâu khỏi tầm mắt. . Ngầm nghĩ, ừ mà sao mình không thử đến nhà Út Thiệt một lần nữa xem sao nhỉ? Mình đâu phải là người hèn nhát, kẻ xấu hay tội đồ, trốn tránh trách nhiệm, chối bỏ việc mình đã làm. Và nữa, mình cũng đâu có sợ ba Út Thiệt mặc dù ông đã giơ súng dọa tôi…
      Nghĩ vậy, tôi quyết định ngay. Tôi đến nhà một người bạn, mượn xe máy đi cho nhanh. Dọc đường, tôi mường tượng ra cảnh sẽ gặp lại ba con Út Thiệt thế nào, và họ đối xử với tôi ra sao? Tôi còn nhẩm nghĩ ra những câu hội thoại mà tôi trù tính có thể xảy ra. Tóm lại, phóng xe trên đường mà tôi cứ ám ảnh trong đầu những kịch bản gặp lại, từ tốt đến xấu nhất… Đến lối rẽ vào chân rãy, tim tôi như thắt lại, hồi hộp, lo lắng…
      Nhà của em kia rồi. Tôi dừng xe, chống chân, lưỡng lự nên vào nhà hay quay xe trở về?... Nhưng nhìn kỹ lại, căn nhà như thể bỏ không? Máu dồn lên, quên hết, tôi ào xe vào trong sân. Bỏ xe, tôi lao ngay vào nhà. Đẩy cửa, Không được. Cửa nhà được đóng chốt lại cẩn thận, kiểu nhà không có người ở. Ba con em đi đâu rồi, tôi thảng thốt cả người. Thôi đúng rồi, không thấy con chó vàng xồ ra như mọi khi, và trong sân vườn cũng không thấy bóng dáng con gà con heo nào. Tôi làm lũi đi vòng quanh căn nhà lá vài lần, đưa tay khẽ đẩy thử tấm phên che cửa sổ. Cũng bị đóng chặt. Tôi trở lại sân trước, ra cổng ngóng lối ngõ, rồi vòng mãi ra rãy sắn kế bên. Tất cả đều hoang vắng, không một bóng người. Lẩn quẩn, quan sát kỹ, nhận thấy những thân sắn, và đám rễ củ nhỏ bỏ lại vương vãi trong sân còn chưa mấy khô. Tôi nghĩ, hay cha con Út Thiệt lên rẫy, nơi có lán trại làm than tôi từng đến hôm nào? Nếu vậy, cùng lắm dăm ba buổi cha con cô sẽ về nhà thôi. Sao đây, mình có nên gửi xe để lên núi tìm cha con cô hay quay về, ít lâu sau trở lại? Tôi băn khoăn tự hỏi mình. Tôi phân vân, mải nghĩ, chợt giật mình, sững người, đột ngột phát hiện dì Ba đứng cạnh chiếc xe máy từ lúc nào.
       - Dì Ba… Con chào dì…
       - Bộ cậu Hai… tính gặp ba con nhà con Út sao?...
      - Dạ… con muốn gặp… để thưa lại chuyện của con với Út Thiệt… nhưng mà, nhà đi đâu cả rồi… dì Ba?
       - Đứng đây nói chuyện không tiện… Nếu cậu Hai rảnh, thì qua bên nhà tui, uống miếng nước, rồi hỏi gì thì hỏi… Nhưng mà, tui cũng chỉ biết chút chút thôi, cậu Hai à… 

 ( còn nữa )

Nhận xét