29.
Như tôi đã kể, các chàng sinh viên hay
lai vãng nhà tôi chơi, thăm nom này nọ. Lấy tiếng là được nói chuyện với bố
tôi, một người có sự hiểu biết Đông Tây kim cổ, được xem là bậc nhất trong
vùng, thêm nữa, bố tôi vốn nghiện trà, nên thường có trà dùng hàng ngày, dù chỉ
loại Thanh Hương rẻ tiền giá ba hào hai xu một gói, thì khi họ đến đây cũng như
là được thưởng trà đàm đạo việc đời...
Ngày trước bố tôi nghiện thuốc phiện nặng, chơi bời cô
đầu con hát đủ cả. Nhưng sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, kế đó là giảm tô,
cải cách, bố tôi đi làm cho nhà nước, ngày đó là Bộ Kiến trúc, nên ông bỏ cả.
Sau này, chỉ còn nghiện trà và thuốc lào. Cả khâu tài chính và chế độ xã hội
mới không cho phép bố tôi nghiện những thứ xa xỉ và bị coi là đồi trụy ấy. Sở
dĩ, hồi ấy bố tôi kiên quyết bỏ mấy thứ nghiện đó là ông hiểu, sau cải cách
ruộng đất, của nả, tài sản, đất đai, ruộng vườn bị tịch thu đêm chia cho dân
nghèo hết, ông trở thành dân nghèo. Việc tài sản bao năm trời tích lũy mất
sạch, còn có nguyên cở khác. Số là, trước đấy, vào năm 54, phong trào di cư vào
Nam rầm rộ, bố tôi đã bị một người bạn thân lừa một khoản tiền lớn, ấy là khoản
tiền đặt cọc mua một miếng đất rộng ở Cống Trắng, Khâm Thiên. Người bạn này nói
là được mẹ mình cho một miếng đất, cần bán đi lấy tiền tiêu, gạ bán cho bố tôi
chỗ đất đó, và để mua nó, ông đã phải đặt cọc một khoản tiền giá trị bằng một
phần ba. Tin bạn, cọc tiền, cầm tờ biên nhận viết tay, đợi ngày lấy đất và trả
nốt tiền. Chờ lâu, không thấy, đến nhà bạn thì ông này bỏ trốn xuống Hải Phòng
lên tàu há mồm di cư vào Nam
mất rồi. Bố tôi tìm đến bà mẹ đẻ của người bạn, chìa tờ giấy biên nhận nhận đặt
cọc ra, thì bà ta cười khẩy bảo, là bà có hứa là cho con trai miếng đất đó nếu
anh ta cai nghiện, chí thú làm ăn, nhưng anh ta lại trốn gia đình bỏ đi Nam
mết nên thôi. Giấy tờ nhà đất vẫn thuộc quyền sở hữu của bà mẹ, bố tôi hiểu
mình bị bạn lừa, chẳng biết đòi ai, đành cay đắng chịu mất tiền. Sau này, bố
tôi cho cho tôi xem tờ giấy biên nhận ông vẫn giữ. Khi bố tôi mất, tôi vẫn giữ
tờ giấy ấy, chẳng để làm gì, mà chỉ xem như một kỷ vật của bố tôi. Số tiền dành
mua đất còn lại, đến cải cách ruộng đất bay nốt. Ấy vì, để cứu bà nội và mẹ tôi
bị Đội cái cách giam giữ tại chuồng trâu, chỉ còn cách duy nhất là bố tôi đem
nốt vốn liếng còn lại nộp tiền thoái tô cho Đội, để bà nội và mẹ tôi được tha
ra. Tiền hết, bố tôi đi làm, lương nhà nước tháng, nghe đâu được sáu, bảy chục
đồng gì đó, còn mẹ tôi tham gia tổ đan len xuất khẩu của khu phố, thu nhập
chẳng đáng là bao, nhà nuôi ba chị em tôi đi học, nên gần như chẳng dành dụm
được gì. Bố tôi, nghiện ngập là thế, nên sau chỉ nghiện trà và thuốc lào, loại
nghiện tối thiểu nhất, dù loại rẻ tiền thì vẫn tốn kém ít nhiều. Song như vậy
là bố tôi đã cố gắng hết mình rồi. Với ông, nghiện trà và thuốc lào, cõ lẽ là
thú vui cuối cùng mà ông bấu vứu vào, để gắng gượng đưa gia đình mình qua được
những năm gian khó, đầy giông bão ấy?...
Ngày đó, tôi nhớ, làng xóm chẳng có ai
đặt mua báo chí gì. Đài thu thanh thì chỉ mấy vị cán bộ xã, hợp tác xã, cán bộ
làng là được mua đài theo giá phân phối thì phải. Vậy mà, bố tôi lại đặt mua
hẳn họa báo, xen kẽ hàng năm hai loại Liên Xô và Trung Quốc. Thế là oách chứ
gì. Việc đặt mua họa báo này, làng xóm cũng ít nhiều xì xào rằng lấy tiền đâu
ra mà mua. Bố tôi giải thích cho mấy mẹ con về cái sự được cho là tiêu xài sang
ấy, tiếng là có chút tốn kém nhưng công dụng lại nhất cử lương tiện, rất chi
hữu ích. Họa báo nước ngoài có nhiều ảnh đẹp, giấy tốt, bóng láng và rất dai,
nên sau khi xem nội dung chán chê, thì mang ra cho chúng tôi bọc sách, còn
những trang có ảnh đẹp thì mang dán, hoặc đóng đinh căng lên tường nhà, che đi
mặt tường đất, vách rơm bùn lồi lõm, như thế vừa sạch đẹp, lại sáng nhà. Bố tôi
có lần hài hước cười bảo, tốn chút tiền mua họa báo, nhưng được những ba mươi sáu cái tiện thể, nên cũng đáng
lắm.
Nhờ xem họa báo nên ngồi xó bếp quê,
cũng ít nhiều hiểu được phe ta, tức là phe Xã hội chủ nghĩa ấy tiến lên nhường
nào, dưới sự dẫn dắt của hai quốc gia được xem là cường quốc khi ấy, Liên Xô và
Trung Quốc... Cứ thấy họ tiến lên không ngừng mà lòng hân hoan. Liên Xô thì sau
sự kiện đưa tàu vũ trụ lên cung trăng, rồi là chó Lai-ca, tiếp đến các anh hùng
Gagarin, Titov..., vượt mặt cả Mỹ, chinh phục Mặt Trăng rồi thì sẽ chinh phục
các hành tinh xa xôi khác là sao Hỏa, sao Kim, hùng mạnh là thế, nào ai dám bì.
Còn Trung Quốc thì tiến hành cách mạng văn hóa, phen này tiến bộ phải biết...
Cùng với những chuyển biến cũa xã hội Trung Quốc, những mưu toan chính trị của
họ thế nào không rõ, chứ chuyển biến về văn hóa nghệ thuật thì dễ nhận biết.
Tôi nhớ, ngày ấy, Trung Quốc ca ngợi vở Kinh kịch Chuyện chiếc đèn đỏ lăm
lắm. Không biết nội dung vở Kinh kịch thế nào, nhưng tác giả của nó là Giang
Thanh, phu nhân của Chủ tịch Mao Trạch Đông, một nhân vật cấp tiến của Đảng
cộng sản Trung Quốc thời ấy, đã đủ làm cho vở kịch nổi tiếng lắm rồi. Những
hình ảnh trích đoạn từ vở Kinh kịch này trên họa báo khá rực rỡ, rất ấn tượng,
nhất là hàng ngày chúng luôn đập vào mắt chị em tôi, vì các trang họa báo có
những hình ảnh đó được chúng tôi căng dán đầy dán tường nhà.
Với nhà tôi, việc ấy là bình thường có
ai để ý chi đâu. Nhưng rồi một hôm, bỗng có mấy người lạ được một vị công an
viên của xã dẫn đến nhà tôi. Sau tuần trà xã giao, họ hỏi bố tôi tại sao lại
dán đầy nhà những hình ảnh này, rồi họ lại hỏi có biết chuyện gì xảy ra ở Trung
Quốc không, và biết gì về mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô không? ... Đại
loại là thế. Chuyện người lớn, tôi nghe lỏm, lõm bõm là vậy, nhưng sau đó bố
tôi kể lại thì mọi người trong nhà mới rõ hơn về câu chuyện hôm đó. Đại ý, bố
tôi bảo, ông nói là không quan tâm và không biết gì về những chuyện ấy; rằng
ông chỉ biết về cuộc kháng chiến chống Mỹ Ngụy của nước ta có nhiều gian khổ hy
sinh nhưng đang trên đà thắng lợi; rằng việc dán những trang họa báo trong nhà
chỉ là thấy hình ảnh đẹp, vừa làm tranh trang trí vừa sạch tường nhà, vừa dùng
cho trẻ con bạc sách vở, vậy thôi. Để chứng mình cho việc sử dụng họa báo vô tư
như đã nói, bố tôi còn lôi cả chồng sách vở của chúng tôi ra đưa cho xem, cho
thấy việc dùng chúng bọc sách vở là để giữ gìn cho sách sạch đẹp là thật. Căn
vặn một hồi, rồi họ đi, không nói rõ nguyên cớ và mục đích của cuộc kiểm tra
này ra sao. Tuy nhiên, qua vài câu nói chung chung về tình hình thế giới và sự
tương quan giữa các phe của họ, bố tôi có thể suy đoán được là tại sao lại có
cuộc thăm nhà đột ngột này, và ông cũng biết, ai trong số những chàng sinh viên
hay là cà đến nhà tôi chơi để tán tỉnh hai chị gái tôi, là thủ phạm việc mật
báo cho lực lượng an ninh đến kiểm tra nhà tôi...
Sau đận ấy, bố tôi thôi không đặt họa
báo nữa. Những trang họa báo nước ngoài Trung Quốc, Liên Xô bị gỡ bỏ hết, kệ
cho những bức tường nhà đất nện và vách rơm bùn phô mặt nham nhở. Tuy nhiên,
tường đất nhà nứt toác nhiều, mỗi mùa đông gió lùa vào nhà rất lạnh, nên chúng tôi lại phải vo những giấy vở học sinh
đã dùng qua năm học nhét kín vào kẽ hở ngăn gió lùa...
Những năm sau, khi bố tôi đã mất, cả
đất nước Trung Quốc rộng lớn chuyển động kinh hồn khi ông Mao Trạch Đông qua
đời, các nhân vật tối cao của Trung Quốc đã bày mưu tình kế để lật đổ sự tiếm
quyền của “bè lũ bốn tên” là Giang
Thanh, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên, đặc biệt là Giang
Thanh, kẻ cầm đầu. Từ đó, vỡ lẽ mà suy ra, rất có thể ngày ấy, bên ta đã ít
nhiều nhận thức được nguy cơ ấn giấu trong sự chuyển biến này của họ, mà sớm đề
phòng, cảnh giác...
Nhận xét
Đăng nhận xét