Tiết mưa phùn tháng Hai.




           

       Tháng Hai âm lịch.
      Chưa đến rằm nhưng đã có nhiều ngày mưa, đúng tiết mưa dầm xứ Bắc. Chẳng nhớ hôm mồng Một có mưa không? Nhớ lời mẹ tôi dạy từ ngày còn nhỏ, hễ mồng Một, ngày đầu tháng âm lịch nào mà có mưa là cả tháng ấy mưa nhiều...

        Mưa phùn, mưa bụi, mưa xuân, ấy là một. Kiểu mưa này chỉ có ở Bắc bộ và bắc miền Trung. Sở dĩ có nhiều cách gọi là do thói quen của từng vùng, miền và từng người mà thôi. Gọi mưa phùn, là người ta hình dung, mưa như cỗ máy thiên nhiên phun mạnh vào không gian thành những hạt nước nhỏ xíu; còn gọi mưa bụi hay mưa phấn, ấy là hạt mưa li ti như khói, như bụi, giăng mờ mịt bầu không; còn gọi mưa xuân là bởi kiểu mưa này chỉ có vào tiết xuân. Thường là vào cuối tháng Giêng, kéo sang hết tháng Hai, mùa xuân, xen kẽ giữa những đợt không khí lạnh khô hanh từ phương Bắc tràn xuống, và những ngày oi nóng như mùa hè, là những ngày có không khí lạnh yếu đi lệch Đông ra phía biển, gặp khí nóng phương Nam chặn lại, đưa hơi nước từ biển bốc lên, gặp không khí lạnh từ Bắc vào, tạo thành những đám mây mưa, song chỉ đủ sức làm thành kiểu mưa phùn, mưa bụi cho đất liền mà thôi. Với tình chất vậy, tạo nên tiết nồm ẩm, nóng lạnh thất thường, rất khó chịu, khó lường cho con người, vạn vật...
         Tùy mỗi năm, sụ chệnh lệch giữa cách tính theo dương lịch và âm lịch sự chênh nhau về thời gian độ vài ba tuần, thậm chí bốn năm tuần. Thời vụ, tiết trời được người xưa ấn định cho vạn vật, được tả trong ca dao, tục ngữ thì tính theo âm lịch. Ví như, tiết Giêng Hai âm lịch chẳng hạn, theo dương lịch thì là cả khoảng thời gian các tháng hai, ba, tư của năm dương lịch rồi. Lại ví như, câu ca dao "Tháng Giêng là tháng trồng khoai, tháng Hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà, tháng Tư cày vỡ ruộng ra,,." cho thấy nông lịch của người xưa. Dĩ nhiên, cái nông lịch này là theo tập quán canh tác xưa cũ, của nền văn minh lúa nước của vùng Bắc bộ, canh tác năm chỉ một đến hai vụ lúa nước, xen kẽ là hoa màu, hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên... Ngày nay, nông lịch này không còn phù hợp nữa, bởi sự can thiệp của con người bằng khoa học kỹ thuật trong tạo giống cây trồng phản ứng ánh sáng trung tính, trong chế độ tưới nước, điều chỉnh nhiệt độ, nên thời vụ của từng loại cây trồng cũng khác đi... Còn cây cối thiên thiên thì chịu tác động của biến đổi khí hậu nên việc ra hoa, kết trái, đổi màu, trút lá cũng ít nhiều thay đổi...
         Tiết mưa phùn tháng Hai cũng đa dạng lắm. Nếu như không khí lạnh yếu, thường chỉ trời mưa bụi vào lúc chiều tối, qua đêm đến sáng ngày sau, ban trưa thì trời hửng. Nếu không khí lạnh mạnh hơn, có thể trời lắc cắc mưa thành hạt rồi kéo dài vài ba ngày thành mưa dầm. Thường gió mùa về lúc nửa đêm về sáng. Đêm trước đi ngủ, trời còn chưa mưa, nhưng rồi, trong giấc ngủ mơ màng ta nghe lơ mơ đâu đó tiếng động nhẹ, mau thưa, rồi lắc cắc, lộp độp, tiếng mưa gõ vào mái hiên, lá cây ngoài ban công, rồi rỏ giọt... Sáng ra, sân đã ướt đầm... Mưa lây nhây, trời có lúc tạnh, rồi lại mưa, cứ thế vài ba ngày liền. Ẩm ướt, lép nhép...
         Trong tiết mưa dầm tháng Hai, cũng đã là tháng ba dương lịch rồi, khi hoa bưởi hoa chanh đã vãn, hoa xoan rộ lên rồi nhanh chóng qua đi. Ấy là lúc hoa gạo bung trời, đỏ lựng, đỏ ối tùy thời tiết hay cảm giác của người ta. Lúc đầu. lác đác hoa, gợi con người ta về một sự khởi phát, rồi cả cây bừng nở, thì cho người ta sự viên mãn, và khi hoa gạo vãn dần, lại cho ta cảm giác buồn buồn của sự rụng rơi, hoài niệm, luyến tiếc. Các cây gạo nở hoa cũng trước sau khác nhau tuy theo đọ tuổi của cây. Thường là, những cây gạo còn non, hoa hay trổ sớm, cái kiểu háo hức của tuổi trẻ, và hoa cũng không bền, nhanh chóng rụng hết. Cây già hơn, hoặc cổ thụ, thường điềm tĩnh, hoa nở chậm, cũng lớp lang, cành già cành non, cành bổng, cành la, hoa trước hoa sau, nên mùa hoa kéo dài cả tháng trời và lúc nào cũng cho ta thấy vẻ đẹp của nó. Hoa gạo có phẩm chất và vẻ đẹp ấn tượng trong mọi kiểu thời tiết... Này nhé, trời hửng nắng, hoa gạo tươi rạng cả khung trời nơi nó đứng, cho người ta cảm hứng sáng tạo. Trời sương mờ, nhiều thứ cỏ cây bị sương che phủ, riêng bông hoa gạo, to tướng và đỏ lựng điểm xuyết trong màn sương làm cho quang cảnh hư ảo, mộng mĩ, mê hoặc cõi trần. Còn như trời mưa gió, hoa gạo ở trên cành thì tươi rói, khi rụng xuống, không mỏng manh tan tác như cánh phượng, mà ngổn ngang, bề bộn và có gì đó quằn quại như những nỗi đau đời, nỗi niềm thương cảm chưa tan...
        Cứ thế, suốt hàng tháng trời, từ độ trung tuần tháng hai, đến tận gần cuối tháng ba âm lịch, hoa gạo đó đây, khi lác đác, lúc đỏ tung trời xứ Bắc bộ. Và để rồi khi mùa hè đến, quả gạo lại một lần nữa tung trời những sợi tơ trắng. Ngày xua, những nhà nghèo, người ta đi nhặt, lượm những sợi tơ gạo ấy về nhồi làm áo, gối và chăn ấm cho mùa đông đấy. Chẳng thế mà, đã có ý kiến đề xuất lấy Hoa Gạo làm quốc hoa.
         Với riêng tôi, một lần đi thăm chùa Keo ở Vũ Thư, Thái Bình, nhằm đúng vào mùa hoa gạo. Từ trên đê cao, nhìn xuống cổng chùa Keo, mấy vầng hoa gạo đỏ ối phủ kín cả tam quan chùa. Những cội gạo già mốc thân, thi thoảng buông vai ba bông gạo xuống lộp bộp khiến người ta giật mình thảng thốt. Nhìn lên, bất ngờ một bông gạo rơi, xoay tròn như chiếc ô trên cao xuống, có cảm giác như vòng luân hồi trần gian. có một bà cụ già, lưng còng gập xuống, lẩn thẩn tìm trong đám hoa gạo thảm đỏ khoảng trống trước cửa chùa, nhặt lấy vài bông hoa gạo cầm về, chẳng hiểu để làm gì. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh trong tôi mỗi mùa hoa gạo...
        Sáng nay, trước răm tháng Hai, trời mưa bụi giăng mờ mịt phố phường Hà Nội. Mưa dầm đã mấy ngày nay rồi. Tiết trời này thật điển hình của mùa xuân Bắc bộ. Người đi đường áo mưa cũng được, mà không áo mưa cũng chẳng ướt. Lại rẩm riu nhớ câu thơ của Trần Đăng Khoa "Mưa bay như khói qua chiều/ Vòm cây như rỏ giọt đều qua đêm... / Sáng ra mở cửa nhìn ra/ Vẫn mưa mà đất trước nhà vẫn khô"...
         Và thế, tiết mưa dầm tháng hai ẩm ướt sẽ dần qua,...
         Mùa xuân rồi cũng cạn ngày,...

         Hà Nội, 19.3, 2019

Nhận xét