Quán Táo,


( Ảnh: Cây gạo quán Táo làng Thanh Khê, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, được một ái đó chụp và đưa lên mạng xã hội )


Quán có tên gọi là QuánTáo .
Và cũng chẳng hiểu vì sao, quán lại mang cái tên như vậy?...

Quán Táo là cái quán ở làng quê nội của tôi, làng Thanh Khê, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đây là cái quán cổ, ở ngoài đồng, dành cho người làng đi làm đồng có chỗ nghỉ chân, tránh nắng mưa như bao nhiêu làng quê khác ở Bắc bộ...
Về cái tên, Quán Táo, ngày nhỏ, vốn hay tò mò, tôi từng hỏi cha tôi, một người am tường lịch sử, địa lý và quê hương bản quán của minh, thì ông bảo cũng chẳng rõ. Song cha tôi cũng đã đưa ra vài gợi ý. Có thể, Táo là tên người? Lại có thể, Táo là Bếp, tỷ như ông Táo? Và cũng có thể, Táo là cây táo? Hay chăng, ngày xưa chỗ này từng có cây táo?
Sau này, lớn lên, đọc nhiều sách vở, khi về quê, nhìn thấy cái quán đó, tôi vẫn chưa hài lòng với những gợi ý của cha tôi, nên tìm hiểu thêm. Tra cứu sách cổ, thấy chữ Táo, còn có vài ba nghĩa nữa, chẳng hạn, nghĩa là Reo (reo hò), rồi nghĩa là Nồng (chỉ cảm giác, như nồng hậu, nồng nàn, mùi nồng nồng...). Như vậy, cũng chỉ là mở rộng diện tìm kiếm, chứ không lý giải được nguồn gốc cái tên quán. Lại tạm bằng lòng, chờ đợi thêm vậy ...
Cuối năm 1964, sau sự kiện Vinh Bắc bộ, Mỹ lấy cớ để thực hiện cuộc chiến tranh bằng không lực ra miền Bắc, nhà tôi chuyển từ Hà Nội về quê. Có mấy ấn tượng về làng quê nội từ ngày đó cho đến giờ, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua song tôi còn nhớ rõ. Ấy là cây cầu Cốn bắc qua con sông quê bằng những thanh tà-vẹt đường sắt ghép lại với nhau, mỗi khi có ai đi qua nó nhún nhẩy, sợ sợ là; ấy là cây gạo to đầu làng Chùa gần lối vào chìa Lạng,sau cây chết khô vafbij đánh gốc; là cây đa cổ thụ cầu sông làng tôi; và nữa là ngôi quán cổ có tên là Quán Táo này.
Nhà tôi được cấp một sào ruộng diện 5 phần trăm, cách quán Táo chỉ mấy thửa ruộng, độ dăm chục mét thôi. Nỗi lần theo mẹ hay các chị gái ra ruộng, nhìn quán Táo với cây hoa gạo từ xa thấy có gì đó bí ẩn, rờn rợn, nhưng đến tận nơi thì cũng khống nỗi sợ. Ngày ấy, mới chừng 8 tuổi, sau lần đầu mò vào thám thính ngôi cổ quán này, rồi sau đó, những năm tháng sống ở quê, chăn trâu với đám trẻ làng, tôi thành thân thuộc với quán Táo như hết thảy người làng...
Quán nằm kề bở sông Khê, cửa quán nhìn hướng ra khúc quanh của con sông, kiến trúc ba gian mái thấp, và các xà cột đầu bằng đá, mái lợp ngói cổ dày dặn có lót ngói chiếu. Chính vì lối kiến trúc này đã làm cho quán, mùa hè thi mát rượi, mùa đông lại thấy ấm áp, kiểu như nhà trình tường của người dân miền núi vậy. Những cột đá chính của quán nên nước thời gian nhẵn thín. Có một cột đá của quán, trên thân cột, hằn sâu một vết tựa như dao chém. Nghe dân làng đồn, ngày xưa có một người làng bị xử trảm tại quán này, vết dao chém cổ người đó mạnh và bén đến mức ăn sâu vào cột đá quán và dấu chém đó còn đến giờ. Nghi hoặc, tôi đã có lần hỏi cha tôi. Ông nghĩ ngợi một hồi rồi bảo rằng, thực hư thế nào thì cũng chằng rõ và cũng chẳng thấy ghi chép ở tài liệu, sách nào, mà chỉ là chuyện truyền miệng đời này sang đời khác vậy thôi. Chuyện rằng, ở vào thời mạt Lê, vua Lê Chiêu Thống trị vì, cuộc chiến Trịnh Nguyễn dằng co, thua được, còn nhà Trịnh thì cũng xảy ra cuộc tranh giành ngôi vị khi chúa Trịnh Sâm ốm yếu và qua đời. Trong triều thì phe phái, ngoài đời thì trộm cướp nổi lên, có một người bản địa giữ một chức quan nhỏ, nên trong làng cũng nảy sinh đố kỵ, thù ghét lẫn nhau, vì tranh giành ruộng đất và sự ảnh hưởng đến người làng. Khi quân Tây Sơn ra Bắc, làng quê tôi chỉ cách kinh thành Thăng Long vài chục cây số nên thuộc quyền cai quản của quân Tây Sơn. Bấy giờ có một vị hào bá ở làng theo quân Tây Sơn, vì thù ghét và muốn triệt hạ đối phương của mình, đã tâu với quân Tây Sơn, vu cho vị quan kia cái tội làm phản, ấy là trung thành với nhà Lê Trịnh. Thế là vị quan kia bị quân Tây Sơn bắt tội, đưa về quê nhà, xử trảm ngay tại quán Táo. Vết chém hằn sâu vào cột đá là từ đấy. Cú vậy mà suy, thì ngôi quán này, phải được làm trước đó, và thế lâu đời vài trăm năm nay rồi...
Gần quán Táo, có một cống xi-phông được xây dựng trong hệ thống thủy nông Bắc-Hưng-Hải (Bắc Ninh-Hưng Yên-Hải Dương) từ những năm 60 của thế kỷ 20, nối con sông Khê chảy ngang sườn làng tôi với kênh thủy nông nội đồng. Lấy cảm hứng từ quán Táo, khúc sông quê và cái cống thủy nông này, tôi đã xây dựng thành một số tình tiết cho mấy truyện ngắn của mình ( truyện Thanh Minh quê nhà , Ngày xưa ấyGiải thoát...). 
Giờ đây, con sông quê luôn nước cạn do các gồ thủy điện từ thượng nguồn sông Hồng trữ nước, lại thêm các xí nghiệp nhỏ thải nước bẩn làm ô nhiễm cả. Quán Táo thì xuống cấp, mái ngói trũng xuống và dột nát, nom tiều tụy lắm. Gần đây, tôi có ngang qua chốn này, tiếc là không kịp ghi lại chút hình ảnh. Cây gạo già mỗi cỗi thêm, mỗi năm vào dịp tháng ba, vẫn gắng sức trổ đầy hoa đỏ, như báo hiệu sự có mặt của mình ?...
Nhìn vầng hoa gạo và những bông hoa gạo rụng thảm đỏ lối đi mà lòng rưng rưng!...

Nhận xét