Lên Vĩnh Yên,




Lâu rồi tối mới lại lên Vĩnh Yên, với đúng nghĩa của nó, chứ không phải là cưỡi xe lướt ngang qua...



Ngày trước, cái tên Vĩnh Yên nghe có vẻ xa xôi. Chẳng thế mà nhà thơ Vĩnh Mai, trong một lần lên Vĩnh Yên đã mở đầu bài thơ "Lên Vĩnh Yên" của mình bằng câu thơ thật gợi: "Mùa thu dừng lại ở Long Biên/ Để một mình tôi lên Vĩnh Yên...". Ngày đi học, đọc câu thơ ấy, đã lây cái cảm giác cô đơn, xa ngái và nỗi buồn man mác của nhà thơ... Vâng, đấy là hơn nửa thế kỷ trước, đường sá khó đi nên sinh cảm giác xa xôi là vậy. Giờ thì Vĩnh Yên đã gần kề thủ đô rồi.

Qua sân bay quốc tế Nội Bài, bỏ lối lên cáo tốc Hà Nội-Lào Cai, một chặng nữa rồi rẽ ngang đã vào sâu đất rừng phong hộ Sóc Sơn. Thêm một thôi đường, quanh co, qua sân gôn Minh Trí là đến ranh giới giữa Sóc Sơn ( Hà Nội ) và bên kia là đất Vĩnh Yên rồi. Ranh giới giữa đất thủ đô và đất bán sơn địa Vĩnh Yên chỉ một con đường quanh co kiểu đường làng, nhưng bây giờ đã được nâng cấp ô tô đi được. Đất cát, bên này bên kia đường giá trị đã có thể gấp đôi nhau, đơn giản bởi mỗi cái tên gọi. Mới biết, người Việt mình thích làm sang, sính cái tên gọi?...
Dăm bảy năm nay mới trở lên thăm trang trại vườn rừng của người chị gái. Lần trước lên đây, cây cối còn thưa thớt, chủ yêu mấy loài cây lâm nghiệp. Đất trung du cằn cỗi nhưng cũng đủ cho các loại cây ăn quá nhiều nước xanh tốt đơm hoa kết trái, như khế, roi, sung, mít, xoài... 
Lang thang ra ngoài đường, dạo quanh quất các trang trạng nhà vườn gần đấy, bắt gặp hương thơm ngọc lan và sắc màu của mai đỏ và ti-gôn... Loài hoa ti-gôn trồng trên dất cằn mà hoa lên màu đẹp thế. Loài hoa này giờ hiếm dần, nhường chỗ cho các loại cây hoa giấy dễ trồng hoa đủ các màu bắt mắt không hương vị gì...
Lại nhớ đến dàn hoa ti-gôn nơi cổng nhà bố vợ nhà văn Nguyễn Trọng Huân ở làng Lại Đà, Đông Anh, Hà Nội mình thấy vài năm trước. Thấy hoa ti-gôn, tự nhiên những câu thơ của bài thơ HAI SẮC HOA TI-GÔN của TTKH và cuộc đối thoại thơ với Thâm Tâm gần một thế kỷ trước lại ùa về... "...Người ấy thường hay vuốt tóc tôi, / Thở dài trong lúc thấy tôi vui, / Bảo rằng: "Hoa, dáng như tim vỡ, /Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!" ...
Chỉ cần thế thôi, mặc dù bây giờ không phải là mùa thu, nhưng các loài quả mọng nước, những loài hoa và những câu thơ cũ... đã làm cho cái nắng đầu hè có mùi vị quá trớn của giáo Lào, cũng dịu đi... Và lòng người cũng yên ả...

Nhận xét