Những câu thơ cất cánh,...


Thi pháp thơ Trần Đăng Khoa,


Dẫn luận:

Tôi biết, cho đến giờ, giới học thuật, đã có nhiều người làm luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ về thơ Trần Đăng Khoa. Thú thật, tôi không đọc bài nào. Lại biết, trước đó, cũng có nhiều cao nhân trong làng văn chương đất Việt bàn về thơ Trần Đăng Khoa hồi thiếu nhi, người lớn và đem so sánh với nhau, phán này nọ. Tôi nhớ, cũng đã đọc một số bài viết đăng tải trên báo chí, nhưng cũng xưa lắm rồi, chẳng nhớ gì cả. Bản thân, là bạn học với Trần Đăng Khoa từ hồi phổ thông, cùng trong Đội tuyển học sinh giỏi văn tỉnh Hài Hưng cũ, tham dự Kỳ thi học sinh giỏi Văn lớp 10 toàn miền Bắc (hệ 10/10) vào tháng 4 năm 1975, rồi sau đó là bạn thân từ đấy, và bạn đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) những năm sau này. Tuy nhiên, tôi coi việc nghiên cứu, đánh giá thơ Trần Đăng Khoa là công việc của ai đó, chứ không phải của mình. Vài ba năm gần đây, tôi có nổi máu phê bình và đã viết một vài bài về văn thơ Trần Đăng Khoa ( cụ thể, về tác phẩm Đảo Chìm và những bài thơ Trần Đăng Khoa sáng tác giai đoạn người lớn ). Thích thì viết chơi thế thôi, chứ chẳng tham vọng gì. Bài viết "Đảo Chìm, nghệ thuật xây dựng không gian truyện" đăng trên mạng và sau đó tập hợp vào tập chân dung văn học Khi lòng ta chợt nhớ thu, (NXB Dân Trí, 2016) được nhiều người trong giới văn chương học thuật đánh giá tốt, lòng riêng có chút vui. 
Gần đây, nhân một lần tái bản Tuyển tập thơ Trần Đăng Khoa, khi ký sách tăng tôi, anh nói bỗ bã kiểu bạn bè: "Mày chịu khó đọc kỹ lại toàn bộ thơ tao... Xem còn được những bài nào thì bảo... Nhớ là bài nào còn thì đánh dấu nhé...". Trần Đăng Khoa cười toét miệng. Chơi với nhau hơn bốn chục năm nay, tôi hiểu cái kiểu cười của Trần Đăng Khoa, chẳng biết nên tin hay không?... Nhưng thôi, cứ đọc kỹ lại xem sao... Và rồi, tôi bỗng phát hiện ra phương pháp sang tác thơ của Trần Đăng Khoa. Cái mà người ta gọi là Thi pháp ấy. Sau đó, tôi đã hơn một lần nói lại và khá kỹ với Trần Đăng Khoa những gì tôi thấy trong cái cách anh sáng tác. Trần Đăng Khoa khoái lằm và cơ bản nhất trí với nhận định của tôi. Anh bảo tôi viết đi, rồi khi thấy tội bận bịu việc công sở, chưa viết ra điều đó, thì lại nhắc nhở, thúc giục...
Giờ đã rảnh rỗi hơn, nên tôi làm cái việc "đọc chậm" để xem Trần Đăng Khoa khua bút như thế nào, chứ chẳng dại gì đi đánh dấu thơ anh, bài còn bài vứt, như cái cách anh nói đùa...?...


Nhận xét