Những chiếc lá bồ đề,



Chủ bút tại cây Bồ đề đất Phật 
( Chùa Vàng, Yangon, Myanmar, mùa hè 2012 )

Trong công viên Thống Nhất Hà Nội, có mấy cây bồ đề nằm rải rác bên lối đi quanh hồ Bảy Mẫu, gần góc tiếp giáp với đường Lê Duẩn. Chiều chiều, đi bộ thể dục trong khuôn viên, tôi thường đi dưới bóng râm mát của những cây bồ đề này mùa lá cây sum suê, còn khi mùa rụng lá, tôi lại giẫm chân lên thảm lá bồ đề rụng bời bời mặt đất... Rồi một ngày, đầu óc tôi nảy ra một sự so sánh,...

Cây bồ đề là một loài cây đặc biệt. Đặc biệt, không phải vì giá trị về chất liệu gỗ, hay hương thơm tinh dầu như nhiều loài thực vật cũng được cho là đặc biệt khác trên trái đất này!?...
Vậy thì điều gì làm nên sự đặc biệt của Bồ đề? 
Theo dân gian, thì trước khi Phật giáo ra đời, bồ đề đã được một số nước châu Á xem như loại cây thiêng. Song phải đến khi bồ đề được gắn với truyền thuyết về sự giác ngộ thành chính quả của Thích-ca-mâu -ni (Phật Tổ) thì nó mới được coi là loài cây thiêng bậc nhất của Phật giáo và các tín đồ nhà Phật.
Có lẽ. nhiều người biết đến phát tích của Phật giáo. Kể rằng, hơn 500 năm trước Công nguyên, Hoàng tử Ấn Độ là Gautama Siddhartha khi đi khất thực đã đến ngôi làng nhỏ Sambodhi nằm bên bờ sông Falgu (nay là Bodh Gaya, bang Bihar, miền Bắc Ấn Độ). Tại đây, ngài đã ngồi dưới gốc một cây bồ đề, thiền định 49 ngày đêm và sau 3 ngày 3 đêm cuối triền miên của thiền định, ngài đạt được sự giác ngộ. Để rồi, sau đó 7 ngày, Ngài tời Sarnath và bắt đầu việc giảng đạo, từ đấy hình thành Phật giáo và lớn mạnh đến ngày nay. Một điều quan trọng nữa, ấy là gần ba trăm năm trước CN, tăng-ni Phật giáo đã làm được việc vô cùng quan trọng, là chiết lấy một nhánh cây từ cây bồ đề Đức Phật thiền định thuở ban đầu, mang đi trồng ở Sri Lanca, và cho đến tận bây giờ, cây bồ đề ấy vẫn tồn tại ở Annaradapura (Sri Lanca), đồng thời, trở thành cây bồ đề nổi tiếng và lâu đời nhất trên toàn thế giới. Từ đó, tín đồ Phật giáo đã nhân giống bồ đề cổ này mang đi trồng ở nhiều nơi thờ tự của Phật giáo trên khắp hành tinh chúng ta... 
Người ta cho rằng, Bồ đề Đạo tràng hiện nay chỉ có tuổi đời 130 năm, là mầm nhánh của bồ đề từ gốc cũ cây bồ đề tổ mà Đức Phật đã ngồi dưới tán nhập thiền để thành chính quả, sau nhiều lần cây  bồ đề ở chính vị trí này bị phá hủy bởi thiên tai và nhân tai. Còn đại tháp Giác ngộ ở chùa Mahabodhi đã có tuổi đời 1.500 năm, kề bên gốc bồ đề tổ, cũng từng nhiều lần bị hư hại rồi được trùng tu, còn đến ngày nay...
Vậy là bồ đề (Bodhi, có nghĩa là Giác ngộ), cũng thăng trầm cùng lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo, trải qua 2.500 năm, để hưng thịnh như ngày nay. Như vậy, bồ đề đã trở thành loài cây thiêng là bởi nó được xem như một biểu tượng của sự giác ngộ và trí huệ của Phật giáo
Bồ đề được trồng ở khắp nơi trên trái đất này, tuy nhiên, các cây bồ đề cổ thụ hay cây mới được trồng ở các chùa chiền, nơi thờ tự của Phật giáo đều được cho là linh thiêng hơn ở những chỗ bình thường khác bởi Phật tính của nó... 
Với tôi, cũng đã được các đồng nghiệp sau những chuyến công du sang Nepan, Sri Lanca và Ấn Độ về, tặng cho chiếc lá bồ đề đất Phật được ép khô bằng plastic như một vật quý, do người dân bản địa chọn làm thành sản phẩm mang tính souvernir. Dĩ nhiên, chiếc lá bồ đề đất Phật ấy, dù mang tính chất souvernir thì luôn được người ta trân trọng cất giữ, xem như hiện vật có Phật tính.
Thêm nữa, tôi cũng từng được cho là may mắn, đứng dưới tán của Bồ đề đất Phật, đặng hưởng phúc đức từ nhà Phật. Ấy là, năm 2012, tôi được cử làm trưởng đoàn công tác của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) có chuyến công tác đến Yangon, Myanmar, làm việc với Đài Phát thanh & truyền hình quốc gia nước này. Phía bạn đã mời đoàn chúng tôi đến thăm viếng Chùa Vàng ( Shwedagon Zedi Daw  ), một ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất của Myanmar và là ngôi chùa có tuổi đời thuộc hàng cao nhất của Phật giáo thế giới. Chùa này linh thiêng bởi còn lưu giữ 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (xá-lợi). Tương truyền, ngôi chùa này được xây dựng từ thời Phật Thích Ca vẫn còn sống trên thế gian này, và như vậy, cũng có nghĩa, ngôi chùa có lịch sử khoảng 2.500 năm tuổi. Không những thế, tháp chính của chùa cao 98m được dát vàng toàn bộ, đồng thời được nạm 5448 viên kim cương và 2317 viên hồng ngọc, búp kim cương trên cùng gắn một viên kim cương 76 ca-ra. Nghe nói, với việc lưu giữ 8 sợi tóc của Đức Phật tổ, chùa Vàng này là một trong mấy ngôi chùa trên thế giới có bảo vật linh thiêng, là xá-lợi của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Tôi và đồng nghiệp đã được phía bạn bố trí vào chiêm bái tượng Phật ngọc quý hiếm, và đã chụp ảnh dưới tán bồ đề cổ thụ ở chùa này...
Trở lại chuyện các cây bồ đề trong công viên thành phố Hà Nội. Tôi đã chứng kiến vòng chu kỳ một năm của vô vàn chiếc lá bồ đề này. Khí hậu ở xứ ta, bồ đề vàng lá vào cuối đông và sang đầu xuân mới rụng, sau ít ngày thân cành trơ trụi, bồ đề nảy búp non và xanh lá tiết đầu hạ, rồi cứ xanh thế, già dần qua tiết thu, khi nhiều loài cây khác lá ngả vàng và rụng, thì lá bồ đề vẫn xanh cho đến tận tiết Đông chí mới dần ngả màu, mãi đến đầu xuân mời lác đác rụng... Và một vòng tuần hoàn mới bắt đầu...
Đạp chân lên thảm lá bồ đề bời bời trong công viên thành phố, có những ai suy ngẫm về những chiếc lá bồ đề này chăng? Nếu ở nơi Đất Phật, thì hẳn những chiếc lá bồ đề kia sẽ được người ta lượm hết để biến chúng thành vật mang Phật tính. Và như thế, mỗi chiếc lá bồ đề Phật tính sẽ được người đời lưu giữ lâu dài... 
Song, như vậy, chắc gì đã hơn những chiếc lá bồ đề ở công viên kia và hết thảy những cây bồ đề nơi bình thường khác. Thiết nghĩ, chẳng cần triết luận mà làm gì... Đơn giản, theo vòng luân hồi, những chiếc lá bồ đề bình dị  kia nhanh chóng hoai mục tan vào trong đất, để rồi cuối mùa xuân sau đó, chúng sẻ lại hiện hình hài mới, những búp lá bồ đề non xanh?...



Nhận xét