Trong một cuộc hội ngộ mấy anh em báo chí thơ văn
chúng tôi, có Trần Đăng Khoa, Phạm Công Trứ, Nguyễn Trọng Huân, Trịnh Bá Ninh (
Phó TBT Báo Nông nghiệp VN ), nhân mừng nhà thơ Phạm Công Trứ được tặng thưởng
về đề tài Nông thôn nông nghiệp. Lúc mạn đàm, nhà thơ Phạm Công Trứ cao hứng
cho rằng, bài thơ Cảm hoài của Đặng
Dung là bài thơ hay nhất làng thơ Việt tự cổ chí kim. Riêng tôi, không dám chắc
" như đinh đóng cột " kiểu Phạm thi sĩ, song cũng đồng tình cho rằng,
bài thơ này thuộc diện số ít bài thơ hay bậc nhất của làng thi ca Việt cổ kim.
Hay, bởi tự thân ý tứ ngôn từ nhịp điệu, còn ở thời cuộc ra đời bài thơ và thân
thế sự nghiệp của tác giả Đặng Dung...
Lịch sử, cho thấy, vào đầu thế kỷ 15, thời Hậu Trần,
nước ta bị nhà Minh xâm lược, vua Trần là Giản Định đế ( Trần Ngỗi ) yếu kém, vì nghi ngờ nên cho giêt hai vị tướng tài là
Đặng Tất ( thân sinh của Đặng Dung )
và Nguyễn Cảnh Chân ( thân sinh của
Nguyễn Cảnh Dị ). Để chống quân Minh, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đã phế
Giản Định đế, lập Trần Quý Khoáng ( Trùng
Quang đế ) lên thay, cùng với các tướng Nguyễn Súy, Nguyễn Biểu, phò vua
mới chống giặc ngoại xâm. Cuộc kháng chiến tuy thất bại, vua tôi nhà Hậu Trần
bị bắt và tuẫn tiết, song tấm gương vì nước của các vị được sử sách ghi công,
hậu thế lưu truyền. Bài thơ Cảm hoài của
Đặng Dung ( bài thơ duy nhất của ông còn
đến ngày nay ) ra đời trong hoàn cảnh như vậy...
Hiện có rất nhiều bản dịch thơ bài thơ này, song chỉ
nêu ra đây bản của mấy bậc túc nho làng thơ Việt :
Nguyên bản Hán Việt :
Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chúa hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo, đầu tiên bạch,
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma.
Dịch nghĩa :
Ở đời còn bao
nhiêu việc mà ta đã già mất rồi
Trời đất mênh
mông đắm trong cuộc rươụ hát ca
Khi gặp thời
thì kẻ đồ tể, ngươì câu cá cũng nên công trạng
Lỡ thời vận,
đến bậc anh hùng cũng đành nuốt hận
Phò giúp
chúa, những mong xoay chuyển cả địa trục
Rửa vũ khí
sẵn lòng lôi cả sông Ngân xuống
Thù nước còn
chưa trả được, mái đầu đã bạc trắng
Đành bao lần
mang gươm báu ra mài dưới bóng trăng.
Bản dịch thơ của Phan Kế Bính
Việc đời bối rối
tuổi già vay,
Trời đất vô cùng
một cuộc say.
Bần tiện gặp
thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ
bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng
trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông
trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong
đầu đã bạc,
Gươm mài bóng
nguyệt biết bao rày.
Bản dịch thơ của Tản Đà:
Việc đời man
mác, tuổi già thôi!
Đất rộng trời
cao chén ngậm ngùi.
Gặp gỡ thời
cơ may những kẻ,
Tan tành sự
thế luống cay ai!
Phò vua bụng
những mong xoay đất,
Gột giáp sông
kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang
san thù chửa trả,
Long tuyền
mấy độ bóng trăng soi.
Một số bản dịch bạn bè văn chương của tôi :
Xồng xộc tuổi
già việc để ôi
Đắm trong
rượu nhạc tối ngày rồi
Bần cố gặp
thời nên công trạng
Hào kiệt vận
tàn cũng đành thôi
Những mong
phò Chúa nâng trái đất
Xẻ núi chặn
sông sẵn lòng rồi
Thù nước, hận
mang… đầu vội bạc
Kiếm mài
trăng khuyết hổ bầy tôi!...
( Nguyễn Vĩnh Tuyền dịch )
Việc đời chưa
hết tuổi đã già
Mênh mông
trời đất rượu hát ca
Gặp thời đồ
tể nên công trạng,
Lỡ vận anh
hùng nuốt hận a
Những mong
phò chúa xoay trục địa
Sửa binh đao
kéo sập Ngân Hà
Bạc đầu thù nước
còn chưa trả
Đành mài gươm
báu dưới trang tà.
( Lã Minh Kính dịch )
Việc nước
chưa xong bóng đã tà
Chìm trong lệ
rượu giọt xót xa
Gặp thời kẻ
chợ nên danh phận
Thất thế anh
hùng hận hà sa
Phò chúa
những mong xoay bốn biển
Tuốt gươm mơ
cứu cả sơn hà
Nợ nước chưa
xong đầu đã bạc
Mài gươm gửi
hận bóng trăng xa...
( Hoài Tố Hạnh )
Đây là bài viết “Cảm hoài, nỗi hận khôn nguôi của Đặng Dung”
đã in trong tập sách “Khi lòng ta chợt
nhớ thu” (Nxb Lao Động, 2014). Bài viết này, cũng được tôi cho đăng trên
Blog Ngẫm & Viết của mình ở mạng
xã hội Blog Tiếng Viêt (blogtiengviet,net). Nêu lại bài biết này để
làm cơ sở cho việc bàn thêm...
Ngoài các bản dịch thơ, các bình luận mang tính học
thuật và những lời bàn đầy cảm tính, đã cho thấy sự mến mộ và góc nhìn đa chiều
của cộng đồng xã hội hiện đại dành cho
tác giả và tác phẩm này. Tôi lựa chọn nêu ra đây, để chúng ta cùng chia sẻ:
@ Nhà thơ Trần
Hông Giang:
“Không hiểu sao, mình lại cứ thích gọi tên cái bài này
là Thuật hoài. Chẳng biết như thế có
mắc tội không yêu nước không nữa!”
Cảm hoài, với mình là bài thơ hay nhất trong LS văn học và là
viên ngọc quý trong các sáng tác thơ Việt Nam .
@ Bút danh Bi Pu:
Mình thích cái tên "Cảm hoài"
(nỗi lòng) hơn là "Thuật
hoài" (tỏ lòng), vì khác với thơ
văn thời Trần luôn hừng hực hào khí Đông A, giai đoạn đầu thế kỷ XV thời Hậu
Trần là thời điểm đất nước loạn lạc, lòng người ly tán. Thơ Đặng Dung thể hiện
sâu sắc thế cuộc lúc đó: người anh hùng mang chí khí lớn lại bị thời đại đen
tối vùi dập, mỗi câu thơ đều chất ngất nỗi buồn. Bài thơ không phải là khúc ca
khải hoàn như Tụng giá hoàn kinh sư, cũng không phải niềm tự hào công danh
nam tử... Đó là những lời tâm sự tự đáy
lòng của một bậc anh hùng, dù không thể xoay chuyển thời vận vẫn kiên cường giữ
vững ý chí, nặng lòng với quốc gia.
@ Lê Văn, một cán bộ ở Đại học Hà Tĩnh:
Tôi chẳng mấy biết về "Cảm hoài", nhưng
cũng thấy ngậm ngùi cùng tác giả. Tôi trung thời nào rồi cũng vậy, thấy phận
mình nhỏ nhoi trước thời cuộc. Có điều thời nào, tôi trung được mấy người, và
khi minh chủ thấy chăng mình?...
@
Nhà văn Trịnh Tuyên ở Thanh Hóa:
Bài thơ thấm đãm nỗi niềm và chí khí của bậc anh hùng
hào kiệt. Bài thơ đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông để làm gương.
@ Hoàng Kim,
giảng viên Đạo học Nông Lâm Tp,Hồ Chí Minh
Mình đồng tình với Phạm Công Trứ bài Cảm
hoài của Đặng Dung là một trong những tuyệt phẩm thơ cổ Việt Nam .
Riêng bản dịch của Phan Kế Bính mình phân vân hai chữ "vận" và
"nước " chứ không phải là "bước" và "trả" ở trong
hai câu: “Anh hùng lỡ vận ngẫm càng cay” và “Thù nước chưa
xong đầu đã bạc”. Mình chưa tra cứu lại nhưng thuộc bài này từ nhỏ...
Mình ám ảnh bài viết này và ghé lại để
nhận một món nợ tri âm cùng chủ bút về một chủ đề mà mình chưa kịp có thời gian
viết được...
Theo mình, "Cảm hoài" của Đặng Dung, "Thợ
bán than" của Trần Khánh Dư, "Một mai, một cuốc, một cần câu"
của Nguyễn Bỉnh Khiêm, "Đập đá ở Côn Lôn" của Phan Chu
Trinh, và "Đối tửu" của Nguyễn Du là chùm thơ hay, danh sĩ còn mãi
với thời gian...
@ Bút danh Lệ Hằng:
Tôi thích nhất bài Cảm hoài.
Trong Việt sử lược của Trần Trọng Kim, cũng thấy có
bài này.
@ Hoài Tố
Hạnh, chủ doanh nghiệp ở Tp.Hồ Chí Minh:
Sau khi dịch thơ Cảm hoài, đã viện dẫn thêm bài Qua
Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, rồi đưa ra nhận định tiền kiếp khá hài hước:
“Có lẽ, kiếp trước của Bà Huyện Thanh
Quan là Đặng Dung chăng, nên hai bài thơ đặt cạnh nhau như hai giọt nước, mà
chưa viết mèo nào cắn mỉu nào? Ông bà ta xưa tài hoa và quá tâm trạng, con cháu
biết bao giờ xách dép theo cho kịp đây ?...”.
@ Nhà thơ
Trần Đăng Khoa:
Quả đúng là bài
thơ rất hay. Nhưng thà cứ đọc nguyên văn âm hưởng chữ Hán và bản dịch nghĩa
thôi. Các bản dịch thơ đều kém, kể cả cụ Tàn Đà. So với nguyên bản (qua bản
dịch nghĩa), các bản dịch thơ đều không lột tả được thần thái, nên như mất vía,
và chữ nghĩa cũng tầm thường. Theo mình, các bản dịch thơ hiện đại của các nước
bây giờ, chúng ta cũng nên học các cụ ta xưa khi dịch thơ Đường, có nguyên bản,
có bản dịch nghĩa, có bản dịch nghệ thuật. Qua đó bạn đọc hiểu được hết bài
thơ, lại thấy được những công phu của người "sáng tạo thứ hai", là
các dịch giả...
@ Bút danh Cà phê và Sách:
Minh
cũng thích đọc nguyên văn hơn, cảm giác âm hưởng của bài thơ vang vang hay lắm
ạ, dứt một câu như có tiếng thở hắt ra vậy.
Ngày xưa em có cuốn tiểu thuyết dã sử Gươm mài bóng nguyệt, tác giả cũng dùng nguyên văn để mô tả sự phẩn uất của Đặng Dung lúc nhìn trăng ngâm Cảm hoài,...
Ngày xưa em có cuốn tiểu thuyết dã sử Gươm mài bóng nguyệt, tác giả cũng dùng nguyên văn để mô tả sự phẩn uất của Đặng Dung lúc nhìn trăng ngâm Cảm hoài,...
Tuy chưa nhiều, song những cảm nhận
này thêm một lần nữa, khẳng định sự mến
mộ và lòng yêu quý Cảm hoài, áng thơ văn bi tráng, cùng tác giả Đặng Dung từ hơn
600 năm trước, của công chúng thời đại 4.0.
Tin rằng, Cảm hoài luôn có chỗ đứng hàng đầu
trong lịch sử văn chương dân tộc mãi về sau!...
Nhận xét
Đăng nhận xét