Nhật Tuấn, con chim biết chọn hạt,..



Con chim biết chọn hạt, ấy là tên một truyện vừa của nhà văn Nhật Tuấn, đã được chuyển thể thành phim truyện, mà tôi từng đọc và xem. Ngày ấy, Nhật Tuấn là một cây bút truyện ngắn sung sức, đáng chú ý...

Thú thực, cùng Con chim biết chọn hạt, thì Trang 17 và một số truyện của Nhật Tuấn đăng tải ở báo chí văn chương tôi đã đọc ngày đó, thì tôi không được đọc thêm các tác phẩm khác của ông, kể cả tiểu thuyết từng gây tiếng vang là Đi về nơi hoang dã. Còn ngoài đời, tôi cũng chỉ gặp nhà văn Nhật Tuấn đôi lần, lúc trà dư tửu hậu, nên có thể nói, là chưa mấy biết về ông, thì thử hỏi, tôi viết chân dung ông thế nào đây?...
May mắn thay, tôi nghĩ vậy, tôi có duyên với nhà văn Nhật Tuấn là nhờ mạng xã hội. Dạo ấy, chừng cuối năm 2010, Nhật Tuấn vào mạng Blog Tiếng Việt (blogtiengviet,net) ghi cảm nhận cho một bài viết của tôi, dưới dạng khách đọc, ký tên Người qua đường, và ngay lập tức, ông đã gây ra sự chú ý của cộng đồng mạng. Ngày ấy, xứ ta chưa biết đến Facebook, mà chỉ có một số mạng xã hội dạng Blog thôi, nên số người trở thành blogger và khách xem ở Blog này hay hay Blog khác rất đông. Tôi đến với Blog Tiếng Việt (BTV) như một sự ngẫu nghiên. Khi ấy, tôi đi luân chuyển công tác, làm giám đốc Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt tại khu vực miền Trung (VOV-MT) có văn phòng ở Đà Nẵng. Một lần ra Hà Nội họp cơ quan, gặp nhà văn Nguyễn Trọng Huân, một đồng nghiệp, giới thiệu với tôi BTV và bảo tôi nên lập trang cá nhân ở đấy để giao lưu cho vui. Thực lòng, tôi không mấy thích nên ử à cho qua. Nhưng rồi, một hôm, Nguyễn Trọng Huân gọi điện bảo là đã nhờ một người biết IT lập trang cá nhân cho tôi rồi, địa chỉ mạng thế này, thế nọ. Tôi cảm ơn xã giao nhưng cũng chẳng buồn vào. Rồi ngày đầu thu 2009, khởi đầu mùa mưa miền Trung, tôi ngôi trong phòng làm việc nhìn mưa rơi tầm tã cả ngày, bỗng nảy tứ thơ, lúc ấy mới nhớ ra mình cũng có blog, bèn lần mò mở xem. Ở đấy, Nguyễn Trọng Huân đã chọn đăng liền mấy truyện ngắn của tôi vào đấy rồi. Cái duyên của tôi với blog là như thế đó...
Nhưng còn cái duyên của tôi với nhà văn Nhật Tuấn thì sao ?
Đấy là nhờ BTV, kỹ thuật tin học hiện đại đã cho phép tôi lưu giữ dấu tích đầu tiên Nhật Tuấn vào đọc trang blog của tôi và để lại cảm nhận, ấy là lúc 18g33 ngày 01,3,2011. Đại khái, ông khen trang của tôi vui, bảo rằng là qua tôi mà biết Trần Đăng Khoa cũng có blog ở đây, rồi ông phàn là trang của tôi, bình luận nghe xôm trò hơn văn chương, và hứa sẽ năng vào đọc. Điều này cho thấy, ông đã đọc nhiều bài biết của tôi và các cảm nhận cho mỗi bàn viết, nên mới đưa ra nhận định như vậy. Đặc biệt là trước đó, ngày 27.2.2011 tôi đăng bài giới thiệu một bài thơ ứng tác của Trần Đăng Khoa từ hồi 1975, khi chung đội tuyển Học sinh giỏi Văn lớp 10 (hệ 10/10) của tỉnh Hải Hưng tham dự kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc, thì Nhật Tuấn mới thấy cần thiết phải xuất hiện (01.3,2911), tuy nhiên, ông tránh không sa vào việc tranh luận mà ông cho là vô bổ đối với mình. Số là, bài giới thiệu này của tôi có rất đông người đọc và ghi cảm nhận, tranh luận, khen chê búa xua. xung quanh việc bài thơ ứng tác này của Trần Đăng Khoa không tuân thủ luật bằng trắc của thơ Đường luật. Cứ thế, mọi người bàn qua bán tới sôi nổi lắm, cho đến khi chính Trần Đăng Khoa cũng phải ngỏ lời này nọ, còn tôi thì thưa gửi cẩn trọng. Có lẽ vậy, nên Nhật Tuấn né việc tranh luận chăng? Bởi chỉ ít lâu sau, ông bộc lộ sự chán chường với thi ca hiện tại, trong những lời cảm nhận trang văn thơ của tôi, cùng như lời khuyên răn thẳng thắn, chân tình,...
Ở thời điểm này, khi vào cảm nhận ở trang của tôi, Trần Đăng Khoa và Nguyễn Trọng Huân cùng một số blogger khác, Nhật Tuấn không xuất đầu lộ diện, ông đều đứng dưới cái nick Người qua đường. Có cảm nhận ghi ở trang của tôi, ông lại chế sáng tác của người khác, tôi ái ngại việc này nên để cảm nhận ấy ở chế độ ẩn. Ngay lập tức, Người qua đường phản ứng, vì tưởng tôi xóa đi, bảo rằng, tôi có xóa thì vẫn cứ nói thẳng, rằng việc chê văn người này người nọ, cũng được ghi bên trang của họ rồi, và nhắn "Tôi không phải kẻ phá đám đâu. Rất yêu các ông". Thẳng thắn và chân tình như vậy đấy. 
Dịp này, tôi có đăng liền 2 truyện ngắn của mình là Giải thoát và Người nổi tiếng, Trần Đăng Khoa đọc, khen chê này nọ, Người qua đường vào ghi "Ý kiến của Trần Đăng Khoa rất xác đáng. Rất tinh. Chỉ có vài chục chữ mà ra cả một vấn đề. Cậu này làm biên tập rất chuẩn. Thảo nào hắn luôn được mời làm giám khảo các cuộc thi văn chương từ trung ương đến địa phương....". Đọc cảm nhận này, tôi cảm nhận ngay vị khách này phải thuộc hàng cao thủ văn chương thì mới dám dùng lời lẽ vậy để nói về Trần Đăng Khoa. Và suy đoán này của tôi không sai, khi chỉ sau đó một ngày, vị khách này lại vào ghi cảm nhận, lúc 22h49 ngày 15.3,2911: " Quả thật từ ngày có Lão Khoa nhập hội, Quán lá Blog sinh động hẳn lên. Tôi cũng vì hay theo dõi lão này, nên theo chân lão vào đây và không ngờ lại thấy rất nhiều văn nhân tài tử. Nhiều tay bợm ra trò. Tôi uống rượu với Chu Nhạc hai lần. Một lần ngồi cùng bàn, một lần ngồi cách bàn, nhưng hồi đó tôi không chú ý đến Chu Nhạc lắm, vì trong chú rất thư sinh, và văn chương cũng mang đầy phong thái học trò. Bây giờ thì khác. Chu Nhạc đi được một bước xa đấy. Tôi không quan tâm lắm đến thơ Chu Nhạc đâu, đáy không phải thế mạnh của Chu Nhạc. Mà nhìn chung, thơ bây giờ đã mất vị thế. Trừ một vài người có tài. Số này ít lắm, còn toàn ca dao hò vè nhăng nhít. Đám truyền thống thì cũ mèm, lần thẩn. Đám cách tân thì bệnh hoạn. Đều hỏng cả. Thời chiến tranh, người ta dùng ca dao hò vè để hô hào, cổ động, động viên nên thơ còn có chỗ đứng. Bây giờ không cần hò lơ nữa nên thơ cũng mất độc tôn. Nhạc nên dồn tâm sức cho văn xuôi và phê bình. Thế mạnh của chú ở đó. Đừng phí sức vì thơ, để cho mấy anh vô công rồi nghề nó vầy nghịch. Vầy mãi tự họ sẽ chán, chứ người đọc chẳng quan tâm.". Tôi đọc rồi vừa mừng vừa lo. Mừng bởi vị khách này đã từng uống rượu với tôi đôi lần, vậy là người quen rồi. Còn lo, bởi vị khách này thẳng toẹt chê thơ của thiên hạ. Thế nào cũng sóng to gió lớn đây.
Quả nhiên, ngay lập tức, kế ngay cảm nhận của vị khách khó tính, liền mấy cảm nhận khác bày tỏ sự bực bội, khó chịu với nhận xét chung về thơ và người làm thơ ở xứ ta. Không những thế, họ còn bực lây sang tôi, và có người còn thẳng thắn khuyên tôi, chớ có nhẹ dạ cả tin cái nhận xét coi thường thi ca của vị khách nọ. Tôi lúng túng chưa biết xử trí ra sao, may thay, Trần Đăng Khoa cứu tôi bằng cách quăng cho tôi cái phao cứu sinh, ấy là danh tinh thật của vị khách khó tính này. Trần Đăng Khoa đến uống trà với tôi, ngỏn ngoẻn cười duyên: "Đấy là nhà văn Nhật Tuấn, ông ấy bỏ Hà Nội vào Sài gòn sống rồi". Chẳng là, Trần Đăng Khoa vốn là con ma xó của văn chương đất này, lại thêm, lão ta là Trưởng ban Ban công tác hội của Hội Nhà văn Việt Nam khi ấy, nên cái gì trong làng văn Việt cũng biết cả. Nghe vậy, tôi à lên sung sướng, và liền có ngay lời kính thưa, để lọt tai Nhật Tuấn mà không mất lòng bạn bè, công chúng mạng: "Chủ nhà xin có mấy lời thưa cùng mọi người như thế này, mong tránh những hiểu lầm không cần thiết, vì có thể làm mất bầu không khí vui vẻ của Làng Blog Tiếng Việt,...Thứ nhất, blog là chỗ giao lưu vui vẻ, không phải là diễn đàn chính thức của hội này hội nọ, mà nó như một gia đình lớn vậy. Chính thế, khi trò chuyện giao lưu, tùy tính cách từng người và hoàn cảnh, nên lời nói cũng lúc căng, lúc trùng, lúc mặn lúc nhạt, thế thôi...Thứ hai, riêng về vị khách Người qua đường (NQĐ), gần đây có vào thăm nhà của Lão Khoa và Chu Nhạc tôi, với những lời góp ý thẳng thắn và chân tình về thơ văn của chúng tôi và nhìn chung diễn đàn văn chương hiện nay, về cơ bản không có gì sai ...nên hai chúng tôi rất tôn trọng ý kiến của bác ấy. Thêm nữa, về vị khách NQĐ, cả tôi, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trọng Huân đều biết. Riêng tôi, đã uống rượu với bác ấy đôi lần rồi cơ mà... Tôi biết rõ bác ấy, vốn nhà một nhà văn chuyên nghiệp, xuất hiện trên văn đàn gần bốn mươi năm nay, có nhiều tác phẩm văn xuôi (tiểu thuyết và truyện ngắn) được giải cao, được dựng thành phim. Từ lâu nay, bác ấy luôn là niềm kính trọng của tôi (và cả với TĐK nữa). Chính vì thế, khi bác ấy vào nhà Khoa hay nhà tôi, đều đưa ra lời nhận xét thẳng tưng của một nhà văn lão làng với góc độ của nhà phê bình nghiêm ngặt, nên về phương diện cá nhân, tôi chấp nhận một cách vui vẻ, và xem như lời khuyên của một bậc huynh trưởng với em út. Còn như, nếu trong lời bàn với tôi (và Khoa nữa) có gì đó khiến mọi người chạnh lòng này nọ, thì cũng xem như là bác ấy chỉ nói với riêng tôi, và phần lỗi, là thuộc về Nguyễn Chu Nhạc tôi cả. Kính mong mọi người hiểu, và mong mọi người vẫn ghé thăm, trò chuyện vui vẻ như cũ. Gọi là có mấy lời trần tình. Kính.". Quả nhiên, lời trần tình của tôi có hiệu lực tức thì, bạn bè và người quên trên mạng vui vẻ bỏ qua, Xóm Lá (tên gọi thân mật của BTV) yên ổn trở lại...
Còn Nhật Tuấn, cũng thấy bùi tai, ông phúc đáp: "Cám ơn chú Chu Nhạc đã rất hiểu tôi. Tôi cảm nhận vào trang chú với chú Khoa, chú Huân cũng vì quý ba chú. Chứ tôi đọc Blog nhiều lắm. Những tiếng nói thật bây giờ, phần lớn ở Blog, nhưng vào rồi ra, không để lại một dấu vết nào, vì cũng không có gì để nói... Văn chương lại là chốn rất nghiêm túc. Chú có tài, nên tôi hy vọng chú thành một tác giả đích thực. Chỉ tiếc chú chưa thực sự ý thức về điều này, dù đã ra đến cả chục tập sách. Vì vậy, mà tôi nhắc chú thôi, nếu gặp chú thì tôi nói miệng, chẳng viết làm gì, Nhưng hiện tôi ở xa, mãi Thủ Đức, mà chú thì ở Hà Nội, thành thử mới phải nhắn qua bức thư ngỏ, với cái tên rất hiện đại là cảm nhận. Chúc chú thành công.". (lúc 08h48, ngày 17.3.2011).
Khi đã biết vị khách Người qua đường là nhà văn Nhật Tuấn, thì mọi sự với tôi đều sáng tỏ. Tôi nhớ lại, từ vài chục năm trước, khi tôi theo đòi nghiệp văn chương thơ phú, thì Nhật Tuấn đã vang danh rồi. Ngày ấy, nhờ truyện ngắn Trang 17 của ông mà tôi hiểu tại sao, tất cả các cuốn sách trong hệ thống thu viện nói chung, để ấn định bất kỳ một bản sách nào thuộc quyền sở hữu của thư viện nào đó, người ta lại đóng con dấu của thư viện đó vào chân trang sách số 17, đơn giản bởi trong kỹ thuật in sách, mỗi tay sách gồm 16 trang, nên trang số 17 là trang đầu của tay sách thứ 2 trong văn bản sách đó. Mặc nhiên, đấy là quy định chung của ngành thư viện trên khắp thế giới. Cũng chính vì vỡ nhẽ điều này, sau đó, tôi bắt chước, khắc một con dấu gỗ tên mình để đóng vào trang 17 toàn bộ sách trong thư viện mi-ni của mình. Ngay truyện vừa Con chim biết chọn hạt của Nhật Tuấn, ông cũng cho bạn đọc hiểu sự ứng dụng mang tính sáng tạo của ngành thư viện, lưu trữ văn bản nước ta, ấy là việc sử dụng phiếu đục lỗ cho việc tìm kiếm, tra cứu tài liệu văn bản tiện lợi dễ dàng hơn. Sau này, tin học phát triển, tôi nghĩ, phải chăng, việc sử dụng phiếu đục lỗ ngày đó, chính là một dạng ứng tin học đơn giản trong thực tế đời sống?
Và rồi, tôi cũng nhanh chóng biết được, Nhật Tuấn có người anh ruột là nhà văn hải ngoại Nhật Tiến, và việc này cũng ít nhiều gây phiền hà cho ông. Bạn bè văn chương cũng gửi cho tôi đọc những bài phê bình văn học của ông, với bút danh TNL, về việc ông thẳng tưng đánh giá sự nghiệp sáng tác, cùng mức độ đóng góp của một số tác gia thuộc hàng đầu làng văn chương xứ Việt thời hiện đại, cho sự phát triển chung của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Đọc rồi, ngẫm nghĩ, so sánh này nọ, mới thấy cái dũng khí và năng lực phê bình ở ông không nhỏ chút nào,... Vậy nên, việc ông ghi cảm nhận này nọ trong Blog Tiếng Việt chỉ là khẽ gảy móng tay của Nhật Tuấn mà thôi. Nghĩ thế, tôi thấy mình may mắn vì được ông đoái hoài, nhận xét và khuyên răn này nọ. 
Và cũng mừng, mình đôi lần uống rượu với Nhật Tuấn. Nhớ lại, khi ấy nơi làm việc của tôi và nhà văn Nguyễn Hiếu, Nguyễn Trọng Huấn ở 41-43-45 Bà Triệu, cũng gần nơi làm việc của Nhật Tuấn là Nhà xuất bản Văn học ở góc phố Hàng Bài-Trần Hưng Đạo, liền kề với Trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam- 51 Trần Hưng Đạo. Tháng vài ba lần, ba anh em chúng tôi rủ nhau đi ăn cơm bụi buổi trưa, và quán cơm bình dân Anh Đào ở gần góc phố Hàng Bài-Hàm Long là nơi chúng tôi hay chọn ăn. Ở quán này, chúng tôi thường chạm mặt dân báo chí, văn chương. Một lần, đang ăn thì Nguyễn Hiếu chợt nhận thấy Nhật Tuấn ngồi ăn cách một bàn, bèn mang chén rượu sang cụng ly với Nhật Tuấn và thực khách bàn ấy, rồi Nguyễn Hiếu lôi Nhật Tuấn về bàn mình, giới thiệu ông với chúng tôi và ngược lại. Ấy là lần đầu tiên tôi giáp mặt Nhật Tuấn. Lần sau, cũng tại quán cơm đó, chúng tôi đến sau, thấy Nhật Tuấn và bạn ông đã ngồi ăn và Nguyễn Hiếu liền ghép vào chúng tôi vào chung một bàn. Cụng ly dăm bận, rượu vào lời ra, chuyện làng văn rôm rả. Tôi mạnh dạn thưa với nhà văn đàn anh rằng tôi đã đọc Trang 17Con chim biết chọn hạt, cùng một số truyện ngắn của ông trên báo chí. Ông lúc gật gù, lúc sảng khoái, bảo là có biết tên và cũng đã đọc mấy truyện ngắn và tản văn của tôi trên báo, này nọ khen chê đôi chút. Ngày ấy, tôi sung sức và chịu khó cày báo chí văn chương này nọ đặng kiếm nhuận bút thêm thắt nuôi con nhỏ, nên truyện và tản văn của tôi đăng khá đều trên các báo Văn Nghệ, Người Hà Nội, Hà Nội mới cuối tuần,Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, Pháp Luật cuối tháng... Lần gặp ấy, ông để lại trong tôi thiện cảm về tính bộc trực và sự gần gũi, thân thiện của nhà văn đàn anh. Vậy mà, bẵng đi dăm bảy năm, trong khi tôi không mấy nhớ, thì Nhật Tuấn vẫn nhớ và nhắc lại chi tiết. Thực lòng, tôi cảm thấy gì đó như có lỗi với ông...
Khi tôi đăng bài viết "Đào Chìm & nghệ thuật xây dựng không gian truyện" trên trang cá nhân, mọi người ào ào vào ghi cảm nhận, chủ yếu là khen bài viết tốt, trong đó có các cao thủ như PGS.TS Minh Tâm, một số nhà văn hải ngoại như Vũ Thư Hiên, Vũ Trọng Trường và đặc biệt Vũ Hoàng Địch (con của nhà thơ Vũ Hoàng Chương), Đại tá Trần Trọng Trí, vị cựu thuyền trưởng tàu HQ05-nguyên mẫu của chính trị viên Thuận trong Đảo Chìm, cùng các thùy thủ thuộc quyền một thời của ông và nhiều bạn đọc khác. Tựu chung, mọi người khen bài viết gọn gàng, súc tích, có thi pháp, và quan trọng làm sáng tỏ và tôn trọng giá trị đích thực của tác phẩm này. Trần Đăng Khoa lấy đó làm vui, và đương nhiên, không thể thiếu nhận xét của Nhật Tuấn, ông viết: "Tôi cũng đã đọc Đảo chìm của Khoa, do ông Nguyễn Khải cho mượn. Đọc vì tò mò. Khoa viết chân dung văn học thì giỏi, nhưng văn xuôi chưa chắc, vì nó là một thể loại khác. Nhưng đọc thì giật mình. Quả đây là một cuốn sách độc đáo. Kể vui vui, như chơi, nhưng ý tứ thâm hậu. Cái ý ngầm Khoa muốn nói, bạn đọc cũng đã nhận ra. Tôi cũng rất nể mấy vị cảm nhận. Sâu sắc và am tưởng. Khoa hạnh phúc hơn rất nhiều người viết khác, trong đó có cả tôi là có bạn đọc và có người chia sẻ. Nhận xét của Chu Nhạc cũng rất mới, cũng là một phát hiện, mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng nhìn ra. Ngay rất nhiều lời bàn, trong đó có không ít ý kiến đặc sắc, nhưng cũng không phải ai cũng có sự phát hiện như Nhạc. Tiếc là viết vội, vì mới là cảm nhận, hứa hẹn đây sẽ là một tác phẩm phê bình hay. Tôi vẫn nói Nhạc dồn tâm lực trí tuệ cho văn xuôi và phê bình, vì chú có tài, dấn lên là có sự nghiệp đặc sắc đấy". Thực lòng, tôi vui vì nhận xét của các bậc cao thủ văn chương, nhưng vui nhất là nhận xét của Nhật Tuấn, bời vượt qua sự nhận xét thông thường, ông còn chỉ ra những điểm mạnh yếu của tôi và có lời khuyên chân tình. Riêng về lời khuyên của Nhật Tuấn và các bậc đàn anh văn chương, đẩy bài viết này lên thành một nghiên cứu về thi pháp tiểu thuyết của Trần Đăng Khoa, thì tôi nghe làm vui thôi, bởi tự thân, tôi không có ý dấn thân vào lĩnh vực lý luận phê bình, mà xem đó như một thú rong chơi thôi. Thể loại yêu thích của tôi vẫn là truyện ngắn và tản văn... 
Tôi đăng bài thơ Đón đợi, viết từ gần hai chục năm trước, Nhật Tuấn cảm nhận: "Chú Nhạc. Tôi không bàn về bài thơ này của chú đâu, dù trong đó cũng có đoạn được, thậm chí có thể gọi là hay, như cái đoạn đợi chờ, trời đất vắng hết, ngẩng lên chỉ còn mỗi vầng trăng thôi. Nhưng đó cũng vẫn là cái hay ở dạng nhàng nhàng.Tất nhiên thơ in trên báo Văn nghệ, trên tạp chí Nhà Văn, thậm chí trên cả một tạp chí chuyên biệt giành riêng cho thơ là tạp chí Thơ cũng chẳng hơn thơ chú đấu, nhiều bài còn thua xa thơ chú. Gần đây, nhà phê bình Đ, nhà văn C cũng nhảy sang làm thơ là thế giới thi ca ngậu xị rồi... Có thể lảy thơ Ông Cụ : Nhà nhà làm thơ/ Người người làm thơ/ Vè nhất định thắng/ Thơ nhất định thua... Thế thì chú còn xông vào cái sa tràng bại trận "nhất định thua" đó làm gì. Tôi vẫn thấy chú rất mạnh ở mảng văn xuôi và phê bình. Bài nào cũng có một cái gì đó lấp lánh. Cái độ lấp lánh này mật độ không dày và không chuyên nghiệp như thằng Khoa, nhưng rất khá, và có điểm chú còn chói hơn thằng Khoa. Nhưng thằng Khoa hơn chú vì nó chuyên tâm và có ý thức vì điều đó, vì thế, nó mới thành nó. Còn chú thì cho đến giờ phút này vẫn đếch thành cái gì cả. Tôi tiếc cho chú mà nhắc chú thôi, vì chú có tài. Tôi rất quý những thằng có tài, nên cứ nói. Đấy cũng có khi là bệnh của người già. (Tôi đã hơn 70 rồi). Mặc dù nói thế này, có thể những người hâm mộ chú thái quá có thể lại chửi tôi, nhưng vì quý chú mà tôi cứ nói. Hôm vừa rồi, tôi ra Hà Nội, có đến thăm chú và thằng Khoa, nhưng cả hai thằng đều đi vắng. Tôi có nhìn thấy cậu Huân, nhưng tôi không làm phiền cậu ấy. Từ ngày có chú và thằng Khoa tham gia Blog, nhất là khi có sự xuất hiện của thằng Khoa, giới Blog rất sinh động và có sinh khí, hay hẳn. Thế mới lạ chứ. Khoa đưa ra trò độc, thiên hạ cũng chiềng ra toàn của độc, chất văn chương thì họ không bằng Khoa, nhưng tài có chỗ cũng không kém Khoa đâu. Nhiều chiêu độc ở cái Xóm lá này, đáng nể lắm. Tôi thực sự bái phục đấy.". Email(17.04.11@07:26). Tôi mừng, vì Nhật Tuấn tuy vẫn toe ra khó chịu với thơ ca hiện nay, song ông cũng phải thừa nhận, nhiều người tham gia mạng Blog Tiếng Việt thực tài, khiến ông phải bái phục. 
Tâm phục khẩu phục, song cẩn trọng không thừa, tôi phúc đáp: "Kính bác. Em luôn lắng nghe bác. Và có thể nói, tự thâm tâm, luôn mong đợi những lời góp ý của bác. Em thấy bác nói đúng (về em, về Khoa và nói chung văn học hiện nay) . Em cũng nghe Khoa nói về những bài viết của bác về văn học. Điều đó, càng khiến em nể trọng bác. Tuy nhiên, khi tham gia blog, ngoài chuyện văn chương, còn mang nhiều yếu tố giao du vui vẻ, cho nên "món ăn trên mâm cơm blog" cũng cần có nhiều món. Vả lại, với thơ, từ trước đến nay, em (và chắc nhiều người khác) cũng chỉ xem như sự giải tỏa thôi... Với riêng em, thơ chưa bao giờ là một sự nghiệp cả. Thế nên, việc có in tập hay không thì chỉ là chuyện "cả làng cùng vui". Thêm nữa, em tự biết mình, cái mạnh không phải là thơ, có chăng ít nhiều ở văn xuôi và phê bình, chân dung văn học... Hơn nữa, blog chưa phải là phản ánh đầy đủ mình, bởi nhiều cái đưa lên đây không tiện, bác ạ. Tiếc là hôm em và Khoa vào Sài Gòn, biết bác ở Thủ Đức, song không biết cụ thể ở đâu nên khó liên lạc, vả lại, bác cũng lại ra Hà Nội. Nếu có thể, bác cho em (hoặc Khoa) biết số điện thoại liên lạc, để khi có điều kiện thì alô đến thăm bác. Cả em và Khoa đều hay đi Sài gòn. Mong bác vào blog của em thường xuyên, và cứ nhận xét thẳng tưng. Em thích vậy, bác ạ. Xóm Lá này cũng rất đáng nể trọng và đáng yêu lắm đấy. Nhiều người có tài và có tâm, như bác thấy và đã nhận xét...".
Vậy là, tôi và nhà văn Nhật Tuấn đã hiểu nhau hơn, và có thể, mọi người trong Xóm Lá cũng thông cảm, mà không phản ứng thái quá với những nhận xét khó nghe của ông. 
Ngày 27.4.2011, tôi đăng bài thơ Chiêm bao, Nhật Tuấn vào cảm nhận: "Chú Nhạc. Tôi vừa đọc một bài viết hay, rất cảm động bên chú Khoa, sang chú lại gặp chú vày thơ. Tôi định không đọc. Nhưng tò mò xem thế nào thì thấy hay. Đây là bài hay nhất của thơ chú mà tôi được đọc. Chú nên chữa một câu kết thì thành một bài thơ hoàn chỉnh. Chú thay chữ "ngỡ" thành chữ "thấy", khẳng định, và thay chữ "đâu" thành chữ "đang". Chiêm bao khi đang tỉnh mới tuyệt. "Tiếng động nào hiên ngoài chênh chao/ Sực tỉnh thấy mình đang chiêm bao...". Tuyệt vời chú Nhạc ạ." . (30.04.11@22:53)
Phải nói, tôi mừng, vì rốt cuộc, ông nhà văn kiêm nhà phê bình khó tính này, cũng phải buột miệng khen thơ. Ngay sau đó, Trần Đăng Khoa vào cuộc: "Đồng ý với đại ca, bài thơ lênh phênh chênh chao này là bài hay nhất của Nhạc. Hay vì nó lạ, giai điệu lạ, thoát khỏi cái thông thường. Bác tinh đấy, không phải chỉ trong văn xuôi mà cả thơ nữa. Mấy góp ý của bác rất chuẩn. Cao thủ. Tất nhiên ý Nhạc cũng như ý bác thôi, vẫn là chiêm bao trong lúc tỉnh, nhưng thay hai chữ, diễn đạt như bác thì câu thơ sáng hơn, cao thủ hơn. Nhưng ý thì vẫn là một. Nhạc viết bài này là ứng tác, nhân đọc một bài thơ của bạn rồi viết ngay một bài theo tư duy khác hẳn. Vì ứng tác, nên câu chữ không thể chuẩn ngay được. Trong bếp núc sáng tạo, nhiều khi rất thú vị như thế đấy. Viết đùa, viết chơi thì lại hay, thậm chí có những câu lóe sáng bất ngờ, còn cứ gò gẫm, có ý thức làm một tác phẩm để đời thì có khi tác phẩm lại hỏng, những con chữ còng queo chết ngay khi vừa nhô ra khỏi ngòi bút hay bàn phím. Thú vị thật!". (01.05.11@11:10)
Nhật Tuấn đang hăng, tiếp đã đàm luận văn chương: "@TĐK
Chú nói đúng. Trong sáng tạo, cần tự do. Tự do lớn nhất vẫn là tự do trước chính mình. Nhiều thi sĩ nổi tiếng, đùa hoặc ký tên nhắng thì rất hay, ký tên mình và cố gò gẫm theo kiểu "thôi - xao" thì dở ẹt. Chứ tự do không phải là chuyện o ép của chính quyền như một số anh cứ lu loa. Chả có thời nào bị bóp nghẹt và mất tự do như thời phong kiến, mà sao vẫn có Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tú Xương. Bây giờ thì tự do đấy, ai cấm ai đâu, viết xong là tự xuất bản, đưa lên Blog, đi toàn cầu, có cha còn tự dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, in song ngữ, cũng như cái cậu gì ấy tự phong thần đồng, mà sao vẫn không mọc mũi sủi tăm lên được. Tôi nghĩ thời này là thời rất hay. Không đổ lỗi cho ai được. Có tài thì sẽ nổi danh ngay" (01.05.11@21:51)
Cái hay, cái thích ở đây, là hai cao thủ Nhật Tuấn và Trần Đăng Khoa mượn cớ bài thơ Chiêm bao của tôi để bàn về lý luận thi ca nói chung, súc tích mà dể hiểu. Quan trọng nữa, Nhật Tuấn đã khảng khái đưa ra nhận định về tài năng văn chương, điểm chính yếu để làm nên tên tuổi tác phẩm-tác giả, chứ không vìn vào này nọ, hoặc đổ lỗi cho thời cuộc như nhiều nhà văn, nhà thơ khác. Thấm luận điểm này của Nhật Tuấn trong văn chương xứ ta, tôi lại nhớ đến cái truyện hài hước Giá không có ruồi của nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ là Azit Nê-xin...
Ngay sau đó, tôi chỉnh sửa bài thơ Chiêm bao theo như góp ý của Nhật Tuấn, nghĩ thế thôi, không ngờ ông vào xem và không quên động viên: "@Chú Nhạc. Đọc lại bài chỉnh của chú rồi. Chuẩn. Gửi cho báo Văn nghệ hoặc Tạp chí Thơ Hội Nhà văn nó in cho. Tôi cũng có đọc bài này của chú cho mấy thằng nghe rồi, chúng đều khen cả. Không có gì giống Bích Khê và Xuân Diệu cả, dù họ cũng làm thơ theo kiểu độc vận và dùng toàn âm bằng. Chú là một dạng khác hẳn. Tôi cũng đã vào đọc cái bài khơi nguồn cho chú. Nhưng thấy nó chẳng ra cái lý cố gì cả. Nhạt toẹt. Mừng chú". (01.05.11@21:39).  Mặc dù chỉ là động viên cho phải phép, khi đàn em nghe lời mình, nhưng Nhật Tuấn vẫn không quên cài thêm ý kiến phê bình của mình về thơ ca nói chung. Có cảm giác, Nhật Tuấn đang ở vào thời kỳ sung mãn về lý luận, phê bình, nên mọi cảm quan của ông về lĩnh vực này tràn ứ, cứ muốn ứa ra mỗi khi ai đụng đến ông hay ông va quệt vào ai vậy?... 
Bẵng đi một dạo, không thấy ông xuất hiện nơi Xóm Lá, cho đến khi tôi đăng bài thơ Mưa Ngâu, Trần Đăng Khoa ghi cảm nhận, khen: "Ai hiểu đời tư Chu Nhạc sẽ thấy bài thơ này rất hay. Mình tin một cô giáo mà Nhạc cứ lo em cóng lạnh đôi tay trên bục giảng khi mùa ngâu về ấy, chắc sẽ khóc khi đọc lại những trang kỷ niệm này. Có một vài chữ, mình tin ông vi tính sai, chứ một con cáo già trong văn chương như Chu Nhạc không thể ngớ ngẩn như vậy. Có mấy câu mình thích:"Nước mắt nở những chùm hoa ngâu/ thơm lặng thầm như ai nhớ thương nhau." Hay . "Mưa ngâu ướt lạnh cây vườn/ hoa ngâu thơm cả ngoài hiên trong nhà/ mà người thì vẫn mãi xa," (17.06.11@06:51). Dường như chưa đủ, Trần Đăng Khoa bồi tiếp: "@CN. Nói thêm một chút nữa. Hai câu này rất hay và rất tinh tế: "Nước mắt nở những chùm hoa ngâu/ thơm lặng thầm như ai nhớ thương nhau.". Bốn câu cuối đổ lục bát cũng rất đắc địa. Trong và xót. Có lẽ vì tránh lặp chữ "thì" mà Nhạc dùng chữ "cho", nhưng chữ ấy lại quá quen. Có thể tránh chữ "thì" ở bên trên được không?" "Mưa ngâu ướt lạnh cây vườn/ hoa ngâu thơm/ cả ngoài hiên trong nhà/ mà người vẫn mịt mù xa,/ đến khi bạc tóc thì ta gặp mình...". Rất hay Nhạc ạ.
À báo cho bạn bè Xóm lá biết, Lão Chu Nhạc động rồ sắp ra một tập thơ khoảng 100 bài hay đến khủng khiếp. Nhiều chị em sẽ khóc như mưa. Lão Khoa đang đọc và viết tựa.
Thấy đừng chẳng đặng, Nhật Tuấn cảm nhận: "@TĐK. Chú Khoa rất tinh nghề. Bài thơ của Nhạc hay. Tôi rút lại ý kiến là Nhạc chỉ nên dồn sức cho văn xuôi. Chờ đọc tập thơ mới của chú ". 
Mặc dù, tự thâm tâm, tôi chưa từng nghĩ, thơ là sự nghiệp trong nghề cầm bút của mình, song tôi yêu nó. Từ những ngày tập tọng làm thơ lúc còn đi học, là tôi noi theo, bắt chước Trần Đăng Khoa, nghĩ mình làm thơ cho vui, vì mơ ước của tôi khi ấy là nghề kiến trúc sư, đặng theo nghề của cha tôi. Song cuộc đời có những khúc ngoặt không ngờ tới, ấy là việc tôi thì không đõ và trường Kiến trúc, và sau đó theo học Đại học nông nghiệp. Những năm tháng lang bạt kỳ hồ ở miền Tây Nam bộ, thời gian rảnh rỗi, tôi viết báo nghiệp dư, đặng học nghề báo và gây chút tên tuổi với mong ước trở thành người lám báo chuyên nghiệp. Làm báo, tức là cầm bút, thế là chút mầm mống thi ca văn chương này từ thời đi học, ngỡ thui chột, bất ngờ sống lại, tươi mới và đầy khát vọng lớn thành cây. Lại thơ, lại truyện ngắn, bút ký, tản văn, hầu như tôi không nề hà và đều thử sức mình ở các thể loại. Khi đã trở thành người làm báo chuyên nghiệp, lại được làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), thì mầm cây văn chương trong tôi nhanh chóng bật lớn. Song hành với nghề làm báo, nghề chính kiếm cơm. đặng nuôi thân và gia đình, thì văn chương thơ phú là gia vị bổ trợ, cho mình rèn rũa ý tứ, câu chữ, tâm tính, là chỗ dựa tinh thần... Và rồi, văn chương nó ám vào mình lúc nào không biết, để thành nghiệp. Mà một khi đã thành nghiệp, thì có đánh đến chết cũng không từ bỏ được, còn hơn cả kẻ nghiện ma túy vậy!... Kim cổ đông tây, đã từng cho thấy, biết bao kẻ kiệt quệ về thân xác, ngẩn ngơ về tinh thần là vì văn chương thơ phú đó sao?!... 
Vậy nên, tôi vui vì Nhật Tuấn đã rút lại lời khuyên tôi bỏ thơ, chỉ tập trung trí lực và văn xuôi và phê bình, không những thế, ông còn chờ mong tôi xuất bản thơ nữa kia. Tôi tin là Nhật Tuấn thật lòng, bởi đơn giản, tôi chỉ là chú em nhỏ của ông thôi, chẳng việc gì ông phải nói lấy lòng, trong khi, bằng khả năng phê bình sắc sảo và trực tính của mình, ông đã từng hạ bệ, nếu không muốn nói mạnh là lật nhào, nhiều tượng đài tên tuổi của làng văn chương đất Việt hiện đại là gì !?... Ngày ấy, khi làm việc tại Văn phòng phía Nam của Nhà xuất bản Văn học, Nhật Tuấn đã bày tỏ thái độ đồng tình với nhà thơ Xuân Sách khi xuất bản tập Chân dung nhà văn, mà ở đó, theo Nhật Tuấn, không chỉ là chân dung đơn thuần, ấy là chân tướng của các vị... 
Sau cảm nhận vào bài thơ Mưa ngâu, Nhật Tuấn mất tăm, không để lại dấu tích gì thêm trên trang cá nhân của tôi, nhưng theo Trần Đăng Khoa, thi thoảng ông vẫn vào ghi cảm nhận đâu đó trên trang Lão Khoa (tên trang cá nhân của nhà thơ Trần Đăng Khoa ở Blog Tiếng Việt). Tôi nghĩ, có thể Nhật Tuấn vẫn vào xem, nhưng thấy không cần thiết ý kiến ý cò gì thêm nữa, hoặc giả, ông chán chường với thứ mà ông cho là khen chê cho phải phép, lấy lòng nhau trên không gian ảo này rồi ?... 
Bẵng đi, thảng tôi vẫn nhớ Nhật Tuấn và thèm được đọc những cảm nhận mang chất gây sự của ông, cho đến một hôm, vào đầu giờ làm việc một ngày thu tháng mười, Trần Đăng Khoa gõ của vào phòng làm việc của tôi, vừa bước vào, buồn buồn thông báo: "Nhạc à, Nhật Tuấn vừa mới mất...". Tôi lặng người đi. Tôi và Trần Đăng Khoa, chén trà trên tay mà chẳng biết tiếp câu chuyện thư thế nào. Tự dưng, ký ức về Nhật Tuấn ùa về. Ông mất đột ngột vì chứng viêm cấp hành tá tràng vào ngày mồng 6 tháng 10 năm 2015, và ngẫu nhiên, trùng với sinh nhật lần thứ 58 của tôi. Chuyện về Nhật Tuấn, chúng tôi nói về các sáng tác chính của ông, đặc biệt là loạt bài phê bình đánh giá lại một số tên tuổi văn chương Việt hiện đại,  và không quên nhắc chuyện ông từng quấy động Xóm Lá ngày nào. Trần Đăng Khoa bảo, với trọng trách, tình cảm cá nhân và lòng kính trọng dành cho Nhật Tuấn, sẽ bay vào Nam để cùng gia đình và Hội Nhà văn tổ chức tang lễ cho ông... 
Giờ đây, lần giở từng trang mục của mình trên Blog Tiếng Việt, bao chuyện cũ sống lại, và trong đó, hình bóng của hai con người, chỉ là khách vãng lai trên các trang mục blog của tôi, ấy là đại tá Trần Trọng Trí, cựu thuyền trưởng tàu HQ05 Hải quân Trường Sa và nhà văn Nhật Tuấn là đậm nét nhất. Thâm tâm, tôi kính trọng và yêu quý hai con người này, dù người trước người sau, đã cùng vân du về cõi thiên thu...
Tôi đã viết chân dung đại tá Trần Trọng Trí (Người thơ tôi chưa từng gặp mặt-Tập Trời đất thu hay lòng ta thu-Nxb Dân trí 2016),  và với riêng tôi, Trần Trọng Trí mãi là Người thơ của biển. Nay ký họa chân nhà văn Nhật Tuấn, như một sự tri ân với người đàn anh văn chương, với bậc đại ca (như cách gọi vui mà tôi từng thưa gửi với Nhật Tuấn), mặc dù, ông không cần và cũng chẳng biết điều đó. Với tôi, Nhật Tuấn xứng đáng là Con chim biết chọn hạt trong lĩnh vực phê bình văn học, như ý đồ ông đã định ra từ hơn ba mươi năm trước. Nhân đây, tôi có đôi điều thưa với đại ca Nhật Tuấn rằng,... 
Thứ nhất, tôi vẫn sáng tác đều, các thể loại mà tôi thấy mình có thể, tuy nhiên, bới bản tính ngại quan hệ tiếp xúc này nọ, nên mặc dù có đến vài chục cuốn sách xuất bản, vẫn xem như chưa thành danh và sự nghiệp gì... Vậy nên chăng, đại ca ơi?
Thứ hai, chuyện xứ ta, nhà nhà làm thơ, người người làm thơ, âu cũng là một sự đặc biệt của xứ sở này, mà chẳng nơi đâu trên trái đất này có được... Chẳng hay lắm sao?! Với lại, người dân Việt mình yêu thơ, thích làm thơ là mang tính truyền thống đất chứ? Người làm thơ nói chung, đa phần, chẳng màng chuyện thành danh hay nên sự nghiệp gì, mà là để giải tỏa nỗi lòng, để giao lưu bạn bè, để dưỡng dục tinh thần mình, đặng trụ vững trên mảnh đất chiến tranh liên miên và đầy rẫy bất trắc... Thêm nữa, trong cái vườn thi ca toàn dân trăm hoa đua nở này, có nhiều loại hoa quý, hương sắc lạ, mà dễ gì giới văn thơ chuyên nghiệp có được, đại ca nhỉ?!...



Nhận xét