Thú uống trà & những lời bàn,...




1. Vị minh tiểu kệ
         
          Câu  Vị minh mạc thác hoa là một câu trong bài Vị minh tiểu kệ của Chu Thần Cao Bá Quát. Trong sách Trà Kinh của tác giả Vũ Thế Ngọc (NXB Văn Nghệ ân hành năm 2006) có đăng bài này. Tôi xin được sao toàn văn ra đây để có cái mà luận bàn.  
  
                                    Vị minh tiểu kệ
                             Tuyển hữu mạc thủ khí  
                             Thủ khí mê kỳ nhân       
                             Vị minh mạc thác hoa
                             Thác hoa ly kỳ chân
                             Hiểu tính cấp thanh tuyền
                             Tề thân lý tân hoả
                             Vô yên giữ trần khí
                             Hối thủ nhất tiếu khả
                             Nhứ hướng quý thanh chân
                             Bất dụng ngoại thước ngã
                             Vô dĩ nhất ác khan
                             Phóng nhĩ tỵ quan gia
                             Huyễn phục phi tráng nhan
                             Phồn âm biên đại nhã
                             Thí lưu nhất chuyển ngữ
                             Tự tại chứng hiện quả.
          Bài kệ này được tác giả sách dịch như sau : 
                                  Bài kệ uống trà
                             Chọn bạn chọn bề ngoài
                             Không thấy điều hẳn hoi
                             Uống trà có ướp hoa
                             biến mất hương trà rồi
                             Sáng sớm múc nước giếng
                             lửa nhỏ nắm than rời
                             Không khói cũng không bụi
                             rửa tay khề khà ngồi
                             Nếm mùi cốt thực chất
                             không cần thêm vị ngoài
                             chớ vì chút của hiếm
                             lừa dối mũi ta hoài
                             Người đẹp không ở áo
                             thơ hay thường ít lời
                             Kệ này hãy ghi nhớ
                             chứng quả việc trên đời.
          Tác giả còn cho biết thêm là bài kệ này có phần chú rằng Cao Bá Quát viết tặng người bạn tâm giao của ông là Phan Nhạ (người vốn cùng là can phạm với ông trong vụ án trường thi khoa Tân Sửu 1841), vì ông này có thói quen thích uống trà ướp sen bằng cách bỏ trà mạn vào nụ sen để qua đêm rồi mới lấy ra pha.
          Theo quan niệm và ý thích của Cao Bá Quát thì uống trà là cứ phải trà mộc chứ không pha tạp, không ướp bất kỳ hương hoa gì. Cứ thuần khiết hương trà tự nhiên, ấy mới là cách uống trà của các bậc cao nhân quân tử.
          Theo ý hiểu của tôi, với quan niệm như vậy, Cao Chu Thần đã vượt qua cái ngưỡng của thú uống trà, của văn hóa ẩm thực, mà vươn tới tầm triết học rồi.
          Để luận bàn thêm, xin được diễn nôm cái cốt của bài kệ như sau: Rằng cái việc uống trà mà trà lại đem ướp hương hoa thì chẳng khác gì việc chọn bạn song chỉ chú ý bề ngoài thôi. Như thế hẳn chẳng được điều tử tế hay ho gì. Rằng những việc thế ấy là cốt ở thực chất chứ không thể tin vẻ ngoài được, kẻo không mãi quen thành ra tự lừa dối mình. Việc pha trà cũng phải đúng cốt cách và thưởng  thức với  một tâm thế thoải mái. Ví như người đẹp không ở áo và thơ hay chẳng nhiều lời vậy.Việc này có thể ghi nhớ, rồi đem chứng nghiệm để làm bài học ở đời.     
          Có thể rút ra, một triết lý mà Cao Bá Quát gửi gắm trong bài kệ này là, muốn biết được thực chất của mỗi con người, bản chất của mỗi sự việc thì làm sao phải gạt bỏ đi hết thảy những gì là bề ngoài, là sự che đậy.
          Tôi lại nhớ đến người đời đã từng triết lý về vị nhạt, cái nhạt. Rằng ở đời, sau khi đã nếm đủ các vị chua cay mặn chát đắng ngọt thì mới biết cách nếm vị nhạt, thấy được ý nghĩa sâu sắc của vị nhạt. Mà vị nhạt lại chính là hương vị vốn có của tự nhiên, của bản thể vậy! Cũng như con người ta, sau bao trạng thái ái ố hỉ nộ bi, trải nghiệm rồi mới thấm thía mà ngộ ra cái nhạt, ấy cũng là thiền vậy !
          Biết vậy, song mà khó lắm thay !

2. Những lời bàn góp:
Tản văn này, tôi đã đăng trong tập sách Những người thắp lửa (Nxb Văn học, 2009). Đây là quan điểm của tôi, ủng hộ minh triết của Chu Thần Cao Bá Quát, khi bậc cao nhân đem ví thú uống trà như việc chọn bạn mà chơi. Tuy nhiên, mọi người sẽ nghĩ sao về thú vui này? Để thăm dò ý kiến nhiều người, tôi đã cho đăng bài viết trên trang cá nhân ở mạng Blog Tiếng Việt, và nhận lại những ý kiến khác nhau, khá thú vị. Chọn nêu ra đây, để cùng tham khảo:
Cựu chiến binh, đại tá Phạm Huy Việt ( Nghệ An ):
Chính xác. (ý là đồng tình với quan điểm của cụ Cao Bá Quát)
Tôi cũng không thích uống trà ướp với bất cứ thứ hương gì.
Có điều pha trà không đơn giản chút nào. Tôi thích trà từ xưa nên cũng pha được để uống. Hôm nào Chu Nhạc ghé nhà chắc phải đãi một ấm cho ngọt giong cả ngày.
Phan Bích Thủy, một nhà hoạt đọng xã hội (Hà Nội):
Mặc dù rất thích uống trà sen nhưng quả thật là tôi  rất tâm đắc bài kệ của cụ Cao Bá Quát. Thật là chí lý và sâu sắc!
           Phúc đáp của Chủ bút với Phan Bích Thủy:
           Đấy là triết lý sâu xa, đời sống lại khác. Mình cũng vậy thôi, ngoài trà mộc ra, mình cũng thích uống trà bạch cúc. Nếu đến chỗ mình, bạn sẽ được thưởng cả 2 loại trà đó.
Tùng Quân, một người làm công tác khoa học, đồng thời là ông chủ quán cà phê ở Vinh (Nghệ An)
Uống trà tẩm hương giống như uống rượu ngâm thuốc bắc...người biết thưởng trà cũng như thưởng rượu không bao giờ làm thế, có như vậy mới thưởng thức hết tinh túy của nó...(đồng tình với Vị minh tiểu kệ).
          Đặng Nguyễn, họa sĩ ở Quảng Yên (Quảng Ninh):
Qua cách thưởng thức trà- bài kệ "Vị minh tiểu kệ" đã với lên cái tầm của Thiền- quả là hàm ý- chí lý.
Bùi Hải Đăng, cựu chiến binh, hiện thầy thuốc Đông y, thầy phong thủy ở Gia Lộc (Hải Dương):
Cách uống trà của Cao Bá Quát đã gửi một triết lý nhân sinh cao cả... Với tính cách ấy, việc ông đã dám chống lại triều Nguyễn cũng là điều dễ hiểu...
Nhược Mộng, một giáo viên ở thành phố Vũng Tàu:
Dậy sớm được nghe anh bàn luận về việc uống trà thật sự là ngẫm việc đời. Thì ra nhâm nhi chén trà có cái thú vui riêng là vậy! Không có bạn hiền bên cạnh thì cũng còn ta với ta! Miền Bắc khí hậu rét lạnh nên vị trà thẩm thấu tim gan. Nhưng miền Nam trà thường chỉ để giải khát nên ướp nhiều hương vị. Thưởng thức trà như các anh ngoài ấy thì là nghiện trà rồi vậy!...
Trình Tuyên, nhà văn, nguyên sĩ quan cảnh sát điều tra ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa):
Qua bài kệ mà bộc lộ cốt cách của bậc đại nhân đại trí, đầy triết lý nhân sinh. Người đọc thật sáng cái tâm.
Nguyễn Cao Thâm, nhà văn (Hà Nội):
Tôi nghiện chè (trà), lại ở vùng chè Thái Nguyên nhiều năm nhưng vẫn thích chè shan tuyết. Chè shan tuyết Bắc Cạn, Hà Giang cũng rất ngon...
          Văn Lâm An, sĩ quan, kỹ sư xây dựng ở Vinh ( Nghệ An):
Ngẫm mới thấy các cụ nhà mình dạy đời quả là thâm thúy.
            Đào Phan Toàn, cựu chiến binh, thày thuốc Đông ý ở Phố Giắt (Thanh Hóa) thay vì bàn luận, bằng bài thơ Uống trà nhớ bạn:
          Nhấp chén trà ngon nhớ bạn ở nơi xa
          Xa, xa lắm, tới nửa vòng trái đất
         Ở nơi ấy có đêm Người thao thức
         Chén trà thơm tới tận dải Ngân hà
          Cầm trên tay, hương vị của quê nhà
          Có nắng gió, cả vị mồ hôi mặn
          Đất Trung du, tháng này mưa mấy bận
          Búp chè xanh, nỗi nhớ cũng xanh xao
          Chát ngọt đầu môi như thuở ban đầu
          Hơi ấm miên man lòng Người viễn xứ
          Thương mhớ quê nhà , những đêm không ngủ
          Nhấp chén trà ngon, nhớ bạn ở phương xa...
         
Nguyễn Việt An, chủ doanh nghiệp ở Tp, Hồ Chí Minh:
          Có lần tôi được người bạn tặng 1 lạng trà toàn chữ Tàu. Nghe nói loại trà này cả triêu đồng/1 lạng. Mở ra thấy toàn là "hạt trà" bằng hạt đậu đen. Khi pha thì bung ra nguyên lá. Uống phảng phất như có mùi thuốc bắc... Tôi quên mất tên, giờ không nhớ là trà gì ? Nói về trà, chợt nhớ Trần Đăng Khoa có bài thơ "Đầu xuân uống trà cùng bạn" khá hay.
         Nhắp chén trà thứ nhất
         Da thịt bỗng tỏa hương
         Đời thực thành cõi mộng
         Trần gian hóa thiên đường

         Ta nâng chén thứ hai
         Cho đất trời tinh khiết
         Tâm ta bừng sáng ra
         Biết thêm điều chưa biết

         Mai sau đời dẫu tuyệt
         Chắc gì hơn lúc này
         Nào nhâm nhi chén nữa
         Hai đứa mình cùng… bay…
         Phúc đáp của Chủ bút với Nguyễn Việt An:
         Lão Trần Đăng Khoa dạo này hay uống trà chỗ tôi. Song cái bàn trà ở phòng làm việc của lão ấy, thì "ôi thôi là bẩn". Lão ta chỉ quen uống trà ké thôi, chứ ở nhà, lão ấy toàn uống nước đun sôi để nguội,...
           Nguyễn Trong Huân, nhà báo, nhà văn ở Đài Tiếng nói Việt Nam:       

          Lâu rồi không uống trà, thưởng thức trà. Hồi còn sinh viên,có lẽ rỗi thời gian và đói nên hay thưởng ngoạn trà, có khi ra tận phố Trâu Quỳ, hay chui vào làng uống ( Gia Lâm, Hà Nội). Thưởng thức trà nó rẻ, hợp với túi tiền sinh viên chăng. Có một lần, sau khi thưởng thức trà ở cái làng giáp trường, lúc về bị dân quân vác súng đuối theo, họ còn hồ, dừng lại, không thì bắn. Phòng ký túc của tôi có lần thưởng thức trà vào đêm trăng, lại có hoa quỳnh nở, ngoài trà còn một nồi quân dụng cháo đường tầm bổ....Ôi, nhớ một thời gian khó!...
         Nguyễn Vĩnh Tuyền, nhà thơ (thân sinh Kiến trúc sư, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến ), người mọi nhẽ bằng thơ :
         Trà ngon đâu
         Bạn hiền đâu
         Bề ngoài hoa lá… nhạt màu hẳn hoi
         Lửa nhỏ cùng nắm than rời
         Tinh mơ gàu nước giếng trời đem pha
         Tránh bụi khói – đón hương trà
         Rảnh tay, khoanh gối, khề khà thưởng hoa
         Độc ẩm – thực cốt nghê nga
         Vị ngoài loại bỏ tự ta lựa tìm
         Lụa là phủ nét đẹp tim
         Thơ hay kiệm chữ lời chìm trong câu
         Chứng quả ngàn vạn sắc màu
         Thưởng trà câu kệ nhớ lâu trên đời...

Quả là thú vị. Trở lại với Vị minh tiểu kệ mang tính triết học nhân sinh của danh nhân Cao Bá Quát. Thực ra, Chu Thần mượn chuyện uống trá để luận về con người, bàn việc chọn bạn mà chơi, và cao hơn thế  là dạy khéo đáng quân vương, bậc cai trị thời ấy về cách nhìn nhận, đánh giá mà dùng người hiền tài trong thiên hạ nhằm hưng thịnh quốc gia.
Gần đây, nhân các sai phạm trong khâu thi cử xáy ra ở đó đây, cho thấy hệ thống giáo dục nước nhà có vấn đề bất ổn, dư luận xã hội lại nhắc đến Cao Quá Quát và vụ án trường thi khoa Tân Sửu (1841) ra để so sánh, luận bàn...
Thiết nghĩ, nếu lấy các sai phạm trong thi cử vừa mới đây để so sánh với vi phạm trường thi ngày xưa của Cao Bá Quát, thì chẳng khác gì lấy than chì bì với kim cương, lấy bụng tiểu nhân đo lòng người quân từ.
          Xưa ấy, Cao Bá Quát phạm lỗi chấm thi, thực ra là muốn cứu những người hiền tài có tầm nhìn chiến lược, quan hệ đến quốc gia hưng vong, và ngầm chống lại cái quy định “kỵ húy” sặc mùi thống trị của các triều đại phong kiến,...
          Với Chu Thần Cao Bá Quát, cách uống traf và đánh giá con người, thực ra, chỉ là một!?...

Nhận xét