Người thơ của Biển,...



5. Người thơ của Biển,

Chân dung nhà thơ Trần Trọng Trí, tôi đã viết cách đây dăm năm.
Đã có phần Vĩ thanh, thì nói thêm mà làm gì?
Có đấy, khi mà Biển Đông chưa một ngày bình yên, thì con người cùng những dòng thơ, dù là tếu táo cho vui, chủ yếu để động viên, khích lệ tinh thần của đồng đội và chính mình, sẽ trở thành nhân chứng khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, khác chi đâu chuyện về Hải đội Hoàng Sa ngày xưa dưới triều đại phong kiến đất Việt ?...

Chính vì lẽ đó, đại tá, cựu thuyền trưởng Trần Trọng Trí và những người lính biển thuộc cấp của ông, chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí mọi người... Đây cũng là lý do, tôi trở lại tiếp nối chuyện về Trần Trọng Trí, người thơ của biển này.
Số là, năm 2014, Nhà xuất bản Văn học ấn hành tập Trường Sa của nhà thơ Trần Đăng Khoa, tuyển tập thơ văn và bạn đọc với Đảo Chìm, mà ở đó, những người làm sách đã lựa chọn các bài thơ Trần Đăng Khoa viết về biển đào và tiểu thuyết Đảo Chìm, cùng các cảm nhận của bạn đọc... Trong số đó, có cảm nhận của đại tá, cựu chiến binh biển đảo Trần Trọng Trí và bài viết “Đảo Chìm, nghệ thuật tạo dựng không gian truyện” của tôi. Bài viết này của tôi, trước khi được tập hợp vào cuốn sách Trời đất thu hay lòng ta thu (Nxb Dân trí, 2016), tôi đã đăng ở Blog cá nhân (Ngẫm & Viết, blogtiengviet, net) vào ngày 26.3.2011. Khi ấy, có khá nhiều bạn đọc nói chung và các nhà văn hải ngoại, nhà phê bình văn học khen sự phát hiện của tôi về việc tạo dựng không gian truyện, đặc biệt, có Trần Trọng Trí và các cựu chiến binh, từng là động đội của ông một thời. Cái hay, là kể từ đó, Trần Trọng Trí và các đồng đội cũ của mình, những người từng một thòi sống chết kiên cường bám trụ bào vệ vùng biển đảo Trường Sa, lấy trang blog Ngẫm & Viết của tôi và trang blog Lão Khoa của Trần Đăng Khoa (mạng xã hội blogtiengviet.net) làm nơi vào ra, tụ họp, nhắc lại kỷ niệm cũ thời làm lính Trường Sa. Chuyện lính tráng đời thường tếu táo, chuyện thơ văn hò vè, chuyện kín bi hài của lính, đọc và cười chảy nước mắt, vì thương mến và nể phục.
Những gì họ để lại trên trang blog của tôi, thì đã trích nêu trong những phần đầu bài viết này rồi, còn những gì trên trang cá nhân của nhà thơ Trần Đăng Khoa, hẳn là nhiều, nhưng trong cuốn sách Trường Sa của mình, nhà thơ chỉ trích chút ít. Tôn trọng ý muốn của Trần Đăng Khoa, tôi xin đăng lại cảm nhận (comment) của Trần Trọng Trí, xem như cái cớ đề bàn thêm về ông và các đồng đội của ông: “Đã lâu rồi, tôi tưởng không còn nước mắt nữa. Lòng ngỡ chai lỳ. Tôi hay vào trang Blog Tiếng Việt chọc nghẹo mọi người cho vui. Nay đọc lại cuốn sách về Trường Sa, tôi đã khóc.Cảm ơn Trần Đăng Khoa. Con gái tôi, cháu Trần Thị Thu Hà mà ông Khoa gọi là Trần Thị Mộng Tương, nay đã 37 tuổi (thời điểm đó), có hai con gái. Cháu ngoại tôi đã học lớp 12, cháu đọc chuyện này, thoạt đầu cười, sau thì khóc. Nó không biết đây là chuyện bác Khoa viết về ông nó, mẹ nó. Tôi tìm cuốn sách này mà không biết tìm ở đâu. Dẫu sao vẫn muốn có cuốn sách, hơn là mỗi khi đọc phải mở máy tính. Tôi lên Google và thấy thiên hạ bàn về cuốn sách này rất vui trên trang của nhà văn Xuân Đức, trong đó có những người trong cuộc bóc mẽ ông Khoa. Tôi đã cóp lại, đưa vào comment ở Blog ông Khoa cho mọi người cùng đọc, nhưng rồi ông Khoa lại xóa đi. Tôi đề nghị ông Khoa không xóa vì tôi thấy rất hay. Tôi sẽ đến thăm ông Nhạc (Nguyễn Chu Nhạc-Đài Tiếng nói Việt nam), ông Khoa. Lâu rồi, không gặp”.
Tâm thế trong cảm nhận này của Trần Trọng Trí, thực ra, cũng như những cảm nhận khác của ông trên trang blog của tôi, khác chăng ở một vài chi tiết riêng tư. Ờ vào thời điểm ấy, tôi đọc lại các cảm nhận của Trần Trọng Trí, nhận thấy ông đang ở trạng thái thăng hoa, mộng mị, sa lầy trong mớ hồi ức của mình. Những trang viết của chúng tôi và cmar xúc của mọi người, đặc biệt là các đồng đội cũ của ông, vô tình đánh thức mọi tế bào thần kinh trong con người vị đại tá (lương tướng), cựu sĩ quan, người hùng biển đảo một thời, đã về vườn, trong vai ông thợ cắt tóc phố huyện... Dòng ký ức và cả những ẩn ức một thời bùng phát, tuôn chảy như núi lửa phun trào, không biết bao giờ thôi. Trần Trọng Trí như người lên cơn sốt, đến mê sảng, không thể thoát ra, hay đúng hơn là không muốn thoát ra khỏi cơn mê giăng mắc, bủa vây tâm trí ông...
Mỗi khi đọc lại những lưu bút Trần Trọng Trí và các đồng đội của ông để lại, tôi lại hình dung bóng dáng con người ông, một vị thuyền trưởng tàu HQ05 Hải đội Trường Sa, một chính trị viên Thuận trong tiểu thuyết Đảo Chìm, và một ông thợ cắt tóc phố huyện Liễu Đề, Nghĩa Hưng, Nam Định, quê ông. Ba hình bóng này lúc tách bạch riêng rẽ, khi thì nhập nhòa rồi chập làm một...
Thâm tâm, tôi cứ mong đến một ngày, có vị đạo diễn nào đó, dựng Đảo Chìm của Trần Đăng Khoa thành phim truyện, bời điều này không khó, khi giờ đây ta có đủ điều kiện để quay bộ phim này ngay tại Trường Sa, chứ không cần phải dùng trường quay nhân tạo. Nghĩ thế, tôi lại rẩm riu xem ai sẽ là người thủ vai nhà thơ-người kể chuyện, ai sẽ vào vai chính trị viên Thuận, ai và ai sẽ sắm vai công nương tiểu thư Mộng Tương, Hai Ùm, Tư Xồm, vị Tư lệnh binh chủng? Và các nhà làm phim sẽ quay những cảnh về con lợn Oăn-ta-ra-mê-na như thế nào đây? Như thế, hình bóng của Tư lệnh Giáp Văn Cương, thuyền trưởng Trần Trọng Trí, và  Trần Thị Thu Hà-con gái ông, cùng các chàng lính biển Nguyễn Văn Tròn, Lê Văn Khánh v.v... sẽ hiện lên ra sao? Chắc thú vị lắm đây,
Thêm nữa, tôi và Trần Đăng Khoa mong muốn, tìm gặp được Trần Thị Thu Hà, khi chỉ biết duy nhất thông tin từ Trần Trọng Trí cho biết lúc ông còn sống, là gia đình ông định chuẩn bị dọn lên Yên Bái sống cùng gia đình con gái. Khi tin cho chúng tôi biết về việc ra đi của bố mình, Hà không để lại số điện thoại và địa chỉ của gia đình mình. Vậy nên, mong rằng cuốn sách của Trần Đăng Khoa đã xuất bản, và những bài viết của tôi về Trần Trọng Trí, dù ở dạng bản in hoặc trên các báo điện tử, mạng xã hội, đến được với Trần Thị Thu Hà, hay những người thân khác của ông, đặng chúng tôi đến được nơi ông yên nghỉ, thắp nén hương, tưởng nhớ ông-đại tá Trần Trọng Trí-người cựu chiến binh, người hùng biển đảo-người thơ của Biển!?...

Nhận xét