Cổ Loa, một ngày và hai nghìn năm trước,...



Ngày mới làm báo chuyên nghiệp ở Đài TNVN, đã có lần, tôi theo các anh chị phóng viên lớp trên đi công tác Đông Anh, ngang qua đất Cổ Loa, thấp thoáng đâu đó vòng thành đất cây cối mọc xanh, nhưng đích đến của chuyến đi là các HTX nông nghiệp ngoại thành, nên nắc nỏm một ngày nào đó trở lại đây tìm hiểu sâu về mảnh đất lịch sử này. Ấy vậy mà, chẳng hiểu sao, kể từ đó đến nay đã ba mươi năm, tôi mới trở lại, trong khi tôi đã đi khắp đông tây nam bắc, thế giới mấy chục nước? Xa xôi gì đâu, từ trung tâm thành phố đến đây chỉ chừng vài chục cây số mà thôi. 
Chuyện An Dương Vương, vua của nhà nước Âu Lạc, với những huyền thoại về thần Kim Quy giúp nhà vua xây thành Ốc, chuyện Nỏ Thần và mối tình bi thương Mỵ Châu-Trọng Thủy đã ăn vào tiềm thức mỗi người dân xứ Việt, như một bài học sâu sắc về dựng nước và giữ nước, về sự cảnh giác cao độ với ngoại bang, đặc biệt với ngoại bang phương Bắc ...
Buổi nay, tôi cùng nhà văn Nguyễn Trọng Huân, từ quê vợ anh, làng Lại Đà ven sông Đuống sang thăm nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn theo cái hẹn. Để đến được nhà Nguyễn Lâm Cẩn ở Uy Nỗ, Đông Anh, chúng tôi phải ngang qua Ngũ Huyện Khê, con sông có từ thời An Dương Vương, rồi ngang qua một khúc thành ngoài của thành Ốc. Đi bằng xe máy, nên thích đâu dừng đó, nên câu chuyện về thành Ốc bảng lảng trong suy nghĩ của tôi. Cuộc hàn huyên ở nhà Nguyễn Lâm Cẩn, có thêm nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền (thân sinh nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến) và Đào Dục Tú, cựu biên tập viên của chương trình phát thanh Việt Kiều (chương trinh phát thanh Dành cho đồng bào xa tổ quốc của Đài Tiếng nói Việt Nam), người có vốn kiến thức về văn hóa-lịch sử khá tốt, nên câu chuyện của chúng tôi lúc trà dư tửu hậu, chủ yếu về lịch sử và phong tục vùng đất này...
Và những câu chuyện phiếm ấy, như chất xúc tác, nên khi trở ra, tôi và nhà văn Nguyễn Trọng Huân, cùng la cà trong khu thành Ốc, sống dậy trong đầu óc những huyền sử Cổ Loa... 
Nhà nước Âu Lạc và thời gian cai trị của An Dương vương Thục Phán, cách thời nay hơn hai nghìn năm trước, nên tư liệu về triều đại này cũng khá mơ hồ. Ngay việc xác định thời gian tồn tại, hiện cũng có ít nhất hai nguồn sử liệu. Đó là, theo như Đại Việt sử ký toàn thưKhâm định Việt sử thông giám cương mục thì cho rằng  An Dương Vương làm vua Âu Lạc kéo dài 50 năm, từ 257 TrCN đến 208 TrCN, đồng nghĩa với niên đại nhà nước Âu Lạc; Còn theo Sử ký Tư Mã Thiên được coi là tài liệu gần thời đại nước Âu Lạc nhất, lại cho rằng An Dương Vương và nước Âu Lạc tồn tại từ khoảng 208 TrCN đến 179 TrCN, tức là gần 30 năm. . Vậy đâu là chính xác. Cho nên, lịch sử về triều đại này có tính huyền sử là vậy. Dẫu sao, so với nhà nước Văn Lang của các vua Hùng xa xưa nước, cứ liệu lịch sử của triều đại An Dương Vương có tính xác thực hơn.
Chúng tôi tha thẩn, từ vòng thành ngoài, vào khu đền miếu, giếng Ngọc, rồi cánh đồng và khu dân cư xen kẽ, lại vòng thành ngoài, mường tượng về thành Ốc của hơn hai ngàn năm trước... Thực ra, cùng không khó để mường tượng cho lắm....
Thử mường tượng, bắt đầu từ việc lập nước của Thục Phán. Theo cứ liệu lịch sử, ngài gốc Âu Việt (tức vùng Lưỡng Quảng ngày nay), sau khi đánh bại vị vua Hùng cuối cùng, rồi lập ra nhà nước mới, Âu-Lạc trên cơ sở sáp nhập Lạc Việt (nước Văn Lang) với Âu Việt của mình. An Dương Vương đã chọn đất Cổ Loa làm kinh đô của nhà nước mới, không chọn đất Phong Châu vốn kinh đô của nhà nước Văn Lang, và cũng không chọn đất thuộc lãnh thổ Âu Việt cũ của mình (như Phiên Ngung chẳng hạn). Xét về địa lý, Cổ Loa là vùng giáp ranh giữa đồng bằng và trung du, miền núi, vị trí khá trung tâm, giao thông thủy bộ đều thuận tiện, cư dân đông đúc. Về tầm chiến lược, thuận cho việc cai trị vùng đất mới chiếm được, tiến có thể mở mang bờ cõi xuống dải đất ven biển phương Nam, thoái có thể nhanh chóng rút về xứ cũ (Lưỡng Quảng). Việc định đô ở vùng đồng bằng rộng lớn, cũng cho thấy tư duy tiến bộ của An Dương Vương, ấy là xây dựng bộ máy cai trị nhà nước, chứ không phải ở nơi rừng rú hiểm trở với hình thức cai trị sơ khai mang tính bộ lạc, bộ tộc của các vua Hùng, 
Ngày nay, cho dù có thể tham khảo nhiều tài liệu về thời kỳ này, thì chúng ta cũng chỉ thấy dẫn liệu từ các bộ sử như Hán thư của Ban Cố, Sử ký của Tư Mã Thiên và Đại Việt sử ký toàn thư. Gạn lọc trong mớ bòng bong ấy, có thể nhận biết mấy điểm cơ bản, đó là Thục Phán đánh chiếm nước Văn Lang của vua Hùng rồi lập ra nhà nước mới là Âu Lạc (trên cơ sở nhập Lạc Việt vào Âu Việt), song thời gian tồn tại của nhà nước Âu Lạc là 50 năm (257TrCN-208TrCN) hay 30 năm (208TrCN-179TrCN) thì cũng không rõ; thứ hai là việc An Dương Vương xây thành Ốc với truyền thuyết Rùa vàng chỉ dẫn, và thứ ba, nhà nước Âu Lạc bị mất bởi cuộc xâm lược của Triệu Đà để lập ra nước Nam Việt trên cơ sở gộp nước Nam Việt cũ của Triêu Đà (gồm Quế Lâm và Tượng quận, Nam Hải) với lãnh thổ của nước Âu Lạc, để thành nước Nam Việt rộng lớn, khi ly khai, lúc thần phục nhà Hán... 
Ta lại hình dung từng sự kiện:
Việc nhà nước Âu Lạc tồn tại 30 năm hay 50 năm tồn tại, còn bỏ ngỏ, không xác định.
Việc thần Kim Quy báo mộng rồi rùa vàng bò để lại dấu chân và An Dương vương cứ theo đó mà làm chân móng xây thành Ốc, điều này có thể hiểu và lý giải được. Thực địa, vùng đất Cổ Loa là điểm tiếp giáp giữa đồng bằng và trung du, xưa kia có nhiều sông ngòi trong khu vực được thông nhau như sông Hồng, sông Đuống (Thiên Đức), sông Hoàng, sông Cầu, Ngũ Huyện khê... nên rất có thể có nhiều chỗ nền đất yếu, thậm chí lầy thụt. Như vậy, thành đất được xây trên nền đất yếu, dễ sụt đổ là đúng, Tuy nhiên, ngay trên khu vực lầy thụt cũng có nhiều dài đất ngầm, chân móng của vùng trung du nên nền đất cứng. Vậy, nhà vua hoàn toàn có thể xây thành đất khi biết lợi dụng những chỗ có nền đất cứng ở khu vực này để làm chân móng và xây thành trên đó. Việc rùa bò để lại dấu chân, có thể coi như một phát hiện, một gợi ý để nhà vua theo đó mà xây thành Ốc chăng?...
Sự kiện Triệu Đà, vua của nước Nam Việt (khu vực Uất Lâm, Tượng quận, Nam Hải) đem quân xâm chiếm nước Âu Lạc của An Dương Vương Thục Phán, để mở rộng lãnh thổ nước Nam Việt mới (bao gồm Uất Lâm, Tượng quận, Nam Hải và Âu Lạc) thì cả Sử ký Tư Mã ThiênĐại Việt sử ký toàn thư đều ghi chép. Như thế, đã hai nghìn năm nay, mặc nhiên công nhận sự kiện này. Cùng đó, truyền thuyết về mối tình bi thương Mỵ Châu-Trọng Thủy đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, phủ huyền thoại lên lịch sử dựng nước và giữ nước của xứ Việt ta, nên chúng càng có sức thuyết phục. Tuy nhiên, tra cứu sử sách, thì sự việc khổng hẳn như vậy. Cùng sự kiện này, Sử ký Tư Mã Thiên không hề nói đến chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy trong toàn bộ tiến trình Triệu Đà đánh chiếm Âu Lạc của An Dương Vương. Còn Đại Việt sử ký toàn thưAn Nam chí lược của Lê Tắc thì có nói đến chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy nhưng cũng không nhất quán. Có chăng, sách Lĩnh Nam chích quái thì kể chuyện này khá ly kỳ. Về bản chất, sách Lĩnh Nam chích quái là cuốn sách tập hợp các chuyện cổ tích, dân gian được sưu tầm thành sách từ cuối thời Trần, sau được Vũ Quỳnh chỉnh lý, cho nên, yếu tố thần thánh, ma quái, ly kỳ trong truyện mang tính truyền kỳ, thêm bớt cho hấp dẫn, khó xác thực với sự thật lịch sử. Vậy nên, chỉ có thể xem như một tham khảo mà thôi.
Gần đây, có một số nghiên cứu lịch sử, đưa ra nhận định, Triệu Đà không phải tưởng nhà Tần quê ở Chính Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, vâng lệnh vua Tần, cùng tướng Đồ Thư mang quân nam tiến, đánh chiếm nước Âu Lạc của An Dương Vương (như sử sách đã ghi chép). Theo nghiên cứu này, thì Chân Định, quê của Triệu Đà, chính là vùng Thái Bình, Việt Nam ngày nay, bởi Chân Định là tên cổ của vùng Kiến Xương (Thái Bình), và mãi đến đời vua Thành Thái triều Nguyễn, Chân Định mới được đổi thành Trực Định, phủ Kiến Xương.  Bằng chứng dẫn liệu, theo Hoài Nam Tử (bộ sách do Hoài Nam vương Lưu An biên soạn), có nói đến, nhưng ở đây, Úy Đà Đồ Thư, là chỉ chức danh võ quan của Đồ Thư, chứ không thể suy diễn Úy Đà thành Triệu Đà, để rồi sau đó hiểu là 2 tướng Triệu Đà và Đồ Thư được vua Tần lệnh cho mang quân đi đánh Âu Lạc? Cùng với đó, nghiên cứu này còn bác bỏ việc mặc định Chân Định quê của Triệu Đà, tức là huyện Chính Định thuộc tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Với cách hiểu mới, nghiên cứu này còn chỉ ra những căn cứ về đến thờ Triệu Võ Đế (tức Triệu Đà) ở Đồng Xâm (Thái Bình), Văn Giang (Hưng Yên) và một số lãng xã ở vùng Đông Anh, Cổ Loa (Hà Nội)... Cũng theo nghiên cứu này, việc Triệu Đà là vua 70 năm và thọ tới 121 tuổi (ở vào thời hơn 2 nghìn năm trước) là một sự vô lý, khó tin?!... Điều này được lý giải bởi phân tích giai đoạn lịch sử ( Triệu Đà từ 207 TrCN đến 180 TrCN, danh xưng Triệu Văn vương, rồi Triệu Vũ đế). Kế tiếp là Triệu Hồ (cũng danh xưng là Triệu Vũ đế, từ 180-137 trCN). Tiếp nữa là Triệu Muội (Mạt), danh xưng Triệu Văn đế (từ 137-124 TrCN)... Và chấm dứt thời Vệ Dương vương Triệu Kiến Đức (112-111 TrCN). Nếu như vậy, sẽ không có cuộc xâm lược nào của Nhà Tần sang xứ ta, mà chỉ là sự tranh đoạt giữa các thủ lĩnh của cả vùng Bách Việt rộng lớn mà thôi (bao gồm Uất Lâm, Tượng quận, Nam Hải, Giao châu). Điều này, chứng minh, ở vào thời ấy, Nam Việt Triệu Đà, đã tỏ ra hùng mạnh, khôn khéo hơn An Dương vương trong việc trị quốc, ổn định phương Nam, nhất là việc thi hành chính sách an dân, và đường lối ngoại giao trước với nhà Tần, sau với nhà Hán ở phương Bắc, nhằm xây dựng nhà nước phong kiến cho cả vùng đất Bách Việt xưa kia ?...
Như vậy, chúng ta đã có cái nhìn đa chiều hơn về thời kỳ xa xưa hơn 2 nghìn năm trước về lịch sử đất nước. Sẽ vẫn có những nghiên cứu, nhưng tranh luận về thời kỳ này. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới tính xác thực đến đâu còn chưa rõ, song cho chúng ta cái nhìn rõ ràng hơn, gần gũi hơn về một thời kỳ mà trước đây vẫn xem như huyền sử. Triệu Vũ đế (Triệu Đà) là người nước Triệu được vua Tần cử đi xâm chiếm Âu Lạc, hay Triệu Đà vốn người Âu Lạc, còn chưa rõ, thì có một sự thật lịch sử, ấy là sau khi đánh bại An Dương Vương, đã sáp nhập Âu Lạc và Nam Việt, và đem Âu Lạc chia làm 2 quận là Giao Chỉ và Cửu Chân, còn triều đình thì đóng tại Phiên Ngung (Quảng Châu ngày nay), mỗi châu quân lại giao cho một tướng cai quản. 
Trong lịch sử nước nhà, có một thời kỳ dài hơn nghìn năm được gọi là Bắc thuộc, hay cụm từ sau này thường dùng là hơn nghìn năm Bắc thuộc. Vậy, hơn nghìn năm Bắc thuộc ấy được tính từ mốc nào? Điểm khởi đầu, nếu coi Triệu Đà là ngoại xâm phương Bắc, thì cũng có 2 khác nhau, ấy là năm 208 TrCN (theo Đại Việt sử ký toàn thư), còn năm 170 TrCN (theo Sử ký Tư Mã Thiên). Nếu coi Triệu Đà là người Nam Việt, thì tính từ năm 111 TrCN, khi Hán Vũ đế tiệu diệt nhà nước Nam Việt với vị vua cuối cùng là Vệ Dương vương Triệu Kiến Đức. Điểm kết thúc, cũng có các quan điểm để tính khác nhau. Ấy là năm 902 với khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ thành công, hoặc năm 938 khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, xây dựng nhà nước tự chủ. Trong thời kỳ Bắc thuộc, cũng có những giai đoạn tự chủ xen kẽ, ấy là thời kỳ Hai Bà Trưng (40-43 sau CN) và thời Tiền Lý (Lý Bí, Triệu Việt vương, Lý Phật Tử, 544-602). 

Một ngày để hiểu những biến cố lịch sử của cả một thời kỳ xa xưa từ hơn hai nghìn năm trước, quả là chuyện buồn cười. Nhưng dù chỉ một ngày thôi, chẳng có gì đáng cười và sẽ là vô ích, nếu như không cho tôi cảm hứng để lần giở lại nhiều trang sử nước nhà, những điều mình đã từng học, từng đọc và đã quên đi do bận rộn công việc, mưu sinh. Lịch sử bất cứ một quốc gia nào cũng có những góc khuất, cũng có những điểm nghi hoặc dẫn đến sự tranh luận về sau. Vậy thì, huyền sử An Dương vương dựng nhà nước Âu Lạc, với chuyện thần Kim Quy, chuyện nỏ thần, và mối tình bi ai Mỵ Châu-Trọng Thủy vẫn lung linh màu sắc huyền thoại, thì có sao ? Điều quan trọng, nó cho các thế hệ dân Việt bài học không bao giờ được mất cảnh giác về nguy cơ ngoại xâm, để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia... 





Nhận xét