Người rong chơi cùng văn chương ( I )

Hai vợ chồng Việt An ( hàng sau)
1. Khai mở
Đấy là Nguyễn Xuân Sinh, bút danh trên các mạng xã hội (Blog Tiếng Việt và Facebook) là Việt An, và đây cũng là tên doanh nghiệp gia đình của anh. Việt An, quê ở Yên Phụ, Kinh Môn, Hải Dương, là anh cả trong một gia đình đông con, có bố là giáo viên. Hiện gia đình Việt An sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ở xứ ta, người yêu văn chương, thơ phú nhiều vô kể, thậm chí, nói theo một cách của một nhà phê bình văn học "Nhà nhà làm thơ/ người người làm thơ/ vè nhất định thắng...", song với Việt An thì lại khác. Chí ít, từ cái xuất xứ văn chương của anh. 
Ngày học phổ thông, Việt An là người học giỏi toàn diện, vì có bố là giáo viên, nên anh được rèn rũa khá kỹ, học hành nền nếp, nghiêm chình. Song môn Văn học trội hơn, nên được nhà trường chọn đi thi học sinh giỏi môn học này năm lớp 10 (hệ 10/10), và trúng tuyển vào Đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh Hải Hưng (cũ) niên khóa 1974-1975, để dự kỳ thi giỏi môn Văn toàn miền Bắc (khi ấy chưa giải phòng niền Nam thống nhất đất nước). Đổi tuyển được tập trung về Trường cấp 3 Hồng Quang (thị xã Hải Dương) để bồi dường môn Văn, chừng 2 tháng, trong số đó có nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa, Trịnh Bá Ninh (sau này là Phó tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam), tôi (Nguyễn Chu Nhạc) và Việt An... Ngày ấy, bồi dưỡng chúng tôi, Ty giáo dục Hải Hưng đã lựa chọn một số giáo viên được xem là giáo viên giỏi môn Văn từ các trường cấp 3 trong tỉnh. Cùng với môn Văn, chúng tôi vẫn phải học các môn khác, đặng theo kịp chương trình học, còn thi tốt nghiệp phô thông nữa. Già nửa số thành viên trong đội tuyển (có tôi, Trịnh Bá Ninh, Việt An...) học tốt cả Toán Lý, nên thời gian rảnh rồi, nhóm này hay mang những bài toán khó (sưu tầm được, hoặc lấy từ Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ) thách đố nhau, hoặc chụm đầu cùng giải. Việt An thuộc diện khá thông minh trong cách giải toán...
Thế rồi, kỳ thi giỏi văn toàn miền Bắc năm ấy, Đội tuyển Hải Hưng không ai được giải, kể cả Trần Đăng Khoa, lý do, đề ra mở, khiến mọi người lúng túng không biết chọn thể loại nào để làm bài. Nhưng chưa hết, khi thi vào đại học, không một ai trong chúng tôi chọn chuyên ngành Tổng hợp Văn, hay Sư phạm Văn cả, mà phần lớn là ngành kỹ thuật (Xây dựng, Bách khoa), Sư phạm Toán, Ngoại giao, Ngoại thương... Tôi và Trịnh Bá Ninh học Đại học Nông nghiệp, Việt An học cơ điện, riêng Trần Đăng Khoa nhập ngũ rồi học Trường sĩ quan lục quân... 
Trần Đăng Khoa vào bộ đội, tham gia huấn luyện và đi học trường sĩ quan lục quân, rồi đi chiến trường Campuchia theo quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Phnompenh, lật đổ chế độ Khmer Đỏ tàn bạo, sau lại về Bộ Tư lệnh Hải Quân ra Trường Sa, trước khi về Hà Nội học ngoại ngữ để sang Liên Xô (cũ) học khoa Sáng tác ở Đại học Gorky. Dù ở đâu, thì Trần Đăng Khoa cũng vẫn là đi thực tế để sáng tác, và như vậy, gắn liền với môi trường văn chương.
Trịnh Bá Ninh theo nghề làm báo chuyên nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp đại học, khi được nhận về làm phóng viên Báo Nông nghiệp. Đây là điều kiện, để anh sớm có vài bài bút ký được trao giải thưởng của một số cơ quan báo chí tổ chức thi thể loại bút ký. Cùng với bút ký là sở trường, Trịnh Bá Ninh thi thoảng làm thơ, những không cho đăng ở đâu, chỉ đọc chơi lúc cao hứng trà dư tửu hậu. Thơ anh giàu chất suy tưởng. Quan trọng, Trịnh Bá Ninh nhanh chóng được đề bạt chức danh Phó tổng biên tập, chuyên về nội dung, từ khi còn khá trẻ, và có thể nói, anh là một người làm báo giỏi...
Còn Việt An, học ngành điện, vào bộ đội và làm việc đúng với sở học của mình, ấy là chuyên về điện thuộc đại đội doanh trại sân bay quân sự ở Tân Sơn Nhất. Vậy thì dính dáng gì đến văn chương, khi nói anh là người rong chơi cùng văn chương ?
Hãy nghe anh tự bạch:

Việt An không cửa không nhà
Có người vui miệng gọi là “Việt gian”
Tuổi thơ nghèo khó, cơ hàn
Lớn lên đốc chứng dở gàn, dở ương

Quê nhà ở tận Hải Dương
Hà Nội đi xuống theo đường số 5
Nghề nghiệp đúng trăm phần trăm
Là nghề “điên nặng” hỏi thăm biết liền

Xấu trai, mốc cả mặt tiền
May trời chiếu cố, vợ hiền con ngoan
Tuổi đời Mậu Tuất không oan
Khôn đâu chẳng thấy, thấy toàn…dở hơi

Buồn vui một chút với đời
Câu thơ tếu táo nói lời tâm can !

2. Trần tình,
Sau khi đọc bài tản văn của tôi Thời gian không trở lại, đăng trên blogtiengviet.net, Việt An đã trần tình:
Các bạn của tôi ơi , thời gian không bao giờ trở lại . Chỉ có ký ức là ở lại và mãi tươi nguyên. Vậy thì, sự tiếc nuối hẳn không vô ích, khi mà, Gió đã mang đi ngày hôm qua ?!...”(Nguyễn Chu Nhạc)
          Đúng vậy ! Thời gian không bao giờ trở lại, chỉ có ký ức là mãi tươi nguyên. Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên vào thời gian khó. Bây giờ kể lại, lớp trẻ sẽ cảm thấy như nghe như chuyện cổ tích. Hình như một thời gian khó, làm người ta yêu quí nhau, và nhớ nhau nhiều hơn thì phải ? Văn chương là cơ duyên, giúp cho chúng tôi trở thành bạn học của nhau, dù mỗi người ở mỗi huyện, rải rác khắp tỉnh Hải Hưng cũ. Vào đời, tôi chọn cho mình con đường đi không còn bóng dáng văn chương. Đã mấy chục năm, tôi gần như không còn đọc các tác phẩm văn học. Cuối năm 2008, tình cờ khi lướt web, tôi đặt chân đến làng Blogtiengviệt. Nơi tôi ghé thăm đầu tiên là blog của Phạm Tâm An. Văn chương với tôi bây giờ, thực sự chỉ là những thoáng dạo chơi. Tôi viết cảm nhận tếu táo, với vài bài mang tính giao lưu. Việc đó mang lại cho tôi những người bạn mới, và cả những niềm vui nho nhỏ.
           Tình cờ khi giao lưu blog, tôi gặp lại bạn tôi- nhà báo Nguyễn Chu Nhạc. Nhưng, người làm tôi hiện diện trước cộng đồng, lại là nhà báo Nguyễn Trọng Huân (người mà tôi cảm mến qua những bài viết của anh), khi anh đã hơn một lần công khai nhắn tìm tôi trên blog, như “tìm trẻ lạc”. Thế giới ảo xa mà gần. Đó là duyên cớ để tôi xuất hiện ở bài viết này của Nguyễn Chu Nhạc. Những năm tuổi trẻ, có lẽ tôi và Chu Nhạc khá long đong. Một chút sai lầm, đã làm việc học hành của tôi bị chia làm 2 khúc, trước khi có được mảnh bằng đại học. Chu Nhạc có thuận hơn, nhưng ra trường lại đi xa biệt, mãi vùng biên giới của tỉnh An giang. Lúc đó tôi đang trong quân ngũ. Muốn vào khu vực đóng quân phải đi qua ít nhất 2 trạm gác được kiểm soát khắt khe. Thật sự chúng tôi ít có dịp gặp nhau... kỷ niệm về những năm tháng đã qua, vẫn còn nguyên vẹn.
Năm 2004, tôi ra Hà Nội, đến nhà Trịnh Bá Ninh (hiện là Phó tổng biên tập  Báo Nông nghiệp Việt Nam). Ninh nhấc máy điện thoại thông báo cho các bạn, rồi quay sang nói với tôi: “Bây giờ không còn thiếu thốn gì, nhưng tóm được thằng bạn đến nhà nhậu cũng khó, vì ai cũng bận việc”. Ngoài trời rét đậm. Mưa nặng hạt. Nhìn các bạn khoác áo mưa, đi cả chục km đến, tôi xúc động chẳng biết nói gì. Hôm sau, chúng tôi tụ họp tại nhà hàng Rambo, đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Đang vui, bỗng nhà thơ Trần Đăng Khoa trầm ngâm: “Kinh thật ! Ba mươi năm rồi đấy!" Vâng, chính xác lúc đó là 29 năm, kể từ khi chúng tôi rời ghế nhà trường phổ thông. Đến giờ (năm 2010) là 35 năm rồi ! 35 năm, mà như mới hôm qua.         Nhớ lúc Nguyễn Chu Nhạc xin được việc ở Đài TNVN, Trịnh Bá Ninh hấp háy bảo tôi : “Thấy anh Nhạc về đài, các bà chưa chồng ngoài 40 mừng lắm ! Bà nào cũng nhủ thầm, khéo lần này đến lượt mình !??” Dù rằng lúc đó Nhạc mới chỉ 30 tuổi. Dân văn chương vốn hóm hỉnh. Có vô vàn câu chuyện chọc ghẹo nhau tương tự.
         Lại nhớ, Trịnh Bá Ninh là người lấy vợ sớm hơn cả. Hai vợ chồng Ninh ở một phòng chỉ rộng 9m2, trên tầng 2, do Báo Nông Nghiệp cho mượn, hay cấp chẳng rõ. Khi tôi đến, Ninh ngồi giữa nhà, với tay lôi ra 1 bao lạc củ, miệng nói: “Quà “hối lộ” của nông trường , của hợp tác xã nông nghiệp đấy, ông ạ”! Chúng tôi ngồi bóc lạc để rang. Lại với tay, Ninh lôi từ gầm giường ra 1 cái bếp dầu, 1 can rượu trắng cùng mấy cái chén nhỏ, rồi nói: “Ở nhà chật, sướng thế đấy. Mình ngồi giữa nhà, mà “điều hành” được mọi việc” !? Căn phòng nhỏ của vợ chồng nhà báo Trịnh Bá Ninh, là kỷ niệm đáng nhớ một thời của không ít bạn bè, trong đó có Nguyễn Chu Nhạc. Nhạc và vài người bạn nữa, từng lưu trú tại căn phòng đó nhiều ngày, trước khi xin được việc làm. Tôi cứ thắc mắc, không biết tay Ninh “sáng tác” vào lúc “quái” nào, trong khi mấy thằng bạn chưa vợ “nằm phục” ngay cạnh giường ? Vậy mà “hắn” vẫn “sáng tác” được mới lạ !? Tác phẩm đầu tay là cậu con trai khôi ngô, tuấn tú, hiện đang làm luận án Tiến sĩ tại Mỹ. Trong hoàn cảnh khó khăn lúc ấy, tôi thật sự cảm phục tấm lòng của Mai (vợ anh Ninh), đối với mấy ông bạn “nửa văn thơ, nửa báo chí” của chồng.
          Lại nhớ thời đi học “miếng cháy to hơn điểm 10”. Nhớ thời đạp xe đạp tìm đến thăm nhau, khi Nguyễn Chu Nhạc và Trịnh Bá Ninh còn học ở trường Đại học Nông Nghiệp I. Mỗi sáng dậy, chen nhau hứng nước đánh răng. Bao nhiêu con người xúm vào cái vòi nước chảy như thằn lắn đái. Câu “Nhất bát, nhì ca, thứ ba cà mèn” xuất phát từ đây.
Lại nhớ bài thơ đầu tay “Núi Đôi buổi sớm” của Nguyễn Chu Nhạc, đăng trên báo Văn nghệ, khi anh còn là sinh viên, được lấy cảm hứng từ chuyến đi cùng Ninh, đến vùng Núi Đôi thăm tôi…Lại nhớ, những lá thư viết bằng giấy học trò của bạn bè, với những bao thư tự chế…
          Có vô vàn điều để nhớ…đã giúp chúng tôi luôn nhớ và biết sống một cách cố gắng. Tôi vui và tự hào về các bạn của mình. Thay cho lời cảm ơn, một lần nữa, tôi xin mượn lời của Nguyễn Chu Nhạc để kết lại cảm nhận này: “Các bạn của tôi ơi , thời gian không bao giờ trở lại . Chỉ có ký ức là ở lại và mãi tươi nguyên. Vậy thì, sự tiếc nuối hẳn không vô ích, khi mà, Gió đã mang đi ngày hôm qua ?!...”(Nguyễn Chu Nhạc)"...




Nhận xét