Lâu lâu ra ngoại ô,


Cánh đồng làng Lại Đà mùa lúa chiêm,

Lão khọm Huân (tên gọi vui tôi hay dùng để gọi nhà văn Nguyễn Trọng Huân) mấy lần tỉ tê rủ sang nhà lão ở ngoai ô, bên bờ sông Đuống chơi.
Lần chần mãi rồi cũng sang...
        Đây là ngôi nhà lão mới làm xong chừng hơn năm nay trên mảnh đất bố mẹ vợ cho vợ chồng lão ở bìa làng Lại Đà. Đây là một làng cổ nằm ven theo chân đê sông Đuống gần ra ngã ba sông nơi sông Đuống gặp sông Hồng. Mặc dù là làng cổ, xưa thuộc trấn Kinh Bắc, cũng từng có ông Nghè cụ Cử, nhưng không thể nổi tiếng bằng Đông Ngàn hay Mai Lâm cũng thuộc vùng chân đê này. Xưa kia, Đông Ngàn nhiều người đỗ đạt làm quan trong các triều đại phong kiến. Còn Mai Lâm thì là vùng xung yếu đề sông Hồng từng nhiều lần xảy ra vỡ đê gây ngập lụt trôi nhà cửa, chết người, mất mùa đói kém bao thể kỷ nay, cho đến đận lụt năm 1971 mới chấm dứt; chưa hết, đây là quê của nhà văn hóa Ngô Tất Tố (Đầu xứ Tố), nổi tiếng với ký sự Việc làng, tiểu thuyết Lều chõng,Tắt đèn nên được nhiều người biết đến. Vậy cái làng Lại Đà này có gì để mà tự hào với mấy làng kia đây? Lần lang thang đến đây, cũng đã dăm năm trước, khi ấy, Trọng Huân đã đưa tôi đi thăm chùa làng (Cảnh Phúc tự), kể chuyện về cụ Cử (cử nhân) chết đói, và thăm Từ đường dòng họ Nguyễn Phú của bố vợ Trọng Huân, rồi cắt nghĩa cái tên làng Lại Đà vốn là tên biến âm, gọi chệch từ tên cổ Lai Xà (tức Rắn lại đến) và sự tích của nó. Mấy năm qua mà làng đổi khác nhiều. Số là, cây cầu Đông Trù (thay cho Phà Đông Trù cũ) và con đường cao tốc, nối với cao tốc từ cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài và các tỉnh phía Bắc, tạo sắc thái mới cho vùng đất ven đê chiêm trùng này. Lại thêm, chủ trương mở rộng thủ đô Hà Nội sang tả ngạn sông Hồng nhằm tạo sự cân đối, khiến nhiều cánh đồng làng được đưa vào diện quy hoạch, chuyển đổi sang đất phát triển đô thị, thương mại, vui chơi giải trí, nên đất làng Lại Đà cũng như một số làng khác quanh đấy lên giá vùn vụt. Rồi người dân cũng đồn nhau rằng đất ấy khí thế đang vượng lắm, có thể phát này nọ... Thiên hạ thế nào thì chẳng rõ, riêng với lão khọm Huân, ba mươi năm về thủ đô lập nghiệp, chui rúc trong căn hộ diện tích vừa tròn 15 m2, dù có chồng lên vài ba tầng, thì vẫn là tù túng, sao bằng căn nhà mới  trên mặt bằng khuôn viên vườn gần 300 m2 theo lối hiện đại, tiện nghi khá đầy đủ. Bạn bè, đồng nghiệp vui đùa lão, bảo khi già, về hưu rồi mới phát cung điền trạch...
Lần chần vừa đợi chiều buông nắng vãn mới lên đê ngóng cảnh lấy hứng. Cũng định đi sớm hơn chút đặng sợ muộn quá nắng tắt thì chụp ảnh không đẹp, song lão khọm Huân lúi húi mê mải chỉnh cái đầu tượng đất sét, thú vui nghịch đất mà lão mới nảy sinh chừng mươi ngày nay, nên không nỡ giục sợ lão mất cảm hứng,...
Chiều muộn hai lão khọm lai nhau lên đê Tả Hồng về phía ngã ba sông Đuống-sông Hồng. Tàu bè vào ra tấp nập. Trên bờ đê, Pháo đài Xuân Canh, một di tích cấp quốc gia từ thời đánh Pháp thì bé tí tẹo như điếm canh để bỏ hoang, bị lút đi bởi ngôi chùa làng còn đang xây dở lại to ngất ngưởng. Ngầm so sánh, có chút chạnh lòng...
Nhìn dòng nước sông Hồng đỏ ngầu sau những ngày mưa nguồn cuồn cuộn đổ vào sông Đuống để rồi lưu thông sang sông Thái Bình đầu kia, chợt ngộ ra một điều mà mình đã hiểu nhầm mấy chục năm qua. Sao lại như vậy nhỉ? Mình đã nhiều lần ngang qua sông Đuống, và mỗi lần đều ngó nghiêng dòng nước chảy, sao lại không ý thức việc dòng nước sông Đuống chảy theo hướng nào? Chỉ có thể lý giải, mình đã quá vô tình vô ý ngần ấy năm, không chịu tìm hiểu xem con sông Đuống chảy ra sao, mà đầu óc tự nhiên nghĩ nó từ sông Thái Bình về sông Hồng để ra với biển, trong khi thực tế, nó là chi lưu của sông Hồng, chia lũ sông Hồng từ thượng nguồn băng qua miền quan họ về mạn Chí Linh để rồi hợp lưu  và trở thành phụ lưu của sông Thái Bình, ra biển.
Có lẽ nào, những câu chuyện lịch sử đã làm lu mờ yếu tố địa lý đơn thuần của dòng sông này?
Thời Trần, như chuyện Hội nghị Bình Than xưa ấy, nhà Trần nghị sự đồng tâm hiệp lực đánh giặc Nguyên Mông, thuyền ngự hai vua Trần (Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông)  theo dòng Thiên Đức (Thiên Đức Giang, tên chữ cổ của sông Đuống)  ra bến Bình Than, thuyền than củi của Trần Khánh Dư từ nơi tá túc Chí Linh vội đến bến Bình Than để mong gặp thuyền nhà vua, đặng phò vua giúp nước chống ngoại xâm phương Bắc...
Hay  như chuyện vua Lê Nhân Tôn đi tuần du Chí Linh ghé thăm trang ấp của Nguyễn Trãi để rồi gây nên vụ án Lệ Chi viên (Vườn vải) để rồi vợ chồng Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ cùng gia tộc mấy đời bị tru di, đã làm đầu óc người ta mụ mị, chẳng còn nghĩ được gì khác?
Và xa xưa hơn nữa, Nguyên phi Ỷ Lan (tức Linh Nhân Hoàng Thái hậu) là con nhà canh cửi, sinh trưởng nơi bãi sông nương dâu sông Đuống này, sau thành nhân vật lịch sử nổi tiếng, ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của Triều Lý...
Bao nhiêu câu chuyện lịch sử triều chính bao phủ, giăng mắc như tơ nhện, và còn được đồng hóa với những giai thoại dân gian khiến cả đôi bờ sông Đuống thành vùng huyền thoại...
Hay chăng, bài thơ say đắm lòng người "Bên kia sông Đuống" của thi sĩ Hoàng Cầm đã mê hoặc người ta:"...Sông Đuống trôi đi/Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ/ Xanh xanh bãi mía bờ dâu/ Ngô khoai biêng biếc...", khiến tâm trí ngẩn ngơ.
Hay là vì mình hiểu sai nên cứ suy đoán, mà đổ lỗi cho đầu óc mụ mị vậy chăng?
         
Trời nổi cơn giồng mùa hạ, ráng đỏ ối phía cầu Nhật Tân. Vội trở về nhưng ngang qua công trình Thủy nông Bắc-Hưng -Hải điều tiết nước sông Hồng-sông Đuống với hệ thống kênh mương nội đồng xây dựng từ hơn nửa thế kỷ qua, đã góp phần làm nên nhũng mùa vàng 5 tấn ở đồng bằng Bắc bộ, lại buâng khuâng nhớ về một thời chiến tranh gian khổ, hy sinh đã qua... Đổ dốc đê về làng, nhìn vạt cỏ xanh sườn đê, lại chợt nhớ câu thơ của Tường Anh, bà xã Trọng Huân nhắc về kỷ niệm thời đi học ở quê với tiếng lách chách châu chấu đạp càng... Câu thơ như mới đâu mà các cô cậu học trò trường làng đã nên ông nên bà cả rồi...
Một bên là thảm lùa vàng chưa kịp gặt, còn một bên thì đất ruộng đang bị san ủi, lố nhố nhà cao tầng đang lên... Trọng Huân chỉ mấy chung cư cao tầng đàng lên, bảo ai đó đã đầu tư mua vài ba căn hộ ở đấy. nghe loáng thoáng chẳng rõ. Lại chạnh lòng, chỉ vài ba năm nữa thôi, sẽ chẳng còn lúa má với ruộng vườn.... Có chăng, chỉ còn cây đa già mình đang đứng đây và ngôi chùa làng (Cảnh Phúc tự) cách đó không xa, cùng những câu chuyện cổ mà thôi !...


Nhận xét