Nghĩ về đạo y của Hải Thượng Lãn Ông,




Mùa xuân năm 2014, tôi và nhà văn Nguyễn Trọng Huân và nhà báo Mai Dung tham gia Ban giám khảo vòng sơ khảo Liên hoan Phát thanh khu vực các tỉnh phía Bắc tại Đài Phát thanh truyền hình Nghệ An. Xong việc, chúng tôi ngược đường lên Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh thăm một người quen là nhà giáo Vũ Trọng Hoài, và tìm hiểu mô hình nuôi hươu lấy nhung ở đây. Vũ Trọng Hoài đón chúng tôi ở điểm hẹn, anh bảo, gần đấy có Mộ phần đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, và ngỏ ý đưa chúng tôi đến thăm viếng...

Trước đây, tìm hiểu, tôi đã biết, danh y Lê Hữu Trác chán cảnh triều chính xã hội tao loạn cuối thời vua Lê chúa Trịnh, mặc dù ông đã được chúa Trịnh Sâm hai lần triệu về kinh sư, chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chính chúa Trịnh Sâm, được nhà Chúa trọng vọng, nhưng ông đã quyết rời bỏ kinh thành Thăng Long vào quê ngoại ở Sơn Trung, Hương Sơn (Hà Tĩnh), dành những năm cuối đời tiếp tục việc nghiên cứu y thuật, hái thuốc, hành nghê chữa bệnh cứu người, viết sách, đặng để lại cho đời sau những bộ sách quý... Lê Hữu Trác sinh ra trong một dòng tộc khoa bảng ở Liêu Xá, Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên), nhưng ông lại không theo con đường khoa của của cha ông, mà ngay từ trẻ lại về sống ở quê ngoại Hương Sơn theo học nghề y.
Khi thắp hương viếng Đại danh y, mây trời từ rừng núi phía tây nổi giông gió rồi đổ mưa, trận mưa cuối xuân thấm nhuần đất đai cây cỏ...
Trở ra, tôi đã làm bài thơ này:
         
Lắng mình trước mộ Lãn Ông
Người yên nghỉ giữa mênh mông đất trời,
Ngàn Sâu, Ngàn Phố đầy vơi
Mấy trăm năm trước đón Người về đây,

Xa xa xanh thẫm rừng cây
Bóng Người lẫn với ngàn mây thuở nào
Cực thân hái thuốc non cao
Cứu nhân độ thế gian lao quản gì,

Phồn hoa đô hội bỏ đi
Chính trường tao loạn kể chi nhân quần
Cầm bằng giữ lấy chữ Nhân,
Dụng tài dụng đức chuyên cần đạo y,

Thượng kinh ký sự  truyền kỳ,
Y tông tâm lĩnh cũng vì mai sau,
Buồn sao những kẻ mưu cầu,
Quên đi y đức vò nhàu lương tâm !...

Một vùng trời đất lặng câm
Gió mùa bỗng nổi lâm thâm mưa về...

Bài thơ này, sau đó đã được bạn bè, người quen của tôi chia sẻ, đồng cảm với tác giả về đạo y của Đại danh y Lê Hữu Trác...
Bác sĩ Trương Thị Mầu, nguyên Giám đốc Bệnh viện huyện Bá Thước, Thanh Hóa: “Tôi vẫn thuộc 9 điều Y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông. Ngày xưa có nhiều người treo ấn từ quan để về quê làm thuốc chữa bệnh cứu người. Vậy nghề Thuốc cần chất Người nhất. Cần cái phần tốt đẹp trong sáng để hành nghề. Cần biết động lòng trắc ẩn, thiếu nó thì rầu lòng lắm. Nhiều người nói một đường làm một nẻo, nên lắm nhiễu nhương. Cám ơn anh đã cho hiểu sâu thêm về danh y.”.

Nhà thơ Lê Điệp ở Cẩm Phả, Quảng Ninh: "...Cầm bằng giữ lấy chữ Nhân,/ Dụng tài dụng đức chuyên cần đạo y,"...vậy mà thực tế ta vẫn  phải "... Buồn sao những kẻ mưu cầu,/ Quên đi y đức vò nhàu lương tâm !..." Mong những người trong ngành y bây giờ đọc bài thơ này soi gương nhìn lại mình!”

Nhà giáo Hoa Mai ở Thành phố Hồ Chí Minh: “Cầm bằng giữ lấy chữ Nhân/ Dụng tài dụng đức chuyên cần đạo y...”. Thực lòng, mình muốn nhiều thầy thuốc ở ta đọc bài thơ và ghi nhớ câu thơ này”.

Nhà thơ Trần Ngọc Ước ở Quảng Ninh:
“Tôi đọc bài thơ này và muốn nối vần cùng tác giả:
Một vùng trời đất lặng câm
Gió mùa bỗng nổi thâm thâm mưa về,
Mới hay cái đạo làm nghề
Đồng tiền đưa lạc lối về ngành y. “

Nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn ở Đông Anh, Hà Nội cảm thán với một sự hoài nghi không nhỏ:
          “Phồn hoa đô hội bỏ đi/ Chính trường tao loạn kể chi nhân quần/ Cầm bằng giữ lấy chữ Nhân,/ Dụng tài dụng đức chuyên cần đạo y, ...
          Mấy ai có nhân cách lớn ấy!?...”.

          Nhà thơ Phạm Đăng Kinh lấy việc đối vịnh để ca ngợi đạo ý của Hải Thượng Lãn Ông:
“Một mình bên mộ Lãn Ông
trời xanh, mây trắng với bông hồng đào
ta ngồi lặng giữa trời cao
viếng người trong cõi chiêm bao một mình

Rừng xanh thẳm, sắc lung linh
lâm thâm lá thuốc rung rinh sắc trời
non cao , đường dốc lên trời
cứu nhân độ thế suốt đời cho dân

Đời người chỉ một chữ nhân
khi tài đức , cả lúc cần...đạo y
vẫn còn bao kẻ mê si
bỏ quên y đức, nghĩ gì lương tâm !

Trời mờ đất cũng lặng câm
heo may vẫn thổi, lâm thâm mưa phùn ...”

          Bằng cách này hay cách khác, mọi người đều bày tỏ sự kính trọng nhân cách và y đạo của Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, đồng thời cũng lấy làm buồn lòng về sự sa sút đạo y của ngành y ở ta hiện nay...
          Tôi có một người quen, anh là bác sĩ Nguyễn Vinh Dũng, chuyên phẫu thuật thần kinh ở Bệnh viện E Hà Nội. Là một quân nhân thời chiến tranh gian khổ, xuất ngũ, theo học tiếp trường y con dang dở khi nhập ngũ, sau là một bác sĩ giỏi. Ngoài công việc ở bệnh viện, anh có thú vui là chơi môn thể thao bóng bàn và viết blog. Tôi đọc khá kỹ các bài viết trên trang blog của anh, ở đấy, ngoài phần hồi ký về cuộc đời quân ngũ và ý kiến về các vấn đề nóng của xã hội hiện nay, thì anh dành nhiều trang viết cho nghề y và công việc của một bác sĩ phẫu thuật, hàng ngày phải đối diện với sinh tử của bệnh nhân, đồng loại. Tôi đặc biệt thích những bài viết kể chuyện những ca cấp cứu khó, những tình huống xử lý bệnh trọng và cả tâm lý của chính mình cùng các đồng nghiệp khi hành nghề... Hơn một lần, anh phân tích mổ xẻ tâm lý của các tiêu cực trong ngành y hiện nay bị người ta xem như là biểu hiện của sự sa sút đạo đức nghề, không phải để biện hộ cho ai, mà như đi tìm sự cứu rỗi cho mình. Đã có lần, tôi nghe anh giãi bày tâm sự khi chúng tôi trò chuyện với nhau, về dự định hoàn thiện cuốn sách  y học của mình và cả những dự định sẽ tiếp tục làm việc cho một bệnh viện tư nào đó... Tiếc thay, anh chưa kịp thực hiện những dự đinh đó thì đã ra đi mãi mãi bởi một cơn nhồi máu cơ tim khi đang thi đấu bóng bàn vào ngày nghỉ giữa mùa nóng oi xứ Bắc...
          Tôi nhớ, ngày ấy, khi đọc bài thơ viết về Hải Thượng Lãn Ông, anh đã gọi điện cho tôi, bày tỏ suy nghĩ của mình về bậc danh y và đạo y ngày nay mai một ra sao, nguyên cớ thế nào... bởi anh sợ ghi cảm nhận thì không xuể, không thể hết bao ý nghĩ cứ lởn vợn trong đầu, nhất là lý giải cái gọi là “sự sa sút của đạo nghề”...
          Giờ đọc lại bài thơ này, lại nghĩ về sự cống hiến vô bờ bến của bậc đại danh y xưa, và thấy nhớ người bạn bác sĩ của mình...
          Ừ mà, người tủ tế sao không trường thọ nhỉ !?... ./.

Nhận xét