Người rong chơi cùng văn chương ( II )



Việt An trong một lần thăm bạn ở Sài Gòn. 

3. Đối thoại văn chương,
          Ngày ấy, liền dăm năm (2009-2013), Blog Tiếng Việt (BTV) hưng thịnh lắm, bởi xứ ta chưa biết đến facebook, vả lại, BTV với cấu trúc, tính năng của mình rất phù hợp với văn chương thơ phú, tính tương tác lại cao, nên dân văn chương chữ nghĩa biết chút vi tính (IT) đều lập trang riêng ở đây. Việt An mầy mò vào đây đọc bài trước cả tôi. Tuy nhiên, Việt An chủ trương không lập trang riêng mà chỉ vào đọc bài và ghi cảm nhận khi thích với tư cách là bạn đọc. Anh không muốn phụ thuộc, bởi nếu là blogger thì phải thường xuyên đăng bài, rồi trả lời cảm nhận của người khác khi họ vào trang của mình, và cũng phải sang trang nhà họ chào hỏi cho phải phép. Đại khái, khá mất thời giờ và phiền hà, đấy là chưa kể "tai nạn" vì phát ngôn không khéo làm phật lòng người. Thích rong chơi với văn chương mà lại không muốn "chịu trách nhiệm", Việt An khôn ngoan chọn vai làm khách (bạn đọc). Trang cá nhân ở BTV thì ngàn vạn, nhưng Việt An thường chỉ vào đọc một số trang cá nhân của người quen, bạn bè mà anh quan tâm, quý mền như: nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trọng Huân, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền (thân sinh nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến), nhà thơ Chử Thu Hằng, nhà thơ Trương Hữu Lợi, nhà văn Nguyễn Cao Thâm, nhà văn Lưu Quốc Hòa, nhà thơ Trần Hồng Giang ... và một số cây bút khác như Phạm Tâm An, Phạm Thu Hà, Phạm Huy Việt, Phan Bích Thủy, Nhược Mộng, Vũ Trọng Hoài, Nguyễn Tùng Quân, Văn Lâm An, Hoa Yến Lan, Thoại Lê v.v... Riêng với tôi, bạn học cũ và thân nhau nên Việt An hầu như không bỏ sót bài nào. Và một khi để lại bút tích, Việt An thấu đáo, sắc sảo lắm, chứ không phải khen đại khái cho đẹp lòng nhau như  mọi người hay làm..
          Chỉ bàn riêng trên trang của tôi (Ngẫm & Viết), Việt An đã để lại nhiều cảm nhận, mà thực ra nhiều trong số đó là những bài viết hay, cảm nhận văn chương cho thấy sự am tường, sâu sắc, nhiều khi không hẳn cho bài viết cụ thể nào, mà chỉ mượn cớ để rồi bàn về các vấn đề về văn hóa, văn học, lịch sử, khoa học thường thức, lối sống xã hội, ẩm thực... Có thể, phân biệt những cảm nhận của Việt An thành hai loại...
         Thứ nhất, đối thoại về văn hóa xã hội, và văn chương.
         Chẳng hạn, khi tôi đăng loại ký sự sau chuyến đi Nhật Bản, bàn về hội chứng ngại tiếp xúc xã hội của giới trẻ Nhật hiện nay, Việt An bàn góp: "
Khi xã hội phát triển luôn có những hệ lụy của nó. Con người dường như lại cô đơn hơn trong xã hội hiện đại. Không chỉ ở Nhật, ngay ở Việt Nam thôi, ngày xưa nhận được lá thư là mừng lắm. Tình người như hiện lên qua nét chữ, màu mực. Bây giờ chỉ cần điện thoại, không mấy ai còn viết thư nữa. Có lúc tôi lại thèm nhận một lá thư với cái phong bì tự chế ngày xưa đấy".
         
Hay như, tôi đăng bài luận Quần cư, Việt An bình:"Bây giờ, con người ta vẫn sống quần cư. Chỉ khác, cái quần cư bây giờ mang dáng dấp quần cư kiểu...đàn nhím. Những con nhím sống với nhau luôn giữ khoảng cách. Nó không xa nhau quá, làm mất đi hơi ấm lúc Đông về. Nó cũng không gần nhau quá. Khi quá gần nhau, gai con này có thể làm đau con kia, và đau luôn chính mình. Quần cư kiểu đàn nhím, ngày càng rõ nét hơn trong xã hội hiện đại. Hình như trong hôn nhân cũng có khá nhiều hạnh phúc kiểu...tổ nhím!"...
Về văn chương, khi tôi đăng mấy truyện Hiên mưaNgõ trúc và Chúa tể của núi tuyếtViệt An nhận xét: "Đọc văn mỗi người có cảm xúc rất riêng. "Hiên mưa", "Ngõ trúc" là cách viết tự sự , mang tính hoài niệm. Cảnh vật, con người, không gian, thời gian, quá khứ, hiện tại đan xem. Mọi thứ như rõ nét, lại như chìm đi, lãng đãng, mờ ảo, sương khói. Nhân vật chỉ thấp thoáng, ẩn hiện, lúc có, lúc không. Kết cấu như là lỏng lẻo, mong manh, kết lại với nhau chính bằng sự liên tưởng xuyên suốt. Sự liên tưởng ấy tạo nên cái lo-gic, suy tư, thấm đẫm xúc cảm kỉ niệm của con người, khi tìm lại dấu chân xưa...Chất thơ cũng phảng phất, ẩn giấu trong con chữ, mạch chuyện, tạo nên nét đẹp của thẩm mỹ văn chương, cũng như nét lãng mạn riêng. Nói chung, NCN viết văn giàu cảm xúc và chất thơ. "Hiên Mưa", hay "Chúa tể của núi tuyết", có nhiều đoạn làm người đọc, như bị cuốn theo, thả hồn cùng vẻ đẹp mộng mị của văn chương.... Đây là cách viết khó, thể hiện tác giả (NCN) là người cầm bút chắc tay. Kiểu văn này là văn dành cho "người đọc chậm". Cảm xúc người đọc chín dần cùng với sự ngẫm ngợi và suy tư...".
           Khi tôi đăng bài thơ Nợ quê (30.12.2009), Việt An bình: "Tôi đã nói, văn của tác giả là văn viết cho "người đọc chậm". Quả là thế, ẩn chứa trong những con chữ là sự ngẫm ngợi và suy tư. Chất thơ, sự lãng mạn thấm đẫm trong văn phong. Sự sâu lắng và lãng mạn bây giờ lại hiện diện trong thơ NCN. Với ngôn từ giản dị, không cầu kỳ, không làm dáng, mà sự truyền cảm cứ len vào lòng người đọc. Phạm Tâm An đã khá tinh, khi trích dẫn cặp lục bát rất hay của bài thơ :"Đời người sao lắm bến mê/ Một đi, một đợi, một quê, một tình!" Cuộc đời dù có bao nhiêu bến mê, thì quê hương vẫn là tất cả những bến mê cộng lại." 
           Hay như, tôi đăng bài thơ Cán Cấu chợ phiên (28.02.2010), Việt An bình: "Bài thơ “Cán cấu chợ phiên” của tác giả, tôi chợt nhớ đến bài thơ “Chợ tết” nổi tiếng của Đoàn Văn Cừ. Phiên “Chợ tết”, dưới ngòi bút của Đoàn Văn Cừ xưa hiện lên sống động, đầy cuốn hút. Sinh hoạt bình thường của “Chợ tết” trở nên thơ… đến bất ngờ :“Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha./ Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyêt./ Con gà sống mào thâm như cục tiết,/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem”(Đoàn Văn Cừ). Thơ “Chợ tết” của Đoàn Văn Cừ, mang nét quen thuộc của một phiên chợ tết vùng xuôi. Bài “Cán cấu chợ phiên” của NCN, mang đến một khám phá mới cho bạn đọc, về sinh hoạt chợ phiên, nguyên bản của vùng cao. Đó là điều mới mẻ và thú vị. Hơn thế, bút pháp thể hiện của tác giả (NCN) cũng khá lạ. Địa danh “Cán cấu” được lặp lại liên tục trong suốt bài thơ, mà không có cảm giác đơn điệu. Cứ sau mỗi từ “Cán cấu”, lại là nét phác họa lạ lẫm, mới mẻ về văn hóa chợ phiên vùng cao. Cách thể hiện này hay, nhưng khó. Nếu sự khắc họa sau mỗi điệp ngữ không rõ nét, không đủ sức lôi cuốn, bài thơ sẽ giảm sức hấp dẫn vì rơi vào cảm giác đơn điệu. Sự vững vàng trong cách thể hiện của tác giả, đã biến cái khó, thành cái hay, thành nét độc đáo riêng của bài thơ... Cán cấu chợ phiên”, là hình ảnh sinh hoạt văn hóa tươi rói, lấp lánh sắc màu, và đầy ắp sự kiện. Tôi thoáng chút bỡ ngỡ, như người đi lạc vào một thế giới đầy mê hoặc:“Cán Cấu leng keng sứ sành đồng sắt/ Cán Cấu gà quác, ngựa hý, chó sủa, lợn kêu/ Cán Cấu ngóc ngách tiếng cười rúc rích/ Cán Cấu Tây- Tàu, Mông- Việt hả hê”... Phảng phất ở đó là nỗi niềm riêng -vui, buồn riêng, tạo nên một khoảng lặng trong cái ồn ã náo nhiệt đời thường “Cán Cấu, ai đó cúi gằm ngậm ngùi tình cũ/ Cô giáo Kinh rơm rớm lén chùi nỗi nhớ xuôi/ Mẹ rồi con và ngựa đôi mỏi chờ mong ngóng chủ/ Cán Cấu chợ phiên còn lại mỗi mình tôi”... Lắng lại trong khổ thơ cuối là sự suy tư , như rõ nét, như mơ hồ…mở ra cho bạn đọc một khoảng mênh mông của sự liên tưởng, về cái còn, cái mất, cái đậm nét, cái nhạt phai, của văn hóa, của tâm hồn, và tình cảm trong mỗi con người."...
          
Hay như, nhân một lần bàn về thơ sinh viên, thơ tình, Việt An viết lại mấy bài thơ của tôi và Trịnh Bá Ninh theo trí nhớ của mình, và sau đó đã xảy ra một cuộc đối thoại thơ khá thú vị giữa những người bạn với nhau trong BTV (tên gọi vui là Xóm Lá) Trần Đăng Khoa, Trần Hồng Giang, Chử Thu Hằng, và tôi. Việt An khơi mào: "Thơ Lục bát dễ về vần điệu, nhưng viết được hay rất khó. Xem như cái "rất khó" ấy đã được giải quyết bởi bài thơ "Tôi về lại xứ hoa Đào" của NCN".  Trần Đăng Khoa cũng khen bài thơ này, thì Trần Hồng Giang tếu táo chọc phá, Việt An chen ngang: "Trần Đăng Khoa khen Chu Nhạc là khen thật đấy. Dù Trần Đăng Khoa có là Thần Đồng thơ, thì tới thời điểm Chu Nhạc viết bài thơ trên, TĐK chưa có bài thơ tình nào khả dĩ. Không chỉ làm thơ tình yêu, mà việc biến thơ tình thành hành động "cách mạng" trong tình yêu, CN vẫn hơn TĐK vài bậc. Khoa không khen CN mới là lạ! Nói nhỏ, hồi đó TĐK, và cả Việt An còn rất i tờ trong tình yêu, thì CN đã có "của ăn của để" rồì"...  Trần Hồng Giang tiếp tục khiêu chiến: "Anh Việt An! Em có một anh bạn văn chương, một lần tán chuyện về nhà thơ Trần Đăng Khoa, anh này bảo: "Thằng cha này hầu như chả có bài thơ tình nào, mà có thì đọc cũng chả ra hồn, thế mà lấy được cô vợ xinh thế chứ! Hóa ra tán gái bằng thơ không ăn thua chúng mày ạ! ".  Việt An hùa vào chọc Trần Đăng Khoa: "Trần Hông Giang! Công bằng mà nói, bài "Thư tình của người lính Biển", rất đáng đồng tiền bát gạo. Bài đó được phổ nhạc và trở thành một  trong những bài tình ca hay nhất về lính biển. Không những thế, tụi "lính nhậu" cũng rất thích, vì nó được "tái chế" rất vui nhộn: "Sau chia tay, anh ngồi trong quán nhậu. Rượu 1 bên và bia 1 bên. Rượu nồng nàn, bia lại dịu êm. Anh như con tầu lắc sóng cả 2 thứ. Rượu và bia...còn em thì quên".  Nếu nói TĐK không có bài thơ tình nào ra hồn, thì cũng chưa hẳn đúng. Với bài "Thơ tình người lính biển", làm bạn đọc nghi ngờ: Có khi lão Khoa có cả kho thơ tình chưa công bố cũng nên.". Và Việt An lại mượn tôi trêu Khoa : "@Chu Nhạc! Tôi đang lấy bài "Thư tình của người lính biển" làm "lá chắn", che cái "gót chân Asin" của Lão Khoa, thì CN lại "tố khổ" giúp Lão Khoa.  Khoa viết rất ít thơ tình, mà vẫn cứ lấy được vợ trẻ, đẹp. Đúng như anh bạn của Trần Hồng Giang nói:"Hóa ra tán gái bằng thơ không ăn thua chúng mày ạ!".  Đến mức, Trần Đăng Khoa không nhịn nổi phải lên tiếng: "Bà con Xóm Lá! Tôi rất kính trọng bà con (không phải khen khéo hay khen đểu) vì sự thông minh lọc lõi đến kinh hồn. Thế mà toàn những bậc tiên đế quái quỷ trong từng trải lại bị ông đồ nỡm. Bài thơ này ông đồ mới làm, hoặc chỉnh lại từ cái khung cũ mờ nhạt hoặc méo mó. Nếu Nhạc có bài thơ này thì chắc lão đã khoe và Lão Khốt cùng Việt An biết ngay. Nếu Nhạc có bài này thì ngày xưa gái chết như rạ. Nhưng ngày ấy, Lão Chu Nhạc yêu nhiều nhưng chả "tóm" được ai. Gái bay hết, chỉ có lão héo hắt, sống dở chết dở. Thơ Lão ta hồi ấy như thơ ông cụ. Bây giờ lão mới nõn nường đấy.". Việt An đứng hẳn về tôi, bênh: "@Lão Khoa!Ừ nhỉ! Sao hồi đó Lão Chu Nhạc khoe bài thơ nhỉ. Giống như Lão Khoa khoe tiểu thuyết "Bước chân thứ nhất" ấy. May mà lão Khoa khoe từ ngày ấy. Nếu không, sau này mọi người bảo Lão Khoa nói dóc. Lão Nhạc không khoe, có thể vì lão ấy ngượng ngùng. Mới tí tuổi đã viết thơ tình, cũng ngại chứ. (Thời đó, con trai vừa mới lớn, mặt còn măng sữa, được "đứa" con gái nào đó gọi bằng anh, là sướng tê, sướng tái rồi. Sướng thộn cả mặt ra ấy chứ). Vì ngại, nên Lão Nhạc "biển thủ" thơ tình, để...đọc một mình. Bây giờ lão Nhạc dắt "con" ra trình làng, cũng phải cho "con" ăn mặc tươm tất một chút chứ. Miễn đúng là "con" lão Nhạc, sinh ra từ ngày ấy là được."... 
         
Đại khái vậy. Thực ra, bỏ qua các chi tiết đùa vui tếu táo mang tính cá nhân, là những suy nghĩ nghiêm túc về văn thơ và mối tương tác của nó với cuộc sống... 

         
Thứ hai, Việt An làm thơ bông lơn, hoặc tiếp nối thơ của Chủ bút, hoặc đối thoại thơ với một số blogger khác trong phần ghi cảm nhận của mình...
         
Ví như, bài tản văn ngắn của tôi nhân đọc entry của blogger MTV (bài viết của Phạm Thu Hà) về hương vị đầu thu Hà Nội, Việt An đùa: "Cháu lớn lên rồi - xinh quá thôi/ Má hồng, mắt biếc - Thắm đôi môi/ Ước chi, chờ chú trăm năm nữa/ Khi ấy cùng già... sẽ xứng đôi.".
         
Hay như, Việt An bông lơn cái bút danh của Nguyễn Vĩnh Tuyền (thân sinh nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến) là BẢO THƯ TUỆ NHÃN băng cách lấy từng chữ ra thành thơ: "BẢO ở nhà thiền lại đến đây/ THƯ phòng bỏ ngỏ nhện giăng mây/ TUỆ minh mấy chữ thơ thành phú/ NHÃN mãn nhìn nhau rượu rót đầy...", cũng là ngầm chọc ngoáy cái bệnh la cà thi phú của bậc đàn anh này...
          
Hay như, Việt An đùa Trần Đăng Khoa: "Một trong những giai thoại "lùm xùm" nhất là chuyện TĐK lấy vợ. Chương trình "Gặp nhau cuối tuần" của Truyền hình VN, làm hẳn một buổi phát sóng về sự kiện này, theo cách nhìn hài hước. Khi TĐK có con, báo An Ninh Thế Giới có hẳn một bài viết kín cả trang báo. Kèm bài viết là bức hí họa, với hình ảnh TĐK vừa bế con, vừa quậy bột, Ngón chân cắp cái bàn là (ủi), đang là (ủi) quần áo... dưới nền nhà (!?)Nhìn cảnh huống đó, tôi bật cười, và táy máy ghi vào cạnh bức hí họa mấy câu: "Khoa ơi lấy vợ sướng chưa Khoa?/ Khói bếp cay cay - nước mắt nhòa/ Tay bế con thơ, tay quậy bột/ Hỏi rằng, có tiếc tháng ngày qua ?". Hỏi chơi vậy, tôi tin rằng TĐK luôn hạnh phúc với tổ ấm của mình.",
         
Hay như, dịp xuân năm 2012, tôi đăng mấy bài thơ xuân Giêng haiUống rượu ở Sơn La, vào ghi cảm nhận, Việt An đã đối thơ với một nữ blogger ở Đà Nẵng-Mimosadn-đồng nghiệp với tôi. Lấy khổ kết bài Uống rượu ở Sơn La "... mong thời gian chớ qua mau/ nên câu thủ thỉ nên bầu tâm can/ kẻo đêm tỉnh giấc mơ màng/ em thì chẳng thấy bẽ bàng riêng ta...", Việt An nối vần "Quờ tay chạm phải vợ nhà/ Tiếc hùi hụi - rượu Sơn la nửa chừng...!", Mimosadn đùa: "Rượu Sơn La uống nửa chừng/ Uống vào rồi thấy... lừng khừng mới hay ...". Việt An tiếp: "Rượu nào mà rượu chả cay/ Uống vào mới thấy rất hay,... khi mà...". Mimosadn nối:"  Hăng lên, hào mốt, chẳng thà/ Năm xu, đỡ tốn, lại là... rất hay...". 
         
Hay khi bàn vui với bài thơ Giêng hai của tôi, Mimosadn khiêu khích: "Giêng hai anh thả bùa thơ/ Để cho các chị nằm mơ ...giật mình!?", Việt An nhào vô, nối vần: "Riêng em nhớ chè Cung đình/ Dạo Phố Đà nẵng... thình lình gặp mưa/ Hỏi rằng, mưa ướt hết chưa/ Hay là chỉ ướt chỗ thưa... chỗ dầy?"...
          Nhớ một dạo, BTV bị rớt mạng, lỗi hệ thống, không hiển thị đến mấy tuần, mọi người nhắn tin cho nhau, thở ngắn than dài vì buồn chán, vì mất đường giao lưu,... Việt An trêu mọi người, làm bài thơ Tình Blog
Tưởng đâu “bờ lốc – bờ leo”
Phen này chắc bị phăng teo mất rồi

Lão ông nhấp nhổm đứng ngồi
Lão bà thắc thỏm như hồi đang yêu
Mấy ngày mới tạm treo niêu
Xem ra các lão tiêu điều ngẩn ngơ

Lão ông mặt mũi bơ phờ
Tay ôm bình rượu, tay sờ…củ khoai
Lão bà chẳng biết nhớ ai ?
Nửa đêm mở máy, bấm hoài mà rên!

May mà hết rủi lại hên
Lão ông lại được…ở bên lão bà
Canh khuya lại được qua nhà
Cứ như…đi bắt trộm gà - thích ghê!

Dẫu cho chẳng hẹn, chẳng thề
Ai yêu “bờ lốc” thì về với nhau…

         
Đại khái, những cuộc bông lơn thơ phú kiểu như thế của Việt An trên Xóm Lá ngày ấy rất nhiều,... Sau này, Việt An tham gia Facebook, tôi để ý, Việt An vẫn sử dụng lối diễn đạt hài hước này, phần lớn để châm biếm một cách sâu cay và hiệu quả những thói hư tật xấu và các biểu hiện tiêu cực trong xã hội.... Âu cũng là hay!?...

4. Chút tình thơ văn.
          Là bạn thân với nhau ngần ấy năm, tôi biết, dù chủ trương không theo nghiệp bút nghiên, không bị bả văn chương quyến rũ, nhưng thâm tâm, văn chương vẫn theo đuổi, ám ảnh Việt An trong tiềm thức. Dù nén lòng, không bộc lộ, nhưng mỗi khi, vô tình hay hữu ý, tiếp xúc với môi trường văn chương, thì cái mầm non văn chương thơ phú thuở học trò, không lớn thành cây nhưng cũng không thui chột, nó lại cựa quậy trong lòng anh, lớn lên một chút. Việc Việt An nhớ và thuộc nhiều bài thơ của tôi và Trịnh Bá Ninh làm từ thời sinh viên, cả những bài thơ Trần Đăng Khoa xuất bản miệng lúc bạn bè vui đùa (mà chúng tôi đã quên, hoặc chỉ nhớ lòm bõm), điều đó, vô hình chung, tố cáo, rằng anh chưa bao giờ nguôi chuyện văn chương, mà chỉ cố tình lờ đi thôi. Chính Việt An là người đã giúp tôi tìm lại được một số bài thơ mà tôi sáng tác từ ngày trẻ trai, đặng nhuận sắc, đưa vào mấy tập thơ xuất bản (Chút Thu-NXB Văn học 2011, Hiên Lan-NXB Văn học 2012).
         Có lần, nhân bàn về thơ sinh viên, thơ tình, Việt An đã không cầm lòng nổi, trình làng một bài thơ của mình.
          Bài thơ Em có về quê cũ?
          Em có về quê cũ không em ?
          Tối đón trăng lên, nước về - sông Đáy hát
          Lúa con gái đang thì - xanh bát ngát
          Cánh đồng quê hương cỏ dại thơm nồng

         Bờ dâu xưa - ngày ấy mẹ trồng
         Giờ đã biếc muôn ngàn con mắt lá
         Nong tằm chín - sợi tơ vàng óng ả
         Sớm mai hồng chim hót ở trên cao.

        Đêm mùa hè - sông Đáy rụng đầy sao
        Em gánh nước - gánh sao về lấp lánh
        Đi cùng lối, gặp nhau - em khẽ tránh
        Miệng cười giòn, ánh mắt cứ đung đưa

        Không biết bây giờ em lấy chồng chưa ?
        Mà lâu quá không về thăm quê cũ…
        Mái đình cong, cây đa già bóng rủ
        Ngôi chùa Hà cờ ngũ sắc tung bay…

        Mỗi dịp Xuân về trời đất như say
        Người trảy hội nối nhau về bến Đục
        Có em không giữa dòng người nao nức?
        Mà anh tìm - anh chẳng thấy em đâu ...

        …Về đi em - Anh đón ở bên cầu
         Bến xe khách vẫn ngay đầu phố huyện
         Về đi em - để một thời lưu luyến
         Sẽ ấm lòng những lúc phải xa quê…


          Bài thơ nhẹ nhàng, duyên dáng, song có phần dàn trải. Tôi nghĩ, đây không phải là cái tạng của Việt An. Phải chăng, anh cố làm khác đi, như thể muốn nịnh ai đó, nên vờ nói khẽ cười duyên, bởi Việt An là con người của lý trí, của sự súc tích và sâu sắc. Bằng chứng, trước khi lộ diện bài thơ này, anh đã phi lộ bằng mấy câu thơ trong một bài thơ nào đó của mình, như: "Một thời mái tóc em xanh/ Một thời sỏi đá cũng thành ngẩn ngơ..." và "Một thời như lạ như quen/ Một thời sóng sánh như men rượu nồng/ Ngày em cất bước theo chồng/ Nhớ em như thể - mình không phải mình...". 

         
Bản tính này đã từng được Việt An thể hiện trong thẩm và bình luận văn chương, hay như trong dịch thơ Hán Nôm. Sau đây là mấy bản dịch thơ Đường của Việt An:

Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu)

Hạc vàng người cưỡi khuất xa rồi,
Hoàng Hạc lầu còn với nắng thôi
Muôn nhớ hạc xưa nay vắng bóng
Ngàn thương mây cũ vẫn còn trôi
Hán Dương mây tạnh cây soi bóng
Anh Vũ hương nồng cỏ tốt tươi
Bóng đổ chiều buông quê chợt nhớ
Sông buồn khói sóng dạ đơn côi.

Hay như bài Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương,
Đi xa từ nhỏ, già quay về
Tóc bạc, vẫn nguyên chất giọng quê
Lũ trẻ đứng nhìn đâu có biết
Chào cười hỏi phải khách sơn khê ?


Hay như bài Đề Đô thành Nam Trang của Thôi Hộ, 
Nhà cũ, cài then, nay vắng không
Nhớ ai gương mặt ánh đào hồng
Ngẩn ngơ tự hỏi người đâu nhỉ ?
Chỉ thấy đào xưa cợt gió Đông.


        
Việt An là người có kiến văn phong phú. Có lần, bàn luận về văn hóa ấm thực (Canh chua cá rô bông súng), tôi kết bài viết: "Mà đã là văn hoá, thì dù có mệnh danh văn hoá ẩm thực, cũng đâu phải chỉ là chuyện ăn uống đơn thuần, ở đó, còn có thổ ngơi, phong tục, hồn cốt, tính cách con người một vùng đất hun đúc mà thành!...".  Việt An khoái quá, bàn thêm: "Kết rất hay. Văn hóa bắt đầu từ những gì giản dị nhất. Đọc bài của bạn, tôi chợt nhớ đến món "mắm cáy" quê tôi. Mời bạn "nếm thử" nhé :  ...Mắm Cáy, được làm từ con cáy, tất nhiên rồi, không được lẫn cua, hay cá trong đó. Cách làm mắm ngon là cả một nghệ thuật dài dòng, nên tôi không nói đến ở đây. Tôi sẽ nói về chuyện thưởng thức mắm cáy. Mắm Cáy ngon, bỏ vào đó một vài trái ớt chỉ thiên, vắt chanh vào, dùng đũa quậy đều lên… Bạn nhớ quậy theo chiều kim đồng hồ nhé, nếu quậy ngược lại, sẽ không ngon đâu !!?. Bạn dùng nước mắm này để chấm rau muống luộc, hoặc ngồng cải luộc thì thật tuyệt vời. Rau muống ngon nhất, là rau hái sau một đêm mưa rào. Còn ngồng cải, là lọai chưa kịp trổ hoa kìa, chứ loại “cải ngồng nhuộm nắng chân đê”, nở hoa vàng rực rồi, không ăn được.
          Mắm Cáy - món ăn dân dã, không đơn thuần là món ăn, mà còn là văn hóa và triết lý sống. Chắc các bạn cũng từng nghe những câu thành ngữ: “Nhát như cáy”, hoặc “Dùi đục chấm mắm cáy”, hay như “Ăn cơm mắm cáy, ngáy o o. Ăn cơm với giò, lo ngay ngáy”. Những câu thành ngữ ấy, đều có nguồn gốc từ…mắm Cáy.
           Trai gái quê tôi, khi yêu nhau, những nụ hôn mà thiếu mùi mắm Cáy, thì cứ như thiếu đi sự mặn nồng, thấy nhàn nhạt làm sao ấy (!?). Bây giờ ở quê có internet rồi. Nghe đâu, dân làng tôi bàn nhau đưa mắm Cáy lên mạng, xây dựng hẳn một trang web hoành tráng, có tên miền là “Mắm Cáy chấm cơm” (Mamcay.com). Mong sao, mắm Cáy được đứng ngang hàng với các loại mắm trên thế giới…mắm...". 
           Chuyện ẩm thực, bàn chơi vậy...
           Bàn về thơ Việt Anngoài những câu thơ đùa vui tếu táo kiểu xướng họa, hẳn sẽ không thấy một Việt An sâu lắng, chắt lọc. Gần đây, vô tình, tôi lượm được vài bài thơ của anh, và nói kiểu vỗ đùi đánh đét rồi thốt lên "Có thể  chứ, tiên sư anh Tào Tháo".
           Vậy ta xem Việt An sâu lắng ra sao: 
           Thoáng quê xưa

Mỗi lần về lại quê xưa
Thấy người quen cũ - cứ thưa vắng dần
Bông hoa cúc nở tần ngần
Sắc vàng ngơ ngác - tắt dần cuối thu

Đồng xa vẳng tiếng chim gù
Chuồn kim đá nước, ao tù rêu xanh
Hoe vàng một chút nắng hanh
Đàn gà xao xác bên mành giậu thưa

Quê nghèo cháy nắng, bạc mưa
Mới về, lại thấy - như chưa được về
Cải ngồng nhuộm nắng chân đê
Thoảng hương cốm mới bay về trong mơ... 

( Mùa Thu 2007)

          Bài thơ gam buồn, thoảng như một tiếng thở dài nhè nhẹ, nhưng đọc lại, thì da diết làm sao. Việt An thầm nhủ lòng mình mà như nói cho tôi, cho bạn, cho biết bao người từng có thời đi học ở quê, lập thân xứ người, đi xa lâu ngày trở lại. thấy làng quê thay đổi không cưỡng nổi, khi mà ký ức tuổi thơ vẫn tươi nguyên...

          Và đây nữa. bài “ Gởi nhớ về quê
Cuối tuần em sẽ về quê
Thả hồn, tôi lại muốn về cùng em
Quê nghèo - chốn cũ - lạ quen
Chiều buông - khói tỏa - lửa nhen ấm lòng

Gởi về một chút nhớ mong
Ngọn tre treo mảnh trăng cong cuối trời
Ao làng chín mọng sao rơi
Mái gianh nghiêng cả một thời ước mơ.

Gửi về một thoáng tuổi thơ
Bạn bè một thuở, bây giờ nơi đâu
Nước sông còn vỗ chân cầu
Lá sen, ai có đội đầu che mưa ?

Tiếng gà còn có gáy trưa
Em còn nhớ lối rào thưa sang nhà?
Gửi em chút nhớ làm quà
Cay cay khóe mắt, nhạt nhòa bóng quê.
(08/2008)

Hay như, bài thơ Có khi, làm như đùa ai đó, lúc dỗi bõ nhau, nhưng ở đó, ta lại thấy chiều sâu tâm thức:
Có khi em rất dễ thương
Ngon như thể trái ổi ương đầu mùa
Có khi em nắng, em mưa
Đang bão táp, bỗng dạ thưa ngọt ngào
Có khi em, có khi nào,
Hai ta mụ mẫm lạc vào trong nhau?...

          Đã có đôi lần, lúc trà dư tửu hậu nhóm bạn thân với nhau, tôi đùa Việt An nhưng thật lòng "Ông nên lục kho, đào bới mọi xó xỉnh, lôi hết của nả của mình ra, lựa chọn, nhuận sắc, in một tập cho vui... Tôi sẽ viết lời Tựa sách". Việt An ngỏn nghẻn, nụ cười khó trên gương mặt vốn khắc khổ, nghiêm túc của anh: "Ờ... thì cũng khó... Tôi cũng đã từng nghĩ đến... nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu?... Bởi thơ tôi, như mọi người bảo, cứ cho là hóm hỉnh đi chăng nữa, song mỗi câu, mỗi bài đều gắn với cảnh huống của nó...". 
         
Tôi thấu hiểu điều này, chia sẻ với Việt An: "Tôi biết bắt đầu từ đâu rồi... Ông hãy cứ bắt đầu bằng ý tưởng về một cuốn sách của mình... để tôi thử làm một phác thảo về ông cái đã ...". 
          Chẳng hay, rồi Việt An có dính bả văn chương, thơ phú? 
Văn chương nói chung và thơ ca nói riêng, vốn là một thế giới rộng lớn, mông lung, mà sự sáng tạo ở đó là không giới hạn. Với người ngoại đạo như tôi, thì thế giới ấy càng lạ lẫm. Riêng với thơ ca, đã có đủ cách định nghĩa, từ hàn lâm huyền bí, đến bình dân, và cả những định nghĩa tếu táo về thơ; càng đọc, tôi càng lơ mơ, không biết thực sự “Thơ là gì ?”. Đọc định nghĩa về thơ chưa đủ, tôi đọc thơ. Và thế là tôi rơi vào cái biển chữ, mà chẳng biết đâu là bờ. Đang loay hoay trong thế giới thơ, vừa hấp dẫn, vừa rối rắm ấy, tôi bắt gặp bài thơ “Vảy vàng” của nhà thơ Triệu Nguyễn. (Triệu Nguyễn, tên thật là Nguyễn Triệu, sinh năm 1947, quê Hải Dương, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam).
           Bài thơ giản dị như  lời tâm sự, giãi bày về nghiệp thơ và về thơ. Bây giờ không còn là thời đại của thơ ca, bởi con người hiện nay bận rộn, và có nhiều điều cần quan tâm hơn. Nhưng, ngay cả khi người ta quan tâm tới thơ nhất, cũng không mấy ai sống được bằng thơ. “Thôi, đừng huyễn hoặc nữa/ Làm thơ mà làm gì?/ Thơ bày trong quán sách/ Bạn đọc nhìn … quay đi!”. Đó là thực trạng có thật, khi thơ nay trở thành món ăn  tinh thần khó bán. “Tất cả giá đều tăng/ Chỉ có thơ là rẻ/ Nhà thơ sống bằng chi?/ Nhuận bút ư? - Nghỉ khoẻ!”. Phàm là nhà thơ, không mấy ai có đời sống khá giả. Nếu có khá giả, cũng không phải khá giả từ thơ. Nhà thơ tinh tế trong con chữ, nhạy cảm trong giao tiếp, nhưng lại không mấy ai nhạy bén trong công cuộc mưu sinh. “Có nhà thơ đích thực/ Từng húp cháo cầm hơi/ Lênh đênh trên biển chữ/ Mung lung trong sự đời”. Thực tế đã chứng minh:“Dẫu đốt trăm thiên thạch/ Soi mặt các nhà thơ/ Ai kẻ giàu, hiếm thấy/ Tự ngàn xưa đến giờ?”. Đọc đến đây, hẳn bạn đọc không khỏi suy tư về nhà thơ, và nghiệp thơ của họ. Bài thơ “vảy vàng” thoáng một chút gì đó, như là chua xót, như là hài hước, mang tính trào lộng, cho sự trớ trêu của danh phận nhà thơ.
Nếu coi làm thơ là một nghề, thì đó là nghề mang tính duyên nợ, chứ không hẳn là nghề kiếm sống. Tuy vậy, thơ cũng đã làm vinh danh nhiều người, dù cái danh ấy không làm khá hơn đời sống vật chất của họ.Với một số người khác, thơ trở thành cơ duyên giúp họ hanh thông trên đường đời, với những công việc, khác với việc làm thơ. Trong nhiều trường hợp đặc biệt, thơ trở thành cứu cánh, nâng đỡ con người, giúp con người “vịn câu thơ mà đứng dậy”. Hiếm có nghề nào khốn khó, và đa đoan như nghề thơ; Cũng hiếm có nghề nào mà sự lao động lại tự nguyện và đam mê đến thế. “Ôi, cái nghiệp lạ lùng/ Đa đoan và khốn khó/ Đã vắt, vắt kiệt mình/ Mà yêu không thể bỏ”. Trong một ý nghĩa nào đó, thì nghề thơ còn là nghề của sự cô đơn. Thơ vốn dĩ không phải là sản phẩm của lao động tập thể. Dù hạnh phúc, hay khổ đau, thì nhà thơ, luôn là người độc hành trên con đường của mình.
Thơ mang trong nó vẻ đẹp quyến rũ đến mê hoặc. Thơ ẩn chứa niềm vui, hạnh phúc, nỗi đau, sự cô đơn của bao kiếp người; hòa vào trong đó là hương thơm của hoa, mùi ngai ngái của cỏ dại, mùi nồng của mồ hôi, vị mặn mòi của nước mắt…Thơ lấp lánh bình minh,  dịu ngọt ánh trăng,  óng ánh bùn đất…Thơ còn đó, màu mực của đêm, tiếng thét gào của bão tố. Thơ ôm trọn cõi nhân sinh và cả sự hỗn mang của vũ trụ…Thơ là tinh túy của nghệ thuật ngôn từ. Có lẽ vì thế, mà nhiều nhà thơ, yêu thơ đến quên mình, yêu đến ma mị – như là cái nghiệp đã vận vào thân vậy.
Với đa số người yêu thơ, thì thơ là người bạn tâm tình, biết lắng nghe, chia sẻ cảm xúc buồn vui…Thơ nâng giấc tâm hồn. Thơ lưu giữ cho nhau bóng hình kỷ niệm.  Có điều gì như là nghịch lý, khi nói bây giờ không phải thời đại của thơ ca, trong khi số người làm thơ, và số tập thơ in ra hàng năm, đạt mức kỷ lục. Theo thông tin báo chí, mỗi năm có cả ngàn tập thơ được in ra. Đó là chưa kể thơ không in thành tập, được đăng tràn ngập trên các trang web và blog cá nhân. Thơ vẫn như mạch nước ngầm,  âm thầm chảy, hiến dâng cho đời.
Gần đây, có nhiều người tìm cách làm mới thơ. Điều đó là cần thiết. Nhưng, không ít người, đã cố gắng “làm mới thơ” đến mức lập dị, thoát ly hoàn toàn khỏi những giá trị truyền thống. Những câu thơ tắc tị, tối mò kiểu bí hiểm, hoặc sáng choang, xoang xoảng như kèn đồng, có gây ra một chút tò mò ban đầu, nhưng chẳng mấy chốc rơi vào quên lãng; Những con chữ vô hồn, chết còng queo trên giấy trắng. Bây giờ người ta không chỉ đọc thơ, ngâm thơ, mà còn trình diễn thơ, phá cách như lên đồng. Có một số người còn muốn thần thánh hóa công việc làm thơ, để rồi tự huyễn hoặc mình. Họ biến thơ thành thần bí và rối rắm, tự tạo cho mình một lối sống lập dị, cao ngạo một cách hoang đường…May mắn thay, những người như thế không nhiều.
Với các nhà thơ,  thơ như là máu thịt, con tim, khối óc; thơ là đứa con tinh thần. Ở góc độ lao động, thì thơ là sản phẩm của lao động thơ, mà người lao động  không  định giá cho sản phẩm của mình, và cũng không định được vòng đời của sản phẩm. Khi bước ra xã hội, thơ có đời sống riêng. Người quyết định giá trị và số phận của tác phẩm thơ, lại  thuộc về công chúng. Với thơ, nhà thơ chẳng có gì để toan tính cho riêng mình. Thơ thanh tao và giản dị, đạm bạc mà cao sang – Cái cao sang của cốt cách con người và giá trị nhân văn ẩn giấu trong thơ. Thơ dường như thoát khỏi những tuyên ngôn mang tính hàn lâm, để cúi xuống thật gần với thân phận con người. Thơ mang ý nghĩa của sự hiến dâng. “Thơ gần với nước mắt hơn là tiếng cười, gần với khổ đau hơn là reo hát, gần với sẻ chia hơn là chiếm đoạt”(Nguyễn Trọng Tạo). Lao động thơ cũng là lao động hiến dâng. Nhà thơ “Như những người đãi quặng/ Chợt vảy vàng hiện ra/ Lại biếu không thiên hạ/ - Ấy là thơ đó mà!”. Ngay cả trong những bài thơ, được coi là viết cho riêng mình, nhà thơ cũng gửi vào đó, bao nỗi niềm trăn trở, riêng - chung.
Với cách lý giải giản dị, qua bài thơ “Vảy vàng”, tác giả đưa ra cách nhìn gần gũi về nghiệp thơ, và về thơ. Trong cuộc sống đời thường, nhà thơ, trước hết là một con người, với bao bề bộn lo toan của món nợ áo cơm. Nhà thơ cũng bình thường như bao người khác; Có khác chăng, chỉ là khác, bởi đặc thù riêng của nghiệp cầm bút. Nhà thơ, cả đời ám ảnh với những câu thơ, như một người mắc nợ. Họ cần mẫn, đa đoan, nhọc nhằn “như những người đãi quặng”, chắt lọc từng con chữ, để rồi dâng tặng cho đời cái tinh hoa của nghệ thuật - những “vảy vàng” lấp lánh và khiêm nhường - ấy chính là thơ. Thơ không chỉ là tinh hoa của nghệ thuật ngôn từ, chứa đựng trong đó những giá trị nhân văn,  mà hơn thế, thơ còn là tinh hoa của lao động nghệ thuật, đầy hy sinh và dâng hiến.”
Vậy là đã rõ. Còn như, làm một tập sách kiểu này, tôi nghĩ, chẳng qua vẫn chỉ là một thú rong chơi mà thôi !?... 

         Hà Nội, tháng 6 năm 2019.





Nhận xét