Ơi con sông nuôi lớn tuổi thơ tôi,...





Hôm sang chơi nơi ẩn cư của nhà báo  Nguyễn Trọng Huân ở làng Lại Đà, Đông Anh (Hà Nội), hai chúng tôi đã đèo nhau dọc bờ đê sông Đuống lên tận Xuân Canh, nơi có ngã ba Dâu, điềm nguồn sông Hông chia nước cho sông Đuống. Ngang qua trạm thủy nông Xuân Canh vẻ hoang vắng, Trọng Huân bảo: "Dăm ba chục năm trước, cái trạm thủy nông này quan trọng lắm đây... Nay vắng như chùa Bà Đanh, chẳng hiểu nó còn hoạt động không, hay để thành phế tích ?".  Trọng Huân thở dài. Ngắm dòng sông nối nguồn phía trong đê nước trong xanh, cây cối đôi bờ xanh um, đủ thấy, có chăng trạm cũng cầm chừng...

         Những hình ảnh đó cứ đeo đuổi tôi. Tôi lại nghĩ về dòng sông quê tôi, cũng là một dòng chảy quan trọng của hệ thống thủy nông Bắc-Hưng-Hải từ hơn nửa thế kỷ trước, dẫn nước từ hạ lưu sông Hồng qua cống Xuân Quan thuộc Văn Giang (Hưng Yên), chảy cắt đầu thị trấn Bần Yên Nhân, ngang làng quê tôi thuộc Văn Lâm, tiếp xuôi vè mạn Cẩm Giàng (Hải Dương), và cuối nguồn nhập vào đâu thì tôi không rõ. Nó cũng không có tên cố định, khúc qua Bần thì được gọi là sông Bần, đoạn ngang qua làng tôi thì dân mấy làng ở đây gọi là sông Khê, theo tên làng quê tôi là Thanh Khê... Tôi nào ngờ, dòng sông này chảy mãi trong tôi, mặc dù, tôi chỉ gắn bó với nó chừng nươi năm tuổi đi học và đã rời quê trở lại phố phường nơi tôi sinh đã hơn bốn chục năm rồi...
           "... Con sông tuổi thơ tôi/ dòng chảy quanh năm suốt tháng/ âm thầm nuôi những cội đa từ thời Lý/ ngày bé, những thằng tôi/ đập chân bám rễ tập bơi/ nhí nháu chuồn chuồn cắn rốn/ mùa lũ/ nước/ từ sông Cái về cuồn cuộn/ ngầu ngầu phù sa/ nuôi cây trái ruộng vườn/ vất vả kiếp người/ lam lũ xóm thôn/ thấm giọng ru khê nồng trưa hè oi ả/ ấp ủ đàn bà ngực bồng, hồng đôi má/ tẩm sinh lực đàn ông giữ giống nòi..."... Tôi đã viết thế trong trường ca Con sông tuổi thơ tôi như một nhận thức về dòng sông quê suôt thời thơ dại của mình ... Trong các sáng tác thơ văn từ ngày đầu cầm bút cho đến giờ, dòng sông quê này luôn ám ảnh tôi, và cái cầu sông trước cửa đình làng, đã được tôi gọi bằng cái tên hoa mỹ là Bến MộngBến MơBến Mê gì đó nữa ... Đến nỗi, mỗi khi nghĩ về quê là hình ảnh mảnh vườn xua có nếp nhà gianh ba gian hai chái tường đất vách rơm mà bố mẹ tôi làm những năm đầu chiến tranh chống Mỹ khi rời Hà Nội về quê, và sau đó chính là hình bóng con sông uốn lượn qua làng với nhũng bờ tre, dặng vối xanh um ngả bóng xuống mặt sông, lại  hiện ra trước mắt...
          Ngày ấy, con sông nên thơ lắm, một năm chia rõ hai mùa nước thay đổi. Từ đầu đông cho hết mùa xuân, nước cạn và trong, lặng lờ soi bóng tre, bóng vôí và mấy cây đa, cây bàng cổ thụ. Còn từ giữa hè cho đến trung thu, nước đầy ăm ắp, và năm nào mưa lũ nhiều thì nó nhận phân lũ từ sông Cái, qua cống Xuân Quan, nước về ngầu đỏ, chảy xiết dòng, mang theo phù sa màu mỡ và cá tôm về. Nước sông luôn được thau rửa vậy nên đến mùa cạn vẫn trong sạch.
         Cùng với con sông, còn có một hệ thống mương máng và cừ nước để điều tiết nước theo mùa vụ, và hơn thế, tạo ra một diện tích mặt nước đáng kể cùng hệ sinh thái phong phú của nó. Tính thời gian, từ ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng bổ nhát cuốc đầu tiên phát động chiến dịch thủy nông Bắc-Hưng-Hải, đến độ ấy chừng dăm, bảy năm, nên hệ thống mương máng tốt lắm. Con mương cái lừng lững, có đoạn chạy ngầm đáy sông với hệ thống cống xi-phông đóng mở tùy ý và một trạm bơm nước tầm trung. Sông có mấy khúc thu hẹp để bắc cầu qua. Nối mương cái là mương con như con lươn, con trạch chạy hút, len lỏi qua các cánh đồng, làng xã. Tôi nghĩ, cách làm thủy lợi ngày ấy rất hiệu quả về tính năng và sự đa dạng. Khi làm mương, người ta đào đất đắp mương nổi, hai bên tạo thành hệ thống cừ nước và các cừ nước này khá đắc dụng trong việc tiêu nước khi úng thủy, dự trữ và cấp nước khi hạn hán, lại là nơi dung dưỡng các loài thủy sản tự nhiên. Trong khi, các mương máng nổi hay chìm này thì ngoài chức năng chính là dẫn nước, thì nó còn được sử dụng là đường thủy, bộ, đó là chưa kể là nguồn cung cấp phù sa và thủy giống từ sông Cái về. Sườn đê còn là thảm cỏ tự nhiên để chăn thả trâu bò và nơi cư ngụ tạm cho các loài chim muông. Sau này, chẳng hiểu sao, người ta bỏ hệ thống mương máng nổi đắp đất, và trên chính hệ thống này, cho bê tông hóa, mang gạch, xi măng xây thành máng nước bé tin hin, bỏ các bờ mương nham nhở, triệt tiêu đường thủy bộ có từ mương máng và cừ nước xưa. Tôi đã suy nghĩ để lý giải chủ trương này. Phải chăng, do phát triển quá nhiều thủy điện (áp lực năng lượng), nên nước tự nhiên bị giữ lại các hồ thủy điện trên nguồn, xả nước nhỏ giọt theo thời tiết mưa lũ hay hạn hán, và mùa vụ theo nông lịch, nên ngay sông Cái cũng cạn dòng, còn đâu là nước phù sa đổ vào đất nông nghiệp thau rửa ruộng đồng như xưa. Nguồn nước ít, thì đương nhiên phải bê tông hóa kênh mương để tiết kiệm nước, cần chi mương máng to kềnh. Xin nhớ cho là, đồng bằng Bắc bộ mênh mông, hệ sinh thái của nó những ba tầng cơ đấy, mặt đất, bầu trời và mặt nước, chứ không phải là các nhà kính trồng trọt công nghệ cao mà ứng dụng tưới tiêu nhỏ giot... Cái mất lâu dài và cay đắng là tính đa dạng của hệ sinh thái đồng bằng Bắc bộ, mà nhỡn tiền là ô nhiễm các dòng sông. Lẽ dĩ nhiên, còn tại sự phát triển bữa bãi và sự thiếu ý thức của doanh nghiệp, người dân trong xả thác rác sản xuất, sinh hoạt. Thế nên, các con sông nhỏ và kênh mương nội đồng giờ đây chẳng khác gì ao từ nước đọng?...
          Tôi cho rằng, đã có đánh đổi và phải trả giá, khi lấy năng lương làm trọng, mặc nhiên bỏ quên sự biến đổi theo chiều hướng xấu của hệ sinh thái vùng hạ du khi phát triển thủy điện thái quá ở Bắc bộ. Nó chẳng khác gì sự trả giá khi đánh đổi việc tăng sản lượng lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long để xuất khẩu, bằng cách be bờ đắp đập để tăng diện tích trồng lúa, giảm diện tích ngập nước tự nhiên của cả vùng Tây Nam bộ. Bây giờ, nhiều địa phương ở vùng này đã nhận thức được sự trả giá dắt này, đã cứu vãn khi cho phá bỏ bớt bờ be, đập ngăn, trả lại sinh thái ngập nước cho nhiều khu vực mà trước đó chính họ đã cố sống cố chết ngăn lại để làm lúa... Tây Nam bộ đã vậy, còn đồng bằng Bắc bộ thì sẽ sao đây, hỡi những nhà quản lý tam nông, các nhà thủy thủy hại kia, xin hãy lên tiếng trả lời?...
          Con sông quê tôi, hơn chục năm nay đã bị bức tử. Tôi đã đọc lời ai điếu cho nó khi viết thêm một chương tái bút trong trường ca Con sông tuổi thơ tôi của mình :"...Con sông tuổi thơ tôi/ rời quê/ tôi xa/ mấy chục năm trời/ vẫn loanh quanh một dòng sớm tối,/ cội đa xưa/ già thêm ngần ấy tuổi/ mùa mưa giông,/ chẳng còn nước tràn trề,/ chẳng phù sa mỡ màu/ theo con nước xuôi về/ nuôi dưỡng những đồng cao ruộng trũng./ mùa nước cạn. đáy sông thành thùng vũng,/ bốc hôi tanh/ tôm cá trốn sạch rồi,/ những ống khói lò cao/ mái tôn lạnh vòm trời/ cả một/ quãng bờ sông/ nay trờ thành bãi rác,/ cỏ bờ xưa/ hoang chiều xơ xác,/ những chân tre, những vòm vối đâu rồi?..."
          Mỗi lần về quê, ra đồng thắp hương cho ông bà, cha mẹ, tôi hay ra bờ sông, lặng nhìn dòng nước đèn ngòm, sủi bụt, lờ đờ rác trôi nổi, lại mường tượng về tuổi thơ những lần bơi vượt sông đuổi trâu ăn lúa, và những mùa nước lũ, đầy ắp, cuồn cuộn sắc phù sa; mường tượng những chiều hôm nhá nhem mấy chị em đi thả vó tôm ở các cừ nước ven mương, rồi những ngày mưa rào tháng sáu, nấm đất chồi trắng tinh, lổn nhổn như ở trứng gà đẻ lang nơi sườn bờ mương nổi: và những buổi chiều đám trẻ con, học sinh nghỉ hè chăn trâu, thả diều giấy; cả khi mùa mưa lũ tháng bảy đồng áng nước ngập trắng băng, bở mương máng trở thành độc đạo để ra đồng...
Chẳng lẽ, dòng sông quê tôi, theo thần phả các chùa chiền, đã có từ thời Lý. Trải qua các triều Trần, Lê, Nguyễn đều được nạo vét, tu bổ để để còn trong xanh và hữu ích cho cuộc sống con người đến giữa thế kỷ 20. Vậy mà, chỉ mấy chục năm thôi, nó đã ngoắc ngoải, thoi thóp ...
Và tôi lại nuôi dệt hy vọng cho nó: "...Sông của tôi xưa/ một dòng xa xanh/ chỉ sống động/ trong thẳm sâu ký ức.../ Ơi con sông,/ thao thiết nơi tiềm thức/ có bao giờ/ trờ lại tươi xanh,/ cứ chảy đi/ dù có loanh quanh,/ hãy sống lại/ những bậc cầu/ ngày trước,/ để chiều hè,/ dòng ăm ắp nước/ trai gái làng/ tắm nghịch trêu nhau,/ để chiều chèo sân đình/ nuôi dưỡng dòng sâu,/ để lịch sử chảy/ ngược mãi về thời Lý,/ để những mối tình/ của một thời vụng dại,/ thêu dệt làng quê./ nên những tấm hoa văn.../ để thằng tôi/ lại là trẻ lăng xăng,/ ước lớn lên/ để bơi ngang,/ bơi dọc,/ bến đời/ mỗi trẻ làng/ thỏa sức/ từ bến sông quê/ đến mọi bến chân trời,/ Ơi,... con sông/ nuôi lớn/ tuổi thơ tôi,,...". /.
         


Nhận xét