Pù-luông, ai đã đến đây,...



Đã nhiều năm nay, kể từ xuân Quý Tỵ (2013), năm nào cũng vậy, nhóm văn nghệ sĩ Hà Nội (gồm tôi-Nguyễn Chu Nhạc, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trọng Huân, họa sĩ Lã Minh Kính ...) cũng vô xứ Thanh thăm thú nhóm văn nghệ sĩ ở đó. Điểm tụ tập tại Thanh Hóa, thường là gia đình nhà văn Trịnh Tuyên ở huyện Cẩm Thủy. Đón bạn văn chương Hà Nội, cùng với Trịnh Tuyên, còn có nhà thơ Phạm Duy Đức và các bạn yêu văn chương quanh đấy như Trịnh Phú Đa, Phạm Mai, Phùng Hương Nhu... Xa hơn chút hay về hội tụ, có nhà văn Ngô Xuân Tiếu (Vĩnh Lộc), nhà thơ Đào Phan Toàn (Triệu Sơn), các nhà thơ Trương Thị Mầu và Ma Bích (Bá Thước)... Mỗi vị đến chung vui, thường mang theo sản vật từ địa phương mình...
Trong số ấy, đều đặn nhất có nhà thơ Phạm Duy Đức và nhà thơ Trương Thị Mầu. Xuân Ất Dậu (2015), ngày chúng tôi gặp mặt, nhằm đúng vào ngày 27.2 dương lịch, là bác sĩ-giám đốc Bệnh viện huyện Bá Thước, Trương Thị Mầu không thể đến được, đành vắng mặt, nhưng không quên gửi đặc sản ốc đá Bá Thước ngon nổi tiếng đến để mọi người chung vui... Tôi làm thơ vui, có mấy câu trêu Mầu "... Bạn bè lâu gặp lại/ thơ phú đọc đôi câu,/ cuộc vui cùng nâng chén/ chợt nhớ thiếu Thị Mầu", đủ thấy, bác sĩ Trương Thị Mầu đã để lại ấn tượng tốt trong bạn bè...Tôi nhớ, trong những lần trà dư tửu hậu, Trương Thị Mầu, mời chúng tôi quá bộ đến chơi vùng đất Bá Thước và cùng nhau tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Pù-luông, một vùng đất vẫn giữ được vẻ nguyên sơ. Cứ ừ à cho vui lòng nhau thôi, chứ chưa dám chắc thực hiện lời hứa với bạn văn... Vậy mà, đầu hạ năm nay (2019), chúng tôi quyết đi Pù-luông. Điện trước cho Trương Thị Mầu, cô bảo luôn sẵn sàng đón bạn văn Hà Nội. Thế rồi, hoãn vài lần, chuyến đi mới thành. 
Tử Hà Nôi, chúng tôi có 5 người (tôi, nhà văn Nguyễn Trọng Huân, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền, họa sĩ Lã Minh Kính, và Vương Văn A, một người yên văn chương trực tiếp cầm lái). Theo đường Trường Sơn, đọc đường vô Thanh, chứng tôi bàn chuyện rôm rả, nhắc lại những kỷ niệm của những lần vô Thanh trước. Mấy năm nay, bạn văn chương xứ Thanh đã vắng bóng vài người, mất đi, trước là Nguyễn Trọng Nghĩa, và mới đây là Phạm Duy Đức. Lần này, nhà văn Trịnh Tuyên và Ngô Xuân Tiếu cũng không lên Bá Thược dự cuộc gặp gỡ bởi có việc  đột xuất, bất khả kháng.
Gần trưa, chúng tôi tới được Trung tâm Y tế của bác sĩ Trương Thị Mầu. Trung tâm này được Mầu thành lập sau khi nghỉ hưu. Cùng đón khách với cô, có nhà thơ người dân tộc Mường là Ma Bích, và mấy cô giáo là người quen thân của Mầu. Lợn bản các món bày mẹt, nhắm với rượu bản địa do nhà thơ Ma Bích mang đến, thật tuyệt vời. Chuyện vui mâm tiệc, là chuyện về Pù-luông. tiếp thêm cho chúng tôi thêm hào hứng chuyến lên Pù-luông ban chiều...
Đầu chiều, hơi rượu còn ngà ngà, nhưng hành trình còn nhiều, chờ cho bác sĩ Mầu và mấy cô giáo đi cùng chuẩn bị ít tư trang cho buổi tối nghỉ tại nhà sàn homestay, là chúng tôi lên đường. Khi đến đầu thị trấn Cành Nàng, huyện lỵ của Bá Thước, bác sĩ Mầu chỉ cho tôi mảnh đất ven đường, rộng sâu vào trong núi, bảo rằng cô có dự định xây dựng một trung tâm dưỡng lão tại đây, bởi nhu cầu có thật của xã hội và sự tâm huyết của mình...
Xe rẽ vào đường núi, ngược dốc mà lên, đường nhỏ nhưng dễ đi. Hồi lâu, đến điểm cao, lối rẽ đi Thành Lâm, chúng tôi dừng lại, tìm góc máy để chụp suối và những thửa rộng bậc thang lúa bắt đầu chín vàng. Trời mây giông kéo lên, gió ào ạt và lộp độp mưa. Dẫu vậy, vẫn quyết đi Bản Đôn bởi đến Pù-luông mà không ghé Bản Đôn thì thật uổng phí. Xe lại quanh co hút vào lối đi ruộng bản chen nhau trập trùng. Chốc chốc, gặp xe ngược chiều, lại lựa tránh nhau. Mưa mỗi nặng hạt. Không đành quay đầu, cứ đi tiếp. Trời đổ mưa sầm sập, cũng là lúc ruộng bậc thang vàng sắc lúa chín hiện ra, chỉ đành chụp ảnh qua cửa kính xe mưa mờ mịt. Vào sâu nữa, đến trung tâm khu bản Đôn, thấy khá nhiểu ô tô, xe khách cỡ lớn chở khách tham quan. Chúng tôi định tìm đến điểm cao nhất của bản để quan sát và chụp ảnh toàn cảnh, nhưng xe nêm cứng, đường trơn trượt và mưa vẫn sầm sập không dứt. Loanh quanh, lựa cách kéo kính xe mà chụp vội được dăm góc máy. Tiếc tiếc là nhưng đanh chịu, quay trở ra... 






Đường trở ra, mưa ngớt dần, mấy cái đập tràn, lúc xe vào bình thường, vậy mà khi trở ra, đã tràn nước, may xe gầm cao nên qua ngon lành. Bác sĩ Mầu bảo, ở vùng này, xe cấp cứu y tế đã từng gặp nguy hiểm khi lâm vào tính trạng lũ từng lên nhanh sau mưa như thế này. Khi đến điểm tập kết tại một bản ven đường thuộc xã Thành Sơn, ngay chân Pù-luông thì mưa dứt hẳn. Trời rạng, mọi người có thể vác máy loanh quanh tìm góc ảnh...
Thực ra, khu bảo tồn thiên nhiên Pù-luông, giá trị của nó chính là độ vao và chất nguyên sơ của nó. Cách rừng quốc gia Cúc Phương chừng vài chục cây số đương chim bay nên địa chất, địa mạo và sự đa dạng sinh học không mấy khác. Có chăng, giá trị của Pù-luông là độ cao và chất nguyên sơ. Các bản làng người Mường, người Thái sông trong vùng đệm, không phá vỡ sinh thái, mà còn tạo thêm sự phong phú về sắc thái bởi yếu tố văn hóa bản địa. Giá trị của Pù-luông là vậy. Ở đây, ruộng bậc thang có đấy, nhưng không bạt ngàn như Mucangchai (Yên Bái), hay Sapa (Lào Cai), Hoàng Su phi (Hà Giang), nên nó cho người ta cảm giác về sự nhỏ xinh, duyên dáng, yên bình hơn...




        Nét đáng quý của Pù-luông là chưa có sự xô bồ của kinh doanh du lịch tràn tới phá vỡ sự bình yên. Ngoài mộ resort tụa trên sườn núi, còn lại là những ngôi nhà sàn gỗ kiểu homestay nên chất nguyên sơ hầu như hiện diện ở đây đó. Và như vậy, nó thực sự cho con người cảm giác bình yên, khoan khoái vì được hòa mình vao thiên nhiên tinh khiết.
       Có một chuyện hay hay về các giáo viên làm du lịch. Bác sĩ Mầu bảo, hơn mươi năm trước, những giáo viên trẻ bị điều đi Thành Lâm, Thành Sơn, khóc như mua vì coi như bị đầy vào vùng rừng núi heo hút. Buồn chán đấy, nhưng không ai bỏ việc. Nhiều cặp nên duyên vợ chồng, bám trụ làng bản dạy học, với đồng lương ít ỏi thôi. Ai ngờ, dăm năm trở lại đây, du lịch Pù-luông khởi sắc, nhiều gia định thầy cô giáo mạnh dạn vay vốn, làm nhà sàn mới, kinh doanh du lịch homestay, kinh tế nhanh chóng khá giả. May là, cũng không ai bỏ nghề giáo, họ chỉ coi làm du lịch cộng đồng là việc thêm, thuê lao động tại chỗ, nên một công đôi việc. Giờ thì chẳng thầy cô nào đòi về trường ở thị trấn nữa. Ngay như ngôi nhà sàn chúng tôi ở, cũng do một cặp vợ chồng giáo viên ở đây làm chủ. Mà chủ nhà là giáo viên, nên giao tiếp thưa gửi cũng lịch sự lắm...
        Tối đó. mâm cơm của chúng tôi hầu như sản vật của địa phương và được chế biến theo đúng kiểu ẩm thực bản địa. Cá suối, ốc đá, vị Cổ Lũng ngon tuyệt. Rượu cũng được ngâm chế thảo dược trong vùng, uống là lạ và thú vị. Và đương nhiên, rượu vào lời ra, không thơ phú chút thì cũng uổng. Cạnh mâm chúng tôi là một cặp trai gái người nước ngoài, Vậy là có cuộc giao lưu giữa họ với chúng tôi. Thì ra họ đến từ Mỹ, là kiến trúc sư, đã vài lần đến Việt Nam. Giao lưu rượu thì cũng không cần ngôn ngữ lắm, cử chỉ thân thiện đã đủ rồi. Tuy nhiên, điện thoại di động của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền và của cô gái Mỹ đều cài đặt phần mềm dịch ngữ Anh-Việt nên chúng tôi và họ thoải mái nói chuyện. Hiểu nhau nên chuyện cởi mở, và uống cũng rất vào... Chợt nghĩ, tư duy tiến bộ, người dân họ thật sướng, đi khắp nơi trên trái đất này, nếu có thể. Chẳng bù cho dân ta, quanh năm suốt tháng, vắt mũi bỏ miệng, kiếm được chút tiền thì chẳng dám tiêu pha, lo tích cóp phòng tuổi giả sức yếu, chẳng dám đi đâu xa cả... 
        Đêm ấy, chúng tôi ngủ cùng sàn với một hội chuyên Flycam từ Hà Nội lên. Họ hát và nói chuyện khuya lắm nên chúng tôi khó ngủ. Thời tiết se lạnh, trong khi Hà Nội và thành phố Thanh Hóa nóng chảy mỡ. Tiểu khí hậu này, tôi chỉ thấy ở Sapa, Đà Lạt, Tam Đảo, Sìn Hồ (Lai Châu) và Sủng Là (Hà Giang). Nếu biết tận dụng vào phát triển du lịch với điều kiện bảo tồn sinh thái và bản sắc văn hóa bản địa, ta sẽ có thêm một khu nghỉ dưỡng lý tưởng vào mùa hè...
        Tôi chập chờn trong tiếng suối chày thâu đêm...lúc to lúc nhỏ. Ai đó nói mê, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền khúc khắc ho khan, bác sĩ Mầu góc sàn bên kia lập lòe với ánh sáng màn hình điện thoại hình như khó ngủ về tách cà phê ban chiều? Nhà văn Nguyễn Trọng Huân và nhà thơ Ma Bích thì khe khẽ mở cửa xuống cầu thang nhà sàn nói chuyện phiếm. Một đêm đa sắc màu cảm xúc. Và rồi, tôi thiếp đi chẳng hay, khi tỉnh giấc, âm thanh đầu ngày vẫn là tiếng suối thác gần đâu đó. Bác sĩ Mầu và nhà thơ Ma Bích cùng mấy cô giáo đã sửa soạn xong đồ đoàn, Họ phải về sớm vì bác sĩ Mầu bận việc gì đó. Những cái ôm, cái bắt tay chào nhau thân ái, đầy lưu luyến. Hẹn nhau vào mùa sau...
          Bữa sáng cũng rất tuyệt vời. Cháo vịt và xôi nếp nương đồ. Gặp lại đôi bạn trẻ người Mỹ. Họ tươi tỉnh lắm, chắc hẳn đã có những trải nghiệm tuyệt vời...
        Dù lưu luyến, nhưng chặng đường còn dài, chúng tôi thẳng đường Phú Lệ, xuyên Quan Sơn, tìm đường sang Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình. Con đường vòng vèo trên sườn núi cao, vắng bóng xe cộ. Chốc chốc gặp một tốp công nhân làm đường. Trên đỉnh núi mây vấn khăn, còn thung lũng chờn vờn sương khói, thấp thoáng nếp nhà sàn lộ ra qua tán lá dày.  Yên bình biết bao! Tôi thầm nghĩ, sẽ còn quay trở lại nơi này... Nhưng mai kia, khách du lịch ùn ùn kéo đến, chẳng hay cảnh quan nơi đây có còn chất hoang sơ và tinh khôi như bây giở không. Nghĩ thế, chưa rời xa mà lòng đã buâng khuâng....
         Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền bất giác ngân nga một câu thơ...
         Pù-luông ơi, ai đã đến đây?

Tháng 6. 2019.







Nhận xét