Cánh chim Chơ-rao của buôn làng Cơ-tu,



Tôi biết đến tên loài chim Chơ-rao là qua thơ ca từ hồi đi học...
Quả là như vậy... 
Ngày học phổ thông, sách Trích giảng văn học dùng trong nhà trường, phần văn học cách mạng, có tác phẩm "Bài ca chim Chơ-rao" của nhà thơ Thu Bồn. Ngày đó, tôi yêu thích trường ca này bởi chất bi tráng và sực hơi thở Tây Nguyên, nên đã từng thuộc lòng phần trích đoạn, như sau này thuộc trường ca "Nước non ngàn dặm" của nhà thơ Tố Hữu vậy... Nhưng ngày đó, chỉ là lòng yêu văn chương thuần khiết thôi, chứ chưa thấu hiểu cội nguồn của cảm hứng thi ca, chữ nghĩa, nhất là những gì ẩn giấu, chất chứa trong mỗi câu thơ, khổ thơ  ấy... 
"... Chim chơ-rao ơi, chào chim nhé/ Con chim không bao giờ chịu lẻ đàn/ Chim hãy đến rãy rừng ta ca hát/ Đem nguồn vui đến nóc buôn Sang... Chim chơ-rao ơi, bay về buôn vắng/ Báo tin buồn đi khắp mọi nơi/ Mặt trời đã rụng hai tia nắng/ Rừng Tây ánh lửa đỏ sáng ngời...". Qua những vần thơ bi tráng ấy, loài chim chơ-rao đã được nhà thơ Thu Bồn nâng lên thành biểu tượng cho ý chí và sức mạnh tinh thần của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên một lòng theo cách mạng, đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương... Rồi nữa, trong ca khúc "Tiếng đàn Ta-lư", nhạc sĩ Huy Thục cũng nhắc đến loài chim này, dù chỉ thoáng thôi "...Con chim chơ-rao xinh, hót trên canh vui mừng công anh...",  song cũng để lại ấn tượng về một loài chim rừng khác lạ. Ngày ấy, nghe thì biết vậy chứ đâu biết loài chim ấy thế nào.... 
May sao, đến một ngày, tôi có cơ hội tìm hiểu và đắm sâu vào một vùng đất với cảnh vật, con người, sắc thái bản vị địa phương, để từ đó sống lại nguồn cảm xúc thi ca mà trường ca về loại chim chơ-rao của nhà thơ Thu Bồn mang lại, từ thuở học trò...
Ngày ấy, cũng đã mười năm rồi...



Đầu năm 2008, cầm tờ quyết định và đôi lời dặn dò của Lãnh đạo Đài TNVN (VOV) vào Đà nẵng, phụ trách Cơ quan tại khu vực miền Trung, thú thật, ngoài quyết tâm, tôi chưa hình dung là mình sẽ thực hiện việc lên sóng phát thanh chương trình tiếng dân tộc thiểu số trong khu vực như thế nào. Địa bàn miền Trung dài dằng dặc, hàng ngàn cây số, với 9 tỉnh, từ Quảng Bình đến tận Khánh Hòa, có khá nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, vậy lựa chọn tiếng dân tộc nào đây? 
Ý tưởng chị thành hình hài khi tham khảo bản khảo sát cũ của cơ quan từ người tiền nhiệm, và ý kiến của một vài đồng nghiệp cùng những người có vốn hiểu biết về các dân tộc thiểu số trong địa bàn, để đi đến quyết định lựa chọn tiếng Cơ-tu. Điều tra, khảo sát thấy, người dân tộc Cơ-tu chiếm số đông hơn cả, và sự ảnh hưởng của họ khá tốt với các dân tộc thiểu số khác trong vùng như Giẻ-triêng, Pa-cô, Vân kiều v,v... Thêm nữa, tiếng Cơ-tu đã từng được La-tinh hóa trước đó, nên sẽ thuận lợi cho việc làm chương trình phát thanh...
Có một sự cảm tính, song lại củng cố lòng quyết tâm trong tôi khi lựa chọn ngôn ngữ này, ấy là tình yêu văn học từ các tác phẩm Bài ca chim chơ-rao của Thu Bồn và Nước non ngàn dặm của Tố Hữu. Câu chuyện của nhà thơ Tố Hữu trong trường ca của mình thể hiện đậm nét, ấy là cảm tình và lòng kiên trung của người dân làng Rô, một buôn làng người dân tộc Cơ-tu ở huyện Giằng (Quảng Nam), một lòng hướng theo cách mạng, đã che giấu, đùm bọc, bảo vệ ông và đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ thoát khỏi sự truy tìm của giặc Pháp, khi hai người vượt ngục Đak Glei vào năm 1942 để tiếp tục hoạt động cách mạng ... 
Còn về Bài ca chim chơ-rao của Thu Bồn, từ trích đoạn trong sách Giảng văn thời đi học, tôi cũng đã đọc cả trường ca và thật sự yêu thích tác phẩm này. Ai cũng biết, trường ca này, tác giả sáng tác về đề tài Tây nguyên, về tình thần bất khuất của bà con các dân tộc Tây nguyên, một lòng theo cách mạng, thông qua hai nhân vật điển hình là Hùng (người Kinh) quê miệt biển miền Trung và Rin (người dân tộc thiểu số) ở vùng núi cao, cùng nhau hoạt động, vận động đồng bào dân tộc đi theo cách mạng, đánh đuổi giặc Tây... Nhà thơ Thu Bồn, người quê Điện Bàn (Quảng Nam), sớm hoạt động cách mạng, làm báo ở Liên khu 5, rồi được cử lên địa bàn Tây Nguyên, nhà thơ đã sáng tác trường ca này khi đang hoạt động của vùng Chư Prông (Gia Lai), nơi có ngon núi cao nhất Tây Nguyên,... Đương nhiên, các địa danh, cảnh sắc, hơi thở và tính chất con người Tây nguyên hiện hữu trong trường ca. song ai dám bảo, Thu Bồn không phả vào đó hình ảnh của trai tráng quê hương miền biển Quảng Nam và chính bản thân mình vào trường ca qua nhân vật Hùng? Còn Rin, người dân tộc thiểu số, nhưng nhân vật này quê đâu trong mênh mông đại ngàn Trường Sơn miền Trung? Quảng Nam quê hương của nhà thơ với các huyện miền núi Hiên, Giằng, Phước Sơn, Trà My... tuy khác về đơn vị hành chính ngày nay, nhưng lại hòa chung một tính chất dân tộc miền núi cả vùng đại ngàn Tây nguyên, phía đông Trường Sơn... Vì thế, Rin và đồng bào của mình có thể ở ngay chính vùng Chư Prông, nơi nhà thơ sáng tác trường ca, hay bất cứ một buôn làng nào đó trong bạt ngàn Tây Nguyên, như loài chim chơ-rao tự do chao lượn trên bầu trời đại ngàn Trường Sơn?... 
Sau đó, khi chuẩn bị lên sóng tiếng Cơ-tu, tôi và các đồng nghiệp ở VOV Miền Trung có điều kiện gặp gỡ với đồng bào Cơ-tu, nhất là những người có kiến thức và sự hiểu biết về văn hóa phong tục dân tộc Cơ-tu như ông Arất Hơn (Chủ tịch Hội Khuyến học Tây Giang), một người có công sưu tập và truyền bá tiếng Cơ-tu, và ông Bríu Liếc (Chủ tịch UBND huyện Tây Giang), người biên soạn cuốn từ điển văn hóa phong tục Cơ-tu, thì được biết, người Cơ-tu rất yêu quý nhà thơ Thu Bồn, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam mình, và họ cho rằng, trường ca Bài ca chim Chơ-rao là viết về cộng đồng Cơ-tu vốn sinh sống ở vùng Hiên, Giằng, Hòa Vang (Quảng Nam) và có thể cả khu vực Nam Đông, A Lưới của Thừa Thiên Huế... Trong một lần tâm sự, ông Bríu Liếc bày tọ sự tự hào, rằng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, không có một người dân Cơ-tu nào theo địch, một lòng kiên trong theo cách mạng, chống ngoại xâm, như nhân vật Rin và buôn làng anh, là điển hình trong trường ca Bài ca chim chơ-rao của nhà thơ Thu Bồn, của đất Quảng Nam son sắt, kiên trung... Vậy nên, người dân Cơ-tu thấy ở đó có bóng dáng văn hóa, phong tục, tập quán (như tục cà răng, căng tai, tượng nhà mồ, âm nhạc, hát lý, dân vũ, và nhiều nét sinh hoạt thường ngày... nhất là loài chim chơ-rao, loài chim thân thuộc hay đậu nóc nhà gươl )... Lẽ dĩ nhiên, cho rằng như vậy, vừa có căn cứ, vừa là cảm tính bởi sự yêu quý... Riêng mình, tôi thấy ở trường ca này của nhà thơ Thu Bồn có tính phổ quát cho các dân tộc sinh sống cả một dải đông Trường Sơn bao gồm phía tây miền núi các tỉnh từ Thừa Thiên Huế cho đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên...
Quả là, vẻ đẹp văn chương đã lan tỏa đến những người làm báo chúng tôi, thêm yêu quý những người con của buôn làng Cơ-tu... Với riêng tôi, tình cảm yêu quý ấy, củng cố lòng quyết tâm thực hiện việc lập và phát sóng chương trình phát thanh tiếng Cơ-tu. Một dân tộc có tiếng nói, chữ viết đã được La-tinh hóa, bản sắc văn hóa độc đáo, có truyền thống yêu nước cao độ, cư dân khá đông, sống rải rác dọc dãy Trường Sơn và vùng biên giới Việt-Lào, họ xứng đáng có một chương trình của mình trên sóng phát thanh của Đài quốc gia!...
Rồi đó những ngày tất bật, quan trọng nhất là yếu tố con người. Chúng tôi đã tuyển được bốn nhân sự (2 cặp nam nữ) người dân tộc Cơ-tu ở các huyện Đông Giang, Nam Giang. Cái khó là, người Cơ-tu sống ở các vùng khác nhau (cao, trung, thấp) thì tiếng nói cũng ít nhiều khác nhau, vậy phải làm sao để tất cả cộng đồng dân tộc Cơ-tu và một số các dân tộc khác hiểu tiếng Cơ-tu như người Giẻ-triêng, Pa-cô, Vân-kiều... cũng nghe được chương trình phát thanh này trong khi họ chưa có chương trình của riêng minh. Trình độ văn hóa đào tạo của các phát thanh viên Cơ-tu tương lai này cũng không đồng đều, duy nhất một em tốt nghiệp đại học Văn hóa,  người thì sau khi tốt nghiệp phổ thông có học thêm một vài lớp sơ cấp chuyên ngành ngắn hạn, người lại vừa tốt nghiệp phổ thông. Nghe nói tiếng Cơ-tu chỉ là một việc, song chuyển ngữ sang mẫu tự La-tinh sao đây, để thể hiện linh hoạt và sinh động văn bản Cơ-tu la-tinh trên sóng là rất khó,... Chúng tôi đã đưa các em lên thị trấn Prao (huyện lỵ của Đông Giang) nhờ ông Arất Hơn, một chuyên gia tiếng Cơ-tu, có kinh nghiệm giảng dạy, hường dẫn, chỉ bảo, kèm cặp hàng tháng giời mới tạm ổn. Hàm ý, chúng tôi ý thức việc cho các em được sống trong môi trường cộng đồng văn hóa, phong tục của mình mới là quan trọng, để ngay từ đầu, biết cách thể hiện bản sắc dân tộc mình trong sản phẩm báo chí. Rồi nữa, việc lựa chọn tên phát thanh viên, xây dựng và đặt tên các chuyên mục, âm nhạc, âm thanh, tiếng động sao cho mang hơi thở, sức sống, gợi không gian đẫm chất Cơ-tu...
Vậy là, công sức của VOV miền Trung, sự nỗ lực của bản thân các em, sự hỗ trợ của địa phương và các đơn vị chức năng của VOV,  được đến đáp, khi ngày 15 tháng 9 năm 2009, chương trình phát thanh tiếng Cơ-tu lần đầu tiên lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi và vài đồng nghiệp lên Đài phát sóng trên đỉnh cao Bà Nà kiểm tra khâu cuối cùng và chờ đợi... Đúng giờ phút, nhạc hiệu chương trình phát thanh tiếng Cơ-tu vang lên, và lời chào của các phát thanh viên Cơ-tu lần đầu cất lên chào đồng bào Cơ-tu và thính giả xa gần,... khiến mấy anh em đồng nghiệp trong phòng máy kỹ thuật phát sóng mừng chảy nước mắt... Rồi cả hai đầu, Bà Nà và văn phòng cơ quan tại Tp.Đã nẵng nối điện thoại, thông báo cho nhau tín hiệu hai đầu đều tốt, cảm xúc mừng vui chộn rộn khi làn sóng phát thanh truyền tiếng nói Cơ-tu như những cánh chim chơ-rao bay lượn khắp bầu trời, trên bạt ngàn nương rãy và buôn làng Cơ-tu báo tin vui... 
Ngay sau giờ phút lên sóng cảm động ấy, mọi người lại vùi đầu cho việc thăm dò, tìm tòi, điều chỉnh, để gần một tháng sau, vào ngày 12 tháng 10 năm 2009, Lễ công bố phát sóng chương trình tiếng Cơ-tu chính thức được diễn ra tưng bừng tại Đà Nẵng, có sự hiện diện của các bên cơ quan, chính quyền địa phương, đặc biệt là nhiều thính giả người dân tộc Cơ-tu từ buôn làng đến... Bà con vui mừng rưng rưng vô hạn, khi nghe tiếng nói của dân tộc mình trên làn sóng quốc gia, chào đón cánh sóng-cánh chim chơ-rao từ nay ngày ngày bay đến từng nhà sàn của buôn làng Cơ-tu... Với những người làm nghề chúng tôi, chung sự xúc động, còn mang ý nghĩa, đứa con thứ 12 của Hệ chương trình phát thanh tiếng dân tộc (VOV4) đã chào đời!... 


Nhanh quá, mới ngày nào, vậy mà đã ngót 10 năm rồi đấy. Ngần ấy tháng ngày, có biết bao lo toan, khó khăn để duy trì và nâng cao chất lượng cho chương trình phát thanh này... Nhớ những ngày đầu. làm theo lối tắt, đường truyền của chương trình từ máy tính ở cơ quan qua internet đến mày tình của đài phát sóng trên đỉnh cao Bà Nà, rồi từ đó tung lên trời, có những ngày mưa bão, mưa giông, đứt cáp truyền, chúng tôi lo đến thắt lòng làm sao nối lại cáp truyền, thậm chí, tính cả phương án nếu không kịp khôi phục đường truyền, phải cóp chương trình vào USB phi xe máy mang lên núi cao cho kịp giờ phát sóng... Lại nữa, lo nơi ăn chốn ở cho các bạn trẻ Cơ-tu đảm bảo cuộc sống hàng ngày để họ yên tâm làm việc... Ngần ấy khó khăn, rồi cũng vượt qua tất cả, khi đài phát sóng phải di dời từ đỉnh cao Bà Nà, nhường đất cho dự án phát triển du lịch khu vực, để xuống đỉnh cao Sơn Trà, mất vị thế độ cao vì  độ cao thấp bằng nửa so với cũ... Mừng nữa, các chàng trai cô gái Cơ-tu ngày nào bỡ ngỡ rời núi về phố làm phát thanh viên, nay đã phương trưởng, tu nghiệp bằng cấp đầy đủ, kinh nghiệm dày lên, và nhiều người không chỉ là phát thanh viên đơn thuần, mà đã trở thành cây bút thực thụ ... Mới đây, trong một lần đến Tây Nguyên, tôi có gặp nhà báo Đỗ Trọng Phụng, người từng công tác tại Cơ quan VOV Tây Nguyên ở Buôn-ma-thuột. Chuyện nghề, nhà báo Đỗ Trọng Phụng bảo, ngày ấy, ông đang chịu trách nhiệm quản lý Phòng Phát thanh tiếng dân tộc của VOV Tây Nguyên, với 6 thứ tiếng hàng ngày. Khi VOV Miền Trung lên sóng chương trình tiếng Cơ-tu, ông đã thích thú và khâm phục những người làm chương trình vì thấy ở đấy cái mới và sự sinh động. Ông đã nhắc nhở các biên tập viên của mình, hãy biết cách gạt đi sự tự hào và ỷ lại, để lắng nghe và học tập các bạn trẻ Cơ-tu. Tôi tin, ông thực lòng, khi bộc lộ điều này...
Sau này, theo xu thế mới, phát thanh hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng để thích nghi với công nghệ 4.0, tiếng Cơ-tu cũng như toàn bộ chương trình tiếng dân tộc VOV4 đều ra thêm trang thông tin điện tử, thay vì cánh sóng, kỹ thuật internet đưa các chương trình tiếng dân tộc vươn xa khắp mọi nơi, đến với từng con người bằng lợi thế của mình. 
Khi một ngôn ngữ của dân tộc nào đó được sử dụng trên phương tiện báo chí, văn học nghệ thuật, ấy là dân tộc ấy có điều kiện phát triển mà vẫn có điều kiện bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Thế giới phẳng ngày nay, văn mình thế giới ùa vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu, sự giao thao văn hóa là một tất yếu, song vô hình chung, đã xảy ra một cuộc "xâm lăng" về mặt văn hóa của các nước mạnh... Có một ví dụ nho nhỏ, ngay trên chính những buôn làng Cơ-tu, ngày nào, bà con chỉ biết đến nương rãy, chiêng trống, múa hát... thì nay, thanh niên trai gái lại thích diện áo phông, quần bò, áo sơ-mi, váy tây, vợ chồng trẻ cưới nhau, sinh nở đặt tên toàn là tên nhân vật trong phim, hay tên các ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc vì bội thực phim Hàn Quốc trên các kênh ti vi... Sự phai nhạt bản sắc dân tộc từ những điều nhỏ nhất ấy, không mấy ai để ý, diễn ra hàng ngày, và rồi đến một lúc nào đó, ta ngỡ ngàng nhận ra, nhiều biểu hiện của bản sắc văn hóa dân tộc mình đã phai màu, thậm chí không còn nữa. Của cải, vật chất có thể mất đi, rồi lấy lại không mấy khó, còn khi bản sắc văn hóa mất đi, có thể sẽ mất đi vĩnh viễn, khó lấy lại lắm thay... Tuy nhiên, của cải là của mỗi người nên của ai nấy giữ, còn bản sắc văn hóa kia lại là của chung cộng đồng, dân tộc, thì ai giữ đây?!...
Một câu hỏi khó giải đáp, ở quy mô cộng đồng, dân tộc, quốc gia, trong khi sự đa dạng về văn hóa vốn là tài sản quý báu của loài người, lại đang bị đồng hóa bởi số ít thực thể văn hóa của các nước mạnh. Sẽ là nhàm chán bao nhiêu, thậm chí sẽ là thấy bại, khi không còn sự đa dạng về văn hóa?
Với suy nghĩ đó, chỉ từ một thứ tiếng dân tộc, tiếng Cơ-tu, một trong 12 tiếng dân tộc được lên sóng đài phát thanh quốc gia, tôi đã bàn thêm về vai trò, sự quan trọng của nó trong công cuộc bảo tồn ngôn ngữ và qua đó góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số... Hiện giờ, chỉ là con số 12, nhưng một ngày nào đó, có thể sẽ là ngôn ngữ khác như Tày Nùng, Pa-cô, Vân-kiều lên sóng...
Các bạn trẻ Cơ-tu của tôi ơi, các bạn đã lớn lên nhiều, đã thật sự trưởng thành rồi, hãy biết yêu quý và trân trọng những ngày tháng qua... Ơi, những A-lăng Lợi, Vơ-ních Oang, A-lanh Kim Cương, Hoith Nhàn, A-viết Sĩ, các bạn đã là những cánh chim chơ-rao của đại ngàn, của buôn làng Cơ-tu rồi đấy,... Hãy cùng các đồng nghiệp yêu quý của tôi ở VOV Miền Trung, cần cù và sáng tạo, biết chắt chiu để góp gió, nâng cao cánh sóng Cơ-tu nhé...
Giờ đây, vẫn những câu thơ của nhà thơ Thu Bồn theo tôi trong dòng ký ức về một thời: "Chim chơ-rao ơi, chào chim nhé/ Con chim không bao giờ chịu lẻ đàn/ Chim hãy đến rãy rừng ta ca hát/ Đem nguồn vui đến nóc buôn Sang..." ./.

Nhận xét