Ngược dốc lên Tây Nguyên,



" Đi dọc Tây Nguyên/ mùa mưa/ đất ngả lòng/ sậm đỏ/ cỏ xanh lan/ bướm ra / suốt dọc đường/ trắng/ vàng/ nâu/ chờn vờn/ trong cỏ rối... Nắng/ chói chang/ mây dạt trôi/ từng cụm/ đột ngột/ mưa/ ướt áo em rồi,/ đột ngột/ nắng/ rám bắp trần/ áo mỏng/ cô lẻ/ xa/ ai/ ngược dốc triền đồi,.../Ta/ bỗng hiểu/ cao nguyên/ muôn đời / khát,.. " - Một lần đi đọc Tây Nguyên cách đây dăm năm, tôi đã viết những dòng như vậy trong bài thơ của mình. May mắn sao, bài thơ lọt mắt xanh Nhạc sĩ Trọng Đài, anh phổ nhạc và Nghệ sĩ Việt Hoàn hát, để tăng sức lan tỏa... 
Lần này, sau gần ba năm xa cách, tôi trở lại Tây Nguyên trên chuyến xe của các đồng nghiệp ở Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt nam khu vực Tây Nguyên (VOV TN), từ thành phố biển Đà nẵng, ngược dốc lên, về thủ phủ cao nguyên, thành phố Buôn-ma-thuột...Tôi lẩn thẩn, đầu óc cứ rẩm riu nhẩm tính số lần mình ngược xuôi cung đường này, nhưng làm sao mà nhớ nổi. Đã hơn chục năm nay, bao chuyến đi, bao công việc ở vùng đất này thì nhớ sao cho xuể..
Từ năm 2008, khi luân chuyển công tác vào VOV Miền Trung tại Đà Nẵng, tôi hay có việc lên Tây Nguyên nên biết đến cung đường này. Trước đó, để đến Buôn-ma-thuột bằng đường bộ, từ Tp.Hồ Chí Minh, tôi đã theo tuyến ngang Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đak Nông, nhưng quả thật, tôi không mấy ấn tượng, bởi chẳng gợi cho tôi điều gì, Còn khi từ Đà Nẵng lên thị trấn Prao (Đông Giang) vốn tên cũ là huyện Hiên (nay chia thành Đông Giang và Tây Giang), rồi nhập vào Quốc lộ 14 ở huyện Nam Giang (tên cũ là huyện Giằng), lại gợi tôi nhớ những câu thơ của Tố Hữu trong trường ca Nước non ngàn dặm nổi tiếng của ông ngày nào. ("...Non cao rực rỡ ánh vàng/ Đêm rằm vằng vặc bến Giằng trăng lên…/ Con thuyền rời bến sang Hiên/ Xuôi dòng sông Cái, ngược triền sông Bung...". Vùng đất này còn có "Làng Rô nhỏ của tôi", mà nhà thơ Tố Hữu đã gọi một cách thân thương trong trường ca của mình "... Ơi làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy...", với lòng biết ơn vô hạn, khi ông vượt ngục Đak Glei vào năm 1942, lạc đến làng Rô (thuộc Cà Zy, huyện Giàng, Quảng Nam) và được đồng bào người dân tộc Cơ-tu che chở, nuôi sống, thoát nạn truy tìm của lính Pháp, để chỉ đạo cách mạng... Lẽ di nhiên, tôi không phải là ông, nhưng vẫn thấm được cái tình cái nghĩa của người làng Rô nói riêng và người dân tộc Cơ-tu dành cho cách mạng từ gần tám mươi năm trước...
Vậy là mỗi thước đất, từng cây số, dọc quốc lộ 14 lên Tây Nguyên, những chiến tích của hai  cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và Mỹ, thống nhất đất nước, như những cuốn phim quay chậm trong đầu tôi... 
Lần này cũng vậy, xe lướt nhanh, qua Thạnh Mỹ (Nam Giang), khi những câu thơ của Tố Hữu và câu chuyện làng Rô còn vương vấn trong đầu thị thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) đã hiện ra trước mặt. Nhà cửa ở đây có nhiều hơn, nhưng người qua lại vẫn thưa thớt như mươi trước lần đâu tôi qua. Mấy năm gần đây, nói đến cái tên Phước Sơn thì nhiều người biết, nhất là dân giang hồ, bởi đã từng thu hút dân đào đãi vàng tứ xứ kéo đến. Mỗi hẻm núi, lạch suối rừng Phước Sơn bị dân tìm vàng đào bới, cày nát. Mấy ai đâu còn nhớ đến Khâm Đức với di tích và ký ức về một trân chiến oanh liệt của bộ đội Giải phóng thắng lực lượng lính Mỹ Ngụy từ nửa thế kỷ trước (tháng 5/1968)... và sự anh dũng hy sinh của 16 chiến si Tiểu đoàn đặc công 404  thuộc Quân khu 5 (ngày 05.8.1970) khi tấn công căn cứ Khâm Đức ... Hẳn cái sân bay Khâm Đức xưa nay đã thành phê tích?...
Qua Khâm Đức, vượt đèo Lò Xo, con đèo ngoằn ngoèo hiểm trở nơi ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, nơi ghi dấu mà bất kỳ ai qua con đèo này đều phải chú ý bởi hơn chục năm trước, một đoàn cựu chiến binh của Hà Nội rủ nhau thăm lại chiến trường xưa Tây Nguyên đã không may tử nạn bởi một tai nạn ô tô mất lái lao xuống vực sâu dăm chục mét. Huyện giáp ranh đầu tiên là Đak Glei, nơi có nhà ngục của thực dân Pháp mà nhà thơ Tố Hữu từng bị giam giữ trong bước đường làm cách mạng của ông. Nhà ngục này còn là nơi giam giữ các nhà hoạt động cách mạng như Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Văn Hiến, Chu Huy Mân, Trần Văn Trà...Chính từ nhà ngục này, năm 1942, ta đã tổ chức cho hai đồng chí Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ vượt ngục, đến trú ngụ tại Làng Rô, để sau đó các đồng chí chỉ đạo cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 ở khu vực Trung bộ. Vì lẽ đó, ngục này đã được xếp hạng là Di tích lịch sử..
Vượt Đak Glei sang Ngọc Hồi. Mấy năm trước, tôi đã quá bộ đến cửa khẩu Bờ Y, đường rộng thênh thang nhưng người xe vắng vẻ, biến thành sân phơi nông sản cho bà con nông dân, cỏ mọc um tùm lan cả ra mép đương nhựa nên cũng thành bãi chăn thả gia súc. Chẳng hiểu ta tính toán thế nào mà thông thương Việt-Lào ở khu vực ngã ba biên giới này lại nên nỗi vậy? Bạn trẻ ngày này chỉ biết đến một cửa khẩu Bờ Y là trọng điểm kinh tế thương mại Việt-Lào-Campuchia hoang vắng, thiếu hiệu quả, có lẽ không biết đến dấu tích chiến tranh với một chiến trận Pleikan hết sức oanh liệt với phần thắng thuộc về ta vào thàng 10 năm 1072. Gần nửa thế kỷ trước, căn cứ chiến lược Pleikan của Mỹ đã bị bộ đội ta xóa sổ, mà ý nghĩa quan trọng bậc nhất của chiến thắng này, là mở rộng vùng giải phóng, tiêu diệt âm mưu của Mỹ và Việt Nam cộng hòa là trấn điểm ngã ba biên giới này nhắm ngăn chặn con đường vận chuyển quân lương và vũ khí của ta từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam đi nhờ trên đất bạn Lào và Campuchia... Năm 2012, tôi cùng người tiền nhiệm của mình (vốn là một quân nhân thời chống Mỹ) đã cùng nhau làm một chuyến đi ngược, tức là từ Buôn-ma-thuột, xe về Đà Nẵng, băng qua Gia Lại, đến Kon Tum rồi xuôi xuống Quảng Nam theo đường Hồ Chí Mình và quốc lộ 14. Trước khi nghỉ hưu, anh muốn thăm lại chiến trường xưa nơi đã từng chiến đấu trong trận chiến Pleikan-Ngọc Hồi. Anh bồi hồi nhớ lại và kể cho tôi nghe một vài tình huống của trận chiến, kể cả vết thương sâu hắm đã thành vết sẹo dài trên đùi anh... Nếu đi trên đường cây cối nương rãy xanh tươi bạt ngàn, sẽ thật khó nhận ra dấu tích của chiến tranh, kể cả những người tham gia trực tiếp như anh. Song ký ức thì dường như tươi rói... 


Chưa hết, vừa qua Pleikan, đã lại Đak Tô-Tân Cảnh. Chính trên mảnh đất này, hơn năm mươi năm trước, cuối năm 1967 đã diễn ra một chiến dịch lớn dữ dội giữa Quân Giải phóng quân miền Nam Việt Nam (QGPNMVN) với Quân lực Hoa Kỳ (QLHK) với chiến thắng thuộc về ta. Ngoài việc tiêu diệt sinh lực địch rất lớn, chiến thắng này còn mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, ấy là sự khẳng định sức mạnh của QGPMNVN hoàn toàn đủ sức đối chọi với QLHK, đồng thời cho thấy sức mạnh của đồng bào Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ, chính vì vậy, các đơn vị tham chiến của ta đã được tặng thưởng Huân chương quân công hạng nhất... Sau đó 5 năm, mảnh đất lịch sử này lại thêm một lần nổ ra trận chiến giữa QGPMNVN với Quân lực Việt Nam cộng hòa (QLVNCH) vào cuối tháng 4 năm 1972 với sự tham chiến của một số vũ khí tối tân hơn... Một đồng nghiệp của tôi, có người cha xưa tùng tham gia chiến dịch Đak Tô Tân Cảnh năm 1967 và hy sinh tại đây. Gia đình anh cũng mới cất bốc đưa di hài người cha về nghĩa trang quê nhà... Thiết nghĩ, cũng không cần nhắc nhiều về chiến dịch Tây Nguyên với điểm mở đầu là giải phóng thành phố Buôn-ma-thuột vào mùa xuân năm 1975, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, bởi tự thân nó đã nói lên tất cả. Song ai cùng biết, chiến dịch cuối cùng ấy, là sự tích hợp sức mạnh ý chí và kinh nghiệm thực tiễn, kể cả máu xương đã đổ của tất cả các trận chiến lớn nhỏ trong suốt cuộc chiến tranh trường kỳ giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà... 
Giờ con đường Hồ Chí Minh chạy dọc biên giới xuyên mấy tỉnh Tây Nguyên thênh thênh xe lướt nhanh, hai bên đường là cao su, hồ tiêu, cà phê và muôn loài cây cỏ, hoa trái của một dài Trường Sơn, Tây Nguyên hùng vĩ xanh mướt kia, bên dưới, mỗi thước đất đều ghi dấu của một thời bom đạn, gian khổ hy sinh, mất mát... 
Nhớ về những năm tháng đó, để thấy một miền Tây Quảng Nam cùng Tây Nguyên không chỉ có thác ghềnh, voi thú, hoa bướm và những sản vật có giá trị kinh tế cao, đang dần trở thành một trọng điểm kinh tế-du lịch ngày nay, mà còn có một truyền thống bất khuất kiên cường, những dấu tích lịch sử, một quá khứ hào hùng, có thể khai thác như một thế mạnh riêng có...
" ... Cứ thế, Tây Nguyên, khát ngàn đời Tây nguyên...". Tôi như mê đi trong tiếng hát giữa bạt ngàn trời đất Tây Nguyên,  khi đã thức dậy một Tây Nguyên trầm tích,..../.




Nhận xét