Thương nhớ những chuyến phà,



Trong cuộc đời làm việc của mình, nhất là từ khi vào nghề làm báo chuyên nghiệp, những chuyến công tác đó đây, gần xa, tôi đã từng qua biết bao chuyến phà... Từ chuyến đò ngang sông quê đầu đời ngày nhỏ đi học, cho đến ngưỡng tuổi già, để xuôi chuyến đò dọc cuộc đời dần về cuối bến, làm sao nhớ nổi những lần đò phà ngang bến bãi cơ chứ ?,,, 
Có lẽ, ở xứ sở Việt mình, với mỗi người, tiếng hát ru của mẹ thời thơ ấu và tiếng gọi đò khi lớn khôn là gợi nhớ nhất, nó đi theo ta suốt cả cuộc đời !?...
"Đò ơi... đò ơ ơ ơ...i...", tiếng gọi đò lúc chiều buông bến vắng, của những ai từng lỡ đò, chờ đò mãi chẳng được, thả một nỗi buồn len vào lòng lữ khách và mãi không tan... 
Ở xứ sở mình, nắng lắm mưa nhiều, sông ngòi giăng mắc như mạng nhện, ai đâu biết có bao nhiêu bến đò, phà?... Sông ngăn cách trở, vô tình cho những con đò, chiếc phà sứ mệnh nối liền hai bờ thương nhớ của mỗi đời người...
Đã bao lần qua đò, qua phà, chẳng thể nhớ số chuyến, nhưng vẫn có những lần đò phà để nỗi nhớ khôn nguôi. Nỗi nhớ này nó không cồn lên như nỗi nhớ tình yêu đầu đời đánh mất, cũng chẳng khứa vào lòng như những trắc trở đường đời, mà nó chỉ man mác như có như không, chợt thấy chợt tan, mỗi khi ta ngang qua một dòng sông nào đó ...
Chuyến phà đầu tiên tôi mà tôi nhớ lại rất bình yên, Ấy là khi tôi đang học đại học. Cậu bạn cùng lớp Hoàng Gia Trình, rủ về thăm nhà bạn ở mãi tận Hưng Hà, Thái Bình. Tôi lai Gia Trình trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng từ nhà tôi, gần Phố Nối, theo đường 39 đến thị xã Hưng Yên, rồi rẽ theo đường đê vài cây số đến bến phà Triều Dương thuộc địa phận Tiên Lữ. Dòng sông Luộc nước hiền hòa, đôi bờ xanh rờn ngô lúa. Ngoài con sông Hồng, sông Đuống, sông Thái Bình, thì đây là lần đầu tiên tôi biết sông Luộc. Anh bạn Gia Trình chỉ tay sang bờ bên kia bảo, qua phà đi thêm chục cây số nữa mới đến, ở phía ấy còn có sông khác là Trà Lý. Tôi nghe tên sông này hay hơn tên sông Luộc nên thích ngay. Không ngờ, sông Luộc còn có tên chữ là Phú Nông. Ngày xưa qua sông này về quê vợ Thái Bình, thi hào Nguyễn Du đã cảm tác thành thơ (Độ Phú Nông giang cảm tác). Xưa kia, Nguyễn Du gắn bó với vùng đất sông Luộc này. Ngay từ khi còn nhỏ, lúc gia đình ở Thăng Long bị loạn lạc, Nguyễn Du đã được Đoàn Nguyên Tuấn, bạn thân của Nguyễn Nghiễm (anh ruột Nguyễn Du) đưa về nhà mình ở Quỳnh Côi (Thái Bình) nuôi ăn học như người thân. Không những thế, sau Nguyễn Du lấy vợ là em gái Đoàn Nguyễn Tuấn, trở thành con rể của Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục. Thái Bình trở thành quê vợ và nơi trú ngụ của Nguyễn Du, bởi sau này, dưới triều Tây Sơn, Đoàn Nguyễn Tuấn ra làm quan, nhưng Nguyễn Du vẫn giữ quan điểm trung với vua Lê chúa Trịnh, không muốn làm quan với nhà Tây Sơn, cũng lánh về đây ở ẩn một thời gian. Khi làm quan với triều Nguyễn, Nguyễn Du từng được bổ làm Tri huyện Phù Dung (thuộc Phù Cừ, Hưng Yên) liền kề vùng đất này. Vậy ra, một phần ba cuộc đời ông sống ở vùng sông Luộc này, bao nhiêu lần đò giang qua sông, nên có thơ cảm tác là phải thôi. Thời ấy, đôi bờ sông Luộc hẳn xanh tươi lắm, nên Nguyễn Du đã tả trong thơ mình "Du nhân vô hạn cảm/ Phương thảo biến thiên nhai" ( nghĩa là: Người lãng du dạ đầy thương cảm. Cỏ thơm rợn đến chân trời ).
Trở lại chuyến đi ấy, Gia Trình qua lại đây nhiều nên khi yên vị trên phà, kể cho tôi nghe sơ lược lịch sử vùng đất quê mình, trấn Sơn Nam Hạ, xưa cũng là nơi phát nghiệp đế vương của nhà Trần (Hải Ấp, Lưu Xá, Hưng Hà, Thái Bình)... Chuyến đi ấy để lại cho tôi ấn tượng tốt về một vùng quê thuần nông thanh bình, yên ả. Để sau đó, trước khi cùng Gia Trình vào Nam nhận công tác, tôi về lại đây, một mình trên con ngựa sắt Phượng Hoàng, lốp nứt phòi cả săm, phải quấn tạm bằng dây chun, tôi phải vất vả vác xuống phà...
Cùng với Gia Trình, chúng tôi vào Nam nhận công tác trên chuyến tàu hỏa bão táp vào đầu thu năm 1981, dọc đường phải nhiều lần tăng-bo, ngủ vạ vật ở nhà ga vì mưa bão miền Trung gây sạt lở chắn đường ở đèo Cù Mông, đèo Cả. Chia tay nhau ở Bến xe miền Tây, Sài Gòn, Gia Trình lên xe đi Bạc Liêu (Minh Hải), còn tôi về Long Xuyên (An Giang). Lần đầu chạm mặt đồng bằng sông Cửu Long bạt ngàn cò bay thẳng cánh, thấy Cửu Long giang sóng nước ra sao. Cho đến tận giờ, mỗi nhớ lại, tai tôi vẫn âm vang tiếng rao của những người bán hàng rong, đặc biệt là nem Lai Vung ở bến Bắc Mỹ Thuận qua sông Tiền. Tiếng rao cất lên đều đều, buồn buồn, gợi nỗi nhớ nhà da diết, dù mới đi xa nhà có một tuần. Người Nam gọi phàbắc, lúc ấy tôi chưa hiểu, nên cứ nghĩ là bến phà Mỹ Thuận này ở phía Bắc, vậy còn bến phà nữa ở phía Nam. Nhưng rồi, xe đi trên đất huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đến bến phà nữa, là Bắc Vàm Cống, qua sông Hậu, bờ bên đã là đất Long Xuyên (An Giang) rồi. Tôi thắc mắc mà không dám hỏi ai, phần vì ngại, phần "sợ quê", để dần dà tìm hiểu sau. Miền Tây Nam bộ đang mùa lũ, năm ấy lũ lớn, đồng ruộng trắng băng, phân biệt ruộng với sông nhờ những hàng dừa nước xanh chớp chới. Con phà đầy nhóc ô tô, xe máy và người, lừng lững như dãy nhà hai tầng chênh chếch nương theo con nước mà sang bờ bên. Buồn vui chộn rộn, lạ lẫm xen chút lo lằng, không biết mình sẽ nhiệm sở ra sao. Đầu lởn vởn câu thơ Huy Cận "Lòng quê rờn rợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà". 
Khi về Bảy Núi, Tri Tôn công tác và ở đấy gần bảy năm trời, tôi bao lần qua lại mấy bến phà này (Vàm Cống, Cần Thơ, Mỹ Thuận) mỗi lần lên Sài Gòn,đi phép ra Bắc. Rồi đó, những chuyến đò dọc, chẳng khác chi dân thương hồ miền Tây, đi công việc tại những điểm xa như Ba Chúc, Lạc Quới, Vĩnh Gia, hay sang tận Hòn Đất, Hà Tiên...
Sau này, anh bạn Gia Trình rời Bạc Liêu, về nông trường Đông Anh, Hà Nội làm việc, tôi cất công đến thăm bạn, lần mò hỏi đường, người ta bảo đừng theo đường vòng Cầu Đuống mà đi tắt qua bến phà Đông Trù, gần ngã ba Dâu, nơi sông Đuống lấy nước từ sông Cái. Sông không rộng nhưng nước xiết, nên cảm giác sờ sợ. Qua phà, đạp xe theo đường đê, ngang đất Mai Lâm, lại nhớ đến chuyện bố tôi hay kể rằng ngày xưa hay vỡ đê sông Cái hoặc sông Đuống, đâu quãng ấy, nên đời sống người dân trong vùng cơ cực lắm.  Năm nào mùa mưa lũ, cũng lo ngay ngáy, sợ vỡ đê, chẳng chết trôi thì cũng chết đói. Chẳng thế mà, cụ Ngô Tất Tố, người quê đây, chẳng cần đi đâu xa, cứ chất liệu thực tế ở vùng quê mình mà viết nên các tác phẩm kinh điển của văn chương xứ Việt là Việc làng, Tắt đèn, Lều chõng... Nhờ thế, khi làm báo chuyên nghiệp, tôi đã trở lại vùng quê này, để thực hiện một chương trình phát thanh đặc biệt trong dịp Lễ Quốc khánh.


Trong cuộc đời làm báo chuyên nghiệp, công tác liên miên, sông ngòi, đò phà là chuyện cơm bữa. Hầu như các phà lớn, tôi đều qua hết, như phà Tân Đệ, Đò Quan, Ninh Cơ (Nam Định), phà Bính, phà Gót, phà Đình Vũ (Hải Phòng), phà Bãi Cháy (Quảng Ninh), phà Đà Bắc (Hòa Bình), phà Bến Thủy (Nghệ An), phà Sông Gianh, bến đò Son (Quảng Bình), bến đò Vàng (Bắc Ninh), bến đò Ninh Xá (Hải Dương) ... 
Phà Bãi Cháy, ngày trước cắt ngang vịnh biển, rộng và luôn đông khách, mỗi lần qua chờ cả tiếng đồng hồ là chuyện thường. Những ngày mưa giông, thời tiết xấu, phải qua phà thật ái ngại. Tôi đã gặp những lần như thế, lần qua Hòn Gai công tác, nhân tiện ghé thăm gia đình nhà thơ Trần Nhuận Minh, và một lần khác, đúng khi có bão rớt, tìm gặp nhà văn Dương Hướng và nhà thơ Trần Ngọc Tảo, nhờ chỉ dẫn để xuống Cẩm Phả, tầm bằng được nhà văn Võ Huy Tâm, thực hiện cuộc phỏng vấn ông về tác phẩm Vùng Mỏ. Ngồi trên phà mà cứ nơm nớp lo lắng, ngộ nhỡ... May là không có chuyện gì bất trắc. 
Giờ thì những nơi ấy phần lớn có cầu cả rồi. Nhiều cây cầu mang tầm vóc thể kỷ, như cầu Bãi Cháy, cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, và mới đây nhất là Vàm Cống cũng đã thông xe, bỏ lại đó bến Bắc Vàm Cống, nơi ghi dấu ấn đầu tiên cuộc đời công chức của tôi. Năm 2017, trước khi nghỉ hưu, tôi có dịp đi lại tuyến đường Lấp Vò (Đồng Tháp) qua Bắc Vàm Cống sang Long Xuyên, để đi tiếp Tri Tôn, nơi 37 năm trước, tôi qua đây đi nhiệm sở, bắt đầu cuộc đời công chức của mình. Con phà hai tầng rẽ nước sang bên, nhìn cây cầu xây dở vắt ngang sông mà lòng nao nao, nhớ lại ngày xưa ấy, nhìn những cụm lục bình, nhưng cành mục trôi dạt trên sóng nước, tự nhiên thương cảm cả con phà lẫn những thợ thuyền vận hành, rồi sẽ ra sao khi thông cầu. Giờ thì tất cả đã đi bến bờ khác cả rồi... Một con đò nhỏ chở tuổi thơ ta qua sông quê, hay con phà khủng thì cũng như nhau cả thôi, đều có thân phận, đều trôi chảy cùng dòng sông và dòng đời !...



Có một bến đò mà tôi chưa nhắc đến. Đấy là bến đò Hàn qua sông Thái Bình, từ thị xã Hải Dương sang đất Nam Sách. Bến đò này một thời như bến đò tình yêu của tôi. Ngày đó, tôi và người bạn gái ấy, hay cùng nhau qua đò Hàn sang Nam Sách thăm nhà Trịnh Bá Ninh và Trần Đăng Khoa, là những bạn chung của hai tôi. Mối tình đầu vụng dại, chỉ biết yêu hết lòng, còn chẳng biết đoán ý của người bạn gái nữa. Đò giang, sóng nước, mây trời, và cả thơ phú, đều bồng bềnh, choi vơi, nương theo tâm trạng buồn vui của lòng mình và gương mặt tươi tắn hay đượm buồn của người ấy... Và hình như, ở vào tuổi mới lớn, trong tình yêu, con gái thường là người dẫn dắt thì phải? Tôi như con đò để người ấy cầm lái, chèo đi đâu cũng được... Mối tình đầu đánh mất, cầu qua sông cũng đã bắc đâu đó, người xưa đi lấy chồng, mình cũng đã yêu người khác, rồi lập gia đình. Nghe đâu bến đò ấy vẫn còn, vì cuộc đời luôn có người lỡ dở cần qua sông... 
Tôi và người bạn ấy, sau gặp lại nhau, trêu đùa như chưa từng có chuyện gì, cũng chẳng còn nỗi đau khứa lòng nào... Nhưng bóng dáng con đò và tiếng gọi đò ơi lan trên sống nước một thuở thì vẫn như đâu đó!... 


Nhận xét