Lang thang chuyện gốm ( II )




Cuối năm 2009, sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Cơ quan Đài tiêng nói Việt Nam khu vực miền Trung tại Đà Nẵng, tôi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Đi cùng có vài phóng viên kết hợp công tác Huế và Quảng Trị. Có người mách tôi, ở Huế, ông Hồ Tấn Phan là người có bộ sự tập gốm cổ thuộc cỡ "độc nhất vô nhị". Một gợi ý không thể bỏ qua, chúng tôi liền tìm đến nhà ông (phố Cao Bá Quát, Tp. Huế). Thật may, ông Hồ Tấn Phan có nhà. 

Vừa bước chân vào ngõ, tôi sửng sốt bởi không thể ngờ, đồ gốm cổ lại nhiều đến thế, là liệt ra đến vườn cổng nhà. Sao lại không ngạc nhiên cơ chứ, khi đồ cổ quý hiếm có số lượng đếm không xuể và được bày la liệt, chẳng sợ bị trộm cắp. Biết chúng tôi là nhà báo, ông Hồ Tấn Phan vừa pha trà mời khách, vừa vui vẻ trả lời những câu hỏi của chúng tôi, không ngại giãi bày tâm tư của người sở hữu một khối lượng "khủng" cổ vật quý hiếm. Phần lớn, cổ vật trong "ngôi nhà gốm" của ông là gốm Sa Huỳnh (niên đại 2.500 trước) và gốm Chu Đậu, cùng đó, có cổ vật từ thời văn hóa Đông Sơn, các triều đại Lý Trần, Champa và nước ngoài...
Ông Hồ Tấn Phan cho biết, phần lớn số cổ vật mà ông có được là thu gom từ các vụ trục vớt những con tàu đắm ở vùng cửa sông Hương. Để làm được việc đó, cùng với sự hiểu biết và lòng say mê, ông đã bỏ bao công sức, tiền của cho bộ sưu tập khủng này. Tranh thủ lúc ông bận trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, tôi loanh quanh quan sát nơi bày cổ vật của ông...
Cơ man là gốm, gốm trong nhà, tủ, bàn, kệ, bậu cửa, lỗ thông hơi, góc của, thềm nhà... nghĩa là nào bày được là bày... Ngoài sân vườn thì thành nhóm, thành kiêu, bên gốc cây, nơi thành giếng, mép sân, góc vườn... 
Ở độ tuổi bảy mươi, khi ấy, ông còn khá khỏe, tuy thân hình gày guộc. Đối thoại với Hồ Tấn Phan, thấy niềm đam mê gốm cổ trong ánh mắt, trong giọng điệu, trong mỗi cử chỉ khi thuyết trình về gốm cổ nói chung và bộ sưu tập của mình...

Ông còn là một người sưu tầm sách, sách cổ, sách quý, đặc biệt là những bộ sách về văn hóa-lịch sử-dư địa chí, tự vị, khảo cổ học... Ông lần giở cho chúng tôi xem một số bài báo viết về bộ sưu tập gốm cổ của mình...
Chia tay, ông tiễn chúng tôi ra ngoài ngõ, rời chân đi mà tôi cứ ngoái lại nhìn đống gốm cổ bày tràn ra mép hàng rào... 

Năm 2016, nghe tin nhà sưu tập Hồ Tấn Phan mất ở tuổi 77, và trước khi mất ít lâu, ông đã làm một việc đầy ý nghĩa. Ấy là hiến tặng Ủy ban Biên giới quốc gia bộ 'Đại Nam thực lục' của Quốc sử quan triều Nguyễn do Trường Đại học Keio, Nhật Bản thực hiện.


Tôi hiểu, mình đã may mắn, dù chỉ một lần được đàm thoại và tận mắt chiêm ngưỡng bộ cổ vật, gốm cổ của Hồ Tấn Phan, nhà sưu tập-nghiên cứu văn hóa Huế... 

Cùng trên mảnh đất Huế, nghe danh làng cổ Phước Tích đã lâu, bản thân qua lại vùng đất này không biết bao nhiêu lần, vậy mà đến năm 2014, tôi mới tìm đến thăm làng cổ vang danh gốm này... 

Làng Phước Tích năm bên bờ sông Ô Lâu êm ả, thanh bình thuộc huyện Phong Điền, cách thành phố Huê hơn ba chục cây số. Thời điểm tôi đến, trùng với Festival Huế 2014, nên đây cũng là một điểm tham quan cho du khách...
Loanh quanh trên các nẻo đường làng, ít khi bắt gặp người dân, chỉ dăm ba đám khách thơ thẩn, ngó nghiêng. Nhà cổ, vườn rộng, hàng rào cây là đặc điểm chung, Bắt gặp một điểm trưng bày gốm, trương khẩu hiệu "Lễ hội hương xưa làng cổ 2014, điểm trưng bày và quảng diễn gốm Phước Tích", chúng tôi rẽ vào thăm. Chủ nhà tuổi trung niên, anh vui vẻ chào mời khách nhưng vẫn không ngừng bàn xoay tạo gốm. 

Hỏi chuyện, biết làng hiện còn ít nhà theo nghề này, chủ yếu là lòng đam mê, muốn lưu giữ nghề truyền thống của một làng gốm danh tiếng xưa nay ở đất cố đô. Xem tấm bảng về lịch sử hình thành, biết làng Phước Tích có lịch sử lâu đời 500 năm nay, từ thời đầu chúa Nguyễn đi mở đất. Theo đó, nghề gốm dần hình thành. thịnh vượng mang lại danh thơm và nguồn sống cho làng.

Cũng như nhiều làng gốm cổ truyền khác, Phù Lãng,Thổ Hà, Thanh Hà, Bàu Trúc, gốm Phước Tích là gốm mộc, không men từ chất liệu đất sét. Thời nhà Nguyễn, làng Phước Tích từng phải nộp một số lượng nhất định nồi đất nung cho triều đình dùng nấu cơm, thảo nào dân gian có câu ca "Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế..." là vậy. Nghe nói, Phươc Tích đã từng có sản phẩm gốm được bán sang Nhật Bản... 
Ngày nay, tuy số nhà làm gốm ít, nhưng chủng loại, kiểu dáng, tạo hình mỹ nghệ trên sản phẩm phong phú hơn xưa nhiều, và rõ ràng có sự chi phối của mỹ thuật công nghiệp hiện đại.



Làng vẫn còn một số nghệ nhân, nhưng nghe đâu chỉ gia đình ông Lê Trọng Diễn là giữ được bộ sưu tập trưng bày cho thấy sự phong phú của làng gốm Phước Tích một thời. Bầu không khí làng tĩnh lặng, có gì đó buồn buồn, đó đây bắt gặp dấu tích vài ba lò gốm cổ, lò gốm cũ, bị bỏ hoang, không đỏ lửa từ lâu rồi, song là minh chứng cho một làng gốm Phước Tích từng thịnh vượng... 

Gốm cổ, mai một, rồi lại hồi sinh. Tôi đã thấy điều đó ở gốm Phù Lãng, gốm sứ Chu Đậu, Đông Triều,... và mới đây là dòng gốm Thanh Hà ở Hội An.

Gần chục năm trước, lần đầu đến làng gốm Thanh Hà, tôi đã ít nhiều thất vọng, như đã kể cùng mọi người, nhưng giờ đây, gốm Thanh Hà đã hồi sinh với một sức sống mới. Một trung tâm trưng bày-một bảo tàng gốm quy mô và đẹp đẽ đã được dựng lên ở đây, mà người ta quen gọi là Công viên đất nung Thanh Hà. Công viên đất nung này là ý tưởng hiện thực của kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên, thiết kế và là chủ nhân. Tổng thể, chia thành 2 khu vực, khu biểu trưng "lò úp" là để trưng bày lịch sử hình thành phát triển của gốm Thanh Hà, với ý nghĩa lưu giữ các giá trị truyền thống. Còn khu biểu trưng "lò ngữa" là nơi trưng bày các sản phẩm gốm Thanh Hà và một số dòng gốm khác như Phù Lãng, Bát Tràng, Vĩnh Long... 

Tôi và mấy đồng nghiệp ở VOV miền Trung đến tham quan công viên đất nung này từ những ngày đầu khai trương. Quả thật, với phần trưng bày đất nung mới mô hình các công trình kiến trúc thuộc hàng kỳ quan thế giới (như Nhà thờ Đức Bà Paris, Tòa Bạch Ốc, đên Tajmahan...), tôi không mấy thú, song khi bắt gặp những sản phẩm gốm Thanh Hà qua quá trình hình thành và phát triển thì vô cùng thích thú. Phần bày các dòng gốm khác cũng rất thú vị. Với quy mô như vậy, chủ đầu từ chắc phải bỏ ra nhiều chục tỷ để thiết kế xây dựng. Lỗ lãi thế nào chưa biết, song phải có lòng đem mê và ý chí khá lớn mới làm ra được. Điều đó thật đáng khâm phục. 

Đáng bàn hơn nữa, là ý nghĩa xã hội, cộng đồng to lớn, khi mà vừa duy trì bảo tồn nghề truyền thống, vừa đem lại công ăn việc làm cho người dân làng gốm. Giờ đây, du khách về làng gốm Thanh Hà, ngoài việc thăm thú, vua sắm sản phẩm, còn được thỏa thú vui trải nghiệm tự tay nặn đất ra sản phẩm của mình... 



Mong là, gốm Phước Tích cũng có ngày như thế...
Lang thang chuyện gốm, rong chơi chút vậy... khi mà, đích tiếp theo của tôi là gốm Bàu Trúc, gốm Đồng Nai, gốm Vĩnh Long...

Khi ấy, tôi sẽ lại kể câu chuyện của mình ... 

Nhận xét