Nhớ thương một miền quê,





Ấy là miền quê thuộc Xứ Đoài...

Thuở sinh viên, ham đọc thơ, tôi đã biết đến câu thơ gợi nhớ của nhà thơ Quang Dũng: "Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em đã bao ngày em nhớ thương?"... 
Đấy là miền đất để lại trong tôi nhiều thương nhớ.
Ngày ấy, ngoài vùng đất Hải Hưng quê tôi, và Hà Nội nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, thì xứ Đoài là miền đất tôi đi về nhiều nhất, và miền đất ấy đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai... Không phai thì nhớ, mà đã nhớ thì hay thương...
Cùng lớp đại học với tôi có Cường (tên đầy đủ Nguyễn Viết Cường), nhà ở huyện Mỹ Đức (Hà Tây cũ). Cường kém tôi một tuổi, người phổng phao, gương mặt thông minh, má phinh phính măng tơ, khá điển trai. Hai đứa chúng tôi nhanh chóng thân nhau. Lớp hơn bốn chục đứa, học hành cùng nhau, chơi với nhau cả, nhưng hợp tính tình này nọ, nên chỉ sau chừng nửa năm học, tự nhiên hình thành các nhóm nhỏ, cặp đôi, ba bốn, dăm bảy đứa một. Tôi rất thân với Gia Trình, bởi hai thằng người còi còi và đều là mọt sách, dễ bàn chuyện sử sách. Còn tôi với Cường, cũng khá thân nhưng lại hợp ở sở thích khác. Cường quê gốc Huế, bố Cường là người Phong Điền, Huế, tập kết ra Bắc năm 1954, sau kết hôn với mẹ Cường là con gái vùng dâu tằm Tảo Khê, Mỹ Đức, Hà Tây. Gia đình sống ở quê ngoại, bố làm việc ở Sở Xây dựng Hà Tây, trụ sở ở thị xã Hà Đông, hàng tuần mỗi chủ nhật đạp xe về nhà ở Tảo Khê. Nghe chuyện, biết vùng quê ngoại bạn mình là một vùng dâu tằm rộng lớn ven sông Đáy yên bình, tôi rất muốn về thăm.
Rồi một ngày, Cường đèo tôi trên chiếc xe đạp của bạn, kẽo kẹt xuyên thị xã Hà Đông, đến Ba La Bông Đỏ thì rẽ theo đường đi chùa Hương. Vừa đi, Cường vừa giới thiệu cho tôi biết các địa danh dọc đường như Xốm, Thạch Bích, Bình Đà, Vác, Chuông... Qua cầu Ba Thá, chúng tôi bám theo đường bờ sông Đáy, gập ghềnh khó đi. Làng xóm và các ruộng dâu tằm san sát. Sông Đáy dòng chày êm đềm như dải lụa mềm uốn lượn len giữa những xóm làng bình yên...
Con sông Đáy, là một sông lớn chày vòng vèo bên hữu ngạn sông Hồng. Nó là chi lưu của sông Cái, nhận nước qua của Hát Môn của dòng Hát Giang, loanh quanh về đến Phủ Quốc (Quốc Oai) rồi qua đất Chương Mỹ, len giữa Ứng Hòa và Mỹ Đức. Do cấu tạo địa hình dòng chảy, nên từ lâu phần thượng nguồn này đã bị bồi lấp, chẳng thế mà trước đây, Quang Dũng đã viết trong bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây" của mình "Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc" là thế. Do phần thượng nguồn này bị bồi lấp nghẽn dòng, nên trong hàng trình của mình, nó tồn tại là nhờ nhận thêm nước của nhiều dòng sông có nguồn từ vùng núi đá vôi Hà Nam-Ninh Bình như suối Yến, sông Nhuệ, sông Hoàng Long, sông Gián Khẩu, và lần nữa tiếp nước từ sông Hồng qua con sống Đào ở Nam Định... rồi về biển ở của Đại An, nơi giáp ranh giữa Nghĩa Hưng (Nam Định) và Kim Sơn (Ninh Bình)... Trong lịch sử, dòng sông Đáy rong ruổi quanh co khắp vùng lưu vực hữu ngạn sông Cái để về với biển, xứng đáng nhận được nhận sự ca tụng của đại thi hào Nguyễn Du: "...Cổ kính tiều quy minh nguyệt đảm/ Triều môn ngư tống tịch dương thuyền/ Mang mang viễn thủy tam xuân thụ/ Lạc lạc nhân gia lưỡng ngạn yên..." (Thanh Quyết giang vãn thiều), dịch ngĩa là :"...Lối mòn tiều phu gánh củi về dưới ánh trăng/ Thủy triều lên, ngư phủ đầy thuyền trong bóng hoàng hôn/ Cây xuân phất phơ giữa trời nước mênh mông/ Đôi bờ nhà dân lững lờ khói tỏa...". Có gì đó, phảng phất nỗi buồn tha hương như thơ Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ "Đèo Ngang". Những tầm hồn đồng điệu...

Lẽ dĩ nhiên, ngày ấy, anh bạn Cường chẳng thể biết vùng quê ngoại của mình lại nên thơ làm vậy. Thực ra, tôi cũng đâu hơn gì bạn mình, là mãi sau này, tìm hiểu thêm mới vỡ vạc ra thế. Phải nói, hiếm có con sông nào chảy loanh quanh giữa đồng bằng Bắc bộ, mất hút vào làng mạc xóm thôn, nhiều chỗ ngỡ mất dòng, rồi lại ùa ra ở một khúc quanh đâu đó. Có lẽ vì thế mà sông Đáy thấm thấu biết bao tinh hoa phong hóa Bắc bộ từ cư dân đôi bờ trong suốt hành trình tim ra biển của mình. Một thời, người ta hay nghêu ngao câu hát "Dòng sông Đáy quê em, sông trăng hay sông lụa, nong kén vàng như lúa, tròn vạnh một góc trời" ( Ca khúc "Dòng sông quê anh dòng sông quê em", thơ Lai Vu, nhạc Đoàn Bổng). Rồi lại có người thắc mắc, tại sao Cụ Hồ lại đi thuyền trên sông Đáy trong thời kháng chiến nhỉ, khi đọc bài thơ "Đi thuyền trên sông Đáy"? Thực ra là nhiều người nghĩ nhầm, con sông Đáy mà Cụ Hồ đề thơ năm 1049 (Dòng sông lặng ngắt như tờ/ Sao đưa thuyền chạy thuyền chờ trăng theo/ Bốn bề phong cảnh vắng teo/ Chỉ nghe cót lét tiếng chèo thuyền nan...) là con sông Phó Đáy, một phụ lưu bên tả ngạn sông Lô, có thượng nguồn ở Bắc Cạn, chảy qua địa bàn Tuyên Quang về Vĩnh Phúc nhập vào sông Lô... 
Về đến trại tằm Tảo Khê, vừa tầm bữa trưa. Hai đứa mệt nhoài, nhưng không khí bữa cơm gia đình vui quá nên quên cả mệt. Nhà Cường được Trại tăm ưu tiên cho ở trong một căn hộ cấp 4 mấy gian ngay khu hành chính của Trại. Nhà có bốn anh chị em, chị gái lớn nhất học cao đẳng sư phạm xong chờ phân công công tác, em trai dưới Cường đang học đại học Thương mai, cô em gái út đang cuối cấp 3. Hôm ấy, nhà thiếu cậu em học thương mại, và bố Cường không về cuối tuần, nên tôi và Cường được ba người phụ nữ là mẹ, chị và em gái săn sóc tận tình. Buổi chiều, hai thằng rủ nhau ra tắm sông Đáy. Nhà gần bờ đê, có cầu gạch bến sông và cây đa tỏa mát, quang cảnh bình yên đầy chất quê. Nước sông đầy, nhưng êm đềm nên hai đứa thỏa sức bơi lội. Có lúc, tôi thả người ngửa mặt nhìn mây trời lững lờ, đầu óc bay bổng nghĩ về một từ thơ vừa nảy, để rồi câu thơ thành hình "Chưa một lần về thăm quê dâu/ chỉ nghe hát về vùng tơ lụa ấy/ mà sáng nay khi vừa trở dậy/ câu hát em mang tơ quấn quanh tôi/ Đêm không ngủ lạ nhà nghe ngoài trời mưa rơi/ những hạt mưa xuân lập bập trên lá dâu non mỡ/ tôi bỗng hiểu lời ví von trong bài hát đó/ tiếng mưa như tiếng tằm ăn...".
Bóng chiều về vàng suộm cả một khúc sông, phủ dần lên nương dâu xanh ngắt. Cây đa bên cầu sông bỗng trở nên huyền bí. Xa xa là dãy núi xanh mờ, nơi ấy có chùa Hương Tích, hun hút nối sang vùng đá vôi Kim Bảng mờ dần. Lác đác vài bóng chim bay cắt mặt sông về tổ... Tự nhiên, tôi muốn là người họa sĩ thâu tóm quang cảnh hoàng hôn thanh bình này vào tranh...

Bữa cơm tối, cả nhà ríu rít. Mọi người nhắc đến bố Cường. vì ông bận việc không về. Hai chị em gái khi nhắc đến cậu en trai Cường học xa nhà mãi trên Việt Trì lâu lâu không thấy về, khi thì đùa yêu kể tội Cường này nọ. Mẹ thì luôn miệng nhắc mọi người ăn đi. Tôi chỉ biết cười trừ, thèm cái không khí đầm ấm gia đình... Đêm, tôi ngủ say, mơ hồ ngoài trời có mưa, khi mở mắt ra trời đa sáng bạch. Nhà vắng tanh, mọi người đi đâu cả. Tôi ra sân, nhìn quanh quất thì cô em út ùa về, lấy nước cho tôi đánh răng rửa mặt, rủ tôi tranh thủ trước bữa ăn sáng, sang trại xem cho tằm ăn đã. Sống động và thích mắt. Xem tằm ăn lại nghĩ về câu tục ngữ "ăn như tằm ăn rỗi". 
Sau bữa cơm trưa chủ nhật, tôi và Cường lại kẽo kẹt đèo nhau lên trường. Dọc bờ sông Đáy, chốc chốc tôi ngoái lại. Chưa xa mà đã nhớ. Lòng muốn quay trở lại nơi này...

Và không lâu sau, tôi trở lại nơi này. Ấy là khi tôi và Cường đã bảo vệ xong luận án tốt nghiệp, chờ phân công công tác. Thời gian rảnh rỗi, trước khi lớp chia tay Cường rủ rê tôi về Tảo Khê chơi. Lần này, mỗi đứa một xe, đạp sóng đôi về Mỹ Đức. Hai đứa ghé qua phòng làm việc của bố Cường, đèo một số thứ về trước. Nhà đông vui, vì chàng sinh viên đại học Thương mại cũng về nghỉ hè. Nhà có cái điếu cày, cả ba bố con cùng hút, và mỗi lần hút, bố Cường ho sù sụ, cho thấy sức khỏe ông giảm sút. Chị gái cả đã nhận công tác ở một trường cấp 2 cách nhà vài cây số. Chỉ mỗi cô em út là điểm thi đại học không cao, nên kém vui. Mỗi bữa cơm, nhà vui nhộn như tết. Lần này, đã quen thung thổ và nhiều thời gian nên tôi chơi đây đó thoải mái. Cũng tắm sông, cũng xem chăn tằm, lần này, thấy em gái út ít buồn buồn vì lo trượt đại học, nên tôi hay chuyện trò hỏi han. Rồi tôi đèo gái út đến trường học nơi chị gái mới nhận công tác, lại vào làng gần đấy thăm bà ngoại, bà cụ già lão sống thui thỉu một mình, miễn sao để em vui. Nhìn cô bé lăng xăng quét dọn nhà cửa, nấu nướng cho bà, mà lòng tôi ái ngại. Cô bé học giỏi, nhưng học tài thi phận là thế. Em bảo tôi, giọng buồn như có nước mắt, rằng năm nay trượt, sẽ gắng ôn để năm sau đỗ vào đại học Y khoa. Có những lúc, hai anh em bỏ xe, ngồi bệt xuống vệ cỏ, lặng ngắm dòng sông Đáy nước lững lờ, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ... Quả nhiên, năm sau cô bé đỗ điểm cao vào Đại học Y Hà Nội, khi gia đình về quê ở Phong Điền, Huế thì cô bé chuyển về học Y khoa Huế. Sau này hai anh em chúng tôi thi thoảng gặp nhau, và câu chuyện còn dài... Hôm ra về, Cường tiễn tôi đến thị xã Hà Đông. Hai đứa đi rất sớm lúc trời còn mờ tối. Chúng tôi không đi theo đường cũ mà xuyên tắt qua các làng xóm để ra Chúc Sơn. Tiếng chó sủa dấm dẳng suốt các làng xóm dọc đường, có những con chó táo tợn lẵng nhẵng đuổi theo xe chúng tôi cả đoạn dài, những hình ảnh và âm thanh ấy đeo đẳng trong trí nhớ của tôi đến tận bây giờ... Vài năm gần đây, tôi có dịp trở lại vùng đất này, nhưng cảnh cũ người xưa đã thay đổi cả rồi. Người chị lớn của Cường không theo gia đình về Huế mà lấy chồng người địa phương, nhà ở cách nơi cũ một đoạn ngắn. Tôi có ghé chơi, đi lại đoạn đê trước khu Trại tằm nhìn vào thấy khác lạ, chỉ phảng phất hình ảnh xưa cũ trong tâm trí mà thôi. Sông Đáy như cạn dòng chẳng còn nhiều nước như ngày ấy, cả vùng dâu bạt ngàn cũng đâu còn nữa. Chỉ một số hộ dân vẫn giữ nghề chăn tăm, chứ không còn mô hình tập thể nữa... 

Ngày ấy, tôi đi nhận việc ở An Giang, còn Cường vào Bạc Liêu. Ở trong ấy, tôi có vài lần sang Bạc Liêu thăm Cường, nên biết sơ sơ cuộc sống của gia đình bạn mình khi về quê ở Huế. Vật đổi sao dời là vậy. Nhớ đất là vì nhớ người, và nhớ người nên yêu quý đất cũng là thế...
Câu chuyện của tôi về một vùng quê lụa vẫn còn dài. Và tôi vẫn sẽ kể tiếp về đất và người... 

Nhận xét