Từ nghệ thuật thực cảnh nghĩ về chiếu chèo sân đình,



Thật khó diễn tả nổi cảm giác trước sự tráng lệ của Thực cảnh Ký ức Hội An... Một sự choáng ngợp trong không gian ánh sáng và âm thanh cùng những cảnh vật, con người sống động, linh hoạt và đầy biểu cảm ...
Đó là những gì tôi mục sở thị  thực cảnh Ký ức Hội An. Thực tình, trước khi xem, tôi đã thử hình dung, nhưng quả thực, nó khác với mường tượng của tôi, về độ tráng lệ, về kỹ xảo ánh sáng, sắc màu, sự sống động, về số lượng người tham gia, về cảm xúc tức thì nơi tôi...
           Thực cảnh tái hiện lịch sử hơn bốn trăm năm hình thành của Hội An với sự pha trộn của văn hóa Việt-Champa, Nhật bản, Trung Quốc, Bồ Đào nha, Pháp... Thậm chí, có những hình ảnh tái hiện lại câu chuyện từ thời Huyền Trân công chúa nhà Trần vào làm dâu xứ sở Champa (đầu thế kỷ 14), và xa xưa hơn nữa, là những sinh hoạt của xứ sở Champa cổ từ thế kỷ thứ 10 ... 
           Đây là lần đầu tiên tôi xem nghệ thuật thực cảnh. Năm 2002, trong một lần công tác sang Trung Quốc, tôi đi dọc tuyến Nam Ninh-:Liễu Châu-Quế Lâm, và từ Quế Lâm, theo dòng Ly Giang tôi đi thị trấn Dương Sóc, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền nam Trung Quốc. Dọc đường, du thuyền ghé bờ để du khách tham quan hang động Quan Mâu. Nghe nói, vài năm sau đó, người ta dựng sân khấu thực cảnh ngay gần đó để diễn vở thực cảnh Chuyện chị Ba Lưu, do Trương Nghệ Mưu làm tổng đạo diễn. Các đồng nghiệp sau tôi sang đó, được phía bạn mời xem, về kể lại, tôi cứ tiếc là không được mục sở thị. Nay được xem Ký ức Hội An thật đã mắt đã tai, thây với quy mô này, hẳn là hoành tráng hơn thực cảnh Chuyện chị Ba Lưu. 
Ở quy mô ngược lại, ấy là chiếu chèo sân đình.
          Với người dân xứ Bắc, nhất là các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng-sông Thái Bình, thì chèo là hình thức sân khấu phổ biến và được yêu thích nhất. Ngày nhỏ đi học, nhất là những năm chiến tranh về sống ở quê, tôi mới biết nhiều về chèo. Thời ấy, các địa phương hầu như đều có đoàn chèo chuyên nghiệp, nổi tiếng như chèo Thái Bình, Hà Tây, Hải Phòng, Hà Bắc, Nam Hà và Hải Hưng quê tôi. Nhưng được xem các đoàn chèo chuyên nghiệp diễn là rất hiếm, thì bù lại, các chuyên mục Dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam phát các làn điệu chèo, hoạt cảnh chèo khá nhiều. Người ta biết đến tên tuổi của các nghệ sĩ hát chèo qua làn sóng như Minh Lý, Kim Đức, Minh Tâm, Như Hoa, Đỗ Xuân... Còn mỗi đoàn chèo, đều có những diễn viên gạo cội nổi tiếng của mình, và lâu lâu họ lại được mời thu thanh để phát trên đài nhằm phục vụ đông đảo thính giả.
           Chuyện chiếu chèo sân đình, là một hình thức văn nghệ cộng đồng có từ xưa vào những dịp làng có hội, lễ tết gì đó. Hình thức biểu diễn này thường do một gánh chiều gia đình, hành nghề lưu diễn khắp nơi để kiếm sống, hoặc do những người yêu thích chèo tự biên tự diễn như một sinh hoạt tình thần vui làng xóm. Nghe cah tôi kể lại, ngày trước, hình thức chiếu chèo sân đình khá phổ biến, vì nghệ thuật sân khấu chưa mấy phát triển, vả lại đời sống thôn dã xưa thích hợp với hình thức diễn xướng kiểu này, biểu diễn các rích chèo cổ, các trích đoạn, chẳng hạn như: Súy Vân giả dại (Kim Nham), Thị Màu lên chùa (Quan âm Thị Kính), Tuần ty Đào Huế (Chu Mãi thần) v.v... Vừa giải trí gây cười vừa có tính giáo dục cao. Sau này, những năm chiến tranh ở miền Bắc, tuy đã có nhiều đoàn văn công, đoàn tuồng, chèo, cải lương nhưng lưu diễn địa phương khó khăn, vả lại còn sợ máy bay địch bắn phá, nên hình thức chiếu chèo sân đình trở nên phù hợp với hoàn cảnh và khá hữu dụng.
           Quê tôi ngày ấy, tuy không phải là đất chèo, thì cũng có những người do nghe chèo trên Đài mà mê chèo. Chiến tranh, phim ảnh, văn nghệ hiếm nên làng xã khuyến khích các hoạt động văn nghệ quần chúng. Hầu như làng nào cũng thành lập đội chèo, thành viên thì hổ lốn, già trẻ, trung niên, thanh niên chưa có gia đình, lại có những ông bố và mẹ vài ba con, miễn là biết hát chèo sơ sơ và nhiệt tình là được. Hình thức thì cũng búa xua, hát đơn, hát đôi, hoạt cảnh, dựng trích đoạn chèo cổ đều được. Vui thì có nhưng buồn cũng chẳng phải không. Nhiều anh chị tập tành, biểu diễn chung mà bén duyên nên vợ chồng. Lại có những cặp có vợ chồng cả rồi. khi tập chung với nhau nảy sinh tình cảm, tình giả thành thật, rạn nứt hôn nhân. Buồn nữa, có nhưng chị vợ bộ đội, chồng xa nơi chiến trường, ở nhà lại có thai... Tôi nhớ, có nhà văn nào đó đã viết thành truyện, Thị Màu lại phải nuôi con riêng của Thị Kính ngoài đời, là chuyện hoàn toàn có thật... Thế mới là cuộc sống!?...
           Dù chiến tranh và thiếu thốn, nhưng vẫn có những đoàn văn công trung ương và địa phương đi lưu diễn. Quê tôi, cách Hà Nội vài chục cây số đường chim bay, nên năm đôi lần có đoán văn công chuyên nghiệp, tuồng, cải lương, kịch nói, chèo đến biểu diễn vài ba đêm. Đấy thực sự là ngày hội của làng quê. Tôi nhớ, các vở chèo cổ như Kim Nham, Trương Viên, Lưu Bình Dương Lễ, Quan âm Thị Kính, Tấm Cảm, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa... được các đoàn dựng, đưa về biểu diễn. Cả xã có cái chợ Lạng, sân gạch rộng, dưới tán mấy cây bàng cổ thụ, gần trụ sở Ủy ban xã, lại vị trí trung tâm, được chọn là nơi dựng sân khấu biểu diễn. Mọi người nô nức mua vé đi xem, phải đi sớm để giành chỗ ngồi gần sân khấu. Vở nào cũng có đoạn hài cười nôn ruột, lại có đoạn cảm động rơi nước mắt. Làng xã hân hoan cả tuần, cả tháng, đi đâu người ta cũng bàn tán các tình tiết trong vở diễn. Giờ nghĩ lại, thấy những buổi biễu diễn sân khấu ngày ấy có sức mạnh tinh thần ghê gớm, một sự doping khó có gì bằng...
Có một thời kỳ, diễn ra sự đổi mới trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, thì lĩnh vực sân khấu cũng vậy. Ở ta, kịch Lưu Quang Vũ là một hiện tượng rầm rộ. Lặng thầm, sau hoạt cảnh chèo Đường về trận địa, ít nhiều mang tính thử nghiêm, soạn giả Tào Mạt tung ra bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước lấy đề tài lịch sử nhưng lại có sự cách tân. của mình ( Lý Thánh Tông tuyển hiền, Nhiếp chính Ý Lan và Lý Nhân Tông kế nghiệp) đã để lại tiếng vang và dấu ấn sâu đậm trong hoạt động sân khấu cô truyền là sự phát triển của nghệ thuật chèo.
           Ấy là thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật sân khấu và nghệ thuật biểu diễn nói chung. Đó cũng là niềm hạnh phúc của các nghệ sĩ. Giờ đây, con người ta có quá nhiều thứ giải trí, thời đại 4.0 thì nằm trên giường người ta cũng có thể lựa chọn được các hình thức giải trí mà mình yêu thích, chẳng cần phải bước chân ra. Sân khấu và nghệ thuật biểu diễn bị thu hẹp đất sống, và như vậy sẽ mai một, nếu không tìm cách biểu đạt mới, cách sống mới cho phù hợp với thời đại ? Đương nhiên, hiện nay, vẫn còn đó các nghệ sĩ hát và biểu diễn chèo sống chết với nghề như Quốc Anh, Thanh Ngoan, Thanh Hoài, Hồng Ngát, Văn Chương, Xuân Hinh, Thu Huyền v.v... nhưng cứu vãn chèo, mang lại sức sống cho chèo không chỉ có lòng yêu nghề là đủ?...
           Song tôi đã thấy sức sống mới của nghệ thuật biễu diễn ở Hội An. Người ta đã đưa nghệ thuật sân khấu ra đường phố, như dân ca bài chòi, cải lương vọng cổ, hát tuồng... và nghệ thuật thực cảnh (qua thực cảnh "Ký ức Hội An") là một cách làm mới hoàn toàn...
           Đương nhiên, Hội An có sự thuận lợi, ấy là điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, mà không phải nơi nào cũng có. Hội An biết tạo ra sản phẩm du lịch mới và du khách đến Hội An đông là diểm mấu chốt cho nghệ thuật tìm được đất sống ở đây. Hội An biết cách nuôi dường du khách và khách tiếp thêm sức sống cho Hội An...
            Và, chiếu chèo sân đình, đâu có chết. Hình thức này tự tìm được sức sống mới cho mình ở nơi làng xóm. Giờ đây, người dân tự biết cách nuôi dường hình thức này, bởi khi biễu diễn chiếu chèo sân đình, người ta đến xem, không đờn thuần là thưởng thức nghệ thuật, mà là được tham gia vào hoạt động và tạo sự gắn kết cộng đồng, là tình nghĩa xóm làng, những thứ không gian mạng chưa đem lại cho họ!?...

          

Nhận xét