Xuân Canh Tý, bàn về bài thơ Xuân hiểu,


Bài này rút từ tập Rong chơi miền Đường thi, Nxb Hội Nhà văn, 2016

1.
Xuân hiểu, có thể xem là bài thơ hay nhất, trong số gần ba mươi bài thơ còn lại đến nay của Mạnh Hạo Nhiên.
Xét về mức độ nổi tiếng, Mạnh Hạo Nhiên thuộc diện xếp ngay sau Tứ trụ Đường thi (Lý Bạch-Bạch Cư Dị-Đỗ Phủ-Vương Duy). Ông thuộc thế hệ đàn anh của Lý Bạch, kết bạn thân với hai nhà thơ nổi tiếng khác đồng thời làm quan trong triều là Vương Duy và Trương Cửu Linh
. Về thân thế, sách "Đường thi tam bách thủ" của Hành Đường Thoái Sĩ cho biết : Mạnh Hạo Nhiên, người Tương Dương, Tương Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc). Ngay từ lúc còn trẻ, tính tình khảng khái, khí phách, sẵn lòng giúp đỡ người hoạn nạn. Thi cử không đỗ, giỏi thơ ngũ ngôn. Ở vào tuổi bốn mươi mới về thăm kinh thành, được mời đến nhà Thái học, làm thơ phú. Có lần, được Vương Duy mời vào nội phủ, tình cờ vua Đường là Huyền Tôn Đường Minh Hoàng đến, tận mắt thấy cảnh Mạnh Hạo Nhiên điềm nhiên bàn thơ phú với Vương Duy, mà Duy lại có thái độ nể trọng. Vua nói rằng "Trong số các quan ở bên ta, chưa thấy ai như người này" (có ý khen phong thái, khí phách của Mạnh Hạo Nhiên), rồi bảo Vương Duy gọi Mạnh Hạo Nhiên ra lạy chào. Khi vua hỏi về thơ phú, Mạnh Hạo Nhiên liền dâng bài thơ, hàm ý khẳng khái nhận mình là người không có tài nên bị chúa bỏ không dùng. Huyền Tôn bảo: "Vua không tìm kẻ sĩ, nhưng ta có bỏ các vị khanh tướng bao giờ, sao lại nói không cho ta thế". Vì chuyện đó, về sau Mạnh Hạo Nhiên bỏ đi xa. Cho đến khi người bạn thơ là Trương Cửu Linh trị nhậm Kinh Châu, mới đón về ở cùng phủ. Lúc Trương Cửu Linh thôi chức, ông cũng bỏ đi luôn. Mạnh Hạo Nhiên ốm nặng và mất vào cuối niên hiệu Khai Nguyên.
Mạnh Hạo Nhiên còn nổi tiếng, bởi được Lý Bạch nhắc đến trong bài thơ "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng".
Nguyên tác :
春曉
春眠不覺曉,
處處聞啼鳥。
夜來風雨聲,
花落知多少。
Bản âm Hán Việt
Xuân miên bất giác hiểu,
Xứ xứ văn đê điểu.
Dạ lai phong vũ thanh,
Hoa lạc tri đa thiểu.
Bản dịch nghĩa:
Giấc xuân đãy, sáng mà chẳng biết;
Khắp nơi nghe thấy chim hót
Đêm qua nghe tiếng gió, mưa;
Không biết hoa rụng nhiều hay ít ?
Bản dịch thơ của học giả Trần Trọng Kim :
Giấc xuân trời sáng không hay
Chim kêu ríu rít từng bầy khắp nơi
Đêm qua mưa gió tơi bời
Biết rằng hoa cũng có rơi ít nhiều
 .
Bản dịch của Tương Như :
Giấc xuân sáng chẳng biết,
Khắp nơi chim ríu rít,
Đêm qua tiếng gió mưa
Hoa rụng nhiều hay ít ?
Thiển nghĩ, hai cách dịch trên, mỗi bản hay một kiểu, và cũng còn nhược điểm này nọ…
Tuy nhiên, ở bài thơ này, đáng lưu ý là câu thơ kết "Hoa lạc tri đa thiểu". Đây là câu hay nhất, hàm súc nhất, và vì thế, xưa nay, gây ra các cách hiểu khác nhau (cả khi chuyển ngữ sang tiếng Việt).
2. Bàn thêm về bài thơ Xuân hiểu:
Như đã nói ở bài bình luận trước, Xuân hiểu được hậu thế xem là một trong những bài thơ Đường xuất sắc nhất nói chung, và riêng của Mạnh Hạo Nhiên. Song tuyệt diệu hơn cả, là câu kết bài thơ "Hoa lạc tri đa thiểu". Ý tại ngôn ngoại là đặc điểm chúng của ngôn ngữ Hán (và Hán Việt), lại càng đúng với thơ, nhất là thơ Đường.
Đặc trưng của thơ Đường, là chủ thể ẩn. Có nghĩa là không thấy, rất hiếm thấy cái "Ta", "Tôi" xuất hiện trong bài thơ, song cái " Ta-Tôi " ấy chỉ lẩn khuất, chứ thực ra, bóng dáng nó lại hiển hiện, xuyên suốt cả bài thơ, chi phối cảm xúc, mạch thơ …
Trở lại bài thơ "Xuân hiểu":
Xuân miên bất giác hiểu,
Xứ xứ văn đê điểu,
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu.
Vì độ hàm súc của thể thơ ngũ ngôn tuyệt cú và riêng bài thơ này, ta phải nhìn nhận cấu trúc và ngữ nghĩa của từ, mới có thể hiểu được hàm ý chung và câu kết bài thơ .
Từ " HIỂU " - theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, mang các nghĩa sau đấy :
+ Có nghĩa là : Trời sáng (tên bài thơ Xuân hiểu - Sáng xuân).
+ Có nghĩa là : Biết - Nói cho biết (ví như : hiểu biết - cụm từ ghép hiểu-âm Hán Việt, biết-âm thuần Việt, nhấn mạnh sự hiểu biết).
Thế nên, từ HIỂU trong bài thơ này, tùy theo vị trí, văn cảnh trong bài mà có thể mang nghĩa thứ nhất, hoặc thứ hai (hoặc cả hai).
Riêng câu kết, có thể hiểu và dịch nghĩa như sau : "(Ta) biết, thế nào hoa cũng rụng mất ít nhiều".
Xin trở lại với bài viết trước. Rõ ràng, ở đây, Trần Trọng Kim và Tương Như hiểu ý câu kết bài thơ khác nhau, nên dịch khác nhau.
Trần Trọng Kim dịch: "Biết rằng hoa cũng có rơi ít nhiều"- Như vậy, Trần Trọng Kim đọc ý thơ, khẳng định, ý thức rõ (Ta biết, chắc là... ).
Tương Như dịch : "Hoa rụng nhiều hay ít ?"- Như vậy, Tương Như đọc ý thơ, nghi vấn, ý thức chưa rõ ( Ta chưa rõ là…nhiều hay ít ? ".
Theo tôi, "Xuân hiểu" được hiểu nghĩa (nôm na) như sau :
Sáng xuân
Giấc xuân (của ta) đẫy, nên trời sáng lúc nào không hay,
Tỉnh dậy, (ta) nghe chim hót ríu ran khắp mọi nơi
Đêm qua, trong giấc ngủ, (ta) nghe thấy tiếng mưa gió
(Ta) biết, hẳn là hoa (trong vườn nhà) cũng rụng mất ít nhiều.
Như vậy, tôi tán thành cách hiểu và dịch câu kết bài thơ của Trần Trọng Kim. Từ đó, tên bài thơ "Xuân hiểu"- từ HIỂU cùng lúc mang hai nghĩa (trời sáng , biết) - "Hiểu sáng xuân" ( hay "Biết sáng xuân" ).
Điều này, cũng phù hợp với tính cách, con người Mạnh Hạo Nhiên, tài giỏi, hiểu đạo lý thánh hiền, không ham vinh hoa phú quý, chủ động và chấp nhận mọi hoàn cảnh cuộc đời !...
Sau đây là bản dịch thơ khác của người yêu thơ Đường :

Giấc xuân đẫy, sáng nào hay
Chim kêu ríu rít từng bầy khắp nơi
Đêm qua nghe gió mưa rơi
Hoa kia không biết rụng rơi ít, nhiều ?

( Phạm Tâm An dịch ).

Nhận xét