Ảnh quý xưa,

Bố & chị gái, 




Tôi vừa tìm lại được một tấm ảnh quý.
Dự đoán ảnh này được chụp vào thời điểm năm 1954-1955 ?...

Tôi vừa tìm được một bức ảnh cũ. Ảnh chụp bố tôi và một người chị gái của tôi. Căn cứ vào ảnh, đồ rằng nó được chụp vào khoảng năm 1954, khi ấy chị gái tôi chừng 3 tuổi, còn bố tôi 47 tuổi...
Bố tôi, tuổi Đinh Mùi, sinh năm 1907. Ông mất cuối năm 1975, sau khi giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước chừng nửa năm. Nếu còn sống, thì nay ông đã 113 tuổi rồi. Ông là người thạo chữ Nho (Hán học), bởi được chính ông nội tôi dạy dỗ. Ông nội tôi theo nghiệp khoa cử, có tham dự liền 2 khoa thi cuối cùng của Nhà Nguyễn. nhưng không đỗ đạt gì ngoài cái danh hiệu Khóa sinh. Sau đó, bất đắc chí, nên cụ mở lớp dạy chữ Nho trong vùng và âm thầm rèn luyện người con trai duy nhất, ấy là bố tôi hằng tiếp tục theo mộng khoa cử. Tuy nhiên, nền Nho học đến thời mạt vận, sau khoa thi cuối cùng vào năm Kỷ Mùi (1919), Nhà Nguyễn bỏ hẳn việc thi cử này, chấm dứt nền Nho học khoa bảng nước nhà. Thấy vậy, ông nội tôi gửi bố tôi ra Hà Nội trọ nhà họ hàng, học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp, rồi nữa học nghề Kiến trúc xây dựng. Bố tôi tỏ ra có khiếu, nên khá giỏi tiếng Pháp, theo nghề kiến trúc và có thể giao dịch bằng tiếng Pháp tốt với dân kiến trúc xứ Gà trống Gô-loa. Sau giải phóng Thủ đô năm 1954, bố tôi làm việc ở Cục Kiến trúc cơ bản Bộ Nội thương và sau đó là Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng)... Phải thừa nhận, bố tôi là người có tài, ông để lại hàng trăm công trình kiến trúc cho tư nhân ở Hà Nội, Hải Phòng, Sơn Tây... mà nhiều công trình còn dấu tích đến ngày nay, như: Rạp Mê Linh, Rạp Đông Đô, Rạp Tháng Tám ở Hà Nội (riêng rạp Tháng Tam thì thuộc nhóm thiết kế cho chính phủ Cụ Hồ)... Ông cùng tuổi Đinh Mùi với các ông Trường Chinh, Lê Duẩn, song hai ông này phát tướng thành lãnh tụ. Ngày ông còn sống, có lần tôi đùa ông về chuyện này, thì ông cười sảng khoái hài hước bảo rằng: "Số nó vậy... Thế nhưng,... mấy nhà ông kia làm sao biết được cái thú của hút thuốc phiện và hát ả đào tom chát như bố..."...
Còn cô bé trong ảnh, ấy là người chị gái, con đầu của mẹ để tôi, người vợ thứ 3 của bố tôi. Chị tên Nguyễn Thị Bích Nga, sinh năm 1951, tuổi Tân Mão. Ngày gia đình tôi còn ở Hà Nội, chị Nga học Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, trường này hiện còn ở phố Phó Đức Chính. Đến cấp 2, tức là bậc Trung học cơ sở hiện này, chị học ở Chu Văn An (tức Trường Bưởi cũ). Chị học rất giỏi, nhất là các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa. Do học giỏi lại xinh xắn, nên đã 2 lần được tuyển chọn vào Đội thiếu niên danh dự lên lễ đài dâng hoa chúc mừng trong lễ đón chính thức Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Tổng thống Su-các-nô của Indonesia vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước... Cuối năm 1964, gia đình tôi rời Hà Nội theo chính sách thời chiến giảm dân số ở Thủ đô khi bắt đầu cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc, thì chị học dở lớp 6. Về quê, chị học tiếp và sau khi tốt nghiệp cấp 2 vào năm 1966 thì chị buộc phải thôi học, ở nhà làm nông nghiệp giúp đỡ gia định. Thật đáng tiếc cho chị Nga, một người học xuất sắc vậy phải bỏ dở. Chị lấy chồng là một bộ đội thời chống Mỹ phục viên về làm cán bộ ở địa phương, có 4 con (3 trai 1 gái). Tuy bỏ học nhiều năm, nhưng sau này con và cháu chị đi học, gặp bài khó, chị vẫn giải toán giúp chúng được,... Giờ thì cô bé trong ảnh này đã là bà lão bảy chục tuổi, con cái đều phương trưởng, trong đó có một đứa là kiến trúc sư, theo nghề của ông ngoại (bố tôi) và có tới 9 đứa cháu, đang nhăm nhe lên vai cụ nội sắp tới đây...
Với chị Nga, thực sự có một sự biết ơn không nhỏ nơi tôi và người chị gái dưới chị có học vị Tiến sĩ, ấy là chị Nga đã biết hy sinh việc học hành sự nghiệp của mình để lao động sản xuất, giúp bố mẹ nuôi các em học hành thành tài như ngày nay...

Nhận xét