Hoa chanh vẫn tím vườn xưa,


Giêng hai dấm dứt mưa dầm,
để cho ta lại lặng thầm nhớ xưa,...
         Sáng trở dậy, công việc đầu tiên của Việt là vào buồng bệnh của mẹ, giúp mẹ làm vệ sinh cá nhân, rồi pha sữa cho mẹ uống. Đã mấy tháng nay, mẹ anh bị chứng tai biến mạch máu não phải nằm yên một chỗ. Việt bỏ hết công việc của nhà cho vợ con quan lý, từ Sài Gòn nhao ra Bắc, đến bệnh viện rồi đưa mẹ về quê chăm sóc. Tiếng là nhà đông anh em, nhưng ai cũng bận việc của mình, Việt là con cả, nhưng anh lại sớm xa nhà, học hành, rồi vào quân ngũ và sau đó lập nghiệp, lấy vợ, định cư ở phương Nam nên mọi công việc chăm sóc cha mẹ già ở quê đều do các em đảm nhiệm. Thảng năm đôi lần, Việt bay ra Bắc thăm các cụ, ở quê chừng mươi ngày, biếu các cụ ít tiền rồi lại biền biệt. May giờ liên lạc thuận tiện, tháng dăm ba lần điện thoại hỏi thăm cho yên lòng. 
          Xong việc chăm mẹ bữa sáng, Việt trở ra pha ấm trà. Thoảng hôm nào Bình, cô em gái ở gần chợ búa mua quà sáng về đổi món, còn không thì anh cứ luân phiên mì tôm, cơm rang cho tiện. Đang nhâm nhi chén trà, định bụng làm gói mì tôm thì đã thấy Bình đánh tiếng ngoài sân.
          - Em mua cho bác bánh giò đây. Bánh giò xóm Chợ ngon có tiếng, hẳn bác còn nhớ chứ? 
- Nhớ chứ,... Việt thủng thẳng.- Cô cứ làm tôi biệt xứ không về quê bao giờ ấy.
- Thì em cứ ngỡ bác quên ... Bình bóc bánh giò để ra đĩa mời anh, cười cười bảo - À này, bác Việt... sáng nay ở chợ, bác có biết em gặp ai không?...
          - Ôi, chợ làng đông cả huyện ngườ thếi... - Việt cảnh giác - làm sao anh biết được nhà cô gặp những ai ?...
          - Này,... em gặp chị Thắm xóm Chợ đấy... - Cô em nói nhỏ như nói thầm - Thắm, người yêu cũ của bác ý... Chị ấy cũng đi chợ. Nghe đâu chị ấy sống ở Hạ Long hay Cẩm Phả gì đó. Cùng nghỉ hưu rồi, nhưng mà trông người vẫn trẻ trung lắm... Trẻ hơn em là cái chắc....
          - Điêu vừa chứ - Anh yêu cái nhà cô Thắm bao giờ mà cô cứ xung xưng mọc mọc lên thế ?
          - Kìa, bác - Bình cười – Lại chối rồi. Bác đỏ mặt lên thế kia... tức là có gì chứ... Mà thôi, nói thế này cho chuẩn... cái nhà cô Thắm ấy yêu bác, đúng không? ... Không tin, để em hỏi u thì rõ ngay thôi - nói cho vào buồng trong - U ơi... 
          - Thôi, tôi xin cô - Việt cười trừ - để yên cho u nghỉ... chỉ được cái quấy rối - anh trách yêu cô em gái. 
          Buồng trong, có tiếng mẹ anh ú ớ gì đó, Việt giục Bính vào xem sao. Ăn xong chiếc bánh giò, anh rót chén trà nhấp từng ngụm, ngẫm ngợi... Ngoài sân, con gà trống choai loay hoay gạ gẫm mấy ả mái tơ... Nắng lên, sân vườn còn ướt sau trận mưa đêm qua. Vẫn đang tiết xuân mà. Cây chanh cỗi cạnh sân giếng và bể nước mưa đơm những chùm hoa tim tím. Việt hít căng một hơi, cảm giác mùi hoa chanh thơm dìu dịu, phảng phất như có như không. Anh bâng khuâng, chợt như tiếng ai đó mơ hồ ngoài cổng "Anh Việt ơi...".

###
          Ngày ấy, thời đi học, bố Việt là hiệu trưởng trường cấp hai của xã, ông lại trực tiếp giảng dạy môn văn. Việt học khá cả văn và toán, nhưng vì bố anh dạy văn, nên anh không muốn mình được xem là học sinh giỏi môn văn, vì như thế khác nào ỷ vào bố. Anh gắng học môn toán sao cho giỏi trội lên, để chứng tỏ lực học tự thân. Thắm người xóm Chợ, khác xóm, nhưng chỉ cách nhà anh chừng nửa cây số, cô học cùng lớp với cái An, em gái ngay dưới Việt. Thắm học văn khá, còn lại thì thường thôi. Tính cô bé bạo dạn, chơi thân với cái An, nên thi thoảng qua nhà Việt, tiếng là đến chơi với bạn, nhưng còn để mượn sách và nhớ bố anh giảng thêm cho những bài văn khó, hay còn vì gì gì nữa thì Việt chẳng rõ. Việt không thích sự mạnh bạo này của Thắm, nên hay tránh mặt, mỗi khi cô bé đến nhà. Đã thế, Việt lại bị cái An gán ghép với Thắm và lâu lâu mang ra chế giễu, càng làm anh khó chịu. Nhiều hôm, Thắm đến bất chợt, nhưng nghe thấy tiêng cô léo nhéo với cái An ngoài sân là Việt vội mang sách vở từ bàn học gian ngoài lánh vào buồn ngủ của bố mẹ để học. Có buổi Thắm mải chuyện với An, khiến Việt phải ở lì trong buồng không dám ho he, nhịn cả tiểu tiện đến khổ sở vì không muốn ló mặt ra. Buồn cười thế đấy. Có lẽ chính vì vậy mà sau này anh khó quên chăng?...
         Làng quê anh đồng ruộng bằng phẳng, nhưng lại thuộc vùng đất bán sơn địa, nương tựa vào chân núi An Phụ, trải quanh vùng có sông lớn Thái Bình và Kinh Thầy chày qua, nên có thể xem như địa thế rất đẹp. Chẳng thế mà xưa kia, cả vùng đất này là đất thang mộc của nhà Trần từ thuở mới lập triều, có trang ấp của An Sinh Vương Trần Liếu, thân sinh ra Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Thế nên, cùng với xứ Hải Ấp và hương Tức Mặc thì đất An Sinh này cũng là đất trọng yếu, có công lớn trong việc dung dưỡng nhiều nhân tài gây dựng vương triều Trần oanh liệt của lịch sử chống ngoại xâm nước nhà. Người dân mấy làng ở đây có thói quen canh tác hành tỏi. Thu nhập cao hơn canh tác lúa nhưng lao động nghề nông thì vất vả lắm. Riêng xóm Chợ nhà Thắm thì ít ruộng, các hộ sống chủ yếu bằng buôn bán vặt quanh năm suốt tháng bám vào chợ, nhất là nghề làm các món quà vặt. Nào bánh tẻ, bánh khúc, bánh cuốn, bánh giò, trong mấy thứ ấy thì bánh giò xóm Chợ ngon nổi tiếng trong vùng. Ngày còn đi học ở quê, lâu lâu mẹ anh đi chợ mua sắm mới dám mua quà bánh giò cho mấy bố con ở nhà ăn. Bánh giò, chỉ là món quà quê, đâu có gì cao sang nhưng cũng như bánh cuốn, là để ăn chơi, thưởng thức quà chứ không phải là loại bánh ăn no bụng như bánh đúc, bánh tẻ, bánh khoai. Cả nhà anh, bảy miệng ăn, tiêu pha trông chờ cả vào đồng lương thầy giáo của bố anh, còn mẹ anh làm nông nghiệp, thêm mấy anh em phụ vào thì đủ gạo nước rau cỏ hàng ngày thôi. Vậy nên, hôm nào có quà bánh giò xóm Chợ là sang lắm, đứa nào cũng háo hức, chỉ riêng bố anh được mẹ phần riêng cả chiếc, còn hai đứa chia nhau một cái, ăn loáng hết ngay miệng thì vẫn chóp chép thòm thèm lắm...
          Có lần, Việt hỏi mẹ anh về chuyện bánh giò xóm Chợ có từ bao giờ và sao lại ngon làm vậy? Mẹ anh bảo, cũng chỉ nghe cái cụ nói sở dĩ ngon vậy là có bí quyết riêng. Chuyện kể là, xưa kia, thời giặc Nguyên Mông sang xâm chiến nước ta, nhà Trần thực hiện kế sách lui binh, bỏ vườn không nhà trống nên cả trang ấp An Sinh và vùng dân lân cận làng mạc cũng bỏ không hết. Trên đường chạy loạn, có một nữ nhân người trong trang ấp bị tụt lại, lạc đường đến nghỉ chân ở dưới gốc đa giếng nước cuối xóm Chợ. Nữ nhân này đói khát, được một bà người làng nhường cho nửa cái bánh giò đang ăn dở của mình, lại múc nước giếng cho uống. Đỡ đói khát, người lại sức nên nữ nhân ấy đuổi theo kịp đoàn người nhà trang ấp. Sau này, đuổi xong giặc, làng xóm thanh bình, nữ nhân ấy về lại trang ấp An Sinh và lên tới hàng quản gia. Nữ nhân đó nghe đâu quê gốc ở gần kinh thành Thăng Long, con nhà có nghề làm bánh giò, vì cảm cái ơn người xóm Chợ cho ăn cứu đói, đã cho gia nhân trang ấp dò tìm được bà già xóm Chợ trước nhường ăn cho mình, mời đến trang ấp, biếu quà báo ơn và còn truyền cho bí quyết nghề làm bánh giò của nhà mình. Kể từ đấy, bảy tám trăm năm nay, người xóm Chợ có nghề chuyên làm bánh giò, bánh bán và bỏ mối nhiều nơi trong vùng, nhưng nghề  này thì cũng chỉ giữ ở vài chục nhà thuộc họ hàng thân thiết của bà cụ tổ nghề bánh giò ngày xưa của xóm thôi, trong đó có nhà cái Thắm. Miếu Bà gần cây đa giếng nước cổ xóm Chợ là thờ người nữ gia nhân trang ấp xưa ấy và nghe đâu cũng thiêng lắm. Người dân xóm Chùa vẫn hay thắp hương cầu khấn xin phù hộ này nọ. Mẹ anh còn bảo, bánh giò tiếng là quà quê, không khó làm, nhưng làm ngon thì khó lắm. Để làm ra loại bánh ngon, thì đương nhiên các nguyên liệu làm bánh như gạo bột, nhân thịt mộc nhĩ đầu phải ngon, song khó nữa là kỹ thuật làm bánh, nhất là khâu ráo bột, để sao cho áo bánh lúc chín đủ độ mềm dẻo mà ăn vẫn giòn, không sượng không nát...
          Tốt nghiệp phổ thông, Việt theo học chuyên ngành cơ điện. Thỉnh thoảng về thăm nhà hoặc kỳ nghỉ hè, Việt hay gặp Thắm ở nhà mình. Cái An, em gái anh học lên cấp ba trường huyện vẫn chung lớp với Thămm nên hai đứa thường qua lại nhà nhau. Mỗi khi chạm mặt, Việt không né tránh nữa, nhưng cũng chỉ chào hỏi xã giao, vì chẳng gì anh đã là sinh viên. Thắm đã phổng phao dậy thì thành thiếu nữ rồi, nên Việt thấy mình cũng cần phải ra dáng đàn ông chứ chẳng thể cư xử kiểu học trò như trước nữa.
           Ngày ấy, một sáng chủ nhật nọ, trong kỳ nghỉ thăm nhà, Việt ở nhà một mình. Bố anh có việc gì đó vắng nhà, còn mẹ và mấy đứa em thì ra đồng cả vì đang mùa thu hoạch tỏi. Việt mới từ trường về, cũng định ra đồng giúp mẹ và các em. Mẹ thương anh đường xa xe cộ vất vả nên bảo anh cứ ngủ cho đã rồi muồn muộn ra đồng cũng được. Việt ngủ dậy thì mọi người đã đi hết, nhà vắng tanh. Anh định ăn sáng rồi ra đồng thì nghe có tiếng ai gọi cái An ngoài cổng. Anh ló ra và còn đang ngó nghiêng thì ai đó gọi tên mình. “-Anh Việt ơi, em đây mà ... Em... Thắm đây ạ”.  Việt mở cổng, nhận ra Thắm. Cô xách một túi nặng tay, cười hỏi: “- Hai bác và An có nhà chứ ạ? “. Việt giải thích qua, nhưng quên không mời cô vào, thì Thấm chủ động: “Thế anh Việt khộng định cho em vào nhà à? Hay cứ để em đứng đây rồi về? “. Việt lúng túng xin lỗi, mời Thắm vào nhà. Cảm giác có lỗi nên anh  bị động, lặng lẽ rót cốc nước lọc to tướng đặt trước mặt Thắm. Cô đưa anh cái túi nặng trĩu trên tay, bảo : “ Em qua đây, trả bác trai tập thơ Nguyễn Bính em đã mượn bác về đọc tham khảo... Tiện đây, em xin biếu câc bác và nhà mình chục bánh giò... Bánh nhà em làm đấy, vẫn còn nóng hổi...Đáng lý là anh phải xách giúp em từ ngoài cổng vào ấy chứ...”. Cô cười đùa, khiến Việt càng lúng túng: “Tôi chán quá nhỉ... xin lỗi nhé.”. Thắm nhìn quanh quất, bỗng à lên “Bánh giò là phải ăn nóng thì mới ngon,... Để em bóc một cái anh Việt ăn thử nhé... Chính tay em làm đây, anh ăn xem em có khéo nghề không?...? Việt rãy nảy: “Ấy đừng... Con cái làm sao dám ăn trước bố mẹ... Với lại, nhà tôi có nếp, quà ai biếu cứ phải bày lên bàn thơ thắp hương các cụ trước rồi mới dám xin lộc...”. Việt vội đi lấy chiếc đĩa đưa Thắm để cô bày ra, rồi anh đặt lên bàn thờ thắp mấy nén hương. Xong việc, Việt ngồi xuống tiếp chuyện Thắm. Cô cười như người có lỗi: “Khi nãy, em vô duyên quá... Cho xem xin lỗi, suýt nữa phạm thượng các cụ... Anh thông cảm cho em nhé. Nhà mình đây lễ giáo... bên nhà em dân chợ nênquen xuê xoa...” . Việt vội gạt đi. Câu chuyện giữa anh và cô cởi mở hơn...
          Là khách nhưng Thắm lại chủ động dẫn dắt câu chuyện. Thắm hỏi thăm anh học ngành cơ điện có khó lắm không, rồi cuộc sống sinh viên chắc thiếu thốn lắm... Đại khái thế, anh cứ răm rắp trả lời cô như một câu học trò ngoan. Một hồi tắc tị, dường như hết chuyện, Việt chợt nhớ là anh chưa hỏi gì cô, khi ấy mới dụt dè hỏi xem sau này cô mơ ước làm nghề gì. Cô cưới rạng rỡ; “Em thích học sư phạm lắm, Làm cô giáo dạy văn, như bố anh ấy... Chắc là thú thị lắm nhỉ? Anh Việt có thấy thế không?”. Anh ngớ người khi bị hỏi ngược, bảo: “Mình không rõ... bố mình có thấy thú vị không... chứ ông nói chuyện với mẹ mình thì cứ khô như ngói ấy... cấm thấy câu nào dịu dàng cả”. Thắm cười. tay che miệng mà cười, khiến anh ngây như ngố; “Thắm không tin.., cứ hỏi cái An nhà mình là rõ...”. Cô cố nín cười: “Em tin... thì thầy u em cũng vậy mà... Các cụ quen nếp cũ, nhất là trước mặt con cái, hay chỗ đông người... nói năng cứ như là chẳng quen biết nhau ấy... thế nhưng... lại đẻ sòn sòn cả đống con... Mai đây, anh em mình chẳng thế, anh nhỉ?...”. Dường như nhận ra cái ngố hiện rõ trên mặt anh, cô nói như giải thích: “Ý em là... đến thế hệ trẻ như anh em mình... xưng hô nói năng với nhau sẽ khác các cụ xưa... dìu dàng, âu yếm hơn...”. Thắm đỏ mặt, nghiêng người nhìn ra sân vườn cố giấu đi nụ cười.Chợt Thắm hởi: “Anh Việt này, em để ý thấy bờ rào quanh vườn nhà anh không có mồng tơi nhỉ ?... “. Việt nhìn ra sân vườn: “Ừ nhỉ, toàn những mây gai, dứa dại, với ít cây duối... Mẹ mình bảo như thế hàng rào mới kín, ngăn được gà qué hàng xóm sang phá, lại chống được trộm cắp...”. Thấy Thắm yên lặng, Việt giải thích: “Còn mồng tơi... mẹ mình có trồng một ít, thêm thắt rau vườn, nhất là khi bắt được cua đồng...”. Thắm bỗng nhiên mơ màng: “Chắc là cái giậu mồng tơi nhà cô hàng xóm trong thơ Nguyễn Bính là không có thật anh Việt nhỉ? ... Chắc nhà thơ mượn cái giậu mồng tơi ra để nói chuyện tình duyên giữa chàng và nàng vốn là hàng xóm với nhau anh nhỉ?...” Việt tròn mắt ngạc nhiên. Thắm nhìn đâu xa ngoài vườn, cứ thế đọc liền một mạch hết bài thơ Cô hàng xóm của Nguyễn Bính... Việt nghe, á khẩu, ù tai... Thắm dừng đọc thơ, nhìn anh: “Bài thơ hay thật anh nhỉ... Em thích thơ Nguyễn Bính lắm, nhất là bài Cô hàng xóm, bài Cô lái đò, rồi bài Chân quê,... cả bài Lỡ bước sang ngang nữa,...nhưng bài này dài quá nên chỉ thuộc in ít thôi... Anh Việt có thích thơ Nguyễn Bính không?...”. Việt lúng túng, nói bừa: “Có chứ, mình cũng thích... nhưng mà chỉ thích vậy thôi... chứ không thuộc làu như Thắm... Mình chỉ nhớ mỗi câu Hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. May mà anh đọc ra được hai câu thơ ấy, không thì ôi mặt mang tiếng từng là học sinh giỏi của huyện lại con thầy giáo dạy văn. Thắm tỏ ra thích thú như là tìm được người cùng sở thích: “Bài thơ Chân quê cũng thật là hay anh nhỉ?... Anh này, nếu may mắn trời cho em đỗ đại học, rồi sau này có sống ở thành phố... thì em sẽ chẳng như cô gái nọ của nhà thơ để bay đi cái chất hương đồng gió nội đâu... Nhà quê mình cũng có nhiều cái hay mà người thành phố không có, anh nhỉ ?...”. Thắm hạ giọng như nói với chính mình...
           Giờ thì Việt chẳng thể nhớ nổi chuyện với Thắm hôm ấy, hai người còn nói linh tinh những gì nữa. Chỉ nhớ, sau khi nói về hoa chanh vườn quê và cô gái nhà quê xưa đi chơi tỉnh để bay đi chất quê trong thơ Nguyễn Bính, Việt hầu như không nhìn dám nhìn thẳng vào mắt Thắm, anh cứ ngọ nguậy người, chốc chốc lại nhìn ra cây chanh ngoài sân giếng đang nở đầy hoa tim tím trăng trắng... Đầu óc Việt mơ màng, lởn vởn những câu thơ Nguyễn Bính, thì nghe Thắm à lên: “Thôi chết... em làm mất thời giờ của anh quá... Hết tuần hương rồi, anh hạ lộc giùm em, rồi còn ra đồng kẻo muộn. Nhờ anh chuyển lời với hai bác,... Giờ em còn ra Miếu Bà hạ lễ... Chả là, trước khi qua đây, tiện  đường, thầy u em có sai mang ít bánh giò ra thắp hương Miếu Bà ngày rằm...”. Nghe vậy, tự nhiên Việt thấy người ơn ớn gai gai sống lưng. Hỉnh ảnh ngôi miếu cổ âm u nơi cuối xóm Chợ hiện lên trong óc anh. Rổi cảm giác như phảng phất một hình bóng người đàn bà ăn vận theo lối cổ xưa chập chờn ẩn hiện trong hình dáng của Thắm. Anh nén chấn tĩnh, hít thật sâu rồi thở ra nhè  nhẹ, tiễn Thắm ra tận cổng: “Thế em có nhắn gì cái An không?...”. Thắm bị bất ngờ: “À không... không ạ... Có thứ định nhắn cho nó... thì ban nãy nói chuyện, em gửi anh hết rồi đó...”.  Thắm nhoẻn cười đầy vẻ tinh ranh, quay người bước đi. Việt nhìn theo tần ngần, chẳng hiểu gì cả...
+++
        Bính quay ra bàn trà với anh. Cô nhìn Việt tủm tỉm:
        - Bác này, ... gặp em, chị Thắm còn hỏi thăm sức khỏ u và cả bác nữa đấy.
         - Thế cô bảo sao? Việt cảnh giác.
         - Thì em kể thật, rằng u bị tai biến nằm một chố... rằng bác ở Sài Gòn ra chăm sóc u... rằng thì là mà... chị ấy nói về quê chơi ít ngày, biết tim u ốm và bác đang ở đây, nên dự định mai kia gì đó ... chị ấy đến nhà mình thăm u... thăm bác... – Bình nhìn anh cười tinh quái – Thì quý hóa quá chứ còn gì nữa...
         - Thì hỏi thăm thế là được rồi... cần gì phải thăm nom nữa- Việt nhăn mặt- chẳng dám làm phiền,...
         - Bác không biết đấy thôi... Thời gian bác đi học rồi ra trường vào quân ngũ, chị Thắm rất chăm qua nhà mình chơi, kể cả khi chị An là bạn thân của chị ấy vắng nhà ra Hải Phòng làm công nhân... Em biết, chị ấy năng qua lại nhà mình, lấy cớ bạn chị An, nhưng phần lớn là giữ mối thân tình với nhà mình là vì bác đấy... Ngộ nhỡ duyên thành danh phận... Năng nhất là năm chị ấy thi trượt đại học, ở nhà tự ôn thi, làm bánh giò phụ giúp cha mẹ. Chị ấy thích sư phạm nên gắng thi nữa, rồi cũng chẳng nên cơm cháo gì. Nghĩ thấy thương thương là... Mỗi lần đến nhà mình, ra chiều bẽn lẽn rồi, chứ không tự tin hơn hớn như trước nữa... May mà nhở người quen xin cho học ở một trường kế toán ngành rồi thoát ly ra vùng mỏ Quảng Ninh...– Bình nhìn anh dò ý tứ - Hồi đó, thầy mình cũng quý chị ấy, hình như thầy có ý chờ xem hai người thế nào... Còn u mình thì bảo, gia đình bên ấy buôn bán vặt nhưng cũng là nhà tử tế, chị Thắm thì được cái khỏe mạnh, tươi tắn, biết nghề cũng tốt... chỉ chê mỗi cái tính hơi mạnh bạo... Chẳng lẽ, ngày ấy bác không biết ư?... Em hỏi thật này,... bác từng có cảm tình với chị ấy không?...
         Việt nghe, ừ à, cười trừ cho qua nhưng Bình không chịu buông tha:
         - Ngày ấy, mỗi lần đến nhà mình chơi, chị ấy lại xách theo một làn nặng bánh giờ làm quà... Lâu ngày, đem tích lại, có nhẽ, cả thấy đến hàng trăm chiếc bánh giò ấy chứ, bác... Hơ hơ...  Bọn em ở nhà tha hồ chén... Thây kệ, nhà anh chị có yêu nhau hay lấy nhau, chúng em chẳng cần biết, chỉ biết là cứ hưởng lộc cái đã... Ai bảo nhà chị ấy có lòng thì chúng em đây có dạ, vậy thôi...- Bình cười trêu - Giờ thì bác về mà tính sổ, trả hết món nợ bánh giò cho chị Thắm của bác nhé ... Thôi, để em vào bếp nấu cháo cho u, tiện thể nấu cơm trưa, cùng ăn với bác cho vui...
         Còn lại mình, Việt thơ thần ra sân vườn. Anh loanh quanh, hết ngắm cây này sang cây nọ. Mỗi góc vườn, mỗi cây cối lại gợi lên trong anh những ký ức thơ ấu, tuổi học mới lớn. Mấy đứa em anh, biết nhiều chuyện, gán ghép này nọ giữa anh với Thắm, nhưng chúng không biết rằng, trong lòng. anh cũng từng nghĩ về cô như là người yêu của mình. Ngày ấy, trường anh học vẫn đóng ở Phủ Lỗ, nơi sơ tán thời chiến tranh máy bay Mỹ đánh phá, trưởng sở, ký túc xá toàn tranh tre nứa lá lụp xụp. Cuộc sống thiếu thốn khem khổ đủ bề. Cánh sinh viên chống đói bằng cách kể chuyện tiếu lâm, kể chuyện quê, hát hò thơ phú, và khoái nhất là chuyện tình yêu. Dân học cơ điện mà thơ phú thì cục mịch thế nào ai cũng hiểu. Anh có khiếu văn nên đương nhiên là nhất lớp về khoản chuyện văn thơ. Anh nặn ra vài bài thơ tính, chàng nàng sướt mướt, đọc lên trong những lúc tán gẫu hay khi liên hoan, chúng bạn khen nhất quả đất luôn. Thế rồi, chúng bạn nài anh kể chuyện người yêu, vì chúng cho rằng thơ tình như thế nhất định phải tặng cho một em nào đó. Nghĩ mặt ta đây, đàn ông đàn ang, anh bịa chuyện người yêu này nọ, bí thì mang Thắm ra để bịa thêm, lẽ di nhiên, anh đổi tên người yêu là Tươi, là Hoa gì đấy... Kể ra cứ như thật. Mỗi lần về thăm nhà, hoặc kỳ nghỉ hè lên, chúng bạn lại gạ chuyện về gặp người yêu thế nào. Lại kể, lại bịa. Diết một hồi, Việt có cảm giác như mình và Thắm yêu nhau thật. Cô ta thích mình thì rõ rồi, nhưng mình có thích cô ta không, thì không chắc. Anh cũng đã tự vấn mình, cười thầm mà gạt đi, thành chuyện cũng ổn, mà không thì cũng khổ đau gì đâu mà lo... Quả thực, có những lúc nhớ đến Thắm, hoặc  nghe mấy đứa em nhắc đến tên cô, thảng Việt ớn mình khi hình dung lại hình bóng người đàn bà cổ xưa chập chờn trong bóng dáng Thắm từ cái hôm cô đến chơi nhà anh sau khi đi thắp hương khấn vái Miếu Bà xóm Chợ. Có gì đó làm anh chờn chợn, sinh nghĩ ngợi. Hay là...  Thôi kệ, cứ để cho cuộc sống tự nhiên, nước chảy, bèo trôi...
          Cái An, bạn học của Thắm, có lần đã kể với anh rằng, có một dịp nghỉ Tết, về quê chơi, hai đứa gặp nha, bù khú đủ thứ chuyện. Khi đó, Thắm sắp lấy chồng, người cùng nghề, cô ta đã đùa An bảo là: “Thiếu chút nữa tớ làm chị dâu của cậu... Nhưng mà, tớ và anh Việt duyên đã chẳng ra đâu vào đâu, mà phận lại càng không có, nên tớ mới phải đi lấy chồng thiên hạ thế này, ... Cậu có thấy tiếc không?”. An bảo là vô cùng tiếc, đùa thế rồi hai đứa cười như nắc nẻ. Nói được ra thế, chứng tỏ cô ấy cũng có nuối tiếc gì đâu... Vậy nhẹ lòng. Khi anh chậm lấy vợ, vì là con trưởng nên bố mẹ anh cũng sốt ruột, có ý giục. Mẹ anh còn bảo, biết thế ngày ấy cứ vun vào cho anh với Thắm thì có khi đã lít nhít mấy đứa cháu rồi cùng nên. Rồi ra, cuộc đời sắp đặt đâu vào đấy cả, anh làm quen với một cô gái kém anh cả chục tuổi, quê ở gần chùa Hương ngoài Bắc vô Nam sinh sống. Có phận thì vừa duyền cùng thành đôi... Vợ anh, có nét gì đó na ná Thắm, nghĩa là cũng mạnh bạo, trong cả tình duyên và cuộc sống gia đình sau đó...
          Còn có một chuyện nữa, mấy đứa em Việt, kể cả cái An, tiếng là bạn thân với Thắm cũng không biết rằng, cách đây dăm năm,  anh và Thắm đã gặp lại nhau một lần ở Sài Gòn. Khi ấy, Thắm đi công tác, không hiểu sao cô ấy có số điện thoại của Việt, đã gọi điện hỏi thăm anh. Hai người hẹn gặp nhau ở một quán cà phê gần khách sạn cô ở. Vài giờ đồng hồ với bao nhiêu là thứ cần hỏi, cần biết, cần nói, nên câu chuyện lộn xộn chằng đầu cuối. Thắm trẻ trung hơn anh tưởng. Cách ăn mặc và trang phục khá sánh điệu, khiến Việt nhớ lại hai người xưa đã từng nói gì về chân quê, về cái sự bay đi ít nhiều chất hương đồng gió nội trong thơ Nguyễn Bính. Vẫn như ngày trước, Thăm luôn là người chủ động dẫn dắt câu chuyện, còn anh tuy không giống cậu học trò nhút nhát, nhưng có ý nhường nữ giới, kệ cho cô dẫn dắt. Bản tính anh vậy. Chuyện gia đình đôi bên, rồi lại xoay sang chuyện học trò ở quê. Có điều, chuyện về văn chương thơ phú thì Việt lại chủ động nhắc. Thắm cười tươi, bảo giờ vẫn thích nhưng chẳng còn đâu thời gian mà thơ phú, với lại cô cho rằng bây giờ thơ phú thiên hạ nhiều quá đọc không xuể. Lâu lâu vớ được tờ báo, tờ nào cũng có trang thơ, mà nhiều bài đọc trúc trắc, không vần điệu, đọc xong chẳng hiểu nói gì... Cô còn bảo, hay là nhiều năm nay làm nghề kế toán, chỉ biết đến những con số, chỉ quen với chuyện hạch toán lỗ lãi nên mất đi sự cảm thụ thơ ca... Việt nghe cô chê thì chỉ biết cười trừ ...
         Giờ thì mấy anh em nhà anh gia đình đều yên ấm. Gánh nặng lại ở chuyện hiếu đễ, bổn phận và trách nhiệm của con cái với đáng sinh thành. Bố anh đổ bệnh rồi nằm một chỗ gần chục năm mới mất. Việc chăm sóc ông ngần ấy năm, tuy các con cũng xúm vào nhưng phần nặng vẫn một tay mẹ anh cả. Bố anh mất đi, vừa qua giỗ đầu, thì mẹ anh lại ngã bệnh như bố. Bà nằm liệt giường chẳng biết sơm tối thế nào, có thể là chuyện lâu dài... Những lúc như thế này, người ta mới hiểu việc báo hiếu đâu có dễ, và có dâu con ở bên mới quý làm sao... Những ngày xa chốn đô thị náo nhiệt ở quê chăm mẹ, Việt mới thấm thía và ngộ những đạo lý và nhiều điều mà trước đây không để ý, hoặc chưa thấu tỏ. Một mình chăm mẹ, tự nhiên, anh hay nghĩ đến Thắm...
          Giờ anh và Thắm, ai yên phận nấy, có khi cô ấy lên chức bà rồi cùng nên... Ngày mai, kia cô ấy đến thăm nhà, hai người sẽ chuyện những gì nhỉ? Liệu có còn tâm trạng và hứng thù mà chuyện thơ văn hay không? Chỉ có thơ Nguyễn Bính là hầu như vẫn tươi nguyên với những người yêu nhau, với những ai từng có duyên mà không nên phận, thành lỡ dở...
          Bình bê mâm cơm lên, ớ gọi, anh từ trở vườn vào, thì trời lắc cắc mưa. Một đợt gió mùa sắp ùa về. Tiết giêng hai, trời còn mưa phùn, ẩm ướt. Tự nhiên, trong đầu anh phảng phất một tứ thơ,.. ./.


Nhận xét