Lại một mùa hoa gạo,...



Lại một mùa hoa gạo,...
Năm nay, tiết sớm, cuối tháng hai, đã chớp chới hoa gạo,
Mấy đứa bạn văn chúng tôi có một cái hẹn gặp nhau ở Chí Linh, để thăm chùa viếng đền Côn Sơn, nơi thờ danh nhân Nguyễn Trãi, rồi thăm đền Kiếp Bạc, nơi thờ tự Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Dọc đường đi, từ phố cổ Hà Nội, băng cánh đồng Bắc Ninh, hay chốn gò đồi Chí Linh, cứ thấp thoáng đâu đó những vòm hoa gạo đỏ. Mùa hoa gạo năm nay đến thật rồi,...
Nói thật, là bởi, mỗi khi nghĩ đến mùa hoa gạo, là tôi lại có cảm giác bồi hồi, rồi buâng khuâng như thực như mơ... Thực lòng, tôi cũng chẳng hiểu làm sao lại có cảm giác vậy?...
Có lẽ, ngược thời gian để trở về thuở ban đầu,...
Ấy là cuối năm 1964, gia đình tôi rời căn hộ ven hồ Trúc Bạch ở số nhà 50A ngõ Trúc Lạc, phố Phó Đức Chính, về quê sinh sống, theo chính sách thời chiến giảm dân số thủ đô của chính phủ ta khi cuộc chiến tranh chống Mỹ bắt đầu. Những ngày đầu ở quê, tôi rất tượng mỗi khi thấy hoa gạo nở. Nếu thấy những bông hoa gạo lác đác trên ngọn cao cây gạo cỗi đầu làng Chùa cho tôi cảm giác bình yên của người đi đâu xa được trở về nhà, thì vòm hoa đỏ ối cây gạo sau Quán Táo làng Khê lại cho tôi cảm thấy rờn rợn của sự bí ẩn cổ quái trong những câu chuyện kiếm hiệp mà cha tôi hay kể... Cứ vậy, mùa hoa gạo này sang mùa hoa gạo khác, thành ấn tượng đằm sâu trong trí óc non trẻ của cậu học trò nơi tôi...

Khi lớn khôn hơn, học hành đọc sách, tôi biết thêm hoa gạo là tên dân dã của cư dân đồng bằng, còn người miền núi phía Bắc gọi bằng tên chữ nghe rất gợi là hoa mộc miên, còn người dân Tây Nguyên lại gọi là hoa Pơ-lang. Nhưng đấy cũng chỉ là sự tò mò thú vị mà thôi.
Hoa gạo
đầu làng ngày xưa
cháy đỏ
tuổi thơ cặp sách mũ rơm
dọc đường đến trường
lỗ chỗ hố tránh bom
bất chấp
chiến tranh
cứ bừng bừng sắc lửa.
Sau này, công việc đó đây, mỗi mùa hoa gạo về, sau cảm giác bồi hồi, rạo rực và chút buâng khuâng nhớ những mùa hoa gạo cũ, thay vào đó là cảm xúc thôi thúc tôi lên đường... Và thế là, tôi lại đến những miền hoa gạo xa xôi. Tôi đã từng tần ngần ngắm những vầng hoa gạo soi bóng nước chùa Thầy, và những vầng hoa gạo dọc bờ suối Yến vào chùa Hương, hay ngửa mặt thảng thốt ngắm những bông hoa gạo xoay tròn từ ngọn cao cây gạo cổ thụ cổng chùa Keo Vũ Thư buông mình xuống đất... 
Hoa gạo
trước ngôi cổ tự
từng bông rơi
rơi
thảm đỏ tam quan
hoa trên cây
cành chi chít
cành trơ
chuyện sắc không nhà Phật
bà cụ già
còng lưng
mỏi
nhặt
gom từng chiếc đời
đói no.



Tôi đã từng bổi hổi bồi hồi chiêm ngưỡng những cây gạo với vầng hoa đỏ rực đứng cô đơn bên bờ vực thẳm trên những cung đường cheo leo trên mây lên Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, hay các nẻo đường lên Sơn La, Điện Biên, Lai Châu của núi rừng bao la miền Tây Bắc... Rồi đó, những cây gạo chơ vơ dọc đường Hồ Chí Minh xuyên ngang rừng Cúc Phương ; hay đâu những cây gạo đơn côi ngả bóng mình xuống bến đò sông Mã gần cầu Cẩm Thủy, và dọc bờ đê sông Cầu Chày đường về Lam Kinh... Tôi đã có lần từ ngỡ ngàng đến say đắm chiêm ngưỡng một dòng sông hoa gạo nơi đất biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng,...
Nơi ấy, 
góc biển
ta đã từng qua,
những chóp nhọn nhà thờ
mỗi buổi chiều tà
trầm mặc
những hồi chuông...
Nơi ấy,
có dòng sông hoa gạo
đỏ ối mỗi độ hè sang
dập dềnh
chở nồng nàn ra cửa sóng,
Hoa gạo như một niềm vui, một nỗi ám ảnh mỗi tháng ba. Tôi thấy nó có mặt trong thơ nhiều người, như thế nào thì tôi chẳng rõ. Song trong tôi, năm nào sự có mặt của nó cũng thức dậy trong tôi những tứ thơ, mà tôi hiểu, sẽ không bao giờ là chán,...
Hoa gạo
giăng hàng nỗi nhớ
tháng ba
người xa quê nơi phố
hoa gạo
buông mình
giỏ từng giọt son
nhuộm đỏ sông quê
đâu biết thượng nguồn
bập bềnh
kiếp hồng nhan
ra biển
có chăng cô bé
chèo thuyền mộng
là biết,
có tiếng chuông nhà thờ
có ngọn khói chiều hôm
hoa gạo
vô tình
nhuộm đỏ hoàng hôn.




Đã có lần dở hơi, tôi đi thương cho cây gạo lạc lõng giữa phố thị đông người, mà mỗi tháng ba, vẫn gắng đơm hoa đỏ hết mình
Có một cây gạo phổ
Tháng ba đỏ ối hoa
Giữa phố phường đông đúc,
Ngỡ chạnh lòng người ta,...
Sao về đây, hả gạo
Nhung nhúc dòng chúng sinh,
Kiếp bon chen phố thị
Thôi, cứ đỏ một mình!...

Chẳng thể nào nhớ hết mình đã bao lần bất ngở bắt gặp, để lặng ngắm vào nao lòng trước vẻ đẹp bừng cháy, giản dị và thật cô đơn của hoa gạo !...
Ơi hoa gạo, tự thân như thế, hay vì ta chót yêu thích và say mê ngươi mà gan ghép vậy chăng?





Nhận xét